Những Tiến Bộ Trong Tạo Hình Mũi

Phẫu thuật tạo hình mũi đã có từ rất lâu, thời Hy Lạp cổ đại và Ấn Độ cổ đại. Cùng với sự phát triển của Y học, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mũi ngày càng trở nên phổ biến. Các kỹ thuật nâng sống mũi, thu gọn cánh mũi hoặc cấu trúc lại toàn bộ mũi trở nên bài bản, chuẩn mực như các can thiệp y khoa khác. Các các phương tiện mới cũng như các kỹ thuật mới cũng không ngừng cải tiến để phục vụ cho mục đích thẩm mỹ y khoa.

Mũi là trung tâm của khuôn mặt, mũi đẹp và hài hòa với các thành phần khác của khuôn mặt có ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ chung, đem lại cái nhìn thiện cảm của người đối diện.

Tạo hình thẩm mỹ mũi là một trong những phẫu thuật được yêu cầu nhiều nhất tại các khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Ngay cả khi có nhiều chi tiết cần làm đẹp trên khuôn mặt, thì thẩm mỹ mũi là phẫu thuật thường được yêu cầu thực hiện trước.

Một chiếc mũi đẹp phải có sự kết hợp hài hòa giữa các thành phần bên ngoài cấu thành nên tháp mũi bao gồm: sống mũi, gốc mũi, thành bên sống mũi, đầu mũi, hai thùy cánh mũi, trụ mũi và hai lỗ tiền đình mũi (hình).

Hình. 1: Các tiểu đơn vị giải phẫu bề mặt tháp mũi

1. Các tiến bộ trong vật liệu dùng nâng mũi: Trước đây, vật liệu dùng nâng mũi là những thanh silicon cứng, thường được đẽo gọt từ những tấm silicon lớn, hoặc được đúc sẵn tạo dáng chung chung. Sau đó phẫu thuật viên sẽ chỉnh sửa cho phù hợp với từng người. Vật liệu này thường có độ cứng không phù hợp với da vùng tháp mũi, hoặc do thao tác gọt đẽo không chuẩn nên có những cạnh gờ sắc, dễ gây lộ sống mũi. Lâu ngày làm da vùng tháp mũi mỏng đi, dẫn đến trồi sống mũi, phải phẫu thuật rút bỏ thanh silicon sớm.

VẬT LIỆU MỚI: - Vật liệu nhân tạo dùng nâng mũi hiện nay khá phong phú. Các công ty danh tiếng sản xuất ra các thanh silicon y khoa (Silastic) nâng mũi ngày càng tốt hơn: chất liệu thuần khiết, mềm mại, nhiều hình dạng phù hợp với từng loại bất thường sống mũi, nhiều số đo khác nhau, dễ tạo dáng tháp mũi. Ngoài ra, các vật liệu mới dùng để nâng mũi như Poly-Tetra-Fluoro-Ethylene (Gore-tex), Porous Polyethylene (Medpor) có cấu tạo nhiều lỗ hổng, cho phép mô cơ thể mọc vào trong các lỗ hổng này giúp thanh đệm vật liệu mới tồn tại lâu hơn trong cơ thể. - Vật liệu tự thân dùng để nâng mũi bao gồm cân cơ thái dương, sụn vành tai, sụn vách ngăn mũi hay sụn sườn: là các chất liệu của chính bệnh nhân nên thường được cơ thể chấp nhận và bền lâu hơn. Xu hướng chung hiện nay không sử dụng vật liệu tự thân đơn thuần mà thường kết hợp với các chất liệu nhân tạo trong nâng mũi giúp tận dụng ưu thế của từng loại chất liệu tại từng vị trí cụ thể trên tháp mũi. - Một số trung tâm giới thiệu phương pháp nâng mũi bằng chỉ, thực chất là dùng chỉ y khoa thu gọn nền mũi, giúp đỉnh mũi trông gọn và cao hơn; hoặc củng cố tăng cường các thành phần cấu tạo của mũi, tạo vẻ đẹp cân đối cho tháp mũi. Có tác giả dùng loại chỉ có nhiều răng nhỏ dọc theo sợi chỉ để củng cố lớp da và mô dưới da bao phủ tháp mũi, giúp xóa bỏ hình ảnh sa xệ mất cân xứng của mũi. - Có thể nâng mũi không phẫu thuật bằng cách dùng các chất tiêm vào vùng tháp mũi như cấy ghép mỡ tự thân, tiêm các chất làm đầy có nguồn gốc từ acid hyaluronic… vật liệu dạng này có hạn chế nhất định trong nâng mũi vì không tạo được bộ khung vững chắc cho tháp mũi và sẽ bị tiêu hủy một phần hoặc toàn bộ theo thời gian. Cần tránh tuyệt đối các chất silicon bơm nâng mũi, các chất bơm tiêm bền lâu hoặc các chất liệu không có nguồn gốc rõ ràng vì sự biến đổi các chất này trong cơ thể hoặc biến chứng về sau không thể dự đoán được.

2. Các tiến bộ trong phẫu thuật tạo hình mũi: Trước đây, chủ yếu chỉ nâng mũi đơn thuần với thanh độn silicon nâng mũi, có thể thêm việc thu gọn cánh mũi. Tuy nhiên, phẫu thuật này chỉ làm đẹp được với trường hợp chỉ thấp phần sống mũi và có các thành phần khác tương đối hài hòa.

