Những Phương Thuốc Lạ Từ Rắn Hổ Chúa - Công An Nhân Dân

Người ta tin máu, mật, cốt thịt của rắn hổ chúa giúp yếu thành mạnh, chữa bệnh nan y nên đổ xô vào việc ăn thịt, uống máu, nuốt mật, ngâm rượu chúng! Dẫu hung dữ, dẫu sở hữu nọc độc tử thần và dẫu là loài có kích cỡ, chiều dài khủng nhất trong họ rắn hổ nhưng điều đó không giúp được rắn hổ mang chúa được yên thân. Mà trái lại, chính những cái sự khủng kia đã khiến chúng bị người ta, từ cánh phường săn đến những quý ông lắm tiền "săn" ráo riết. Kẻ săn để bán được tiền, người săn được đem rắn chúa ngâm rượu trưng bày khoe mẽ trong tư gia hay để dành tẩm bổ.

Rắn hổ chúa có phải là cứu cánh cho bệnh nhân ung thư hay người bị chứng bất lực, điều ấy các chuyên gia đã nói nhiều và đúc kết bằng khuyến cáo có bệnh thì nên đến bệnh viện để được chữa trị. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến những bài thuốc lạ được cổ nhân tin dùng và được các y văn ghi chép hẳn hoi, ngõ hầu để bạn đọc biết rõ hơn bức tranh toàn cảnh của loài linh vật trong năm con rắn này!

Theo Sách đỏ Việt Nam, rắn hổ chúa hay rắn hổ mang chúa là loài rắn độc có kích cỡ lớn, là loài có khả năng bạnh cổ, trên đầu có 2 tấm vảy chấm lớn, lưng rắn trưởng thành có màu vàng lục hay nâu, chiều dài có thể lên đến 5m. Sách đỏ Việt Nam ghi rằng, rắn hổ chúa sống ở vùng Trung du và miền núi, ẩn trú trong những hang dưới gốc cây lớn hay thân cây gỗ trong rừng bên bờ suối, đôi khi cả ở những nơi đất trống trải.

Hổ mang chúa là loài leo cây và bơi rất giỏi, chúng kiếm ăn cả ban ngày lẫn ban đêm, là loài rắn độc dữ tợn nhất, chủ động tấn công người, đặc biệt trong trường hợp đang canh giữ ổ trứng hoặc bị trêu chọc. Sách đỏ Việt Nam cũng ghi chú do độc tính trong nọc rắn hổ mang chúa cao, nên người bị "chúa tể máu lạnh" cắn sẽ chết sau đó nửa giờ.

Những phương thuốc lạ kỳ và nhân chứng sống

Xà hoàng là một trong những phương thuốc được Đông y liệt vào dạng Cổ tích biệt danh. Đây là dịch chất vàng ở trong bụng loài rắn to lớn (rắn hổ chúa) có tính lạnh, không độc, dùng chữa chứng đau tim, đi đái són (đau rắt), đàn bà khó đẻ. Sách cổ ghi rằng ai bị những chứng bệnh này chỉ cần nấu nghiền uống một chút sẽ cảm nhận được sự thần hiệu.

Không những thế, thứ dịch vàng trong bụng rắn khổng lồ còn có công hiệu chủ trị chứng trúng phong không nói được hay người lú lẫn, hay quên, nhất là trẻ con khóc đêm và những người bị chứng đờm và nhiệt phát ra hàng trăm thứ bệnh. Ngoài ra còn có xà giác là sừng của loài rắn lớn, có độc, dùng chữa được những chỗ sưng đau và giải được mọi thứ độc mà các thầy thuốc xưa ghi chú "dùng độc để trị độc".

Trên hành trình kiếm tìm những phương thuốc lạ từ các loài rắn hổ mang, đặc biệt là rắn hổ chúa, chúng tôi được lương y Trần Minh (quận 5, TP HCM) kể cho nghe một số bài thuốc được cha ông ta dùng qua hàng trăm năm có tên gọi "xà thoái" (xác rắn lột da), ngoài ra còn có hơn chục tên gọi khác như long y, xà thoái bì, xà phù, long tử y…

"Xà thoái khí bình, vị hàn, không độc, dùng trị chứng trẻ con bị chứng xà đản (lè lưỡi lắc đầu), hay chứng điên cuồng, chứng chân tay co rút. Ngoài ra, xà thoái còn được dùng để trị các chứng bệnh hủi (cùi)" - lương y Trần Minh, cho biết.

