Những Sáng Tạo Của Hồ Chí Minh Về Xây Dựng Đảng Cộng Sản Việt ...
Có thể bạn quan tâm
07:26 12/05/2020
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nhiều di sản quý báu, trong đó có những tư tưởng, quan điểm sáng tạo về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, và chính Người đã trực tiếp sáng lập, rèn luyện, tổ chức, lãnh đạo, xây dựng Đảng, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”. Những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh về đảng cộng sản nói chung, về Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, có nguồn gốc lý luận từ học thuyết Mác-Lênin về đảng cộng sản. Do vậy, muốn tìm hiểu thấu đáo những sáng tạo của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, trước nhất, theo tác giả, cần khái lược những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về đảng cộng sản.- V.I.Lênin với cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Những vấn đề đặt ra và giải pháp đối với công tác phát triển đảng viên ở nông thôn hiện nay
- Thực trạng và giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước
Trong quá trình hoạt động cách mạng, tổng kết thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nghiên cứu lý luận đến những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chuyển hẳn từ quan điểm duy tâm sang quan điểm duy vật, từ lập trường dân chủ sang lập trường cộng sản. Hai ông đã xây dựng hoàn chỉnh học thuyết của mình (chủ nghĩa Mác), đã chứng minh một cách khoa học sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản, giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội; phát hiện và chứng minh một cách khoa học sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Đó là, giai cấp có sứ mệnh đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội... C.Mác, Ph.Ăngghen và các cộng sự của mình đã tích cực đưa chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân để kiểm nghiệm, khẳng định, bổ sung và phát triển. Cũng từ đó, tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về đảng cộng sản và xây dựng đảng được hình thành, phát triển hoàn chỉnh. Hai ông cũng khẳng định và chứng minh, giai cấp công nhân muốn thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình phải có đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng cộng sản là người lãnh đạo, người dẫn đường giai cấp công nhân lật đổ chế độ tư bản, bọn áp bức, bóc lột, lãnh đạo tổ chức xây dựng xã hội mới. Hai ông đã mong muốn hiện thực hóa tư tưởng về đảng cộng sản của mình và chú ý đến Liên đoàn những người chính nghĩa. C.Mác, Ph.Ăngghen đã trực tiếp tham gia và lãnh đạo Liên đoàn, áp dụng những tư tưởng về đảng cộng sản vào việc cải tổ tổ chức này thành đảng cộng sản đầu tiên trên thế giới của giai cấp công nhân với tên gọi là “Liên đoàn những người cộng sản”(1847-1852).
Tư tưởng cơ bản của C.Mác và Ph.Ăngghen về đảng cộng sản độc lập của giai cấp công nhân:
* Đảng cộng sản ra đời là tất yếu: Cũng như các chính đảng khác, sự ra đời của đảng cộng sản là tất yếu, do yêu cầu lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản và các thế lực áp bức, bóc lột khác. Đảng cộng sản ra đời không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của một cá nhân, lực lượng nào.
* Quy luật ra đời của đảng cộng sản: Đảng cộng sản ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân.
* Bản chất của đảng cộng sản: Đảng cộng sản là chính đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân.
* Đảng cộng sản là nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân.
* Chức năng của đảng cộng sản: C.Mác, Ph.Ăngghen đã luận giải và chỉ rõ, đảng cộng sản ra đời, hoạt động và phát triển là để lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Đây là lý do ra đời, hoạt động và phát triển của đảng, là chức năng của đảng.
* Xây dựng đảng về chính trị: C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, xây dựng đảng về chính trị, gồm xây dựng cương lĩnh và đường lối chính trị đúng đắn của đảng; lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi cương lĩnh và đường lối chính trị; nâng cao phẩm chất chính trị của đội ngũ đảng viên; củng cố, nâng cao uy tín chính trị của đảng trong nhân dân và trên trường quốc tế, nâng cao vai trò lãnh đạo chính trị của đảng.
