Những ông Trùm Tài Chính Việt Nam – Nhóm Đông Âu (phần 4)

PHẦN 4: HỌ ĐÃ KIẾM 1 TRIỆU USD ĐẦU TIÊN NHƯ THẾ NÀO?

Tôi muốn các bạn chú ý đến một “thế hệ vàng” của du học sinh Việt Nam tại Liên Xô, họ cùng một lứa, gần như cùng lứa tuổi 67-70 (thậm chí rất nhiều người cùng trường!), đa số biết nhau hết, họ chỉ có một nét chung là “trẻ, có học thức, rất sớm có 1 triệu USD đầu tiên”.

Tôi gọi họ là “những NGA KIỀU MỚI”- Vâng, chính là Đặng Khắc Vỹ (1968), Ngô Chí Dũng (1968), Trần Anh Tuấn (1969), (ba người này cùng học một trường Địa chất Moscow với Phạm Nhật Vượng (1968) , cùng với một số “tuổi trẻ tài cao” khác nữa như Thắng “ỏn” (1968)…), Nguyễn Đức Chi (1968), Nguyễn Cảnh Sơn (1967), vợ chồng Nguyễn Thị Phương Thảo (1970)-Nguyễn Thanh Hùng (1968), Hồ Hùng Anh (1970), Trịnh Thanh Huy (1970)…danh sách này còn có thể kéo dài thêm khá nhiều!

Như các bạn thấy, Phạm Nhật Vượng cũng như Lê Viết Lam (1969) thậm chí bây giờ chưa ở trong danh sách “thế hệ vàng này” và ngay cả ở thời điểm 1990-1995 họ chưa phải là những người Việt giàu nhất ở Nga, nhưng câu chuyện này sẽ kể về NGA KIỀU MỚI và CUỘC GANH ĐUA GIỮA HỌ VỚI NHAU!

Những “Nga kiều mới”- tôi gọi họ như vậy vì họ đã giàu có, biết hưởng thụ, biết tạo dựng uy tín của bản thân và hòa đồng với xã hội kinh doanh của Nga cũng đang thay đổi từng ngày-đã trải qua tuổi niên thiếu vào những năm khắc khổ, thiếu thốn nhất thời bao cấp, thời đó thì Hà Nội của Dũng, Tuấn, Thảo, cũng khổ lắm, chứ chưa nói đến những vùng quê Thanh- Nghệ- Tĩnh như của Huy, Vỹ, Sơn.

Hùng Anh và Huy vào trường kỹ thuật quân sự theo gót cha anh, Sơn là anh cả của bốn anh em (Sơn-Hà-Hùng-Lĩnh)…họ đã học giỏi từ những năm tháng khốc liệt ấy thì tất nhiên ngoài trí tuệ khá sáng láng ra, họ còn có một lý chí tuyệt vời để vượt qua trở ngại!

Đại học mỏ- địa chất Moskva (MGRI) là nơi “xuất anh hùng” của rất nhiều người Việt lứa này! Khởi điểm họ bắt đầu cũng như tất cả các sinh viên VN khác, đó là buôn bán những thứ hàng chính họ mang sang từ quê nhà, có chút tiền họ đi “ôm” lại những mặt hàng như vậy do các đồng hương khác mang sang sau…

Tận dụng việc trường này có khá nhiều sinh viên Ả Rập, Li Băng, châu Phi …sang học (những sinh viên này được nhà nước họ trả học bổng bằng USD) họ gom tiền rúp ra mua lại và bán ra thị trường chợ đen với giá cao hơn-MGRI thành một “ổ buôn đô” từ trước 1990, mặc dù vậy hầu như không có sinh viên nào bỏ học hay bị đuổi, họ vẫn biết tri thức là cần thiết, mặc dù cũng bắt đầu hoài nghi, liệu ngành học mỏ-địa chất này sau đây có hữu dụng cho bản thân không….

Khi sắp ra trường, những sinh viên này có cảm nhận rất nhạy bén rằng 1990 và sau đấy thì việc “buôn xanh”, “buôn vàng” … tuy vẫn có lãi nhưng sẽ còn những thay đổi lớn hơn trên chính trường Nga cũng như thương trường vậy!

