Những Tấm Gương Về Sự Sáng Tạo, Trách Nhiệm, Tận Tụy Với Công Việc

Luôn tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Y học cổ truyền vào cuối năm 2012, đầu năm 2013, Bác sĩ Phạm Hoàng Phước đến công tác tại Trạm Y tế Phường 13, Quận 5. Từ đó cho đến nay, anh được điều chuyển qua nhiều trạm y tế trên địa bàn Quận 5. Dù ở bất kỳ đơn vị nào, Bác sĩ Phạm Hoàng Phước vẫn luôn hoàn thành tốt công việc...

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Bác sĩ Phạm Hoàng Phước được phân công phụ trách Trạm Y tế Phường 11. Đây là thử thách rất lớn, bởi thời điểm đó khối lượng công việc rất nhiều, nhất là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng cao; TP phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội...

Bác sĩ Phạm Hoàng Phước kể, thời điểm căng thẳng nhất là giữa năm 2021, các ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng nhanh, rất cần sự hỗ trợ về y tế. Với nguồn nhân lực hạn chế, dù đã được tăng cường, nhưng Trạm y tế phường cũng chỉ có 5 người, nên anh em ai cũng vô cùng vất vả. Bất kể giờ giấc, chỉ cần người dân điện thoại thông báo cần sự hỗ trợ y tế, thuốc men, oxy… là các nhân viên y tế phải ngay lập tức có mặt.

Không chỉ lăn xả trong công việc, Bác sĩ Phạm Hoàng Phước còn được đồng nghiệp quý mến bởi tư duy tìm các giải pháp giúp tiến độ công việc được đẩy nhanh, đồng thời đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Trong đó, sáng kiến thiết kế phần mềm quản lý bệnh nhân tâm thần và sáng kiến “Thiết kế trang thiết bị kiểm tra thân nhiệt tự động” được thực hiện vào năm 2021.

Chia sẻ quá trình thực hiện ý tưởng, Bác sĩ Phạm Hoàng Phước cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp suốt từ năm 2020, nên việc tiếp xúc gần để kiểm tra thân nhiệt gây nguy cơ lây nhiễm cao nếu có nguồn bệnh. Bên cạnh đó, khi thực hiện bấm nhiệt độ phải thêm nhân sự để thao tác, lấy kết quả từ máy chậm gây ùn tắc, nhất là trong công tác tiêm chủng… Trăn trở những vấn đề đó, anh Phạm Hoàng Phước đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học tập và cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn để chế tạo thành công trang thiết bị kiểm tra thân nhiệt tự động.

“Thiết bị kiểm tra thân nhiệt này có thể sử dụng rộng rãi trong bệnh viện, trạm y tế, khu cách ly, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại địa phương. Chi phí để chế tạo thiết bị kiểm tra thân nhiệt tự động này chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí mua thiết bị tương tự trên thị trường và có thể sửa chữa nên rất tiết kiệm. Vì vậy khi máy kiểm tra thân nhiệt tự động được áp dụng không chỉ giúp đơn vị tiết kiệm chi phí mà còn giúp giảm tải công việc cho nhân viên và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.” - anh Phạm Hoàng Phước chia sẻ.

Nhận xét về Bác sĩ Phạm Hoàng Phước, chị Trần Thị Quyền Trinh, nữ hộ sinh Trạm Y tế Phường 13 cho biết, Bác sĩ Phạm Hoàng Phước rất có tâm với nghề và với đồng nghiệp. Dù là quản lý, nhưng Bác sĩ Phước không nề hà vất vả, sẵn sàng choàng gánh công việc, luôn nhận phần khó về mình.

Luôn tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân, những nỗ lực của Bác sĩ Phạm Hoàng Phước đã được ghi nhận. Năm 2022, anh vinh dự nhận Bằng khen cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại THHCM và được Công đoàn Trung tâm Y tế Quận 5 tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, là gương điển hình trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” năm 2022.

