Những Phim Hay Nhất Trong Năm 2020 | Báo Dân Trí
Có thể bạn quan tâm
Khi nhìn lại năm 2020, giới làm phim quốc tế đều phải sửng sốt trước sự biến đổi quá lớn, quá nhanh chóng xảy ra trong nền công nghiệp làm phim. Liệu đây sẽ là sự khởi đầu cho một bước ngoặt hay chỉ là một sự biến động nhất thời do hoàn cảnh và rồi "đâu sẽ lại về đấy"?
Đại dịch Covid-19 đã khiến các rạp chiếu phim tại nhiều quốc gia trên thế giới phải đóng cửa như một biện pháp hỗ trợ phòng dịch. Sau đó, dù các rạp chiếu được mở cửa trở lại thì lượng người xem vẫn sụt giảm thấy rõ.
Năm 2020 đã đưa người xem tới với những trải nghiệm mới trong lĩnh vực điện ảnh, người ta ở nhà xem phim trực tuyến nhiều hơn, nhiều người ngại ra rạp. Nhưng tình trạng này liệu có kéo dài lâu, liệu khán giả có thể nào hoàn toàn quên lãng sức hấp dẫn của trải nghiệm xem phim ngoài rạp?
Dù tương lai của nền công nghiệp điện ảnh là gì, năm 2020 vẫn làm thay đổi nhiều định nghĩa về một bộ phim điện ảnh. Sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức xem phim trực tuyến đã xóa nhòa ranh giới giữa tivi và điện ảnh, khiến nhiều người quên đi trải nghiệm ngồi trong rạp chiếu và chuyển sang thích thú ngồi trong nhà mình để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh.
Trải nghiệm xem phim tại nhà có những điều thuận tiện nhất định, nhưng những trải nghiệm mạnh mẽ nhất, ấn tượng nhất trước một tác phẩm điện ảnh, chắc chắn không thể phủ nhận, phải diễn ra trước màn ảnh rộng và ở ngoài rạp chiếu.
Trong phòng chiếu gồm toàn những người xa lạ hoặc có bạn bè, người thân đi cùng ra rạp xem phim, chúng ta có được những xúc cảm phấn chấn không thể nào có được nếu không ở trong rạp chiếu. Hy vọng rằng trong tương lai gần, người yêu điện ảnh trên khắp thế giới lại có thể thoải mái tận hưởng trải nghiệm này.
"First Cow" (tạm dịch: Chú bò đầu tiên)
Bộ phim điện ảnh của Mỹ, đạo diễn bởi Kelly Reichardt được chuyển thể dựa trên một cuốn tiểu thuyết. Phim đã dự tranh giải Gấu Vàng tại LHP Berlin. Phim nhận được nhiều sự khen ngợi của giới phê bình.
Bộ phim cảm động và có phần buồn bã này lấy bối cảnh bang Oregon, Mỹ, hồi thập niên 1820, phim kể về tình bạn giữa hai người đàn ông đang đi tìm miền đất hứa - Cookie Figowitz (John Magaro) và King Lu (Orion Lee). Hai con người này gặp nhau rồi cùng thử lập nên một kế hoạch buôn bán đồ ăn nho nhỏ, nhưng ngay lập tức họ gặp phải nhiều khó khăn, thử thách.
Phim rất được chăm chút về mặt tiết tấu và hình ảnh, "First Cow" kể một câu chuyện cảm động và buồn bã về tình bạn, đặt giữa bối cảnh "một thế giới mới" đầy hứa hẹn, gọi mời người ta tìm tới để khai phá, làm giàu, nhưng đằng sau đó có những thực tế rất nghiệt ngã, những đắng cay và những hứa hẹn ảo tưởng vụn vỡ trước thực tế.
"Lovers Rock" (tạm dịch: Điểm tựa của cặp tình nhân)
Bộ phim tình cảm lãng mạn của đạo diễn người Anh Steve McQueen kể về một cặp tình nhân lần đầu gặp nhau tại một bữa tiệc với bối cảnh là London (Anh) hồi thập niên 1980.