Vẫn rất nhớ 1990 Vỹ, Phúc dù đã nổi danh trong giới sinh viên vẫn nhờ các anh lớn dẫn sang “Đôm 5”hồi đó còn là lãnh địa của các nghiên cứu sinh, để xem mặt bác “Trí béo-người kiếm mỗi ngày cả trăm tờ!”Và từ khi đó, tôi đã cảm nhận được lớp trẻ này sẽ không đi theo gương của các đàn anh Trí “béo” (Phạm Thành Trí-1958), Long “le” (Nguyễn Tiến Long-1956)- 2 “cây đa, cây đề” của Matxcơva thời đó hay Hồng “bọ” (lúc đó bác Vũ Văn Hồng- đã nổi danh buôn bán, nhưng chưa có “Bến Thành” hay “Xaliút”)- sự nghiệp kinh doanh của 3 bác này cũng rất hấp dẫn và là một đề tài khác!

Khi “Đôm 5” sập, rất nhiều mất mát xảy ra đối với cộng đồng Việt ở Nga, thậm chí châu Âu, thì họ càng thấy được con đường của các “đàn anh” không dành cho họ! Họ không có quan hệ rộng từ trong nước (như các anh NCS kia, đã có bạn bè khắp Đông u, rồi các VIP cầm thẻ “ngoại giao”, rồi hệ thống đệ tử chân rết trong giới lao động khắp liên bang…) nhưng ngược lại họ trẻ, ngoại ngữ giỏi hơn, hiểu đời sống Nga hơn (chứ không như các “đại ca” kia, chủ yếu sống giữa cộng đồng dân Việt ở Nga) và quan trọng nhất, họ có MÃNH LỰC KIẾM TIỀN hơn tất cả lứa trên!

Họ thành công đầu đời khi còn quá trẻ, còn xa mới đến 30, nhưng họ đã thừa hiểu ở đất nước “sô vanh” như Nga, thì dù có kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa, họ cũng không thể nào là “doanh nhân hạng 1” cả! Và họ đã nghĩ về quê hương Việt Nam …

Bài viết này này lấy thời điểm 1994 là mốc thời gian vì liên quan đến việc Mỹ (Clinton) bỏ cấm vận hoàn toàn vào Việt Nam. Khi đó kinh tế VN bắt đầu khởi sắc, ngoại hối đổ về nhiều, các tập đoàn đa quốc gia nhất là từ Mỹ lục tục nhảy vào Hà Nội và HCM để mở VPĐD, Việt kiều tứ xứ bắt đầu về nhiều hơn hẳn trước!

Theo đó các “Việt kiều Đông Âu” cũng bắt đầu dõi mắt về đất mẹ, tìm kiếm các cơ hội làm ăn ngay tại quê hương. Trong số những người quyết định về nước làm ăn, có một tiến sỹ vật lý lớp đàn anh so với các “đàn em” kể trên, cũng “khiêm tốn” thôi tại thời điểm này, Nguyễn Đăng Quang- 1963…

Quang “phơ” ở nhà học chuyên toán tổng hợp, nhưng sang Bạch Nga học và làm nghiên cứu sinh về lý. Cả chục năm ở thành phố Minsk yên bình cho Quang thấy tuy đây là địa bàn trung chuyển giữa Ba Lan và thủ đô Matxcơva (nhờ đó mà Quang cũng kiếm được thu nhập kha khá), nhưng muốn làm lớn chỉ có ở thủ đô!

Chuyển về đó, phi vụ “đánh quả” khiến Quang “tự hào” nhất là kiếm tiền được từ MMM (sơ đồ lừa đảo đa cấp nổi tiếng nhất Nga thời bấy giờ, một dạng “nước hoa Thanh Hương” – Quang biết vậy nhưng vẫn dũng cảm “ném tiền” vào, làm một “mớ” rồi rút ra kịp thời!). Quang đã rất ấn tượng với các mô hình của Vinh “đen” và nhóm Cotec có mục tiêu cộng lực của người Việt trong và ngoài nước để kinh doanh quốc tế, bản thân trở thành thành viên Cotec và khi gặp hai ông em cùng chí hướng, đều từ nơi xa về thủ đô làm ăn (lại còn bỏ học cả trường quân đội để tập trung kinh doanh!) là Hùng Anh và Huy, 3 anh em đã lập nên nhóm Masan để “dùng Việt Nam đánh Nga”! Quang đã về nước để theo anh Vinh “đen” khởi nghiệp tại VN, và chuẩn bị “đánh Nga” theo sơ đồ của bản thân và anh em Masan định ra…

