Những ông Vua Bù Nhìn - Báo Bình Phước
Có thể bạn quan tâm
BP - Năm 1556, Lê Trung Tông mất không có con nối dõi. Dòng đích của Lê Thái Tổ không còn người kế vị. Phụ chính nhà hậu Lê là Trịnh Kiểm bèn chọn Lê Duy Bang lên ngôi, tức là Lê Anh Tông. Thời kỳ Lê Anh Tông làm vua, nhà Lê chỉ kiểm soát địa bàn từ Thanh Hóa trở vào Nam. Phía Bắc là vùng đất thuộc nhà Mạc kiểm soát. Lê Anh Tông có tên thật là Lê Duy Bang, là vị vua thứ 3 của thời Lê trung hưng. Trong thời kỳ này, quyền hành của các chúa Trịnh tăng lên rất nhiều. Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh giành quyền bính. Trịnh Cối thất bại phải sang hàng nhà Mạc.
Năm 1572, thấy quyền hành Trịnh Tùng lớn quá, Lê Cập Đệ bàn mưu với Lê Anh Tông mưu trừ khử Tùng để lấy lại quyền bính cho nhà Lê. Kế hoạch bại lộ, Cập Đệ bị đao phủ của Trịnh Tùng giết chết. Lê Anh Tông bỏ hành cung chạy trốn cùng 4 người con trai lớn ra Nghệ An. Năm 1573, Trịnh Tùng đưa con trai thứ năm còn nhỏ tuổi của ông là Lê Duy Đàm lên ngôi vua và sai quân về Nghệ An bắt vua Lê Anh Tông. Vua bị đưa về triều giám sát ngày đêm và bức chết. Khi đó ông 42 tuổi, ở ngôi được 17 năm.
Lê Kính Tông có tên húy Lê Duy Tân, là vị vua thứ 5 của thời Lê trung hưng. Ông lên ngôi khi mới 11 tuổi. Vào lúc này, chính quyền nhà Lê đã trở thành bù nhìn, mọi quyền hành thực sự nằm trong tay chúa Trịnh. Ông nội của Kính Tông là Lê Anh Tông bị sát hại vì chống lại Trịnh Tùng. Từ năm 1600, Trịnh Tùng đã cơ bản dẹp được nhà Mạc ở miền Bắc, mâu thuẫn mới nổi lên giữa họ Trịnh và họ Nguyễn khi Nguyễn Hoàng tự ý bỏ vào vùng Thuận - Quảng. Nhân cơ hội này, tàn dư nhà họ Mạc lại nổi lên. Trong tình hình đó, vào năm 1619, Lê Kính Tông cùng Trịnh Xuân mưu giết chết Trịnh Tùng để giành lại địa vị. Nhưng kế hoạch thất bại, Trịnh Xuân bị tống vào ngục còn nhà vua bị bức thắt cổ chết.
Lê Duy Phường (1709-1735) là vị vua thứ 12 của thời Lê trung hưng. Ông là cháu ngoại chúa Trịnh Cương - người nắm thực quyền khi đó, nên ông đã có nhiều hậu thuẫn để lên ngôi vua năm 1729, khi 21 tuổi với niên hiệu Vĩnh Khánh. Vì thế, vào tháng 10-1729, Trịnh Cương mất, con là Trịnh Giang lên nối ngôi. Cũng như các đời trước, việc triều chính do Trịnh Giang định đoạt, vua Vĩnh Khánh không có thực quyền. Trịnh Giang còn muốn thay đổi ngôi vua do Trịnh Cương đã sắp đặt để ra oai với thiên hạ.
Năm 1731, thượng hoàng Lê Dụ Tông qua đời. Năm 1732, vua Vĩnh Khánh bị ép ra ở cung riêng. Những thứ cho vua dùng đều bị Trịnh Giang xén bớt đi. Về việc này, sách Lê sử tục biên chép là do nhà vua hoang dâm càn rỡ không kiêng kị gì, chúa Trịnh chưa nỡ phế, chỉ đưa ra ở cung riêng. Nhưng tính xấu vẫn chưa bỏ được lại tư thông với phi tần của Trịnh Cương, nên các đại thần cùng nhau liên danh xin phế truất nhà vua. Tháng 8-1732, Trịnh Giang vu cho vua Vĩnh Khánh tư thông với vợ Trịnh Cương, rồi phế bỏ ông làm Hôn Đức Công, phế thái hậu Trịnh Ngọc Trang làm Quận quân; lập con trưởng của Dụ Tông (anh cả của Duy Phường) là Lê Duy Tường lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông. Duy Phường bị dời đến một ngôi nhà ở bên ngoài, lúc đó ông 24 tuổi. Tháng 9-1735, Trịnh Giang sai người thắt cổ giết chết ông.
