Những Tấm Bản đồ Của Trung Quốc, Việt Nam Và Phương Tây Nói Gì ...

>> Những tấm bản đồ của Trung Quốc và Việt Nam nói gì về các đảo ở Biển Đông? (3)

>> Những tấm bản đồ của Trung Quốc và Việt Nam nói gì về các đảo ở Biển Đông? (2)

>> Những tấm bản đồ của Trung Quốc và Việt Nam nói gì về các đảo ở Biển Đông?

Bài 4: Người phương Tây thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam

(Cadn.com.vn) - Các bài trước, chúng tôi đã đề cập hàng loạt bản đồ do người Trung Quốc và người Việt Nam vẽ, trong đó thể hiện rõ, người Việt Nam đã có tư duy và sự chiếm hữu thực sự đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; bước đầu vạch rõ sự bành trướng của Trung Quốc trên phương diện vẽ bản đồ (từng bước biến không thành “có” ) đối với các quần đảo nói trên. Kỳ này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc một số bản đồ do người phương Tây vẽ, để xem từ hàng thế kỷ trước, những người phương Tây đã coi Việt Nam hay Trung Quốc là chủ nhân thực sự của Hoàng Sa, Trường Sa?

Không chỉ bản đồ của triều Nguyễn mà ngay người phương Tây cũng thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam, như bản đồ Châu Á Carte de I'Asia do Homann Heirs vẽ năm 1744, quần đảo Hoàng Sa (bao gồm cả Trường Sa) được ghi chú là "I'Ciampa" (viết tắt của chữ Islands Ciampa, nghĩa là "quần đảo thuộc Ciampa" (tức là thuộc Champa), bấy giờ là Đàng Trong của Đại Việt do các chúa Nguyễn trị vì.

Cùng thời gian xuất hiện Đại Nam nhất thống toàn đồ của triều Minh Mạng, Giám mục Taberd người Pháp cũng cho đính kèm sau cuốn Tự điển Việt - Latinh nhan đề "Latino - Annamiticum" xuất bản tại Serampore (Ấn Độ) vào năm 1838 một tấm bản đồ khá lớn (ngang 40cm, dọc 80cm). Tên bản đồ được thể hiện bằng ba thứ chữ: Hán, Việt, La tinh (dòng chữ Việt: An Nam đại quốc họa đồ), trong đó ghi tới khoảng 505 địa danh. Đặc biệt, với quần đảo Hoàng Sa (chữ Hán), ngoài ghi địa danh Paracel theo cách gọi của người phương Tây, Taberd còn ghi tục danh là Cát Vàng (chữ Việt Latinh). Rõ ràng, địa danh Cát Vàng là tiếng Việt, không thể có ở một nước nào khác!

An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd, Có ghi chữ Việt "Cát Vàng" ở sát lề phải.

Trước đó 5 năm (1833), trong cuốn "Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes", Taberd còn viết rõ về Paracels/Cát Vàng/Hoàng Sa như sau: "Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels, mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa (có nghĩa là Cát Vàng) gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại, đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong".

Một tấm bản đồ phương Tây thể hiện chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa (1 trong số 90 bản đồ tương tự hiện lưu trữ tại Bảo tàng Đà Nẵng).

Như vậy, về phía Trung Quốc, các tấm bản đồ và những tập atlas của họ từ những năm 1930 trở về trước chỉ xác định đảo Hải Nam là cương giới phía nam của Trung Quốc, còn những tấm bản đồ từ năm 1909 trở đi tuy có từng bước quy thuộc các đảo ở Nam Hải (trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) nhưng không có bất cứ một nguồn chính sử nào của Trung Quốc chứng thực, cũng không được ghi nhận bởi những tấm bản đồ xuất bản ở các nước khác. Chỉ tính riêng bộ sưu tập 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản) xuất bản ở Anh, Ðức, Australia, Canada, Mỹ và Hồng Kông trong thời gian 1626-1980 do ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ tặng cho TP Đà Nẵng đã có 80 bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam (như Siam and the Malay Archipelago (Xiêm La và quần đảo Mã Lai do The Times Atlas - Printing House Square ấn hành tại London năm 1896, đường biên giới của Trung Quốc màu sậm chỉ tới đảo Hải Nam, phần Paracel and Reefs thể hiện màu xanh nhạt; Southern China and Adjoining Countries (vùng Hoa Nam và các nước lân cận) do Harper & Brothers ấn hành tại London năm 1900 có đường viền màu vàng dọc biên giới Trung Quốc trong đất liền và xung quanh đảo Hải Nam ở phía nam; Asia (Châu Á) do Crowell & Kirkpatrick ấn hành tại Ohio (Mỹ) năm 1901 toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc cho tới đảo Hải Nam (không có quần đảo Paracel) đều thể hiện màu vàng; China (Trung Quốc) do Rand McNally xuất bản ở Chicago (Mỹ) năm 1904, phần đảo Hải Nam (Hainan) tô màu vàng cùng màu với tỉnh Quảng Đông (Kwang Tung) trong đất liền, phần quần đảo Paracels & Reefs thể hiện mau xanh; hoặc cho đến năm 1979 bản đồ China (Trung Quốc) do Jonhson Map ấn hành, toàn bộ lãnh thổ của Trung Quốc thể hiện màu trắng cũng chỉ đến đảo Hải Nam... Trong khi đó, về phía Việt Nam, từ rất sớm đã có những tấm bản đồ, cũng hoặc do cá nhân, hoặc do Triều đình chỉ đạo thực hiện đều đã xác định rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Đại Việt/Việt Nam. Và cũng có cả những bản đồ của người phương Tây xác nhận quần đảo Paracels hay Cát Vàng là của Việt Nam.

Từ khi khởi đăng bài báo đầu tiên đến nay, chúng ta đã bước đầu sơ bộ đề cập hệ thống bản đồ thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; đồng thời phủ nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo này. Những nguồn sử liệu bản đồ đó chính là tiếng nói của lịch sử, sẽ góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Đại Nam nhất thống toàn đồ có vẽ gộp hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa

PGS - TS. Ngô Văn Minh

Từ khóa » Bản đồ Trung Quốc Việt Nam