Thảo “Sovico” đã nổi tiếng từ bên Nga, nhưng ít ai gặp và cũng không xuất hiện nhiều tại các cuộc hội thảo, đưa đón đoàn, các cuộc gặp gỡ của chính khác Nga – Việt Nam như chồng là Hùng “Sovico”.

Một cô gái giọng nói rất nhẹ nhàng, tóc dài và cũng hay mặc áo dài ở Việt Nam mặc dù có thể chỉ là ngày thường chứ không “lễ hội” gì-một nét rất lạ – thế nhưng theo lời đồn thì chính Thảo mới là “tổng đạo diễn” của các hoạt động của Sovico. Sovico khởi điểm khá sớm, có 3 thành viên gồm thêm cả Nguyễn Cảnh Sơn (1972 – em Thảo) – hướng chính là thương mại, xuất nhập khẩu, sau này chủ yếu chỉ có vợ chồng Hùng – Thảo điều hành. Sovico bắt đầu hiện diện ở Việt Nam một cách rất ấn tượng so với thời 9X đó: thuê cả biệt thự rất hoành tráng của bác sỹ thời Pháp Phùng Ngọc Tuệ ở phố Phan Bội Châu, nay đã thuộc quyền quản lý của Ngoại giao đoàn với thời hạn 9 năm làm trụ sở (và cho đến ngày nay, không rõ đã mua lại hẳn chưa…).

Thời cuối những năm 90 giới kinh doanh “cơ chế” ở nhà cứ sôi sục lên về vấn đề “mua nợ” của Việt Nam với CCCP, đâu hơn 100 triệu $, để giải quyết bài toán “ngon ăn” này không cần gì nhiều ngoài quan hệ cực tốt với Bộ Tài chính của cả 2 nước, các bạn hãy đoán thử xem cuối cùng ai giành được “cục nợ” này nhé! Từ thời đó đã có không ít con em các sếp công an, bộ đội…sang học ở Moscow dưới sự dìu dắt, thậm chí được cấp học bổng của Sovico!

Sơn “cá rán” (Nguyễn Cảnh Sơn – 1967) lại có con đường đi khác, để hiểu về Sơn phải hiểu từ “làm hải quan” ở Nga! Phải hiểu rằng ở nền kinh tế khập khiễng như Liên Xô sau khi tan rã, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng hầu hết đình trệ hoặc phá sản vì không chịu nổi sức ép cạnh tranh, thì để đáp ứng nhu cầu của dân, chủ yếu tầng lớp lao động và trung lưu, phải có các “chợ” hay các “ốp”, ở các chỗ tập trung này người ta buôn bán sỉ và lẻ mọi mặt hàng tiêu dùng, hợp với túi tiền của dân lao động… Chợ Cherkizov (“chợ Vòm”) khởi điểm chỉ là mấy container được dùng làm kiôt bán hàng từ thời 91, sau vài năm được mấy tay chủ Cty ATC người Do thái miền núi (горские евреи) biến thành tụ điểm buôn bán có lẽ lớn nhất thế giới! Anh Lê Ngọc Hường (1960, Thanh Hóa) từ một lái xe, do “nhanh nhẹn, được việc” đã được mấy chú đầu đen trẻ tuổi tài cao này thuê để kéo bà con Việt vào chợ bán hàng, rồi sau này thành quản lý “chợ” luôn, và dần dần trở thành một trong những doanh nhân “đông tiền”, nhất là tiền mặt, nổi tiếng nhất ở Nga! Và việc đưa hàng hóa từ bất kỳ điểm nào, dù là Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Trung Quốc, Việt Nam đến được chợ Vòm, vượt qua hàng nghìn km với đủ các loại hải quan, công an, maphia… được gọi là “làm hải quan”! Tôi đã gặp vài người, khoe mình là người “sáng tạo” ra nghề “hải quan” ở Nga, thật khó xác định patent thuộc về ai, nhưng nêu ra những người có tên tuổi ở “ngành” này tại Nga thì rất dễ! Nghề này có mấy tiêu chí: nhanh (thời gian quyết định rất nhiều, hàng đến chậm, mẫu mã lạc hậu có khi chỉ một buổi thôi là “thua”), an toàn (tất nhiên, hàng mất, bị tịch thu, hỏng hóc…thì phải “đền”!) và giá cả (giá lên xuống rất mạnh, phụ thuộc thời điểm – tức là Nga có nới lỏng hay siết chặt – cũng phụ thuộc cả vào giá vận tải và sự cạnh tranh của các “đồng nghiệp”). Và địa chỉ duy nhất của nghề “hải quan” đó là mang hàng về chợ Vòm, bất kể đi bằng gì, đường nào, có giấy tờ gì hay không! (rồi hàng hóa sẽ tỏa đi khắp nơi, khắp các tỉnh, các vùng!).