Muốn sử dụng xác rắn làm thuốc, y văn từ xưa ghi rõ phải lấy xác nguyên con ở trên đá, phải là xác rắn trắng như bạc đem về chôn xuống đất một đêm rồi dùng giấm tẩm, sau đó nướng khô mà dùng. "Người bị lở đã lâu ngày cứ chảy nước mủ, dùng nó đốt cháy mà rắc vào là khỏi. Nó lại chữa được những chứng trẻ con kinh phong, có thể nói được một trăm hai mươi giống kinh phong nó đều chữa được, và trừ được các ác khí".

Da rắn lột cùng đá, cỏ nơi khu vực rắn hổ chúa sinh sống đã được người xưa dùng làm thuốc chữa bệnh hiệu nghiệm.

Không dừng lại ở đó, xác rắn cũng được một số y văn ghi chữa được người bị chứng sốt rét báng lâu ngày không khỏi: "Dùng nó nhét vào hai bên lỗ tai, đồng thời trong thì uống nước muối đun sôi, chốc lát sẽ thổ ra đờm rãi là khỏi".

Bên cạnh những bài thuốc cổ kể trên, cha ông chúng ta còn biết sử dụng nhiều phương thuốc khác từ loài rắn, đặc biệt là rắn hổ chúa khổng lồ. Nhưng 2 vị thuốc kỳ lạ nhất mà chúng tôi biết được chính là xà hàm thạch và xà hàm thảo.

"Xà hàm thạch có nghĩa đá rắn ngậm và xà hàm thảo là thứ cây cỏ mà loài hổ chúa ngậm uống nước đọng từ sương đêm. Đây là 2 vị thuốc bí truyền mà người dân tộc vùng cao, nhất là đồng bào ở núi rừng Tây Nguyên, nơi có nhiều rắn hổ chúa sinh sống sử dụng. Tôi từng may mắn nhờ bài thuốc chế từ thứ cỏ rắn hổ chúa ngậm mà thoát khỏi bi kịch chết trong đau đớn vì bị rắn cạp nong cắn lúc đi rừng tại huyện Tánh Linh, Bình Thuận".

Đấy là chia sẻ của ông Nguyễn, ngụ phường Long Bình, quận 9, một bạn đọc của Chuyên đề ANTG. Ông Nguyễn năm nay ngoài 60, các con cháu của ông nhiều người thành đạt giữ chức này chức kia nên ông không muốn chuyện kể của mình vì lý do gì đó gây phiền hà cho con cháu, nên ông đề nghị chúng tôi đừng nêu đích danh ông. "Hồi trai trẻ, do cuộc sống khó khăn nên tôi theo các toán thợ sơn tràng lên rừng săn thú. Năm 28 tuổi, lúc rong ruổi trong rừng Tánh Linh tôi giẫm phải con rắn chàm quạp đang lúc ấp trứng nên bị nó điên cuồng phóng tới phập răng vào bắp đùi. Đi giữa rừng mà bị rắn cắn coi như xui tận mạng. Dù được bạn đi cùng sơ cứu, dùng dây garô thắt chặt rồi kê miệng hút nọc độc nhưng tôi biết khó tránh khỏi cái chết thảm" - ông Nguyễn kể lại sự việc!

Nếu con rắn cắn ở tay thì chuyện khá đơn giản, dân sơn tràng như ông Nguyễn chỉ việc chặt tay tháo khớp, đằng này nó cắn ngay đùi nên giải pháp tháo khớp chẳng khả quan. "May cho tôi là đang lúc các bạn sơn tràng tìm cách sơ cứu, đắp thuốc mang theo nhưng chẳng thể ngăn chặn nọc độc, vết cắn ngay đùi tôi sưng phù, như muốn nổ tung thì có một người dân tộc Chơro đi rừng biết chuyện liền ra tay chữa trị. Anh ta hỏi khu vực con rắn nằm ổ rồi tới đó bứt một nhúm cỏ nghiền nát rồi đổ xác lẫn nước cốt lên vết thương. Thần hiệu làm sao, chỉ sau 2 giờ đồng hồ, vết thương xẹp xuống, sự đau nhức 10 phần giảm xuống còn 2-3. Đúng là phép mầu".

Từ cái lần được cứu mạng giữa rừng ấy, ông Nguyễn được ân nhân bật mí rằng, thứ lá mà anh ta dùng để cứu mạng sống của ông là lá mà rắn hổ chúa ngậm. Theo đó, rắn hổ chúa có đặc tính uống nước sương đọng trên loại cỏ lá mảnh, tiết diện cỡ ngón tay cái người lớn. Khi uống nó ngậm nguyên lá cỏ vào miệng và lá cỏ ấy có khả năng hóa giải nọc độc của không chỉ rắn hổ chúa mà cả các loài rắn độc khác.

