Những Tác Hại Của Bấm Huyệt Mà Bạn Cần Lưu ý

Nội dung bài viết

  • Bấm huyệt là gì?
  • Bấm huyệt có tốt không?
  • Tác hại của bấm huyệt có thể gặp
  • Công dụng khi bấm huyệt đúng cách

Từ ngàn năm trước, bấm huyệt là một trong những tinh hoa của y học cổ truyền. Hiện nay, ngày càng nhiều những nghiên cứu lâm sàng cho thấy những lợi ích từ các phương pháp không dùng thuốc nói chung và bấm huyệt nói riêng. Tuy nhiên, thực tế, nếu liệu pháp bị lạm dụng quá mức, vẫn sẽ xuất hiện một vài rủi ro. Vậy những tác hại của bấm huyệt khi thực hiện sai cách là gì, cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu rõ nhé.

Bấm huyệt là gì?

Theo đông y, bấm huyệt được xây dựng dựa vào hệ thống huyệt đạo của người. Ngoài ra, chúng còn có liên hệ mật thiết với các đường kinh mạch và tạng phủ trong cơ thể.

Đây là phương pháp tạo ra áp lực vật lý, thường từ ngón tay, bàn tay, khuỷu tay… thực hiện các thao tác lên huyệt đạo ở khắp cơ thể. Ngoài ra, liệu pháp này không gây chảy máu hay xâm lấn da, cơ quan bên trong nên được chỉ định phổ biến. Ngày nay, ngoài tay, người ta còn dùng các công cụ hỗ trợ khác nhằm tăng hiệu quả điều trị.

Trong một số tài liệu, bên cạnh “bấm huyệt”, ta còn có thể gặp vài khái niệm sau như:

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Bấm huyệt, tải ngay ứng dụng YouMed.

  • Ấn huyệt: dùng lực ngón cái đè lên huyệt đạo rồi giữ khoảng 10-30 giây.
  • Day huyệt: dùng ngón tay cái hoặc gốc bàn tay ấn vào huyệt rồi di chuyển theo đường tròn.
  • Điểm huyệt: lấy ngón cái hoặc phần mu đốt 2 và 3 của ngón trỏ hay ngón giữa, dùng sức ấn thẳng góc vào huyệt.
Bấm huyệt là phương pháp mang đến nhiều hiệu quả trong điều trị.
Bấm huyệt là phương pháp mang đến nhiều hiệu quả trong điều trị bệnh

Bấm huyệt có tốt không?

Từ ngàn năm nay, bấm huyệt đã được nhân dân tiếp thu và truyền bá rộng rãi. Thủ thuật này vừa an toàn, ít rủi ro vừa có những lợi ích tích cực đến con người. Đến nay, với nhiều nghiên cứu sâu rộng, phương pháp được dự đoán sẽ phát triển hơn trong tương lai.

Trong quá trình trị bệnh, thầy thuốc có thể kết hợp bấm huyệt với các biện pháp không dùng thuốc khác nhằm tăng hiệu quả điều trị như châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh, vật lý trị liệu… Quan trọng là phải chú ý vài tác hại của bấm huyệt nếu lạm dụng thủ thuật này quá mức.

Tác hại của bấm huyệt có thể gặp

Một số sai lầm khi thực hiện bấm huyệt

1. Đối tượng không đúng chỉ định, bởi không phải bệnh lý nào cũng sử dụng được liệu pháp này.

Chỉ định cần phải được đưa ra từ chẩn đoán của người có chuyên môn, vững kiến thức y học. Đặc biệt, ta nên cố gắng khai thác tình trạng bệnh nhân nhằm chẩn đoán nguyên nhân, loại trừ các trường hợp chống chỉ định như lao khớp, ung thư, viêm cấp tính, cấp cứu, bệnh ngoài da…

2. Xác định sai vị trí huyệt dẫn đến không đạt hiệu quả điều trị.

3. Tiến hành quy trình bấm huyệt kéo dài, dai dẳng dường như không mang đến nhiều ích lợi.

Theo nhiều tài liệu, phác đồ cho mỗi liệu trình bấm huyệt trong khoảng 20-30 phút/lần/ngày, kéo dài 20-30 ngày. Sau đó, thầy thuốc có thể thực hiện thêm 1-3 liệu trình nữa, kèm thay đổi công thức huyệt, thời gian thực hiện…sao cho phù hợp với tình trạng bệnh nhân hiện tại.

4. Dùng lực không thích hợp với đối tượng, đặc biệt là quá mạnh, thô bạo.

Điều này dễ khiến cơ thể tổn thương, tạo ra các cơn đau nhất thời, làm tăng tình trạng bệnh. Nặng hơn cảm giác khó chịu này sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến cơ quan trong cơ thể và sinh hoạt hằng ngày.

5. Tăng nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm nếu cơ sở thực hiện không đảm bảo quy trình vệ sinh.

Một số ví dụ cụ thể

  • Tại vùng khớp: áp lực quá thô bạo và sai cách có thể làm bong gân, trật khớp, liệt chi…thậm chí là gãy xương ở đối tượng loãng xương nặng.
  • Tại vùng da đang có bệnh lý da liễu, nhiễm trùng, khối u…các thủ thuật lên da sẽ khiến tổn thương lây lan rộng, tăng lở loét…
  • Trường hợp người bệnh bị sốc, bệnh ngoại khoa, chấn thương nặng, gãy xương, xuất huyết…phải cấp cứu, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Với các đối tượng này, không nên giữ lại bấm huyệt, bởi sẽ làm mất đi thời gian vàng điều trị hoặc dễ dẫn đến tử vong.