Đầu tiên phải nói đến Nguyễn Đức Chi (Nghệ An-1968). Chi giỏi văn nhưng thi vào an ninh, to cao và nói năng rất có tính thuyết phục. Chi cùng với mấy người bạn cùng lứa (Liêu, Hòa, Minh…) quyết tâm là “hải quan”, lấy tên Cty là “DHL” để Tây, ta gì đều hiểu về việc “nhanh và uy tín”. Từ đó Chi có biệt danh Chi “Liêu” hoặc Chi “hải quan”! Chi là người rất quyết đoán, thậm chí liều, quá liều, nhưng lại rất sáng tạo trong cái nghề cần sáng tạo này.

Một loạt ý tưởng đi đầu của Chi chắc nhiều đồng nghiệp thậm chí chẳng bao giờ tin là có thể: thuê máy bay quân sự bay qua Tàu chở hàng về, hạ cánh cũng ở sân bay quân sự để tránh làm thủ tục, thuê cả đoàn tàu hỏa để chở hàng, đưa cả đoàn cả trăm xe TIR vào rừng để tránh công an khi có “động”… danh tiếng Chi và DHL lên như diều, có những ngày Chi và cộng sự kiếm được hàng trăm ngàn USD (bà con Việt chỉ cần đếm đầu xe về chợ Vòm là nhẩm được ra thu nhập của công ty “hải quan”). Chi cũng đi đầu trong việc khai thác khách Trung Quốc, và sau này khách TQ có nhiều hơn cả bà con Việt! Nhưng Chi sống và làm việc kiểu “anh em” quá, nên dù ông bạn Liêu có giúp đỡ rất nhiều trong việc tổ chức công việc, thì làm ăn vẫn rất cảm tính, khác hẳn với Sơn “cá rán”!

Sơn nổi trước cả Chi nhưng làm “hải quan” sau, ngay từ đầu đã xác định xây dựng mô hình tổ chức công việc rất bài bản, nhịp nhàng, chú trọng đến xây dựng đội ngũ, Cty T&M Trans ra đời khá sớm và có chi nhánh ở Hà Nội, HCM, nhiều thành phố lớn bên Trung Quốc và các cảng đầu mối của Nga.

Thường đi sau Chi là người ít hơn mình 1 tuổi trong các “chiêu trò” làm “hải quan”, Sơn lại có khả năng hơn Chi ở việc duy trì quan hệ với đối tác “Tây” và khai thác tối đa các cơ hội có thể. Về độ “liều” thì Chi và Sơn tương đương, tức là liều lắm, sẵn sàng nhận của khách hàng vài trăm “công” hàng khi “hải quan” đang tắc, cứ nhận đã rồi tìm cách gửi sau! Khách hàng đã chấp nhận gửi hàng qua các công ty “hải quan” thì thường không phải là dân nghèo rồi, không có tiền triệu $ thì chí ít cũng vài trăm ngàn $, tuy vậy đã “chọn mặt gửi vàng” qua Cty “hải quan” nào để gửi rồi thì chỉ biết cầu trời cho hàng về kịp, an toàn mà thôi! Thế nên nhiều lúc T&M bị dân kiện nhiều lắm, không đòi được đền bù vì mất hàng bên Nga thì nhiều khách hàng về Việt Nam làm đơn kiện đích danh Sơn lên BCA, lôi cả báo chí vào cuộc, thế mà Sơn “dập” được hết, chứng tỏ quan hệ của mấy anh em Sơn ở nhà từ những năm 90 đã rất vững (hay là quan hệ đã nảy sinh qua việc xử lý chính những vụ kiện tụng này?). Về lâu về dài T&M vẫn tồn tại vượt thời gian…

