Những Sự Kiện Mê Tín Dị đoan Của Tín đồ Công Giáo đồng Nai

NHỮNG SỰ KIỆN MÊ TÍN DỊ ĐOAN CỦA TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO ĐỒNG NAI

Quần Phương

Trong những năm gần đây, theo chỗ tôi biết, chưa có tỉnh nào trong cả nước mà giáo dân Công giáo phát sinh nhiều sự kiện mê tín dị đoan như tín đồ Công giáo tỉnh Đồng Nai . Những sự kiện mê tín dị đoan này không những đã gây xôn xao dư luận trong quần chúng mà còn để lại những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.

Sự kiện

1/ Đức mẹ Maria hiện xuống trần gian

Tháng 08/2003, tại khu vực đồi Chuối, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, một số kẻ cuồng tín đã phao tin đồn thất thiệt đức mẹ Maria từ trên Thiên Đàng hiện xuống. Tin đồn giật gân này nhanh chóng lan xa. Nó đã thu hút hàng ngàn giáo dân Ki-tô giáo hiếu kỳ từ các địa phương khác ùn ùn đổ xô về địa điểm ấy để cầu nguyện đức mẹ Maria suốt gần cả tháng trời.

Khi đến nơi, người ta chẳng thấy đức mẹ Maria hiện ra đâu cả mà chỉ thấy một tượng đài đức mẹ Maria bằng xi măng do giáo dân giáo xứ Phú Lâm xây dựng trái phép. Hỏi ra, người ta mới hay rằng, vào một buổi chiều, có một đám mây xuất hiện trên đỉnh đồi Chuối, hình dạng hao hao giống người. Thế là những kẻ cuồng tín ấy liền tưởng tượng đó là đức mẹ Maria từ trên trời hiện xuống rồi liền phao tin đồn nhảm.

Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của Đồng Nai đã tiến hành điều tra và truy tố 7 đối tượng phao tin đồn nhảm ấy ra trước vành móng ngựa về tội tuyên truyền mê tín dị đoan.

Tượng bà Maria bằng xi măng xây dựng trái phép

2/ Nước Thánh từ trên trời rơi xuống.

Không ai có thể hình dung nổi, giữa một thành phố được mệnh danh là một trong những thành phố có khu công nghiệp đầu tiên trong cả nước như Biên Hòa lại có thể xảy ra một sự kiện “cười ra nước mắt” sau đây:

Vào tháng 6/2006, chẳng biết Ve sầu từ đâu chúng lại hội tụ về đậu đầy trên cây trong giáo xứ Ngọc Đồng, phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chiều tối và ban đêm, chúng kêu la ầm ĩ. Một hôm, có một giáo dân đi chầu lễ ở nhà thờ này đứng dưới những tàng cây có Ve sầu đậu ấy, vô tình có giọt nước từ trên cây rơi xuống mặt. Người giáo dân ấy liền tưởng tượng đó là “nước Thánh” của Chúa từ trên trời rơi xuống ban điềm lành cho con chiên.

Sau đó, người này kể lại cho người thân, bạn bè nghe. Thông tin mê tín này cứ thế lan truyền ra tứ phía. Nó đã thu hút hàng ngàn giáo dân Công giáo từ khắp nơi đổ xô về giáo xứ này để cầu may được hứng thứ nước Thánh ấy.

Tìm hiểu và xác minh kỹ thông tin đồn đại này, bằng biện pháp xua đuổi Ve sầu đi hết, người ta tóa hỏa phát hiện ra rằng, đó chỉ là “nước đái Ve”, chứ chẳng phải nước Thánh do Chúa từ trời cao ban xuống, khiến cho bàn dân thiên hạ lại thêm một phen “cười ra nước mắt”. Từ đó, chẳng còn thứ nước Thánh nào từ không trung rơi xuống nữa cả.

Sự kiện này, người dân Biên Hòa gọi với một cái tên rất hài hước: “nước đái Ve của Chúa”.

3/ Nước Thánh chữa bách bệnh

Tháng 5/2007, trên vô tuyến truyền miệng, người ta lại nghe được thông tin là, ở đan viện Xi-tô Phước Lý, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, từ tượng đài đức mẹ Maria lộ thiên tọa lạc trên hòn non bộ giữa hồ bỗng dưng rịn ra những giọt nước có khả năng chữa được bách bệnh. Ai mà uống được những giọt nước ấy thì người đang bệnh sẽ lành bệnh, kẻ khỏe mạnh sẽ tai qua nạn khỏi, và được sống khỏe, sống thọ.

