Những Trường Phái Khác Nhau Khi Chơi Bàn Phím Cơ Custom
Có thể bạn quan tâm
Khi đã quá quen với những chiếc bàn phím dựng sẵn (stock keyboard), đôi tay đã quá nhuần nhuyễn với các cảm giác gõ cơ bản, dân chơi phím cơ luôn có xu hướng tự nâng lên một cấp độ mới: chơi bàn phím cơ custom.
Các cấp độ chơi bàn phím cơ custom
Bàn phím cơ custom là một đẳng cấp cao hơn, hấp dẫn hơn và dễ bị rù quến hơn với tất cả người đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu với bàn phím cơ. Đại khái đây là các bàn phím do chủ nhân tự biến tấu, tự thay đổi, tùy chỉnh, lắp ráp các thành phần. Kiến thức về bàn phím cơ custom rất bao la, và kiểu chơi bàn phím cơ này cũng rất mênh mông, nhưng chủ yếu sẽ chia thành 3 cấp độ chính:
Cấp độ #1: Bàn phím custom dạng “chiếu mới”
Đây là những chú ong mới vào nghề chơi, mới thử nghiệm vài bước căn bản để tự custom bàn phím bằng việc thay keycap lẻ, thay keycap set, chơi phím artisan cho bàn phím của mình.
Thật lòng mà nói thì đây chưa phải là custom keyboard, chỉ là mấy màn đổi màu đổi hình dạng bên ngoài cho vui thôi, còn tất cả những phần bên trong khác thì chưa hề đụng chạm gì. Nhưng để nuôi dưỡng đam mê và có căn cơ cho những bước đi tiếp theo thì khâu này hầu như ai cũng đã từng đi qua, thậm chí có thể kéo dài rất lâu. Đó là trường hợp bạn chưa biết tới một khái niệm tiếp theo của dân chơi.
Cấp độ #2: Custom bàn phím cơ chuyên sâu
Ai đi tới cấp độ này sẽ có ít nhất trong tay một chiếc bàn phím cơ hot-swap, nghĩa là giúp thay đổi, gắn gắp switch mà không cần hàn hay rã hàn.
Dân chơi trong khu vực này sẽ có nhu cầu tự tạo ra chiếc bàn phím độc lạ cho riêng mình trên một nền tảng căn bản có sẵn (gọi là các barebone keyboard hay tạm dịch là bàn phím sườn). Từ barebone hot-swap họ có thể tùy ý gắn thêm plate/ case/ keycap/ switch theo ý muốn của mình. Và hàng loạt những món chi tiết tùy chỉnh khác nữa như stab/ lube/ cable… Hiện khá nổi trong lĩnh vực bàn phím cơ hot-swap và các barebone tùy chỉnh mạnh là thương hiệu Glorious, mới đây đã có hàng chính hãng ở Việt Nam.
Nhìn hình mọi người thấy đã bắt đầu phức tạp lên rồi phải không? Nhưng cấp độ này vẫn chưa là cao nhất. Cảnh giới đỉnh nhất của dân chơi phím cơ chính là…
Cấp độ đỉnh cao: Tự ráp một chiếc bàn phím cơ từ A-Z
Đúng như tên gọi, nghĩa là bạn trở thành một nhà sản xuất thu nhỏ tại gia. Bạn sẽ ráp nên một chiếc bàn phím cơ đúng nghĩa, hoàn toàn theo ý mình từ A-Z. Bạn có tất cả mọi kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm mọi thứ, kể cả việc hàn chi tiết vốn rất phức tạp và nhiều rủi ro mà nhiều dân chơi vẫn thường né. Thành phẩm làm ra là một chiếc bàn phím không giống ai, có 1-0-2 từ kích thước, tới hình dáng, các chi tiết kết nối trong và ngoài. Trên thế giới này chỉ duy nhất một.
Thât ra nếu không thể tự ráp, bạn vẫn có thể sở hữu một chiếc bàn phím cơ custom A-Z kiểu này. vì một số dân chơi hard core ngoài việc tự làm cho mình để sưu tập, để xài thì còn có nhận đặt hàng làm bàn phím cơ theo ý muốn. Chỉ cần cho họ biết bạn muốn gì, chi tiết nào, budget bao nhiêu, việc còn lại là trả tiền và chờ đợi thôi.
Nhưng trong phạm vi của bài chia sẻ này, mình chỉ muốn đi sâu vào cấp độ ở giữa: chơi bàn phím custom chuyên sâu dựa trên barebone và các phụ kiện có sẵn. Vì đây là cấp độ nhiều người đang muốn tìm hiểu nhất, cũng là cấp độ mà bạn không cần phải trở thành một chuyên gia mới có thể lấn sân vào.