Về “hải quan” cũng nên nhớ tới Nam “Ngân” – một cổ đông của VPBank đời đầu. Sau khi về nước, Tuấn “chợ” ngoài việc tham gia VPBank còn tham gia liên doanh taxi VIP và tự đầu tư một nhà máy giày dép khá lớn so với thời điểm đó, nằm ngay trong khuôn viên Giày Thượng đình, có lúc số công nhân lên đến 7 ngàn. Tuấn cũng định tận dụng “đòn bẩy tài chính” qua VPBank, nhưng đấu đá nội bộ ngân hàng quá dữ, sau khi một số “ông anh” TGĐ và cổ đông bị bắt tạm giam, Tuấn cũng ngấp nghé chân ở cửa ngục, suốt ngày bị “cơ quan” gọi lên thẩm tra. Nhưng thực ra tiền của Tuấn “chợ” trong ngân hàng này thuộc loại “tươi” nhất, nên thoát, tuy vậy các dự án nói trên coi như thất bại, lại bắt đầu thời gian rất khó khăn đối với Tuấn! Cũng lúc đó thì 2 cổ đông VPBank đành “bật bãi” quay lại chiến trường Nga, là Tiến “Kristal” quay sang lập “ốp Tôgi” ở Moscow khá thành công, còn Nam “Ngân” sang cùng mấy người bạn mở công ty hải quan NTK. Tuy NTK ra đời sau nhưng Nam cũng là người rất sáng tạo, và một thời gần như độc chiếm đường đưa hàng Trung Quốc về Nga qua Urumqi, kiếm lại tiền cực nhanh! Sau này NTK còn tiếp tục làm “hải quan” lâu, và khác các công ty khác ở chỗ đầu tư mua lại của quân đội Nga mấy chục toa “chở tên lửa” (ракетовоз) – rất tiện cho việc chở hàng nhẹ nhưng cồng kềnh, và cho Đường sắt Nga thuê lại để chở hàng!

Chuyện về “chợ Vòm” và việc liên quan đến bà con ta, Tây, TQ buôn bán xoay quanh nó có thể kể rất nhiều, cũng như “hải quan” – quá thấm thía đối với những người từng trải. Chỉ nói lại ngắn gọn cho ACE chưa biết Nga và “chợ Vòm”: trên đường đến chợ Vòm dù bạn đi đường nào, bằng gì, ô tô riêng, xe khách liên tỉnh hay đi metro bạn đều có thể bị công an “tóm”, dù có giấy tờ đầy đủ hay không, lục soát và lấy tất cả tiền nong bạn có! Nếu bạn chở hàng đến hoặc đi khỏi chợ Vòm, hàng hóa của bạn có thể bị cướp bởi công an hay maphia chẳng thiếu gì lý do. Mỗi container ở chợ Vòm có giá vài chục hay hàng trăm ngàn USD, chưa kể tiền thuê hàng tháng vài ngàn phải trả chủ chợ, đến mức dân ta nói “hãy cho tôi biết bạn có “công” dãy nào, số mấy, tôi sẽ biết ngay bạn giàu hay nghèo!”. Thậm chí nhiều lúc bạn không thể mang được tiền từ chợ về nhà, phải dùng tới dịch vụ chuyển tiền chả khác nào gứi sang nước ngoài. Trong cái chợ vĩ đại ấy bạn có thể sống luôn tại đó, có đầy đủ các dịch vụ, có thể kiếm tiền rất tốt và cũng có thể chết ngay tại đây! Xin để những người từng trải kể thêm, riêng tôi trước đây hay đến chợ Vòm để ăn, có rất nhiều món hơi khó tìm trong thành phố, ví dụ mỳ lạnh kiểu Hàn Quốc hay tiết canh lợn!