"Từ lời kể của ân nhân, tôi mới biết rắn hổ chúa còn được gọi bằng tên "ông ba bước". Tên này có 2 ý, thứ nhất là người bị rắn hổ chúa cắn nếu không được sơ cứu kịp thời thì bước không quá 3 bước chân tính mạng đã nguy cấp. Thứ nhì là khi bị rắn hổ chúa cắn, chỉ cần bước tới bước lui, sang trái hoặc sang phải trong phạm vi 3 bước chân, thấy thứ cỏ nào thì bứt lấy vò nát hay giã lấy nước đổ lên vết thương sẽ khỏi".

Tưởng hoang đường nhưng… hiệu nghiệm!

Chuyện ông Nguyễn kể nghe qua tưởng hoang đường nhưng khi được tiếp cận với một số lương y cũng như đọc ghi chép trong y văn cổ, chúng tôi mới biết chuyện khó tin kia có thật.

Trong cuốn “Dược tính chỉ nam”, Đông y sĩ Hạnh Lâm - Nguyễn Văn Minh có nhắc đến cái tên "xà hàm thảo" với chú giải “lá cây có rắn ngậm” và kể cụ thể điển tích liên quan đến thứ "cỏ mãng xà" này: "Ngày xưa có một người làm ruộng trông thấy con rắn bị thương nằm đấy rồi lại thấy con rắn khác ngậm cỏ để vào chỗ đau, ngày mai con rắn đau đã thấy khỏi bò đi được chỗ khác. Nhân đấy ông ta mới dùng thứ cỏ ấy đem về giã lấy nước cốt rịt vào chỗ rắn rết cắn, hay là ong độc đốt đều thấy hiệu nghiệm. Cho nên về sau người ta thấy hay dùng nhiều, mới đặt tên cho nó là xà hàm thảo… Nó lại còn chữa được vết thương bị đứt chân tay, hay là chứng lở đầu, chứng ác sang (các chứng ghẻ lở sưng tấy, đau ngứa, chảy nước vàng), chứng đan độc sưng đau (nơi mắc bệnh có từng mảng sưng đỏ gồ cao hơn bình thường, gần nơi đau nổi hạch kèm rét run, sốt cao)”.

Cùng với xà hàm thảo, y văn còn đề cập đến vị thuốc lạ không kém thứ cỏ mà rắn hổ chúa ngậm, đó là xà hàm thạch, là đá rắn ngậm: "Về mùa đông rắn nằm yên ở dưới đất, không ăn uống gì gọi là nó ăn chay. Trong khi ấy nó ngậm một hòn đất. Rồi sang đến mùa xuân thì nó bỏ đất đã ngậm mà đi chỗ khác, đất ấy gọi là xà hàm thạch, lại một tên nữa là xà hoàng".

Đông y phân tích khí vị của xà hàm thạch, như sau: "Tính lạnh, vị cam, không độc". Muốn dùng thứ đất đá mà mãng xà vương ngậm, người ta phải dùng than lửa đốt cho đỏ rồi bỏ vào giấm, sau đó tán thành bột nhỏ và bỏ vào nước lã phi lọc kỹ rồi dùng: "Phương thuốc này chữa được chứng đau tim hay chứng thi chú, cũng là chứng thạch lâm (bụng dưới căng cứng, một bên thắt lưng đau quặn lan xuống bụng dưới và bộ phận sinh dục, tiểu tiện khó hoặc ngắt quãng, đau buốt khó ra, có khi nước tiểu lẫn sỏi cát, nước tiểu màu vàng đục, có khi ra máu), cứu được người khó đẻ, hoặc là chứng trẻ con kinh gián".

Nhân "năm mãng xà", chia sẻ với bạn đọc những bài thuốc cổ kỳ lạ mà hiệu nghiệm liên quan đến các loài rắn hổ, đặc biệt là rắn hổ chúa, chúng tôi chẳng có tham vọng gì ngoài việc ôn lại những kinh nghiệm chữa trị của cha ông. Trong điều kiện hiện nay, dẫu y học phát triển vượt bậc thì những bài thuốc trên trong chừng mực nào đó vẫn còn giữ nguyên giá trị, đặc biệt tại những vùng sâu vùng xa, nơi mà dịch vụ y tế hãy còn quá xa vời, người dân vẫn phải trông cậy vào những phương thuốc bí truyền của cha ông để chữa trị, cứu người!

Từ khóa » Tim Rắn Hổ Mang Có Tác Dụng Gì