Tấm gương về sự sáng tạo, trách nhiệm

Trước khi trở thành nhân viên chuyên trách Bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế Quận 5 (từ năm 2018), chị Bùi Thị Bích Vân, cán bộ chuyên trách Bảo hiểm y tế của Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Y tế Quận 5, có 5 năm công tác tại Khoa dược thuộc Bệnh viện Giao thông Vận tải TPHCM, với nhiệm vụ phụ trách trang thiết bị y tế. Dù chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới nhưng sự thay đổi ấy đã không làm khó được người ham học hỏi như chị. Ngược lại, khoảng thời gian làm việc tại Khoa dược, Bệnh viện Giao thông Vận tải TP đã giúp chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nảy ra nhiều sáng kiến hay, đem lại hiệu quả cao trong công việc hiện tại.

Tiêu biểu phải kể đến sáng kiến “Phần mềm cảnh báo tương tác thuốc và kê đơn theo phác đồ điều trị” được chị Bùi Thị Bích Vân và các đồng nghiệp thực hiện vào năm 2020. Theo chị Bùi Thị Bích Vân, hiện tại các bác sĩ khi kê đơn điều trị cho bệnh nhân ngoại trú với sự hỗ trợ của phần mềm máy tính. Tuy nhiên, phần mềm này không hỗ trợ bác sĩ kê đơn theo phác đồ điều trị. Vì vậy, khi bác sĩ chẩn đoán bệnh hoặc một hội chứng bệnh rất dễ kê nhầm các loại thuốc gần giống nhau và dễ bỏ sót chẩn đoán bệnh khi kê thêm thuốc cho bệnh nhân tạo ra toa thuốc không phù hợp.

Từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu của chị Bùi Thị Bích Vân đã có ý tưởng xây dựng một phần mềm cảnh báo tương tác, kê đơn theo phác đồ điều trị và nhu cầu thực tiễn về sử dụng thuốc tại bệnh viện. Để thực hiện thành công, chị Bùi Thị Bích Vân đã mất gần 9 tháng để hoàn thiện phần mềm. “Quả ngọt” cho quá trình nỗ lực ấy chính là phần mềm thành công, được áp dụng, hỗ trợ rất tốt cho các bác sĩ, giúp hạn chế được sai sót chuyên môn như kê nhầm thuốc có tên gần giống nhau, kê thuốc chống chỉ định hoặc hạn chế sử dụng, tránh những tương tác thuốc bất lợi cho bệnh nhân, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

Đam mê sáng tạo, chị Bùi Thị Bích Vân còn được đồng nghiệp xem trọng vì tinh thần ham học hỏi. Dù đã chuyển công tác nhưng để không mai một kiến thức về dược, năm nào chị cũng dành thời gian để tham gia các khóa học cập nhật kiến thức chuyên môn về dược như: pháp luật về quản lý chuyên môn về dược, sử dụng thuốc trong điều trị một số bệnh thường gặp tại nhà thuốc, nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả…

Chị Bùi Thị Bích Vân (bìa phải) trao đổi với đồng nghiệp đơn vị Chị Bùi Thị Bích Vân (bìa phải) trao đổi với đồng nghiệp đơn vị

Không những vậy, chị Bùi Thị Bích Vân còn luôn nhiệt huyết, sẵn sàng tham gia các hoạt động đoàn thể tại đơn vị. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021, khi hoạt động của trung tâm bị gián đoạn do các biện pháp siết chặt giãn cách, chị Vân đã tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch tại địa phương. Suốt nhiều tháng, với hình thức làm việc “3 tại chỗ”, chị không ngại xông pha vào các điểm dịch để làm nhiệm vụ như lấy mẫu cộng đồng, hỗ trợ tiêm ngừa, trực khu cách ly…

Đánh giá cao năng lực của chị Bùi Thị Bích Vân, Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Văn Loan, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Y tế Quận 5 nhìn nhận: Được phân công mảng bảo hiểm y tế tại Trung tâm, chị Bùi Thị Bích Vân luôn nhiệt tình, năng nổ, sáng tạo trong công việc. Đặc biệt, những sáng kiến của Vân khi áp dụng vào thực tiễn đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Trung tâm”.

Những nỗ lực ấy nhiều năm liền, chị Bùi Thị Bích Vân được công nhận “Danh hiệu Lao động tiên tiến”; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Giấy khen UBND Quận 5 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn Quận 5.

Từ khóa » Số điện Thoại Trạm Y Tế Phường Phúc La Hà đông