Những Thành Tựu Nổi Bật Của Việt Nam Trong Tiến Trình đổi Mới, Hội ...

​          Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước được nâng lên tầm cao mới. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, có cơ sở vật chất- kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội lạc hậu, trình độ rất thấp, ngày nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người, thuộc nhóm nước đang phát triển, có thu nhập bình quân thấp; văn hóa- xã hội có bước phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

          a. Chính trị- Ngoại giao

         Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam tập trung tăng cường, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng và các nước ASEAN, các nước có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có quan hệ truyền thống kết hợp các hoạt động ngoại giao với hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

          Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới với vị thế ngày càng cao. Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều đó đã củng cố thêm vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận các trọng trách quốc tế quan trọng là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA-41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu. Điều này cho thấy sự tín nhiệm và tình cảm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

          Hội nhập về quốc phòng - an ninh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bên cạnh đó, ta tích cực tham gia và xây dựng các cơ chế hợp tác quốc phòng- an ninh đa phương mà Việt Nam là thành viên có trách nhiệm. Từ tháng 6/2014, Việt Nam đã chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tính đến tháng 8/2020, Việt Nam đã cử 50 lượt sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung phi và Nam Xu đăng; đã tổ chức triển khai 2 bệnh viện dã chiến cấp 2 mỗi bệnh viện gồm 63 quân nhân tại phái bộ Nam Xu đãng và đang tích cực chuẩn bị Đội công binh để triển khai tới phái bộ theo yêu cầu của Liên hợp quốc.

           b. Kinh tế- xã hội

          Trong suốt 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Giai đoạn đầu Đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%. Trong các giai đoạn tiếp theo, tỷ lệ này được cải thiện đáng kể: giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2% năm; giai đoạn 1996-2000 tốc độ tăng GDP tăng 7%; giai đoạn 2001- 2010 GDP tăng bình quân 7,26%; giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng GDP giảm nhẹ còn 6% năm, giai đoạn 2016-2019 mức tăng GDP đạt 6,8%, năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, mức tăng GDP chỉ đạt 2,91% năm nhưng vẫn nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.

          Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thông thoáng, công khai , minh bạch, thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế nhiều thành phần hình thành và phát triển, các thành phần kinh tế đều có đóng góp tích cực vào phát triển đất nước.

         Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 28,2% vào năm 2020; trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 19 trong số các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2019. Ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia mà còn xuất khẩu được nhiều mặt hàng nông sản giá trị cao. Trong 10 năm (2009- 2019) tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt trung bình đạt trung bình 2,61% năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,64%, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng, năm 2020 đạt 41 tỷ USD. Ngành dịch vụ có những bước phát triển vượt bậc, chất lượng và khả năng cạnh tranh ngày càng cao. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP đạt 42% trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ luôn đạt trên 6% năm.

          Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã và đang trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập toàn diện nhất thế giới qua các cấp độ (song phương, đa phương, khu vực) và theo các hình thức, khuôn khổ khác nhau, đối tác chiến lược, hiệp định (thương mại, đầu tư, môi trường), diễn đàn (APEC, ASEM..), tổ chức quốc tế (Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á), trong đó, việc trở thành thành viện WTO là sự kiện quan trọng nhất đánh dấu một mốc mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới: nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là Trung Quốc; các nước EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản... Quá trình hội nhập đã góp phần cải cách toàn diện nền kinh tế Việt Nam và có đóng góp lớn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là mở rộng đầu tư nước ngoài và tăng trưởng xuất khẩu.Việt Nam được đánh giá là nước phát triển đầy tiềm năng, có nền chính trị ổn định, có thị trường với gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số vàng và chất lượng nguồn lao động có trình độ công nghệ cao được cải thiện, có không gian phát triển rộng mở với 13 FTA đã ký kết có hiệu lực. Sau 35 năm mở cửa, hội nhập và cải cách môi trường kinh doanh, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2005-2018, vốn FDI đăng ký đạt gần 360 tỷ USD, năm 2017 đạt 38,2 tỷ USD, năm 2020 đạt 28,53 tỷ USD

          - Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đạt nhiều thành tựu, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội. Giáo dục và đào tạo từng bước được đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khoa học và công nghệ từng bước khẳng định vai trò là động lực trong phát triển kinh tế- xã hội. Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

          - Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường hợp tác quốc tế và văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy.

          c. Tình hình chính trị, đối ngoại và phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2021

          * Chính trị, đối ngoại :

          - Trong 6 tháng đầu năm 2021, nước ta đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp; kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

          - Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của đất nước đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao . Các bộ, ban, ngành, địa phương đã thể hiện tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo trong lĩnh vực đối ngoại để thích ứng với tình hình khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động như điện đàm, hội nghị, hội thảo, đối thoại... theo hình thức trực tuyến được tăng cường và khai thác hiệu quả; các hoạt động trực tiếp, đoàn ra đoàn vào cũng được từng bước nối lại theo yêu cầu và tình hình thực tế. Các cơ quan và địa phương đã triển khai đồng bộ, hiệu quả đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao với quốc phòng, anh ninh; đẩy mạnh đối ngoại địa phương; bám sát các nhiệm vụ, yêu cầu của đất nước, đạt được các kết quả nổi bật: (1) Tham mưu tích cực, chủ động, linh hoạt và kịp thời các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương nhằm xây dựng và tăng cường quan hệ giữa lãnh đạo ta với lãnh đạo các nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu; (2) Tích cực phối hợp hỗ trợ công tác chống dịch trong nước, vận động tiếp cận vắc-xin, đồng thời hỗ trợ các nước ứng phó với dịch bệnh; (3) Dây mạnh đối ngoại đa phương, đảm nhận tốt trọng trách Chủ tịch HĐBA/LHQ trong tháng 4/2021 và phát huy vai trò trong ASEAN; (4) Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; (5) Xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, dân chủ nhân quyền; (6) Triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa; (7) Công tác bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai hiệu quả, kịp thời.

          * Phát triển kinh tế-xã hội:

          - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% mặc dù dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước ( đóng góp 8,17% vào mức tăng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% ( đóng góp 59,05%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 11,42%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, trong đó các ngành dịch vụ thị trường như : bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%; hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,72%. Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9, 11%. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%, nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.

          - Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký.

          - Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch nhìn chung vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Sáu tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.

          - Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước./.​

Từ khóa » Thành Tựu Nền Kinh Tế Thị Trường ở Việt Nam