Lời bàn:
Thời kỳ hậu Lê ở nước ta bao gồm cả 2 giai đoạn và được gọi là Lê sơ và Lê trung hưng. Thời kỳ Lê sơ kéo dài 100 năm, bắt đầu từ khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên làm vua, lập ra triều đại mới và kết thúc khi quyền thần Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê Cung Hoàng lập ra nhà Mạc. Thời kỳ Lê trung hưng kéo dài 256 năm, bắt đầu từ khi Thượng tướng quân Nguyễn Kim lập Lê Duy Ninh lên ngôi, tức Lê Trang Tông tại Ai Lao để khôi phục nhà hậu Lê và kết thúc khi Lê Chiêu Thống chạy sang lưu vong ở nhà Thanh. Các hoàng đế nhà Lê thời trung hưng đều mất thực quyền, chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Các vua Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông đều là vua thiếu niên và mất sớm. Các vua Thế Tông, Thần Tông, Dụ Tông, Hy Tông, Thuần Tông và nhất là Hiển Tông (Cảnh Hưng) sau này là những ông vua “khoanh tay rủ áo” nói cách khác là “vua bù nhìn”, tức là làm vua nhưng không có thực quyền. Mọi quyền hành trong triều từ đối nội đến đối ngoại, thậm chí là việc công chúa lấy chồng, hoàng tử lấy vợ cũng đều do các chúa Trịnh quyết định.
Theo sử sách thì các chúa Trịnh cầm quyền từ năm 1545-1786, tổng cộng 241 năm với 11 đời chúa. Nếu kể cả Trịnh Cối và Trịnh Cán là có 13 chúa. Tại sao các chúa Trịnh có được ngôi vị “phi đế phi bá” như vậy? Đó là vì sự nhu nhược hèn yếu của các vua Lê thời trung hưng. Những ông vua này chấp nhận sống chung với họ Trịnh để mong được tồn tại. Họ Trịnh suy tàn bắt đầu từ thời Trịnh Giang lên nắm quyền hành. Trịnh Giang ăn chơi trác tán, giết vua này, lập vua kia, tư thông với cung nữ của cha, xây dựng nhiều chùa chiền làm hao tổn sức dân. Tiếp đó là Trịnh Sâm kiêu căng ngạo mạn, ăn chơi xa xỉ, sửa sang phép tắc bừa bãi, đố kị người hiền. Và điều gì đến sẽ phải đến. Đó là cơ ngơi của họ Trịnh trượt dốc nhanh chóng, Trịnh Khải phải dùng dao cắt cổ tự tử. Thế mới hay rằng, giành quyền lực đã khó, giữ được càng khó hơn và cao hơn nữa là nếu quyền lực ấy không phục vụ lợi ích của nhân dân thì có cố mấy cũng không thể giữ được. Đây là điều hậu thế không được phép quên.
N.D
Từ khóa » Bù Nhìn Là Ai
-
Chính Phủ Bù Nhìn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bù Nhìn - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "bù Nhìn" - Là Gì?
-
Lịch Sử Của Bù Nhìn Là Gì?
-
Bù Nhìn Là Gì - Định Nghĩa Của Từ Bù Nhìn Trong Từ Điển Lạc Việt
-
Chính Phủ Bù Nhìn - Wiki Là Gì
-
Định Nghĩa Của Từ Bù Nhìn Trong Từ Điển Lạc Việt
-
Nghĩa Của Từ Bù Nhìn - Từ điển Việt
-
Bù Nhìn Là Gì? | - Cộng đồng Tri Thức & Giáo Dục
-
Bù Nhìn Trông Dưa - Diễn Viên đóng Thế
-
Nghệ Nhân Làm Bù Nhìn ở Shikoku, Nhật Bản - BBC News Tiếng Việt
-
Từ Chính Phủ Bù Nhìn Là Gì - Tra Cứu Từ điển Tiếng Việt