Tượng bà Maria rịn ra nước chửa bách bệnh

Sự thật, chẳng qua là do tượng đức mẹ Maria chất liệu xi măng này để ngoài trời mưa nắng lâu ngày, lại đứng giữa hồ nên bị thấm nước rồi rịn ra thành từng giọt. Ấy vậy mà những kẻ lợi dụng niềm tin Thiên chúa của các tín đồ đã đang tâm thêu dệt, thổi phồng hiện tượng rịn nước ấy lên thành sự kiện nước Thánh chữa bách bệnh.

Mặc dù là một thông tin thiếu cơ sở khoa học như vậy, thế nhưng, hàng ngàn người Ki-tô giáo già trẻ lớn bé - kể tín đồ các tôn giáo khác – trong và ngoài tỉnh, bỏ cả công ăn việc làm, lũ lượt kéo về đan viện này giành giật mua cho bằng được thứ nước Thánh đó ngỏ hầu chữa bách bệnh cho mình và cho con cháu gần cả tháng trời.

Hay tin, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Đồng Nai đến tận hiện trường lấy mẫu nước Thánh ấy để mang đi xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm bằng phương pháp khoa học, cả hai cơ quan chuyên môn này đều đi đến kết luận giống nhau: những giọt nước rịn ra từ pho tượng đức mẹ Maria ấy bị nhiễm khuẩn nặng uống vào chẳng những không hết bệnh mà lại thêm mắc bệnh.

Chỉ đến khi có kết luận chính thức của hai cơ quan khoa học chuyên môn này thì dòng người mê tín ấy mới tan dần, không quy tụ về đan viện này nữa. Và người dân tỉnh Đồng Nai gọi sự kiện này một cách cay đắng là “những giọt nước thánh đau lòng”, - có lẽ vì chúng là cái mầm phát sinh tai ương, bệnh tật chăng?

4/ Đức mẹ Maria khóc, chúa Ki-tô chảy máu

Lại thêm một sự kiện nóng hổi về mê tín dị đoan nữa hiện đang diễn ra tại giáo xứ Bạch Lâm, thuộc địa bàn xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai từ ngày 7/7/2008 đến nay vẫn chưa có khả năng vãn hồi. Đó là sự kiện đức mẹ Maria khóc.

Theo các nhân chứng có mặt tại hiện trường, suốt hơn một tháng qua, kể từ ngày thông tin về đức mẹ Maria khóc, và tiếp theo sau đó tùy theo sự tưởng tượng của mỗi người hành hương đến đó mà hàng loạt các tin đồn nhảm nhí khác được truyền đi, như: đức mẹ chảy máu mắt, đức mẹ nổi cục u trên trán, đức mẹ chớp mắt, đức mẹ phát sáng, đức chúa Giê-su chảy máu v.v… ,

Đã có hàng vạn lượt tín đồ Công giáo từ các nơi trong tỉnh và các tỉnh thành khác như: Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh v.v … lũ lượt kéo về giáo xứ Bạch Lâm để chiêm bái, cầu nguyện, khóc thương đức mẹ, mà đỉnh điểm của sự kiện này được đánh dấu vào ngày 13/8/2008, đó là chỉ trong một ngày, gần mười ngàn người, trong đó có kẻ mê tín, có kẻ hiếu kỳ, có kẻ cơ hội mưu sinh v.v… cùng lúc dồn về nơi ấy gây nên cảnh hỗn độn về giao thông, an ninh trật tự, và phá vỡ không khí an lành của nơi tôn nghiêm, và cuộc sống yên bình của người dân địa phương.

Được biết, pho tượng đức mẹ Maria này đặt ngoài trời (lại tượng đức mẹ để ngoài trời - đến khổ!) bên trong sơn lót màu nâu đen. Lâu ngày lớp sơn phủ bên ngoài trên khuôn mặt tượng đức mẹ bị co giãn theo thời gian tạo nên một vệt rạn dài từ khoé mắt xuống gò má, làm lộ sơn lót màu nâu đen bên trong ra, lại thêm bụi bám ở vệt sơn nâu đen ấy trông hao hao giống như giọt nước mắt chảy xuống, nhưng rất mờ, có người nhìn thấy, có người không nhìn thấy. Và người ta cho đó là đức mẹ khóc hay chảy máu mắt.