"Lovers Rock" nằm trong chùm 5 bộ phim có tiêu đề chung là "Small Axe" do đạo diễn McQueen thực hiện để nói về cuộc sống của người da đen tại Anh trong các thập niên từ 1960 - 1980, khi ấy, những biến động về văn hóa - xã hội đang xảy ra. Trong sê-ri phim điện ảnh này, "Lovers Rock" được đánh giá là bộ phim ấn tượng nhất của đạo diễn McQueen.
Thoạt tiên, bộ phim này những tưởng không có gì nhiều để nói, bởi nó đơn giản chỉ nói về một bữa tiệc tổ chức tại một gia đình với chuyện phim chứa đựng nhiều cảnh khiêu vũ, tán tỉnh, chuyện trò, cười đùa của các nhân vật... Nhưng đó lại chính là mấu chốt của bộ phim.
Đạo diễn McQueen đã đưa lại một không gian an toàn và biệt lập, được những người da đen tạo ra và chăm chút để dành cho những người da đen, tất cả họ đều không thể bước vào những hộp đêm vốn chỉ chào đón người da trắng ở thời điểm bấy giờ.
Bộ phim kể về một cộng đồng người da đen tìm kiếm niềm vui và sự giao lưu trong những cuộc tụ họp như vậy, những sự kiện rất cần thiết cho đời sống tinh thần của họ nhưng để tổ chức được thì không đơn giản.
"The Nest" (tạm dịch: Tổ ấm)
Bộ phim giật gân của đạo diễn người Canada - Sean Durkin lấy bối cảnh không gian trong một tòa lâu đài. "The Nest" cũng lấy bối cảnh nước Anh hồi thập niên 1980, chuyện phim xoay quanh một gia đình mới phất lên, bầu không khí bao phủ cả chuyện phim, cả tòa lâu đài, là sự kinh hãi, ghê sợ không thể nào chạy thoát nổi, bầu không khí ấy nghiền nát từng thành viên trong gia đình.
Gia đình được khắc họa trong bộ phim vừa mới trở nên giàu có, nhưng điều này đã làm nảy sinh lòng tham và những đổ vỡ tình cảm. Hai diễn viên Jude Law và Carrie Coon đã nhập vai hoàn hảo một cặp đôi mới giàu, họ liền chuyển vào ở trong một lâu đài cổ và rồi sau đó phải chật vật để duy trì phong cách sống tốn kém đầy mới mẻ với họ.
Đạo diễn Durkin đã khiến cho bối cảnh không gian ngôi nhà trở thành thù địch đối với những người sống trong đó, khiến ngôi nhà trở thành một thực thể sống động và ma quái, trong đó, một bóng ma ghê rợn lởn vởn bao trùm lên cả gia đình, bóng ma ấy là ẩn dụ của những tham vọng tiền tài.
Dù bộ phim tập trung vào các nhân vật, nhưng đạo diễn Durkin còn đẩy mạnh việc sử dụng âm thanh trong phim khiến phim mang phong cách kinh dị, những tiếng cọt kẹt, rì rầm trong ngôi nhà đều được kịch tính hóa để phản ánh nội tâm của cặp vợ chồng chủ nhà đang sống trong nỗi sợ hãi về tương lai của chính họ.
"I'm Thinking of Ending Things" (tạm dịch: Tôi đang nghĩ sẽ kết thúc mọi chuyện)
Bộ phim tâm lý giật gân của Mỹ được đạo diễn bởi Charlie Kaufman, chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên. Bộ phim lạ lùng này khiến người xem tự hỏi mình có đang mơ hay không, bởi cả bầu không khí bao trùm toàn bộ phim đầy chất mộng mị.
Bộ phim thoạt tiên xoay quanh một cô gái trẻ chuẩn bị đi gặp cha mẹ của bạn trai lần đầu tiên. Nhưng cuộc gặp gỡ trở nên chệch choạc, u buồn, những nhịp thời gian lúc kéo dài lê thê khi lại vụt thoáng qua khiến cả người xem và nhân vật chính cảm thấy thật khó khẳng định rằng liệu mối quan hệ giữa hai người là thực sự tồn tại hay chỉ hoàn toàn được tạo nên từ những hình dung.
Đây là một bộ phim đưa lại trải nghiệm thú vị và có nhiều thách đố đối với người xem, cảm nhận về phim sẽ còn ở lại với người xem suốt một khoảng thời gian sau khi xem.
