Những Tòa Nhà Bộ Ngoại Giao độc đáo

Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga.

Tòa nhà bảy chị em

Nằm ở Quảng trường Smolenskaya-Sennaya Square, quận Arbat, Moscow, trụ sở của Bộ Ngoại giao Nga nằm trong quần thể Tòa nhà bảy chị em, gồm bảy tòa nhà chọc trời hình tháp được xây dựng dưới thời Stalin. Tòa nhà 27 tầng, cao 127m được hoàn thành vào năm 1953. Mặc dù không có biểu tượng ngôi sao năm cánh trên đỉnh tháp như sáu “chị em” khác nhưng trên mặt tiền của tòa tháp có quốc huy của Liên Xô bằng bê tông cốt thép được gắn ở độ cao 114m và có diện tích 144 m2. Tòa nhà rộng 65.000 m2 có khoảng 200 phòng với 18 thang máy cao tốc.

Các văn phòng, phòng họp và nội thất của tòa nhà ấn tượng về quy mô và sự lộng lẫy, đặc trưng của trường phái kiến trúc được gọi là "phong cách Stalin". Các bức tường trong đại sảnh lát đá cẩm thạch màu sáng, sàn lát đá granite màu đen, cột đá cẩm thạch nhân tạo cùng cửa sổ kính màu.

“Cung điện hoàng gia”

Trụ sở Bộ Ngoại giao Anh.
Tòa nhà Bộ Ngoại giao Anh nằm trong quần thể tòa nhà của Chính phủ Anh là trụ sở của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Văn phòng Ấn Độ và Văn phòng thuộc địa, được xây dựng từ năm 1861 và hoàn thành năm1868, do George Gilbert Scott và Matthew Digby Wyatt thiết kế theo phong cách cổ điển.

Năm 1925, nơi đây diễn ra lễ ký kết Hiệp ước Locarno do Bộ Ngoại giao Anh chủ trì nhằm giảm căng thẳng ở châu Âu. Lễ ký diễn ra ở các căn phòng được thiết kế để đãi tiệc ngoại giao và sau này được đổi tên thành phòng Locarno Suite.

Tòa nhà Bộ Ngoại giao Anh được ví như một cung điện hoàng gia, từ trần nhà, cửa sổ, cầu thang... đều được đánh giá là kiệt tác nghệ thuật. Sảnh Durbar đẹp lộng lẫy, thiết kế mở, bốn mặt bao quanh với cột và vòm. Lối đi lát đá cẩm thạch Hy Lạp và Bỉ. Cái tên Durbar xuất hiện vào năm 1902 khi vua Edward VII tổ chức lễ đăng quang ở đây.

Tòa nhà được tu sửa trong 17 năm, tiêu tốn 100 triệu bảng Anh và hoàn thành vào năm 1997.

Pháo đài đá

Trụ sở Bộ Ngoại giao Saudi Arabia.
Tòa nhà của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nằm ở Riyadh do kiến trúc sư Henning Larsen thiết kế, là sự kết hợp của phong cách bản địa và kiểu kiến trúc tượng đài của Hồi giáo. Nhìn bên ngoài, tòa nhà giống như một pháo đài được tạc từ một khối đá.

Tòa nhà kết hợp phòng họp, phòng hội nghị, phòng cầu nguyện, thư viện, thính phòng, phòng triển lãm, phòng tiệc và khu văn phòng chứa khoảng 1.000 người. Cấu trúc hai hình bán nguyệt bên cạnh tòa nhà chính là phòng tiệc và thư viện. Từ cửa chính dẫn vào sảnh hình tam giác bốn tầng, dẫn tới ba khu văn phòng chính có cấu trúc hình bát giác với ba khu vườn lớn trong nhà. Ánh sáng ban ngày xuyên vào từ các cửa sổ trần và nhiệt độ bên trong được điều hòa bằng các bức tường dày, vật liệu cách nhiệt chất lượng cao và cửa sổ nhỏ.

Lâu đài thủy tinh

Trụ sở Bộ Ngoại giao Brazil.
Được đặt tên là Itamaraty Palace, tòa nhà này do kiến trúc sư Oscar Niemeyer thiết kế và được khởi công xây dựng năm 1970.

Với những mái vòm phản chiếu trong hồ nước có các lùm cây nhiệt đới, trụ sở Bộ Ngoại giao Brazil hiện lên như một lâu đài thủy tinh. Các cầu thang nối các tầng và khu vườn trong nhà do họa sĩ phong cảnh Roberto Burle thiết kế.

Với ý đồ phản ánh chính sách đối ngoại của Brazil, tòa nhà có mặt tiền giáp với một tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Bruno Giorgi biểu tượng cho sự đoàn kết năm châu. Thêm vào đó, tòa nhà với các bức tường đá cẩm thạch cũng là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nước ngoài về lịch sử Brazil cùng nhiều bộ sưu tập của các nghệ sĩ trong nước.

Tòa nhà lịch sử

Trụ sở Bộ Ngoại giao Indonesia.
Tòa nhà Pancasila là nơi chứng kiến những giây phút lịch sử trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia và là nơi hình thành Hiến pháp của nước Cộng hòa Indonesia. Đây là một tòa nhà nhỏ nhưng không kém phần nguy nga, hiện là trụ sở Bộ Ngoại giao Indonesia và vẫn được gọi theo tiếng Indonesia là Gedung Pancasila.

Gedung Pancasila là một tòa nhà tân cổ điển được xây dựng vào năm 1830, từng là trụ sở của chỉ huy quân đội Hà Lan. Tại đây, Sukarno, người sau này trở thành Tổng thống đầu tiên của Indonesia có bài phát biểu nổi tiếng về "Sự ra đời của Pancasila" vào ngày 1/6/1945, đặt nền móng cho Hiến pháp của Indonesia. Từ 1/6/1964, Gedung Pancasila trở thành một phần của trụ sở Bộ Ngoại giao Indonesia và trong những năm 1960, tòa nhà từng là nơi đào tạo các nhà ngoại giao.

Tòa nhà thường được sử dụng cho các sự kiện nghi lễ nhà nước, chẳng hạn như tiếp khách ngoại giao, ký kết thỏa thuận hay các bữa tiệc nhà nước... Nơi đây cũng được xem là tòa "quốc hội nhỏ", nơi thường diễn ra các cuộc tranh luận về các vấn đề của quốc gia.

MAI THẢO

Từ khóa » Tòa Nhà Bộ Ngoại Giao Nga