Điều thú vị về loài dơi Nói về lý do chọn nghiên cứu dơi, đối với Khánh Linh đây là cơ duyên khi được các thầy hướng dẫn truyền cảm hứng cho nhóm nghiên cứu. Từ khi tìm hiểu về dơi, nhóm phát hiện thêm nhiều điều thú vịvề loài thú mà trước đây, mỗi lần nhắc đến thì cả nhóm và rất nhiều người đều có ấn tượng rằng chúng là loài vật có hình thù rất xấu xí và chuyên hút máu. Tuy nhiên, dơi rất đa dạng về kích thước, màu sắc và rất nhiều loại hiện đang sống gần chúng ta, giúp con người tiêu diệt côn trùng gây hại, thụ phấn cây trồng và đóng nhiều vai trò quan trọng khác. Về khía cạnh khoa học, theo thông tin Thảo Anh cung cấp, Việt Nam là một trong những điểm nóng đa dạng sinh học và đặc biệt, bộ Dơi (Chiroptera) là bộ thú đa dạng nhất với hơn 120 loài tính tới thời điểm hiện tại. Trong thành phần 120 loài dơi được biết ở Việt Nam hiện nay, các loài thuộc giống Cynopterus và Taphozous gặp phổ biến ở nhiều hệ sinh thái khác nhau, phân bố rộng ở nước ta và các nước khác thuộc châu Á, có vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, hai giống dơi này còn ít được nghiên cứu, một số loài có vị trí phân loại chưa chắc chắn do thiếu dẫn liệu về sinh học phân tử và tiếng kêu siêu âm. Đặc biệt, chưa có công bố chính thức nào về tập tính tiếng kêu siêu âm của loài Taphozous thebaldi. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu lựa chọn đề tài nghiên cứu về các loài dơi thuộc hai giống Cynopterus và Taphozous ở Việt Nam với mục tiêu: xác định tính đa dạng và vị trí phân loại của các loài dơi thuộc giống Cynopterus và Taphozous căn cứ vào đặc điểm hình thái, tiếng kêu siêu âm và di truyền phân tử; nghiên cứu đặc điểm tiếng kêu siêu âm của các loài dơi bao đuôi thuộc giống Taphozous. Những khó khăn khi lấy mẫu làm nghiên cứu Vì Khánh Linh và Thảo Anh nghiên cứu hai đối tượng dơi khác nhau nên quá trình điều tra thực địa hai bạn thực hiện ở địa điểm và thời gian khác nhau. Thảo Anh tham gia thực địa tại đảo Lý Sơn, Quảng Nam; còn Khánh Linh thực địa tại Lạng Sơn, Cát Bà. Để thu mẫu, các bạn cùng đoàn thực địa đi quan sát trước địa điểm thu mẫu, sau đó lên kế hoạch đặt lưới. Lưới được căng lên khoảng 17h30 trước thời gian dơi bay đi kiếm ăn, mở đến khoảng 21h30; đặt ngang các lối mòn, các tán cây ở rừng, trong sân vuông góc với hướng bay của dơi. Mỗi cá thể dơi bị mắc vào bẫy sẽ được gỡ ra, cho vào trong một túi vải, sau đó tiến hành gắn nhãn, đo các chỉ số hình thái ngoài và chụp ảnh. Một số được giữ lại làm mẫu nghiên cứu, một số được thả ngay sau khi ghi nhận các thông tin cơ bản. Tổng cộng đã thu và phân tích được 72 mẫu dơi quả thuộc giống Cynopterus và 71 mẫu thuộc giống Taphozous, 68 files tiếng kêu siêu âm và 56 trình tự di truyền. Quá trình thực địa, từ công đoạn lắp đặt dụng cụ đến thu và đo mẫu, các bạn đều được thầy và chuyên gia hướng dẫn để trực tiếp thực hiện. May mắn hơn nữa khi khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN từng tổ chức thực tập thiên nhiên cho sinh viên, giúp các bạn có thể hiểu biết và kinh nghiệm về thực địa ở rừng, khiến nhóm không gặp bỡ ngỡ, khó khăn trong quá trình thực địa thu mẫu. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng gồm phân tích di truyền phân tử, ghi và phân tích tiếng kêu siêu âm và phân tích thống kê.Với phương pháp phân tích di truyền phân tử, nhóm lấy ra từ phần mô cơ ở ngựccủa các cá thể dơi mẫu tách chiết DNA. Việc tách chiết DNA này được thực hiện theo phương pháp của Sambrook (2001); DNA tổng số được kiểm tra bằng phương pháp điện di trên gel agarose, nhuộm bằng floro safe, 1X loading buffer và soi dưới đèn UV. Để phân tích tiếng kêu siêu âm của Taphozous, nhóm ghi lại tiếng kêu của chúng ở vị trí quan sát dơi bay trong môi trường sống tự nhiên của mỗi loài và khi thả những cá thể mắc lưới. Để phát hiện và ghi những tiếng kêu có chất lượng cao, nhóm sử dụng phần mềm Batman