Những Triệu Chứng Cảnh Báo Nên Khám Tiền Mãn Kinh - VnExpress

Tiền mãn kinh thường sẽ có triệu như thế nào, có cần làm xét nghiệm chẩn đoán hay không? Có cần nhịn ăn trước khi làm các xét nghiệm? (Nguyện Vân, TP HCM)

Trả lời:

Mãn kinh được xác định khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong vòng 12 tháng liên tục ở những phụ nữ vốn dĩ có chu kỳ kinh nguyệt đều. Trước khi mãn kinh, thường ở một số chị em có xuất hiện một số triệu chứng, một số thay đổi như chu kỳ ngắn lại hoặc dài ra, lượng kinh có thể ít, rất ít hoặc nhiều, rất nhiều, kéo dài hơn...

Tiền mãn kinh và mãn kinh là một quá trình sinh lý bình thường mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Đối với thời kỳ tiền mãn kinh - mãn kinh rất đa dạng biểu hiện, thông thường nhất phụ nữ sau tuổi 40 thường có 34 dấu hiệu cảnh báo như: bốc hỏa, rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi, giảm trí nhớ, đổ mồ hôi đêm, giảm ham muốn, khô âm đạo, tâm trạng thất thường, rối loạn hoảng sợ, nhiễm trùng tiết niệu, đầy hơi, rụng tóc, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, tăng cân, tiểu són, đau đầu.

Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa, da khô sạm, dị ứng, móng giòn dễ gãy, thay đổi mùi cơ thể, ngứa da, loãng xương, căng cơ, khó tập trung, nhịp tim không đều, hồi hộp, trầm cảm, đau bầu ngực, miệng có vị kim loại kéo theo dễ buồn nôn, cảm giác như sốc điện nhẹ cũng là dấu hiệu cảnh báo.

Để khám chẩn đoán tiền mãn kinh, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, hỏi về chu kỳ kinh nguyệt trong 12 tháng gần nhất. Ngoài ra, chuyên gia sẽ khai thác triệu chứng cảm xúc như nóng nực, bực bội, cáu gắt, mất ngủ, da sạm, đau xương khớp... Nhóm bệnh nhân còn trẻ sẽ cần thêm các bằng chứng của xét nghiệm, thử máu, bằng chứng khẳng định buồng trứng dấu hiệu ngưng hoạt động.

Đa số bệnh nhân sẽ thực hiện xét nghiệm, định lượng các chỉ số về nội tiết tố nữ, siêu âm phụ khoa ghi nhận thêm tình trạng tử cung teo nhỏ, niêm mạc tử cung mỏng, buồng trứng teo nhỏ không có nang noãn... Tuy nhiên, chị em chỉ cần xét nghiệm định lượng nội tiết trong một số trường hợp cần thiết ví dụ: nghi ngờ mình mãn kinh sớm trước bốn mươi tuổi, hoặc ở những phụ nữ có cắt tử cung do những bệnh lý phụ khoa trước đó thì có thể dùng xét nghiệm để định lượng.

Cơ thể mỗi người sẽ có chỉ số nội tiết tố khác nhau, thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, các bệnh lý, hay sử dụng thuốc điều trị. Vì vậy, chị em muốn xét nghiệm nội tiết tố cần đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Đối với phụ nữ trên 30 tuổi, nên đi khám phụ khoa định kỳ để tầm soát các bệnh lý phụ khoa. Đồng thời thông báo với bác sĩ các triệu chứng khó chịu, khó khăn gặp phải trong cái cuộc sống thường ngày. Từ đó bác sĩ có thể tư vấn, hỏi bệnh kỹ càng, chỉ định xét nghiệm cần thiết để lý giải những biểu hiện chị em gặp phải có rơi vào quá trình tiền mãn kinh, mãn kinh hay không.

BS.CKI Nguyễn Quang Nhật Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Từ khóa » Chẩn đoán Tiền Mãn Kinh