Thực tế, tác hại của bấm huyệt xuất hiện không nhiều, bởi sự cân nhắc kỹ lưỡng của thầy thuốc. Thế nhưng, bệnh nhân cũng phải cần được theo dõi chặt chẽ trong và sau khi tiến hành thủ thuật.

Bấm huyệt nếu bị lạm dụng hoặc thực hiện sai cách sẽ dễ dẫn đến các tổn thương cho cơ thể.
Bấm huyệt khi lạm dụng hoặc thực hiện sai cách sẽ dễ dẫn đến các tổn thương cho cơ thể

Công dụng khi bấm huyệt đúng cách

Nếu vận dụng hợp lý và hạn chế tối đa tác dụng của bấm huyệt, phương pháp sẽ mang đến các lợi ích như:

Theo y học hiện đại

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bấm huyệt mang đến nhiều lợi ích cho con người. Bởi huyệt đạo là nơi giao thoa của hệ thống mạch máu và thần kinh. Chúng liên quan chặt chẽ đến hoạt động của các bộ phận cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe. Tùy vào vị trí được thao tác mà có những ảnh hưởng như:

Da và mô liên kết

Bấm huyệt hỗ trợ trao đổi chất, điều hòa dinh dưỡng, tăng độ đàn hồi… Ngoài ra, phương pháp còn giúp thải trừ chất cặn bã do tác dụng của phản xạ vận mạch, ngăn ngừa lão hóa da, giúp da hồng hào, tươi trẻ hơn…

Hệ thần kinh

Khi bấm đúng huyệt các tế bào sẽ tiết ra các hormon như serotonin, dopamine…giúp thư giãn, xoa dịu sư căng thẳng. Hơn thế, cách thức này còn tăng tạo endorphin, hormone giúp giảm đau, điều chỉnh tâm trạng, cải thiện giấc ngủ và trí nhớ…

Xem thêm: Mất ngủ và các vấn đề gây nên mất ngủ

Hệ vận động

Với phần cơ gân khớp chiếm 30-40% trọng lượng cơ thể, thủ thuật giúp tăng cường nuôi dưỡng, giãn cơ, hồi phục những vị trí bị tê mỏi. Bên cạnh đó, bấm huyệt còn tăng tính linh hoạt khớp, giảm chấn thương, giảm đau, phục hồi vận động… Ngày nay, không chỉ trong điều trị mà bấm huyệt còn được ứng dụng trong thẩm mỹ, cải thiện vóc dáng…

Xem thêm: Căng cơ: Cách sơ cứu và phòng tránh đúng cách

Hệ hô hấp và tiêu hóa

  • Hệ hô hấp: thao tác hỗ trợ tăng hoạt động của nhu mô phổi giúp thông khí, giảm bớt lượng khí cặn trong phổi.
  • Tiêu hóa: thủ thuật giúp điều hòa nhu động ruột và tiết dịch dạ dày, giảm các cơn đau do co thắt.

Ngoài ra, còn rất nhiều những thay đổi tích cực khác khi bấm huyệt ở hệ nội tiết, miễn dịch,… như tăng sức đề kháng, điều hòa nội tiết…

Xem thêm: Rối loạn nội tiết tố nữ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Nhờ những công dụng kể trên, mà nhiều ngành y học đã vận dụng bấm huyệt điều trị bệnh lý như: đau cơ xương khớp, phục hồi vận động sau tai biến và sau phẫu thuật, liệt mặt,…

Theo Y học cổ truyền

Trong nhiều tài liệu, đều nhận định vai trò của các vị trí huyệt là vô cùng quan trọng. Chúng được xem là cửa ngõ lưu thông giữa bên trong cơ thể và môi trường ngoài. Đồng thời, hệ thống kinh lạc dường như đều hội tụ tại đây. Do đó, động tác bấm huyệt mang đến nhiều hệ quả tốt đẹp như:

  • Kích thích lưu thông khí huyết, đả thông kinh lạc ứ trệ, giảm đau…
  • Hỗ trợ cơ xương khớp linh hoạt, phục hồi vận động…
  • Điều hòa các rối loạn, cân bằng âm dương, đồng thời phục hồi sức khỏe.
  • Loại trừ ngoại tà xâm nhập, ổn định chức năng tạng phủ, thư giãn tinh thần…
Có thể kết hợp bấm huyệt với châm cứu, dưỡng sinh...để tăng hiệu quả điều trị.
Có thể kết hợp bấm huyệt với châm cứu, dưỡng sinh…để tăng hiệu quả điều trị.

Hi vọng bài viết có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn về tác hại của bấm huyệt, đặc biệt khi phương pháp này bị lạm dụng quá mức. Vì vậy, để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các ảnh hưởng không mong muốn, cần có sự chỉ định đúng từ thầy thuốc và thực hành hợp lí trên người bệnh.

Từ khóa » Có Ai Bấm