Những năm 96-97 “ hải quan” có vẻ tắc, tiền mất giá… mà đang sẵn tiền, Chi “Liêu” được mấy ông bạn rủ về Việt Nam đầu tư. Khoản đầu tư nhỏ nhất và có vẻ thành công nhất là cùng mấy người góp vốn đầu tư cho nhạc sỹ Phú Quang dựng quán cafe ca nhạc – tạp kỹ “Catina” nằm trên đường Đồng Khởi, q.1 HCM, thuộc loại quán “xịn” thời đó, được mấy năm. Phi vụ thứ hai là xây tòa nhà tại phố Ngọc Khánh – Hà Nội, có Cosmos Bowling ở tầng trên cùng (hồi đó bowling đang mốt, mới có Super Bow ở HCM của liên doanh quân đội với Kiên ACB)-thất bại não nề chắc vì quản lý kém hơn vì ý tưởng kinh doanh. Đến vụ đầu tư thứ ba thì ý tưởng khá đi trước thời đại, Chi triển khai dự án khu du lịch “Rusalka” ở vị trí đẹp nhất trên bãi biển Nha Trang với sự ủng hộ của tỉnh Khánh Hòa và Bộ KH-ĐT… con đường đau khổ của Chi bắt đầu từ đó!Sơn “cá rán” đi con đường khác hẳn. Ngoài việc đầu tư vào ngân hàng, Sơn bắt tay vào xây dựng Me Linh Plaza – một trung tâm buôn bán đồ nội thất và vật liệu xây dựng, tọa lạc trên trục đường Thăng Long-Nội Bài, quy mô rất đồ sộ so với thời điểm đó! Thực ra mô hình này ở các nước đã tồn tại từ bao đời rồi, nhưng ở nước ta thì quá mới, thói quen mua sắm các mặt hàng ấy là đi gần, ra Cát Linh hay Hàm Long… chưa kể trên mặt đường đó có mấy nhà xưởng của đại gia Dũng “VIT”, rất quy mô bài bản nhưng xem chừng hoạt động èo uột, nên nhiều người ban đầu rất nghi ngờ vào thành công của Mê Linh Plaza, mà đúng là mấy năm đầu thì nó vắng khách, thậm chí không lấp đầy hết diện tích bán hàng thật! Nhưng “thức lâu mới biết đêm dài” – anh em Sơn vẫn liên tục quảng cáo cho Mê Linh Plaza, cũng như đưa vào đời sống xây dựng khái niệm mới: cửa sổ nhựa Eurowindow-cũng là thứ nước khác đã biết đến từ lâu. Và 2 thương hiệu mạnh này cho đến bây giờ đã có chỗ đứng như thế nào trong đời sống và có biết bao nhiêu người bắt chước thì ai cũng đã thấy!

Tuy vậy thời sau 2000 thì tin tức “chấn động” trong giới làm ăn bên Nga mà ít người ở nhà để ý lại là việc Sovico của Hùng – Thảo đàm phán, và sau mấy năm mới mua lại thành công Furama từ đối tác nước ngoài, phải nhớ rằng Furama là resort xứng tầm 5 sao duy nhất của Việt Nam vào thời điểm đó, nằm trên “bãi biển đẹp nhất hành tinh” Đà Nẵng – Hội An! Việc này khác hẳn việc trước kia Sovico đã làm ở Việt Nam, kiểu như nhập U-oát về bán cho công an, bộ đội…

Đó không chỉ là vấn đề có tiền để đầu tư, mà đó chính là TẦM NHÌN…!

Tác giả: Nam Nguyên/Sách Đông Âu Anh Hùng Truyện

Phần 1: Những người mở đường Phần 2: (1984-1994) Tuổi trẻ sau cách mạng Phần 3: Lập thân, Tề Gia,...(1994-2004)

Từ khóa » đông âu Anh Hùng Truyện Tiki