* Xây dựng đảng về tư tưởng: Xây dựng đảng về tư tưởng, tức là củng cố vững chắc, phát triển nền tảng tư tưởng trong hoạt động của đảng, làm cho nền tảng tư tưởng của đảng chiếm ưu thế trong xã hội, trở thành động lực phát triển xã hội; xây dựng và tăng cường sự thống nhất tư tưởng chính trị trong đảng; tăng cường đấu tranh tư tưởng lý luận, chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại đảng và cách mạng của các thế lực thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị trong các tổ chức đảng và đảng viên.
* Xây dựng đảng về tổ chức và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của đảng cộng sản:
C.Mác, Ph.Ăngghen đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản về xây dựng tổ chức và hoạt động của đảng cộng sản. Những nguyên tắc này được thể hiện tập trung ở Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản và Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế thứ nhất), bao gồm: Đảng phải được xây dựng và hoạt động theo tinh thần của nguyên tắc tập trung dân chủ; hệ thống tổ chức của đảng được xây dựng từ chi bộ đến ban chấp hành trung ương, đại hội đảng; chỉ ra những đặc trưng của đảng viên, tiêu chuẩn đảng viên và điều kiện kết nạp đảng viên; tăng cường kết nạp đảng viên và đưa những người không xứng đáng với đảng ra khỏi đảng; đảng là một khối đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức; liên hệ mật thiết với quần chúng là sức mạnh và sự sống còn của đảng; đấu tranh kiên quyết không khoan nhượng với chủ nghĩa cơ hội, bè phái; đảng phải thường xuyên tự phê bình và phê bình; vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ của đảng; chi bộ là nền tảng của đảng, hạt nhân chính trị trong các hiệp hội công nhân trong công xưởng, nhà máy; tăng cường công tác bảo vệ đảng.
Những nguyên lý đảng kiểu mới của V.I.Lênin
Từ hoàn cảnh lịch sử cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và thực tiễn xây dựng Đảng Bôn-sê-vich Nga, Lênin đã kế thừa và phát triển sáng tạo những tư tưởng của Mác-Ăgghen, hình thành nên những nguyên lý đảng kiểu mới:
* Chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của đảng cộng sản.
* Đảng cộng sản là đội tiên phong chính trị có tổ chức và là đội ngũ có tổ chức chặt chẽ nhất, cách mạng nhất và giác ngộ nhất của giai cấp công nhân.
* Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của đảng.
* Đoàn kết thống nhất là sức mạnh vô địch của đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của đảng.
* Gắn bó mật thiết với nhân dân, đấu tranh kiên quyết ngăn chặn và loại trừ bệnh quan liêu.
* Đảng kết nạp những nguời ưu tú của giai cấp công nhân, nhân dân lao động vào đảng, kịp thời đưa những người không đủ tiêu chuẩn đảng viên ra khỏi đảng.
* Khi có chính quyền, đảng là hạt nhân lãnh đạo chuyên chính vô sản và là một bộ phận của hệ thống đó.
* Tính quốc tế của đảng cộng sản.
Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác-Lênin về đảng cộng sản vào điều kiên cụ thể của Việt Nam, xây dựng thành công một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Được sự sáng lập, giáo dục rèn luyện của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng lớn mạnh, lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tư tưởng của Người về Đảng Cộng sản, gồm:
* Đảng cộng sản là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng.
Ở tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mệnh “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Với trí tuệ thiên tài, cùng với sự từng trải, khảo nghiệm trong thực tiễn, Người viết: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt…Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam". "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin" .
Thực hiện tư tưởng này, chính Hồ Chí Minh đã trực tiếp chủ trì hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam, việc thành lập Đảng thể hiện sự sáng tạo của Người, đó là: đã chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho sự ra đời của Đảng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân, thành lập tổ chức tiền thân của Đảng "Hội An Nam Thanh niên Cách mạng do chúng tôi tổ chức từ năm 1925…là quả trứng, mà từ đó, nở ra con chim non cộng sản".
* Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước
Quy luật ra đời của đảng cộng sản đã được chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra là chủ nghĩa xã hội khoa học kết hợp với phong trào công nhân. Tuy nhiên, đối với Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, phong trào yêu nước phát triển rộng rãi, trước tình hình đó, bằng sự nhạy cảm chính trị, Hồ Chí Minh đã đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, làm cho cả hai phong trào này chuyển biến về chất, từ đó dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau này, Người viết: “Chủ nghĩa Mác- Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”. Như vậy, Hồ Chí Minh đã bổ sung quy luật ra đời của đảng cộng sản yếu tố thứ ba là phong trào yêu nước.
* Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam
Như chúng ta đã biết, nguyên lý chung, đảng cộng sản là đảng của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân. Kế thừa, vận dụng, phát triển nguyên lý chung đó, Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong dũng cảm và bộ tham mưu sáng suốt của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam". Như vậy, nét độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh là một mặt không sa rời bản chất giai cấp công nhân của Đảng, mặt khác đã mở rộng thành phần xã hội của Đảng, thu hút những quần chúng ưu tú thuộc các giai tầng khác tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, tạo ra sức mạnh to lớn cho Đảng, điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và truyền thống dân tộc Việt Nam. Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, không có nghĩa là toàn thể đảng viên của Đảng phải xuất thân từ giai cấp công nhân, mà điều cốt lõi là tư tưởng của Đảng, đường lối của Đảng phải là tư tưởng, đường lối của chủ nghĩa Mác-Lênin. Vì vậy, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh, phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng thời được vào Đảng".
* Đảng Cộng sản Việt Nam phải được xây dựng theo các nguyên lý đảng kiểu mới của giai cấp công nhân
Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo những nguyên lý đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác-Lênin vào xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện ở những vấn đề cơ bản sau:
- Về nguyên tắc tập trung dân chủ: Vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển quan niệm, bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ. "Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể. Khi đã quyết định rồi, thì phân phối công tác phải rạch ròi, giao cho một hoặc mấy đồng chí phụ trách làm đến nơi đến chốn". Mở rộng nội hàm nguyên tắc tập trung dân chủ: Thiểu số phục tùng đa số; cá nhân phục tùng tổ chức; cấp dưới phục tùng cấp trên; các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách…
- Về tự phê bình và phê bình: Trong bản Di chúc, Người căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là việc cần thực hiện thường xuyên, hàng ngày của mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên “như rửa mặt hàng ngày”, việc tự phê bình và phê bình là nêu ưu điểm, chỉ rõ khuyết điểm để giúp nhau phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, để cùng nhau tiến bộ, tự phê bình và phê bình phải đúng lúc, đúng cách, phải tôn trọng lẫn nhau…
- Về đoàn kết thống nhất trong Đảng: Đây là nét sáng tạo đặc sắc trong tư tưởng của Người, Người chỉ rõ: "Đảng ta là Đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin…Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ, đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí". Trong Đảng phải có sự đoàn kết nhất trí, làm hạt nhân đoàn kết toàn dân tộc và nhân rộng ra là đoàn kết quốc tế, vì vậy, Người kêu gọi: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết". Đảng có đoàn kết thực sự thì mới tạo nên sức mạnh, mới đủ năng lực lãnh đạo cách mạng đến thành công "Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công". Trước lúc từ biệt thế giới này, Người không quên căn dặn chúng ta: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"… Như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ nhận thức sâu sắc, vận dụng sáng tạo, mà còn phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin về đoàn kết thống nhất, đó là sự kết hợp, quyện chặt giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với truyền thống văn hóa đoàn kết của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
- Về cán bộ và công tác cán bộ: Đề cập đến vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ, Hồ Chí Minh khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém" . Và: "Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng".
