Những Sự Thật Về Phương Pháp Chích Lễ Giác Hơi?

Nội dung bài viết

  • Chích lể giác hơi là gì?
  • Chích lể có an toàn và hiệu quả?
  • Cách chích lể giác hơi đúng cách
  • Các tai biến có thể xảy ra và cách xử trí
  • Dấu chích lể gợi ý bệnh
  • Một số bệnh điều trị bằng chích lể giác hơi

Từ xưa đến nay, có lẽ chích lể giác hơi không còn gì xa lạ đối với người dân. Thói quen dùng chích lể trong các bệnh cảm mạo, đau nhức,.. ở các vùng miền thường dễ thấy. Không ít người thắc mắc liệu chích lể có tác dụng và an toàn không. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.

Chích lể giác hơi là gì?

Chích lể giác hơi là phối hợp giữa hai phương pháp chích lể và giác hơi.

Chích là dùng kim đâm vào điểm đau, điểm ứ huyết, huyết độc tự chảy ra ngoài. Lễ là véo da lên, dùng kim châm vào nơi có điểm tụ huyết, xuất huyết, máu không tự chảy ra mà cần phải dùng tay để nặn. Vị trí ở nơi có huyết ứ hoặc ở các huyệt vị, sau đó dùng bầu giác để hút ra.

Chích lể giúp khai thông khí huyết, giải ứ huyết, tà khí, điều hòa âm dương. Dùng áp suất âm tạo ra của ống giác giúp huyết ứ ra được triệt để hỗ trợ chích lể hiệu quả hơn.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Y học cổ truyền, tải ngay ứng dụng YouMed.

Đối với một số bệnh nhất định, sau chích lể giác hơi thì khí huyết lưu thông trở lại, bệnh khỏi rất nhanh.

Phạm vi điều trị của chích lể giác hơi khá rộng. Các bệnh ngoại cảm, các chứng đau nhức, nhức đầu, nhức răng, đau bụng, tiêu chảy. Nội thương mạn tính, phong thấp, thiên đầu thống, đau lưng, đau dạ dày.

Chích lễ giác hơi
Chích lể giác hơi là phối hợp giữa hai phương pháp chích lể và giác hơi.

Chích lể có an toàn và hiệu quả?

Trong chích lể giác hơi, cần nắm rõ nguyên tắc, thủ thuật, các trường hợp cấm kỵ và biện pháp xử lý với tình huống không mong muốn.

Chích lể giác hơi cũng là một phương pháp điều trị theo y học cổ truyền. Do vậy, trước khi thực hiện, bệnh nhân cần được chẩn đoán đúng bệnh trạng để điều trị.

Tính an toàn phụ thuộc và người bệnh, người điều trị và môi trường, dụng cụ điều trị.

Người bệnh phải đảm bảo được không rơi vào những trường hợp chống chỉ định. Như người quá suy nhược, say rượu, thiếu máu, các trường hợp cấp cứu. Người có bệnh tim, hạ huyết áp, phụ nữ có thai, đang chấn thương cấp.

  • Người điều trị cần được đào tạo như bác sĩ, lương y, y sĩ.
  • Môi trường thực hiện cần sạch sẽ, thông thoáng, đủ các phương tiện cấp cứu xử trí khi cần.

Các dụng cụ cần vô trùng. Hiện nay thường sử dụng kim tam lăng hoặc kim 23G, bút chích máu tiểu đường, kim dùng 1 lần. Bông gòn vô trùng. Cồn 70 độ để sát trùng. Panh kẹp bông cần tẩm cồn để sát trùng trước và sau chích lể. Hộp đựng kim có nắp đậy. Các ống giác cần được sát trùng bằng cồn trước và sau khi sử dụng phối hợp chích lể.

Cách chích lể giác hơi đúng cách

Lể

Sau khi xác định rõ ràng vùng đau, điểm đau cần lễ thì sát trùng da bằng bông cồn.

Dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay trái để véo da đưa điểm đau ra. Ngón giữa tựa xuống vùng đau kềm giữ để điểm đau không di động. Hai ngón cái và ngón trỏ của bàn tay mặt cầm chặt thân kim tam lăng, ngón giữa kềm đỡ và điều chỉnh thân kim.

Đưa mũi kim sát da ngay chính giữa điểm đau. Hai ngón út và áp út của bàn tay mặt tựa lên mặt da gần điểm đau để giữ mũi kim không xê dịch. Và để chịu không cho mũi kim đi sâu vào quá tâm điểm đau.

Rút ngón giữa ra, ngón cái và ngón trỏ đang cầm kim, ấn thẳng đứng xuống mặt da. Mũi kim sẽ đi tới tâm điểm đau một cách nhanh nhẹn. Mũi kim vào sâu hay nông tùy theo người thầy thuốc. Rút kim ra cũng thật nhanh và theo chiều thẳng đứng.

Tiếp theo dùng hai ngón cái và trỏ nặn nhẹ, rồi chụp ống giác để đẩy máu ra từ từ. Sau thời gian quy định, mở nhẹ ống giác, mở hơi từ từ, dùng bông gọn lau sạch máu sau khi được đẩy ra. Dùng cồn sát trùng vùng da một lần nữa. Sát trùng dụng cụ sau khi làm.

Chích

Thủ thuật khi chích gần giống như lễ, chỉ khác một điều là khi chích, tay trái không véo da mà căng giữ mặt da. Không cho điểm đau xê dịch. Đưa kim dùng vào giữa điểm đau, điểm ứ huyết. Chích xong, máu tự phun ra, sau đó mới úp giác để máu tiếp tục ra thêm. Các quy trình sau đó giống với lễ.

Các tai biến có thể xảy ra và cách xử trí

Choáng váng

Trong khi chích lể phải luôn quan sát người bệnh, nếu có hiện trượng toát mồ hôi, tim đập nhanh. Tái mặt, choáng váng thì phải ngưng ngay. Để bệnh nhân nằm nơi yên tĩnh, thoáng khí, cho uống nước ấm hoặc nước đường, nghỉ ngơi.

Choáng váng thường gặp trong chích lễ
Choáng váng có thể gặp khi chích lể

Phồng mạch máu hoặc trúng động mạch

Điều này khiến máu chảy không ngừng, mạch máu phồng to. Cần bình tĩnh lấy bông cồn đặt lên chỗ phồng và dùng ngón tay ấn chặt xuống vài phút.

Để phòng ngừa tai biến có thể xảy ra, người thầy thuốc cần lưu ý

  • Tôn trọng triệt để những trường hợp chống chỉ định.
  • Cần chẩn đoán kĩ trước khi thực hiện, không chích lể khi còn mơ hồ.
  • Tuân thủ vô khuẩn, sát trùng kỹ trước và sau chích lể.
  • Nắm chắc các thủ thuật chích lể.
  • Dụng cụ cần được vô trùng.
  • Trấn an người bệnh, thủ thuật nhẹ nhàng, cẩn trọng.

Dấu chích lể gợi ý bệnh

Tụ máu: Máu chung quanh tụ lại một chỗ, nhỏ cỡ bằng chân nhang, là nốt tròn hoặc hơi tròn màu đỏ. Chúng ở riêng rẽ, màu rỉ sét, thường thấy ở các khớp, vùng đau…Điểm tụ máu thường gặp ở những bệnh nhân cảm mạo, ho hen, nhức đầu, viêm khớp, đau lưng (do cảm lạnh). Cũng gặp ở bệnh nhân sốt rét, viêm xoang, đau khớp, đau thần kinh tọa.

