Những Trách Nhiệm Pháp Lý Của đảng Viên Khi Sử Dụng Văn Bằng ...

Việc cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có không ít người là đảng viên, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp không phải hiếm. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, ở phần “biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống” nêu lên một hiện tượng “chạy bằng cấp”. Tức là, việc vi phạm đã trở thành một vấn đề cần phải đưa vào nghị quyết để điều chỉnh, nhằm khắc phục triệt để.

Thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên ở một số địa phương trong cả nước bị phát hiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ không phù hợp và bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Nhưng cũng không ai chắc rằng không có những trường hợp khác chưa bị phát hiện và vì thế vẫn tiếp tục “yên vị”, thậm chí còn tiếp tục thăng tiến. Nếu điều này tồn tại chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cán bộ, đảng viên, làm suy giảm đến uy tín của bộ máy, làm hạn chế sự tham gia vào hệ thống chính trị của người có năng lực thực sự…

Trên thực tế, ngoài các bằng cấp về trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, các cán bộ, công chức, viên chức còn cần nhiều chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học, các hạng/ngạch, các lớp bồi dưỡng theo chức vụ, vị trí công tác…, mà nếu thiếu có thể không được nâng lương, chuyển ngạch, bố trí, bổ nhiệm. Các đảng viên còn cần một số chứng chỉ, chứng nhận khác như lớp cảm tình đảng, lớp đảng viên mới… Bên cạnh phần đông đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tích cực học tập vừa lấy kiến thức vừa lấy văn bằng thì vẫn có một số người viện các lý do khác nhau để tránh việc học và tìm các cách khác nhau để có được bằng cấp, chứng chỉ, trong đó có những văn bằng không hợp pháp. Điều này có thể còn liên quan đến hiện tượng “lười học tập” mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu.

Pháp luật nước ta đã có nhiều quy định chế tài hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ không phù hợp. Chẳng hạn, với công chức, theo quy định của Luật Cán bộ công chức năm 2008 và Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì công chức có hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức: “kỷ luật cảnh cáo đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức”; “kỷ luật cách chức đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ”; “kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Với viên chức, Luật Viên chức 2010 và Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức cũng có các hình thức kỷ luật tương đương.

Sử dụng bằng cấp, chứng chỉ không phù hợp là vi phạm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và kỷ luật đảng viên. (Tranh minh họa: luatminhkhue.vn) Sử dụng bằng cấp, chứng chỉ không phù hợp là vi phạm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và kỷ luật đảng viên. (Tranh minh họa: luatminhkhue.vn)

Bên cạnh đó, trường hợp công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp nhưng chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với mức phạt tiền đến 20 triệu đồng và tịch thu, văn bằng, chứng chỉ giả.

Theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ công chức, thì hành vi “sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị” của công chức, viên chức có thể phải chịu hình thức kỷ luật buộc thôi việc tại Khoản 3, Điều 13 và Khoản 4 Điều 19.

Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả mà cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Nếu cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp thì ngoài kỷ luật theo quy định của pháp luật còn phải chịu kỷ luật của Đảng. Điều 22 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị “về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” quy định, đảng viên “kê khai không đúng và sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp” thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Nếu tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ), khi “sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, lý luận, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc để được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước” hoặc “làm giả hoặc cố ý sửa chữa, bổ sung, xác nhận sai sự thật làm sai lệch hồ sơ để cấp có thẩm quyền cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; sửa chữa, bổ sung làm sai lệch các nội dung trong văn bằng, chứng chỉ phục vụ cho hành vi trái pháp luật”.

Điểm b Khoản 3 Điều 11 của Quy định 102-QĐ/TW nêu, đảng viên “có hành vi chạy chức, bằng cấp, vị trí công tác, luân chuyển” thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Đồng thời, Điều 3 cũng khẳng định: Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (năm 2019) cũng có những điều khoản tương tự về thời hiệu).

Trong trường hợp đảng viên bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ ra khỏi Đảng.

Sử dụng văn bản, chứng chỉ không phù hợp trong chừng mực nào đó có thể coi là một hình thức suy thoái; nếu việc sử dụng nhằm mục đích thăng tiến, tăng lương hoặc được nhận thêm các đãi ngộ khác là biểu hiện không trung thực với Đảng, với tổ chức, với đồng chí, xét cho cùng là không còn xứng đáng với tư cách đảng viên nữa. Do đó, mỗi đảng viên phải thực sự chú ý tránh vi phạm này; đồng thời, tổ chức đảng ở cơ sở, nhất là chi bộ, phải tăng cường giám sát, quản lý đảng viên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp đảng viên manh nha vi phạm, nhằm tránh các tổn thất cho tổ chức.

Từ khóa » Sử Dụng Văn Bằng Chứng Chỉ Không Hợp Pháp