Lại nữa, giáo xứ nào mà chẳng thờ tượng chúa Ki-tô bị đóng đinh trên thập tự giá. Tại mỗi vết đinh người ta đều phết những vết sơn màu đỏ giống như máu chảy ra từ chỗ đóng đinh ấy. Chuyện đơn giản chỉ có thế thôi. Ấy vậy mà một số kẻ nào đó lại dựng đứng một hiện tượng hết sức bình thường như thế biến thành sự kiện mê tín dị đoan là chúa Giê-su chảy máu thì quả đúng là sự mê tín dị đoan thái quá.

Tượng chúa Giêsu chảy máu ở đầu gối

Buồn cười nhất là, để tăng vẻ đẹp lung linh huyền ảo cho tượng đức mẹ lúc chiều tối, người thiết kế cảnh quan pho tượng này đã trang trí đèn chớp tắt chớp tắt chiếu vào tượng đức mẹ. Ai ngờ đâu những kẻ chuyên phao tin đồn này lại lấy sự trang trí ấy thêu dệt thành sự kiện đức mẹ phát sáng, đức mẹ chớp mắt thì không còn có sự tưởng tượng nào cao hơn sự tượng này nữa rồi.

Tượng bà Maria phát ra ánh sáng nhiệm mầu

Mặc dù mấy ngày qua, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai liên tục phát sóng cảnh báo đồng bào Công giáo về sự kiện mê tín dị đoan này, thế nhưng xem chừng an ninh trật tự tại giáo xứ Bạch Lâm vẫn chưa thể tái lập do một số người mê tín và hiếu kỳ vẫn còn cố tình kéo về.

Hậu quả

1/ Mỗi khi có thông tin tuyên truyền mê tín dị đoan là y như rằng, nó đã lôi cuốn hàng ngàn lượt tín đồ Công giáo và phi Công giáo quy tụ về địa điểm nơi xảy ra sự kiện hoang tưởng, phản khoa học này. Sự quy tụ đông người vào một địa điểm mê tín ấy đã làm xáo trộn đến tình trạng sinh hoạt trong đời sống của người dân địa phương. Nó vừa gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, vừa tiềm ẩn mối nguy cơ tai nạn giao thông cho mọi người bất cứ lúc nào mỗi khi hàng đoàn xe khắp nơi rộn rịp kéo về cùng một thời điểm. Hơn nữa, nó không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội mà còn tạo cơ hội “đục nước béo cò” cho những phần tử bất hảo trong xã hội len lỏi vào chỗ đông người cướp giật, móc túi, đâm thuê, chém mướn, chửi bới, đánh lộn v.v…

Mỗi lần Mẹ “khóc” hay Chúa “chảy máu”, giáo dân lại bỏ bê công việc ùn ùn kéo nhau đi xem “phép lạ” làm tắc nghẽn giao thông, chỉ lợi cho bọn cướp giựt và kẻ bán ảnh tượng

2/ Người ta không thể nhịn đói khi đến những nơi có tin đồn nhảm đó để nguyện cầu. Người ta phải “có thực mới vực được đạo”. Đáp ứng nhu cầu thực tế ấy, hàng loạt gánh hàng rong phát sinh ngồi buôn bán lộn xộn, bày đầy ra hai bên đường và trước cổng nhà xứ. Hình ảnh thiếu văn hóa ấy tạo nên sự mất mỹ quan đô thị, và làm tan vỡ sự tôn nghiêm cần có trong một cơ sở tôn giáo.

3/ Có những người do quá cuồng tín hay hiếu kỳ, họ bỏ cả công ăn việc làm trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, ruộng vườn v.v… để mau được đến những nơi ấy ngỏ hầu tận mắt chứng kiến, thân hành chiêm bái. Nguy cơ bị đuổi việc của họ là điều có thể xảy ra. Và khi hàng loạt những con người ấy bị đuổi việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp này thì sự đình đốn, trì trệ trong lao động, sản xuất là điều khó tránh khỏi. Sự trì trệ, đình đốn trong lao động sản xuất đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

4/ Hậu quả tai hại nhất là nó giáo dục cho tín đồ Công giáo một lối sống mê tín, dị đoan, Nghĩa là họ không biết phân tích, chắt lọc, xử lý xem thông tin nào đúng, thông tin nào thất thiệt, mà chỉ tin vào những điều vu vơ, thiếu cơ sở khoa học. Điều này, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn, cứ để mặc chúng sinh sôi nở lan tràn ra cả nước thì dần dà lâu ngày những điều mê tín dị đoan này sẽ trở thành nếp nghĩ trong lòng giáo dân Công giáo Việt Nam. Khi đã thành nếp nghĩ bám sâu vào sinh hoạt của đời sống, nó sẽ mang lại những hậu quả khôn lường cho xã hội về mọi phương diện.