"Mank"
Bộ phim tiểu sử của Mỹ kể về biên kịch Herman J. Mankiewicz và quá trình phát triển kịch bản cho bộ phim kinh điển "Citizen Kane" (1941). Phim được đạo diễn bởi David Fincher dựa trên kịch bản được viết ra bởi người cha quá cố của đạo diễn - ông Jack Fincher hồi thập niên 1990.
"Mank" là bộ phim được chờ đợi từ lâu bởi đạo diễn David Fincher thực tế đã có tham vọng thực hiện bộ phim này từ hồi thập niên 1990, có thể hiểu đó là dự án đeo đẳng ông trong suốt sự nghiệp làm phim của mình.
Phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình trong cách khắc họa hành trình vật vã để biên kịch Herman J. Mankiewicz sáng tạo ra được kịch bản của phim "Citizen Kane".
Trong phim, đạo diễn David Fincher cũng khắc họa về thời đại vàng ở Hollywood, khi kinh đô điện ảnh thực sự là một nơi của những ý tưởng sáng tạo, những tài năng đáng nể, cùng hoạt động dưới sự vận hành của những ông trùm "máu lạnh".
Bộ phim mang phong cách làm phim quen thuộc của đạo diễn Fincher, đó là sự hòa trộn của lạc quan và chua xót, đạo diễn Fincher đã kể câu chuyện về một con người tài năng, sau cùng đã đánh thức thành công những giá trị tiềm ẩn trong con người mình.
"Nomadland" (tạm dịch: Miền đất của những người du mục)
Bộ phim điện ảnh của Mỹ do nữ đạo diễn người Trung Quốc - Chlóe Zhao dàn dựng, cô cũng chính là biên kịch và nhà sản xuất của phim. Phim được chuyển thể dựa trên tác phẩm xuất bản hồi năm 2017 của nữ nhà văn người Mỹ - Jessica Bruder. Chuyện phim xoay quanh một người phụ nữ rời xa thị trấn nhỏ nơi cô sinh sống để đi du lịch vòng quanh miền tây nước Mỹ.
Phim đã giành được giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice và còn giành được những giải thưởng đáng kể khác tại một số liên hoan phim quốc tế. Phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi, đặc biệt là lời khen dành cho năng lực biên kịch và dàn dựng của đạo diễn Zhao cũng như diễn xuất của nữ chính Frances McDormand.
Trong 3 bộ phim khởi đầu sự nghiệp đạo diễn của mình, nữ đạo diễn Zhao đã làm phim kể về cuộc sống của những người Mỹ có cảm giác như tồn tại bên rìa của dòng chảy đời sống. Họ là những con người đang định hình cho sự tồn tại của mình ở nơi miền Tây đương đại. "Nomadland" là bộ phim hiện được nhắc tới nhiều nhất trong chùm 3 bộ phim của nữ đạo diễn Chlóe Zhao.
Bộ phim có một ê-kíp nhỏ, một dàn diễn viên gồm nhiều diễn viên không chuyên được dẫn dắt bởi nữ chính Frances McDormand. Bà vào vai Fern, một người phụ nữ sống trong xe tải sau khi rơi vào cảnh khó khăn kinh tế, Fern sống nay đây mai đó và luôn kiếm tìm sự tự do.
Đạo diễn Zhao đã khắc họa những thất vọng về đời sống thực tế sau khi mơ ước vụn vỡ, những bi kịch ấy được đặt bên cạnh những khung cảnh đẹp đẽ ngoạn mục của cảnh vật, trong khi đó, nhân vật nữ chính - Fern theo đuổi một cuộc sống không vận hành bởi sự kiếm tìm thành công, danh vọng hay tiền tài.
"Bacurau" (tạm dịch: Cú muỗi)
Bộ phim của hai đạo diễn người Brazil - Kleber Mendonça Filho và Juliano Dornelles xoay quanh thị trấn nhỏ giả tưởng Bacurau ở Brazil, nơi đây bỗng xảy ra nhiều sự việc lạ lùng sau cái chết của một bà chúa ở tuổi 94. Bộ phim pha trộn chất phim miền viễn Tây cộng thêm yếu tố giật gân.