  • Ứ huyết: ở những đoạn tĩnh mạch lớn. Hay gặp ở những người suy dãn tĩnh mạch
  • Máu ra có màu đen như màu mực là bệnh lâu ngày, máu ứ lâu ngày, lưu thông kém
  • Trong máu có nước, có bệnh phong thấp
  • Máu chảy ra rất nhạt là chứng viêm, mới bị bệnh. Màu máu đỏ tía cho thấy mới tổn thương
  • Máu chảy ra như nước màu trong suốt, cho thấy có bệnh phù
  • Xuất hiện bong bóng nước là thấp nhiệt nặng
  • Hút ra có bọt bong bóng cho thấy có phong tà
  • Máu ra chậm, chích thêm vài kim vẫn ra đứt đoạn cho thấy khí huyết hư nhược
  • Máu ra trong nhạt không dễ đông lại, cho thấy huyết hư
  • Cứ ban ngày chích máu giảm đau mà buổi tối nặng hơn là ứ huyết. Phải chích một lần nữa, cho đến khi giảm nhẹ.
Chích lễ có tác dụng trong các chứng huyết ứ gây đau nhức
Chích lể có tác dụng trong các chứng huyết ứ gây đau nhức.

Một số bệnh điều trị bằng chích lể giác hơi

Cảm mạo phong nhiệt

Chọn huyệt đại chùy, phế du, phong trì, xích trạch. Dùng kim tam lăng chích máu tại huyệt vị đến khi xuất huyết. Sau đó dùng ống giác lập tức chụp lên trên bộ vị vừa chích. Giữ ống 20 phút, sau khi rút ống dùng bông vô khuẩn lau sạch chỗ máu hút ra. Mỗi ngày 1 lần. Có thể dùng ngân kiều tán, nước uống cây dâu hoa cúc đun nóng ống giác. Ngoài ra đối với người cảm mạo lâu ngày thể hư chọn huyệt phân biệt theo phong hàn, phong nhiệt. Như người khí hư chọn huyệt khí hải, túc tam lý. Người huyết hư chọn huyệt huyết hải, tam âm giao. Người dương hư chọn huyệt quan nguyên, mệnh môn.

Chứng ngứa da

Trước tiên tiến hành tiêu độc ở các huyệt vị đại chùy, phế du, cách du, huyết hải. Sau đó dùng kim tam lăng chích 2-3 mũi vào huyệt vị. Tiếp tục dùng phương pháp giác nóng chớp nhoáng chụp ống vào bộ vị vừa chích, đến khi hút ra một ít máu.

Bệnh vảy nến

Dùng kim tam lăng chích vào các huyệt nhóm 1: đại chùy, phong môn, can du, cách du. Nhóm 2: Phế du, tỳ du, thân trụ, huyết hải. Sau đó chụp ống giác vào các huyệt vị đã chích, giữ ống 15-20 phút. Làm mỗi ngày hoặc cách ngày 1 lần, mỗi lần 1 nhóm huyệt.

Kinh nguyệt không đều

Dùng kim tam lăng chích huyệt mệnh môn, yêu du, khí hải du, quan nguyên du. Quan nguyên, huyết hải. Dùng ống giác chụp giữ các huyệt trên.

Đau bụng kinh

Dùng kim chích các huyệt can du, tỳ du, thận du, quan nguyên. Quy lai, túc tam lý, tam âm giao, địa cơ. Sau đó dùng giác nóng các huyệt vị này.

Chích lể giác hơi là một phương pháp phổ biến từ lâu đời. Qua thời gian đã có ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên tác dụng và hiệu quả với một số bệnh vẫn còn. Đặc biệt là trong các chứng cảm mạo, đau nhức,… Tuy nhiên phương pháp này cần được thực hiện bởi người có chuyên môn và môi trường đảm bảo. Bên cạnh đó, có nhiều phương pháp khác như giác hơi không dùng lửa mà bạn có thể tham khảo. Thông tin trên đây mang tính chất tham khảo. Hi vọng bài viết này đem lại kiến thức bổ ích cho quý bạn đọc.

Từ khóa » Chích Lể Chữa đau Lưng