Theo Hồ Chí Minh, trong công tác cán bộ phải thực sự công tâm, khách quan, phải khéo dùng cán bộ, rèn luyện, dạy dỗ cán bộ, vì công việc mà chọn người, phải biết thương yêu cán bộ đúng cách; cần trách các căn bệnh thích dùng người thân, bạn bè, cục bộ, không nên cất nhắc cán bộ như giã gạo, “một người làm quan cả họ được nhờ”…
Trong công tác cán bộ cần phải thực hành tốt các vấn đề cơ bản sau:
"Hiểu biết cán bộ
Khéo dùng cán bộ
Cất nhắc cán bộ
Thương yêu cán bộ
Phê bình cán bộ".
- Về tổ chức cơ sở đảng: Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề củng cố tổ chức, xây dựng Đảng từ cơ sở, vì chính tổ chức cơ sở đảng, chi bộ là nơi lãnh đạo các hoạt động ở cơ sở, là hạt nhân lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị và các mặt hoạt động ở cơ sở, nơi giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, là môi trường để đảng viên phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành và phát triển, nơi gắn bó máu thịt với nhân dân, là nền tảng của Đảng, do vậy, Người chỉ rõ: "Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt". "Chi bộ là gốc rễ của Đảng…Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt". "Mỗi chi bộ của Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí truệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương, theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương".
- Về xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ bàn về đạo đức cách mạng, dày công rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, và, chính Người là tấm gương sáng thực hành đạo đức cách mạng như “Lòng sông gương sáng bụi không mờ”. Theo Người, cán bộ, đảng viên phải có cả đức lẫn tài, “vừa hồng”, “vừa chuyên”, giữa đức và tài thì đức là gốc, là nền tảng: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Đạo đức cách mạng là: Trung với nước, hiếu với dân; nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Tóm lại, Hồ Chí Minh đã quán triệt nghiêm túc, vận dụng triệt để, kế thừa chọn lọc, sáng tạo và phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về đảng cộng sản phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, đã sáng lập, rèn luyện, xây dựng thành công Đảng Cộng sản Việt Nam-một đảng cách mạng, chân chính, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, xứng đáng là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành, vận dụng sáng tạo và luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, nhờ vậy, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Và, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb.Chính trị quốc gia, H.2015.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2016.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011 (bộ 15 tập).
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình cao cấp lý luận chính trị, tập 6, Xây dựng Đảng, Nxb. Lý luận chính trị, H.2016.
6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình trung cấp lý luận chính trị-hành chính, Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, H.2017.
7. Lê Khả Phiêu (chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự vận dụng trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2019.
TS. Hồ Ngọc Trường - Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng
Từ khóa » đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời Là Sản Phẩm Của Sự Kết Hợp Giữa
-
Sự Ra đời Đảng Cộng Sản Việt Nam đáp ứng Yêu Cầu Tất Yếu Của Lịch ...
-
Đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời Là Sản Phẩm Của Sự Kết Hợp Giữa
-
Đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời, Bước Ngoặt Quyết định Của Cách ...
-
[PDF] Đảng Cộng Sản Là Sản Phẩm Của Sự Kết Hợp Giữa Chủ Nghĩa Xã Hội ...
-
Lịch Sử Và ý Nghĩa Sự Ra đời Của Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02 ...
-
Đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời Là Bước Ngoặt To Lớn Trong Lịch Sử ...
-
Đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời – Bước Ngoặt Lịch Sử Của Cách Mạng ...
-
Sự Ra đời Của Đảng Cộng Sản Việt Nam - Youth UEL
-
Đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời - Bước Ngoặc To Lớn Trong Lịch Sử ...
-
Sự Ra đời Và Sứ Mệnh Lịch Sử Của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối Với ...
-
Ý Nghĩa Lịch Sử Sự Ra đời Đảng Cộng Sản Việt Nam Và Cương Lĩnh ...
-
[DOC] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI - CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ...
-
[PDF] I. đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời Là Bước Ngoặt To Lớn Trong
-
Sự Sáng Tạo Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Trong Kết Hợp Yếu Tố Dân Tộc ...