Các trường phái chơi bàn phím cơ custom chuyên sâu (cấp độ 2)
Trong giới chơi bàn phím cơ custom chuyên sâu (cấp độ hai như mình có nói ở trên) thì lại có nhiều trường phái chơi khác nhau. Mỗi trường phái sẽ chọn quan tâm đặc biệt tới một thành phần lớn trên chiếc bàn phím. Cùng xem qua để biết mình thuộc hệ nào nhé.
1/ Nhóm chỉ quan tâm tới switch
Với bàn phím cơ dù dạng nào thì switch cũng luôn là linh hồn. Cho nên có số lớn các anh em khi chơi bàn phím cơ custom luôn bị ám ảnh bởi Switch. Đặc điểm nhận dạng của các cao thủ switch này thường là: barebone căn bản được rồi, không cần quá cao cấp, plate, case ổn là được, keycap nhạt nhạt đơn điệu cũng không sao miễn profile hợp và độ dày từ 1,5mm trở lên, mấy thứ phụ kiện linh tinh khác mỗi thứ có một mẫu là ok không cần phải quá nhiều.
Nhưng, riêng switch là phải một kho: từ Cherry chuẩn, cho tới cloned-Cherry như Kailh, Gateron, Outemu, rồi tới các switch là lạ hơn nếu săn được thì phải thử hết, cho hết vào bộ sưu tập như switch Romer-G, Razer switch hay các kiểu switch dành riêng cho bàn phím custom chỉ có bán trên các trang alibaba, amazon như golden pink switch… Thậm chí còn mày mò tìm mua cho bằng được các mẫu barebone độc lạ dùng cho các dòng switch lạ đời như switch quang, switch điện dung…
Và khi gắn lên barebone họ còn có thể tung hứng sáng tạo bằng cách kết hợp mix match một vài loại switch khác nhau trên cùng một bàn phím theo dụng ý nào đó. Ví dụ như theo cụm lực khác nhau của các ngón tay hay đơn giản là theo phím ký tự yêu thích.
Niềm đam mê vô bờ bến này đến từ khao khát cảm nhận của đôi tay. Mỗi một loại switch đều ít nhiều cho cảm giác gõ khác nhau, chưa kể các loại không phải cơ thuần chủng thì còn khác nữa. Cho nên khi tay chạm vào một switch mới, cảm nhận cũng vì thế mà được đa dạng hơn, tạo thêm nhiều hưng phấn hơn trong quá trình làm việc và sử dụng.
2/ Nhóm rất quan trọng các phần “cứng” như Plate/ Case/ PCB
Nhóm này có đặc trưng là chuyên lùng các Tấm cố định switch (Plate), Khung vỏ bàn phím (case) và Mạch bàn phím (PCB) có chất liệu và thiết kế độc lạ. Plate thì thay vì dùng loại đồng, nhôm họ sẽ tìm tới gỗ, kim loại nặng loại chế tạo máy bay, hoặc chất liệu phi kim như nhựa cao cấp và mica.
Case thì không dừng lại ở loại nhôm hay nhôm pha đồng mà sẽ tìm tới case mica, case nhựa, độc lạ và thiết kế mới mẻ. PCB thì lùng vài loại có đèn rồi không đèn, rồi dùng mouted PCB thay vì thông qua một tấm plate để xem cảm giác gõ khác biệt thế nào.
Nói chung đây là dân chuyên chỉnh đổi phần cứng ngắc của bàn phím và chìm đắm trong khâu chất liệu của chúng.
3/ Nhóm “căn bản được rồi, chủ yếu là đẹp lạ và gõ hay”
Nhóm này muốn chơi để biết bàn phím cơ custom như nào. Và mục đích cuối cùng là để trưng bày niềm đam mê của mình và đa dạng hóa bộ sưu tập ở nhà. Cho nên phần cứng sao cũng được, ổn là được. Nhưng bù lại, các bạn thuộc nhóm này có một số chuyên custom bàn phím để dùng cho công việc thường ngày thì luôn đòi hỏi switch phải xịn và đi đôi với keycap cũng phải rất gì và này nọ, có tí màu sắc độc đáo càng hay.
Đặc điểm nhận dạng là các bàn phím làm ra rất độc đáo, đẹp lạ là tiêu chí đầu tiên, sau đó là cảm giác gõ (tùy người). Họ sẽ có thể sở hữu hàng chục bộ keycap khác nhau, còn keycap lẻ thì khỏi nói, switch thì có thể vài bộ thôi, nhưng cái nào đáng cái đó.
Lưu ý khi chơi bàn phím cơ custom
Dù cho bạn thuộc hệ nào trong các trường phái chơi bàn phím cơ cutom kể trên, thì cuối cùng, có một số yếu tố mà bạn cần luôn ghi nhớ và chú ý khi chọn mua barebone hoặc linh kiện cho mình.