Phim từng được lựa chọn để tranh tài ở hạng mục Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes và sau đó đã giành được giải của ban giám khảo. "Baucrau" là một bộ phim vừa khiến người ta cảm thấy vừa hài hước, vừa kinh sợ, phim luân chuyển từ cảnh bạo lực dữ dội sang cảnh hài hước dí dỏm rồi chuyển sang tình tiết kịch tính rất đột ngột.
"Tenet"
Bộ phim hành động giật gân khoa học viễn tưởng được biên kịch và đạo diễn bởi Christopher Nolan. Chuyện phim xoay quanh một điệp viên (nam diễn viên John David Washington) khi người đàn ông này đang thao túng dòng chảy thời gian để ngăn Thế chiến III xảy ra.
Đạo diễn Nolan đã dành ra hơn 5 năm để viết kịch bản sau khi nghiền ngẫm những ý tưởng chính xoay quanh bộ phim này trong suốt hơn một thập kỷ. Phim thu về 362 triệu USD từ phòng vé toàn cầu và là phim có doanh thu cao thứ 4 trong năm 2020.
Dù vậy, so với kinh phí sản xuất và kinh phí quảng bá, nhà phân phối vẫn thiệt hại vào khoảng 100 triệu USD. Đây là một trong những dự án phim đình đám nhất năm và cũng là một bộ phim thách thức trí não người xem.
"Never Rarely Sometimes Always" (tạm dịch: Không bao giờ, hiếm khi, đôi khi, luôn luôn)
Bộ phim được biên kịch và dàn dựng bởi nữ đạo diễn người Mỹ - Eliza Hittman. Phim từng được lựa chọn để tranh tài ở hạng mục Gấu Vàng tại LHP Berlin, sau cùng phim đã nhận được giải Gấu Bạc do ban giám khảo trao tặng. Bộ phim nhận được nhiều đánh giá tích cực của giới phê bình.
Nữ nhân vật chính của phim - cô gái 17 tuổi có tên Autumn (Sidney Flanigan) đang muốn phá thai, bởi đây là việc nằm ngoài mọi dự định tương lai của cô. Nhưng để làm được điều đó, nữ đạo diễn Hittman sẽ cho thấy Autumn phải vượt qua những khó khăn, khốn khổ như thế nào.
Nữ đạo diễn sẽ khắc họa từng chi tiết nhỏ trong chuyến hành trình khổ sở của cô gái trẻ, đó là một bộ phim tĩnh lặng, buồn bã, suy sụp nói về tình yêu, khổ đau và sự hiểu lầm.
Từ khóa » Top Phim Hay Năm 2020
-
Phim Hay 2020 Chiếu Rạp Gây ấn Tượng - MoMo
-
18 Bộ Phim 2020 "Bom Tấn" Hay Nhất Không Thể Bỏ Lỡ - POPS
-
Top 15+ Phim Chiếu Rạp Hay Năm 2020 được đánh Giá Cao Nhất - VOH
-
Top 19 Phim Trung Quốc Hay Nhất 2020 đốn Gục Tín đồ Mê Phim
-
Top 10 Bộ Phim Chiếu Rạp Hay Và đáng Xem Nhất Trong Năm 2020
-
[2022] Top 60 Phim Hay: Âu Mỹ, Trung, Hàn Siêu Hot, Mới Nhất ...
-
Top 40 Phim Khoa Học Viễn Tưởng Hay Bùng Nổ Nhất Năm 2022
-
Top 10 Bộ Phim Được Xem Nhiều Nhất 2020 - YouTube
-
Top 10 Phim điện ảnh được Tìm Kiếm Nhiều Nhất Trên Google 2020
-
Top 10 Phim Hành động đáng Xem Nhất Năm 2020
-
Điểm Danh 10 Bộ Phim Trung Quốc Hay Nhất 2020 | ELLE
-
10 Bộ Phim Bom Tấn đã được Phát Hành Trong Năm 2020 Và 2021 ...
-
Top 10 Phim Lẻ Hay 2020 Bạn Không Thể Bỏ Lỡ
-
Top 10 Bộ Phim Hay Nhất Của 2020 | Tin Tức