KỸ THUẬT MỚI: Ngày nay, các kỹ thuật mới có thể hoàn toàn định hình lại tháp mũi: cải thiện hình dáng cho đến tỷ lệ các phần của mũi, thay đổi kích thước mũi (lớn hơn hay nhỏ hơn), thay đổi góc của mũi so với môi trên, thay đổi đầu mũi, chữa mũi khoằm … Cụ thể là: - Với trường hợp da sống mũi mỏng, nguy cơ lộ sống mũi: sử dụng cân cơ thái dương bao bọc thanh silicon giúp hạn chế lộ sống mũi. Sẽ cần thêm một phẫu thuật lấy cân cơ thái dương, với đường mổ nằm giấu trong tóc trên vành tai. - Với đầu mũi thấp, ngắn, nhỏ: tăng cường sụn tự thân cho vùng đầu mũi và sử dụng thanh silicon nâng phần sống mũi, thường gọi là nâng mũi bọc sụn. Mảnh sụn vành tai giúp hạn chế việc lộ sống mũi và làm mũi dài ra thêm. Cần thêm một phẫu thuật lấy sụn vành tai với đường mổ nhỏ giấu sau tai, khung vành tai hầu như không bị ảnh hưởng. - Với cánh mũi rộng và loe, nền mũi rộng: thu nhỏ cánh mũi, nền mũi. Đường sẹo mổ nằm bên trong, bên dưới hoặc bên ngoài cánh mũi tùy theo tình trạng cánh mũi. Phẫu thuật này thường phối hợp với các phẫu thuật nâng cao mũi. - Nâng mũi S-line: (có tên gọi này vì mũi nhìn nghiêng có hình chữ S), là phẫu thuật nâng mũi từ gốc mũi, sống mũi, đầu mũi, dùng kết hợp cả vật liệu nhân tạo và sụn tự thân, thu gọn đầu mũi và cánh mũi. Phẫu thuật này đặc biệt cần lưu ý đến sự hài hòa với các thành phần khác của khuôn mặt để đạt được tính thẩm mỹ cao. - Nâng mũi cấu trúc (còn gọi là tạo hình mũi toàn thể Rhinoplasty total, chính xác hơn là nâng mũi tái cấu trúc Re-constructional Rhinoplasty): thiết lập lại toàn thể cấu trúc mũi đối với trường hợp sống mũi bè hoặc gồ, đầu mũi to rộng, cánh mũi và nền mũi rộng, sống mũi ngắn, trụ mũi ngắn. Đây là phẫu thuật lớn, phức tạp, cần thực hiện với gây mê toàn thân (phải vào nằm lại bệnh viện). Cần đục bỏ phần mũi gồ, dời và thu gọn xương ở thành bên sống mũi, thu nhỏ đầu mũi và cánh mũi, kéo dài trục mũi, nâng cao trụ mũi, sử dụng sụn tự thân nâng các các phần khuyết lõm, sau mổ cần mang nẹp cố định sống mũi. - Tạo hình khuyết mất mô vùng mũi do tai nạn hoặc do ung thư da: sử dụng các vạt da tại chỗ hoặc vùng lân cận, chọn lựa vạt da phù hợp để hạn chế sẹo và không làm biến dạng mũi cũng như các cấu trúc xung quanh. - Trường hợp mất toàn bộ tháp mũi: tạo hình lại toàn bộ các cấu trúc của mũi bao gồm khung sụn nâng đỡ bằng sụn sườn tự thân, chuyển vạt da từ nơi khác đến ghép nối mạch máu vi phẫu để che phủ tháp mũi. Phẫu thuật này đòi hỏi trình độ cao, nhiều thời gian và nhiều đợt phẫu thuật chỉnh sửa.

Nhìn chung, mũi của người Á Đông thường thấp ở gốc mũi và sống mũi, hai thành bên sống mũi thường bè rộng, đầu mũi to, lỗ mũi rộng, tiểu trụ mũi thường ngắn. Xu hướng thẩm mỹ hiện nay bị tác động từ các phương tiện nghe nhìn, nhiều khách hàng xem quảng cáo và nhầm tưởng các phương pháp phẫu thuật được giới thiệu nhiều như “nâng mũi bọc sụn”, “nâng mũi cấu trúc” có thể làm cho mũi họ đẹp ngay, hoặc mong muốn được phẫu thuật mũi theo kiểu các ngôi sao điện ảnh Hàn quốc. Song để có một chiếc mũi mới đẹp với tiêu chuẩn tự nhiên, phù hợp với khuôn mặt, thì phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mũi phải dựa trên việc phân tích kỹ lưỡng các đặc điểm của từng chiếc mũi, và còn cần lưu ý đến tất cả các đặc điểm của xu hướng thẩm mỹ chung và hướng tới sự hài hòa với tổng thể khuôn mặt. Để làm được điều này, phẫu thuật viên phải được đào tạo căn bản về phẫu thuật tạo hình, nhiều kinh nghiệm, có con mắt mỹ thuật, hiểu rõ mong muốn của bệnh nhân và tư vấn cặn kẽ về các kỹ thuật sẽ tiến hành cũng như các ưu khuyết điểm của nó.

Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Mạnh Đôn Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh Viện Đại học Y Dược TP. HCM Địa chỉ: Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, 215 Hồng Bàng, Q. 5.

Từ khóa » Khép Cánh Thu Nền Mũi