Những Tác Dụng Phụ Của Thuốc Thụt Hậu Môn Khi Sử Dụng Sai Cách

Thuốc thụt hậu môn là tên gọi phổ thông của các thuốc nhuận tràng bơm trực tiếp vào trực tràng, một biện pháp giải quyết nhanh chóng triệu chứng táo bón. Tuy nhiên, trong khi sử dụng, người dùng có cần lưu ý gì về tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn hay không? Nếu sử dụng quá thường xuyên có thể gây ra vấn đề gì?

Không khó nhận ra dấu hiệu táo bón khi số lần đi đại tiện ít hơn hẳn, phân khô cứng, thậm chí là đi tiêu ra máu. Việc đại tiện khó khăn thường gây ra cảm giác ách tắc, nặng nề cho trực tràng và hậu môn. Trong tình huống này, bạn có thể tìm đến các loại thuốc thụt hậu môn như một giải pháp tình thế giúp “giải nguy’ tạm thời. 

Thuốc thụt hậu môn được dùng khi nào?

Công dụng chung của các loại thuốc thụt hậu môn là nhanh chóng kích thích nhu cầu đi đại tiện. Mỗi loại thuốc có cơ chế hoạt động khác nhau, tùy vào thành phần hoạt chất chính. Các loại thuốc thụt hậu môn không kê đơn bán tại các nhà thuốc thường chứa 1 trong 3 hoạt chất sau: muối phosphate (phổ biến là natri phosphate), glycerin hoặc dầu khoáng.

  • Muối phosphate và glycerin có tác dụng kéo nước từ thành ruột ngược vào trong phân, giúp làm mềm, tăng thể tích phân và kích thích nhu động ruột.
  • Dầu khoáng tạo lớp phủ bôi trơn giữa các khối phân và thành ruột, nhờ đó cũng giữ ẩm và làm mềm phân, giúp quá trình đi đại tiện diễn ra dễ dàng hơn.

Vì các loại thuốc này không điều trị táo bón mà chỉ là giải pháp nhất thời, do đó, bạn chỉ nên dùng đến khi thật sự cần thiết để tránh tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn.

Tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn gồm những gì?

Khi được sử dụng đúng cách, bạn có thể yên tâm về tính an toàn của các loại thuốc thụt hậu môn. Tuy nhiên tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn có thể xuất hiện vì những nguyên nhân sau:

  • Thao tác không cẩn thận: gây trầy xước niêm mạc hậu môn, trực tràng dẫn đến đau rát hoặc nặng hơn là chảy máu, tạo điều kiện cho viêm nhiễm phát triển. 
  • Không chữa dứt điểm tình trạng táo bón: Việc bị táo bón lâu ngày có thể gây ra bệnh trĩ, những vết nứt/rách hậu môn, thậm chí tổn thương dây thần kinh quanh trực tràng, hậu môn, sa trực tràng, tắc ruột.
  • Lạm dụng thuốc để kích thích đại tiện: Lâu dần có thể làm mất phản xạ đại tiện tự nhiên.

tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn

Ngoài ra, như bất kỳ một loại thuốc nào, tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn là có nhưng rất hiếm gặp. Dù vậy, việc lạm dụng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:

  • Buồn nôn, đau bụng dưới, chướng bụng, tiêu chảy
  • Kích ứng tại chỗ như phồng rộp, bỏng rát, ngứa hoặc đau hậu môn

Bạn không cần quá lo lắng nếu triệu chứng của các tác dụng phụ chỉ xuất hiện thoáng qua và tự biến mất. Ngoài ra, nguy cơ dị ứng có thể xảy ra khi cơ thể quá mẫn với một chất nào đó, không loại trừ đó là hoạt chất chính, tá dược hoặc vật liệu vỏ bao thuốc. Khi bị dị ứng, bạn có thể bị nổi mẩn ngứa, mề đay trên da.

Ngoài ra khi sử dụng, bạn cần lưu ý đến tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn đối với một số bệnh lý và thuốc điều trị đang dùng. Bạn không nên tự ý sử dụng các loại thuốc thụt hậu môn nếu có một trong các bệnh lý sau:

  • Viêm ruột
  • Liệt ruột
  • Phình đại tràng
  • Trĩ nặng, chảy máu nhiều, trĩ sa hoặc viêm nhiễm
  • Chảy máu trực tràng không rõ nguyên nhân
  • Đau thắt dạ dày hoặc bụng dưới, chướng bụng, buồn nôn hoặc nôn không rõ nguyên nhân
  • Cơ thể đang bị mất nước, mất cân bằng điện giải
  • Thay đổi trong hoạt động tiêu hóa không rõ nguyên nhân kéo dài hơn 2 tuần

Tương tác thuốc có thể xảy ra nếu dùng thuốc thụt hậu môn cho người đang điều trị với các thuốc:

  • Thuốc trị rối loạn nhịp tim
  • Thuốc kiểm soát huyết áp ACE, ARB…
  • Thuốc kháng viêm không steroid
  • Thuốc lợi tiểu
  • Một số loại thuốc kháng sinh
  • Các loại thuốc nhuận tràng

Sử dụng như thế nào để tránh tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn?

Trước tiên, để tránh các tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn khi sử dụng cho người bị táo bón nhưng sức khỏe ổn định, cần thao tác đúng và cẩn thận:

  • Nằm nghiêng với một chân co hoặc nằm úp người xuống với tư thế mông cao hơn vai
  •  Dùng lực cố định và nhẹ nhàng đưa đầu ống thuốc vào trực tràng, nên dùng chuyển động zig zag để dò đường (không đẩy quá mạnh để tránh tổn thương hậu môn, trực tràng).
  • Bóp mạnh để đưa thuốc vào trong trực tràng
  • Đợi thuốc phát huy tác dụng mới đi vệ sinh (vài phút đến nửa tiếng, tùy vào loại thuốc)
  • Sau khi đi vệ sinh, cần rửa hậu môn bằng nước ấm và xà phòng dịu để tránh kích ứng.

Dùng đúng liều quy định cho người lớn và trẻ em và không quá số lần khuyến cáo trong ngày, tùy vào loại thuốc.

Điều trị nguyên nhân táo bón để tránh lạm dụng thuốc

tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn

Nếu để ý, bạn sẽ thấy không khó chỉ ra nguyên nhân gây táo bón như:

  • Chế độ ăn thiếu chất xơ (dưỡng chất có nhiều trong các loại rau củ quả)
  • Cơ thể thiếu nước do uống quá ít nước, mất nước do ra mồ hôi, bị sốt, do các thức uống khử nước như cồn, cà phê
  • Bỏ qua nhu cầu đại tiện do công việc quá bận rộn, tâm lý… 
  • Ít vận động nên tốc độ tiêu hóa thức ăn và nhu động ruột giảm

Vì vậy, để chữa táo bón, bạn nên điều chỉnh lối sống bằng cách:

  • Uống đủ nước
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây
  • Thường xuyên vận động
  • Đi vệ sinh ngay khi có cảm giác, nên đi vào một khung giờ nhất định để tạo thói quen

Đôi khi táo bón có thể là do một bệnh lý hoặc thuốc điều trị nào đó. Vì vậy, nếu đã áp dụng những thay đổi tích cực trên đây mà tình trạng đi đại tiện gặp khó khăn của bạn vẫn không cải thiện, bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được can thiệp sớm.

Mong rằng nội dung trên đây đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn và cách sử dụng loại thuốc này một cách an toàn.

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » Glycerin Bơm Hậu Môn