Trong khi đó, mọi tín đồ, - dù bất kỳ tín đồ của tôn giáo nào, - cũng là những thành tố quan trọng để hình thành nên mặt bằng dân trí chung của đất nước. Chính vì thế, những thông tin tuyên truyền mê tín dị đoan tai hại như vậy của Công giáo Đồng Nai cũng giống như chiếc ba-ri-e cản đường, nó đã phần nào tác động, làm chậm đà nâng cao dân trí mà dân tộc ta đang nỗ lực hướng tới. Có lẽ, đây là vấn đề hết sức nhức nhối của xã hội sau hàng loạt các sự kiện mê tín đáng tiếc của Công giáo Đồng Nai xảy ra trong những năm gần đây.

Mục đích

Nhìn lại thời điểm và địa điểm mà các sự kiện mê tín dị đoan của Công giáo xảy ra trên các địa bàn từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, từ thành thị đến nông thôn của tỉnh Đồng Nai, theo thiển nghĩ của người viết, các sự kiện ấy không phải nảy sinh một cách tình cờ hay ngẫu nhiên mà dường như, nó có mục đích nằm trong sự tính toán và sự tổ chức mang tính hệ thống.

Trước hết, giáo lý về niềm tin đức mẹ Maria đồng trinh nằm trong kinh Thánh hầu như đã phá sản trong lòng các giáo dân ở các nước văn minh phương Tây. Thậm chí, ngay cả Tin Lành giáo, một đứa con cùng cha khác mẹ của Công giáo La Mã, cũng đã từ chối không chấp nhận đức mẹ Maria đồng trinh làm “mẹ” của chính mình.

Do đó, việc áp đặt cho tín đồ Công giáo Việt Nam tin tưởng vào chuyện đức mẹ Maria tuy sinh ra chúa Giê-su nhưng vẫn đồng trinh là vấn đề không đơn giản chút nào. Nó phải có chứng cứ khoa học rõ ràng thì mới thuyết phục được mọi người. Mà chuyện đức mẹ Maria đồng trinh thì ai cũng thừa hiểu đó chỉ câu chuyện cổ tích hoang đường, làm gì có thật. Hơn thế nữa, khi khoa học càng phát triển thì nó lại càng chứng minh rõ, việc người phụ nữ ngẫu nhiên có thai, và sinh con mà vẫn đồng trinh là sự kiện không thể có trên cõi đời này.

Cho nên, để củng cố giáo lý lạc hậu và lỗi thời vốn được ghi trong kinh thánh Tân ước ấy thì chỉ còn cách bịa đặt, thêu dệt, thổi phồng sự hiển linh của đức mẹ Maria như những sự kiện mê tín đã nêu lên ở trên mà thôi. Và đương nhiên, chỉ có sự hiển linh mầu nhiệm này mới chứng minh đức mẹ Maria đồng trinh được. Phải chăng, đây mới là mục đích cốt lõi của vấn đề?

Thứ đến, theo thống kê của Giáo hội Công giáo Việt Nam, thì giáo phận Xuân Lộc là một giáo phận có số lượng giáo dân đông nhất cả nước, lên đến hơn tám trăm ngàn người mà phần đông giáo dân là người Bắc di cư năm 1954 cư trú khắp cả tỉnh. Do đó, ai đấy đã bày mưu tính kế chọn Đồng Nai làm địa bàn thí nghiệm để trắc nghiệm tín tâm của tín đồ vào các tín lý Công giáo còn mạnh hay yếu là chuyện khả dĩ suy lý được.

Bằng cách, họ dựng lên những người rơm, và sau đó tô vẽ lên người rơm ấy những câu chuyện ly kỳ, giật gân, để đánh vào tâm lý hiếu kỳ và kích thích sự mê tín của mọi người. Hay tin, giáo dân Công giáo lũ lượt đổ xô đi đến khấn bái dù chẳng biết ất giáp mô tê chuyện gì. Họ thực hiện việc này, cũng giống như một người bắn một mũi tên mà trúng hai mục đích, nó vừa củng cố niềm tin của các giáo dân Công giáo, vừa lôi kéo tín đồ nhẹ dạ, cả tin của các tôn giáo khác về phía tôn giáo mình.