và phần mềm Selena để xử lý tiếng kêu siêu âm. Với phương pháp phân tích thống kê, số liệu được xử lý và phân tích trong phần mềm PAST ver.3 với Phân tích Thành phần Chính.Các đặc điểm tiếng kêu siêu âm giữa các loài được phân tích và so sánh bằng kiểm định Krushal – Wallice trong Excel version 2013. Một số kết quả thú vị Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đã đưa ra kết quả có sự khác biệt với những công trình trước đây ở một số mặt. Bằng việc kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, nhóm đưa ra kết luận đặc điểm di truyền phân tử chứng minh đặc điểm hình thái nhận diện của một số loài Dơi chó thuộc Cynopterus sphinx đã công bố trước đây không xác đáng; xây dựng được bộ dẫn liệu về đặc điểm tiếng kêu siêu âm của các loài dơi bao đuôi ở Việt Nam, trong đó, có dẫn liệu đầu tiên về tập tính tiếng kêu siêu âm của loài Dơi bao đuôi đen Taphozous theobaldi trên thế giới;phát hiện một taxon mới thuộc giống Dơi bao đuôi(Taphozous) khác biệt với tất cả những loài đã công bố trên thế giới về đặc điểm hình thái, tiếng kêu siêu âm và di truyền phân tử. Để đến được kết quả nghiên cứu cuối cùng này, nhóm cũng gặp phải những khó khăn riêng. Khó khăn lớn nhất là khi bắt tay vào xử lý mẫu, các bạn phải xử lý sọ dơi. Quá trình làm sạch sọ đòi hỏi sự tỉ mỉ vì xương sọ rất mỏng và dễ vỡ. Thời gian đầu do chưa quen cách làm, nhóm mất nhiều thời gian để xử lý một chiếc sọ, thậm chí đã từng làm vỡ xương. Khi thành thạo hơn thì công việc mới diễn ra nhanh hơn. Bên cạnh khó khăn trong xử lý mẫu, toàn bộ quá trình nghiên cứu cũng vất vả do đối tượng nghiên cứu là một loài dơi ít được thế giới cũng như Việt Nam tìm hiểu nên khi phân tích và so sánh kết quả, nhóm tác giả gặp tương đối nhiều trở ngại. Tuy nhiên, nhờ sự sát cánh của các thầy hướng dẫn từ việc lên ý tưởng đề tài, thu thập mẫu, xử lý mẫu đến việc tìm kiếm, tập hợp tài liệu tham khảo, các bạn đã vượt qua khó khăn dễ dàng hơn. Đặc biệt, các thầy luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhóm, tạo điều kiện để các bạn trực tiếp tham gia vào tất cả các bước thực hiện một NCKH. Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp những phát hiện mới cho khoa học về tính đa dạng của các loài dơi nói riêng, đa dạng sinh học nói chung. Sự kết hợp hiệu quả phương pháp nghiên cứu truyền thống với hiện đại mở ra hướng nghiên cứu có tính khả thi và triển vọng về đa dạng sinh học ở Việt Nam với độ chính xác cao; góp phần quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở bậc đại học và sau đại học; cung cấp cơ sở khoa học quan trọng đối với công tác đánh giá hiện trạng và bảo tồn những loài động vật quý hiếm hoặc đặc hữu. Kết quả nghiên cứu về tiếng kêu siêu âm có ý nghĩa thiết thực và quan trọng đối với công tác giám sát tình trạng bảo tồn; góp phần phát hiện những loài mới cho Việt Nam hoặc khoa học. Về những kiến thức mà quá trình NCKH mang lại, nhóm cho rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để các bạn thực hành, kiểm chứng và đào sâu những kiến thức đã học ở Trường ĐHKHTN, tiếp thu kiến thức chuyên môn mới, trau dồi khả năng ngôn ngữ trong thời gian làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, khi được trực tiếp tham gia, hai bạn tiếp thu được kinh nghiệm cho bản thân trong nghiên cứu nói riêng và cuộc sống nói chung. Trước lo âu của nhiều nữ sinh thích Sinh học nhưng sợ những khó khăn của ngành không phù hợp với nữ giới,Khánh Linh cho rằng, bất cứ nghề nào cũng có vất vả, gian truân dù là nam hay nữ. Hơn nữa, ngành Sinh học không hề khó với nữ giới như mọi người vẫn nghĩ. “Vì vậy, nếu bạn thực sự có đam mê với nghề, hãy phấn đấu và sống hết mình với nó”, Linh chia sẻ. >>>>> Các tin bài liên quan: - Nhóm sinh viên đầu tiên nghiên cứu về người song tính - Nhóm tác giả Trần Như Thuật và giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học |