1/ Layout: chọn theo đuổi trường phái nào thì layout cũng nên được lựa chọn đầu tiên vì từ layout tất cả mọi thứ sẽ thay đổi theo, từ tổng giá tiền, tới cách gắn kết, tới các lựa chọn chi tiết liên quan sao cho tương thích. Thường mình thấy layout compact cỡ 60% là tiện nhất, dễ dùng, dễ tương thích mà cũng tiết kiệm.
2/ Chất liệu làm ra case và plate: quan trọng là vì chúng là hai phần ảnh hưởng trực tiếp tới cảm giác gõ (ngoại trừ switch). Cần chọn case cứng cáp, có độ nặng tay nhất định (thường làm bằng nhôm có pha đồng). Plate thì nên chọn các loại có chất liệu như carbon (cao cấp), đồng (cận cao cấp) hoặc ít nhất cũng là nhôm với giá rẻ hơn kha khá để độ ổn định của switch được bảo đảm. Ngoài ra còn một lựa chọn khá dị là polycarbonate và FR4 giúp tăng độ flex của bàn phím lên (cái này chắc mấy ông gõ tactile thích lắm).
3/ Switch và keycap: chắc chắn là hai thứ không thể “nhờn” được. Switch là trụ cột của cảm giác gõ và độ bền của toàn bàn phím. Keycap là nhân vật hỗ trợ cho cảm giác gõ và là ngoại hình của toàn bàn phím. Cả linh hồn và da thịt đều rất cần thiết.
4/ Tổng thiệt hại: là cái bạn cần suy nghĩ thật chính chắn trước khi đặt chuột xuống và gõ order. Cần cho mình một ngân sách nhất định cho việc chơi bàn phím cơ theo định kỳ, để tránh tình trạng mua đồ quá đà. Anh em hay than phiền chị em phụ nữ suốt ngày đổ tiền mua phụ kiện trang sức, tới lượt mình thì cảm giác nghiện nó cũng y chang thôi. Cho nên tự quản lý tổng chi tiêu và thiệt hại của mình từ khâu lên ý tưởng cho custom keyboard là việc rất quan trọng phải làm.
5/ Không ngừng học hỏi và nâng tầm đam mê: các bàn phím custom build sinh ra là để cho ta thêm một động lực để tự mày mò và dấn thân sâu hơn vào biển học vô cùng của thế giới phím cơ. Cho nên nếu tạo được một chiếc hãy dành thời gian để dùng, và thật sự cảm nhận nó. Để khi thật sự hiểu rồi ta mới đi tiếp sang một chiếc custom build thứ hai, rồi lại từ từ cảm nhận sự khác biệt. Có như vậy thì quá trình chơi phím cơ và niềm đam mê mới có dịp lắng đọng và từ từ nâng lên một tầm cao mới. Chơi phím cơ custom không phải là cứ gắn ráp gắn ráp như một cái máy là xong.
Chơi không chỉ chơi mà còn là trải nghiệm và cảm nhận.
Hôm nào có nhiều thời gian hơn mình sẽ chia sẻ tiếp về các bước thao tác gắn kết trên một bàn phím cơ custom build. Còn giờ, chúc anh em gõ thật vui, chơi phím cơ thật khỏe và suy nghĩ kỹ trước khi tiêu tiền.
Happy typing!
Từ khóa » Keycap Stock Là Gì
-
Keycap Là Gì? Mọi Thứ Bạn Cần Biết Về Keycap Bàn Phím Cơ
-
Một Số Lưu ý Mua Keycap Bàn Phím Cơ Cho Các Tân Thủ - Máy Tính Cũ
-
Keycap Là Gì? Các Loại Keycap, Profile Keycap Phổ Biến Nhất Hiện Nay
-
Kiến Thức Cơ Bản Về Keycap Bàn Phím | Calico Computer Hà Nội
-
Keycap ảnh Hưởng Tới Cảm Giác Bấm Như Thế Nào?
-
KeyCap Là Gì? Tìm Hiểu Về KeyCap Là Gì? - Thiết Kế Website
-
5 điều Bạn Cần Biết Trước Khi Chơi Keycap Bàn Phím Cơ - GameK
-
Keycap Là Gì? - Phong Vũ Hỏi Đáp
-
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỌN BỘ KEYCAP PHÙ HỢP ...
-
Định Nghĩa Keycap Là Gì?
-
Chuyên Keycap, Bàn Phím Cơ, Phụ Kiện Gaming Gear Giá Tốt
-
Mình Mới Tậu được Bộ Keycap Cực Xịn Xò Cho Keychron K6 - Tinhte
-
Nhập Môn PHÍM CƠ, Bắt đầu Từ đâu? - Tinhte
-
Bộ Keycap NJ80 PBT Dyesub Chính Hãng Nút Bàn Phím Cơ - Shopee