Cho nên, mặc dù những kẻ tung tin thất thiệt sự kiện đức mẹ Maria xuất hiện năm 2003 đã bị pháp luật trừng trị, nhưng xem ra hình phạt ấy còn quá nhẹ tay nên chưa có tác dụng răn đe lắm đối với những kẻ bất chấp pháp luật này. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, liên tiếp ba năm liền, một số kẻ cuồng tín khác lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, tung ra hàng loạt các thông tin mê tín dị đoan ở các địa bàn khác nhau trong tỉnh Đồng Nai nhằm vào các mục đích này.

Và cuối cùng, theo lẽ tự nhiên của bổn phận làm một con chiên ngoan đạo, không ai đi hành hương với hai bàn tay trắng để ăn vạ nhà xứ. Tất cả mọi người đến lễ lạy các giáo xứ có sự kiện mê tín ấy đều ít nhiều hiến cúng tiền của vào nhà chung. Mà mỗi lần có một sự kiện như vậy xảy ra, có đến hàng ngàn, hàng vạn lượt người đến cầu khẩn ở giáo xứ ấy gần cả tháng. Thử làm một bài toán tính nhẩm thôi thì đã có thể suy ra tổng số tiền mà giáo xứ này thu được chẳng phải nhỏ, có thể lên đến hàng tỷ đồng.

Theo quy định ngầm của Công giáo, thì giáo xứ chỉ giữ được một khoản tiền nhất định làm quỹ nhà chung. Vượt ra ngoài quy định bất thành văn này, giáo xứ phải tự động nộp khoản tiền dư thừa đó lên cấp giáo hội cao hơn.

Sự lợi dụng tín tâm của giáo dân để trục lợi này, người viết nói không phải là không có cơ sở.

Bằng chứng là sau khi sự kiện nước Thánh chữa bách bệnh năm 2007 trôi qua, dưới áp lực của dư luận quần chúng, đức Giám mục giáo phận Xuân Lộc đã thuyên chuyển linh mục chánh xứ của đan viện Xi-tô Phước Lý đi nơi khác không ngoài lý do vừa nói trên, và mấy ngày qua, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai trực tiếp thu hình và phát sóng cảnh Ban hành giáo của giáo xứ Bạch Lâm khiêng hàng thúng tiền từ nơi tượng đài đức mẹ chảy máu mắt ấy.

Lời kết

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

(Kiều - Nguyễn Du)

Chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, - thế kỷ của văn minh khoa học. Thế mà các sự kiện mê tín dị đoan vẫn còn xảy ra trong lòng người Công giáo Đồng Nai là điều rất đáng xấu hổ lắm thay!.

Thật ra, các sự kiện ấy không phải là không ngăn chặn được. Đáng tiếc là các linh mục chánh xứ đã không quyết liệt lên tiếng ngăn chặn từ trong trứng nước ngay khi nó vừa bùng phát. Có vẻ như, họ chỉ lên tiếng chiếu lệ khi tình hình an ninh trật tự diễn biến có chiều hướng tiêu cực.

Nếu các linh mục chánh xứ đồng tâm ngăn chặn những điều mê tín dị đoan này, thì những sự kiện đáng trách ấy chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tái diễn nữa hầu như mỗi năm một lần như vậy. Vả lại, chẳng một giáo dân nào dám gây áp lực bắt linh mục chánh xứ nơi xảy ra sự kiện ấy phải mở cổng giáo xứ để giáo dân vào thực hành mê tín như một số linh mục chánh xứ đã tự biện hộ cho sự thiếu cương quyết của mình.

Qua bài viết này, người viết mong rằng, bằng lương tâm Công giáo, đức Giám mục giáo phận Xuân Lộc nên nghiêm túc xử lý kỷ luật những linh mục chánh xứ nào đã để xảy ra những sự kiện mê tín dị đoan ấy bằng những biện pháp thích hợp như: rút về cho tu kín, hoặc rút phép thông công, trục xuất khỏi giáo hội, -nếu gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, - để làm gương sáng cho các linh mục khác.

Làm được như thế cũng chính là củng cố và phát triển tín lý Công giáo một cách chân chính và văn minh trong tinh thần bác ái, cùng chung sống với dân tộc và trong phương châm “kính Chúa yêu nước” mà Công giáo Việt Nam đã đề ra.

Viết tại Biên Hòa ngày 16/7/2008

Quần Phương

Từ khóa » đức Mẹ Bạch Lâm