Những Tư Liệu Hán Nôm Mới Phát Hiện Tại đền Quán đôi Tại Khúc Sông ...
Có thể bạn quan tâm
NHỮNG TƯ LIỆU HÁN NÔM MỚI PHÁT HIỆN TẠIĐỀN QUÁN ĐÔI TẠI KHÚC SÔNG TÔ LỊCH, HÀ NỘI
ĐỖ THỊ HẢO
PGS.TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Đền Quán Đôi xưa thuộc xã Dịch Vọng Tiền, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Trong quá trình thi công xây kè bờ sông Tô Lịch đến đoạn đền Quán Đôi đã xảy ra một số sự kiện vừa qua được báo chí đăng tải khá nhiều. Báo Văn hoá (ngày 2-6/10/2002) đăng bức thư ngỏ của Đội trưởng đội thi công 12 gửi các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu có những đoạn như sau: ... “Cách đây hơn một năm, tại nơi chúng tôi thi công(1) đã phát hiện di chỉ khảo cổ học bao gồm nhiều hiện vật như: xương răng động vật, đồ gốm sứ bị vỡ, liễn sành, nhiều cây cột gỗ vàng tâm, một số vũ khí sắt và tám bộ hài cốt người... Điều làm cho chúng tôi hoang mang và lo sợ nhất là sau khi phát hiện ra những hiện vật, trong đó có cả hài cốt người thì hầu hết những người thân trong gia đình anh em công nhân đều có chuyện bất hạnh xảy ra... Trong thời gian qua, cũng đã có một số nhà khoa học xuống hiện trường và đưa ra một số nhận định sơ bộ. Để đảm bảo và ổn định tinh thần của anh em công nhân trong thời gian tới, hơn nữa theo chúng tôi là cần có những ý kiến chính thức về mặt khoa học đối với di chỉ khảo cổ học này, kính đề nghị các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn bắt tay nghiên cứu một cách cụ thể nhằm đưa ra kết luận xác thực”.
Vào khoảng cuối năm 2001, GS. Trần Quốc Vượng và PGS. Đỗ Văn Ninh đã tìm ra ủng thành duy nhất còn sót lại ở đây. Theo PGS. Đỗ Văn Ninh thì “có thể giả thuyết đây là một địa bàn trấn yểm mà bất kỳ công trình xây dựng nào cũng phải có khi động thổ, đặc biệt là đối với một vị trí quan trọng như cổng thành phía Tây của La Thành”. Và còn nhiều những ý kiến khác đề cập đến vấn đề phong thuỷ, vấn đề tâm linh, rồi “bùa yểm của Cao Biền”, hoặc là nơi diễn ra lễ hiến tế, mà vợ chồng người bán dầu họ Vũ đã chấp nhận làm vật hi sinh để vua Lý khỏi bệnh đau mắt, ...
Vừa qua chúng tôi được các cụ trong Ban quản lý đền Quán Đôi mời đến khảo sát một số tư liệu Hán Nôm hiện có trong đền. Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định giải thích bất cứ vấn đề gì đã nêu ở trên mà chỉ muốn giới thiệu những tư liệu Hán Nôm tại đền Quán Đôi chưa từng được công bố nhằm góp phần thêm để rộng đường nghiên cứu.
Ngoài tấm bia Hạ Mã ngay cửa đền, hiện trong đền còn một số hoành phi, câu đối và tấm bia Mục lục Thái Hoàng bi ký, cùng bản thần tích (lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mang ký hiệu AE). Nội dung bản thần tích của xã Dịch Vọng Tiền, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông tóm tắt như sau:
Tương truyền ở trang Yên Dũng, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương có vị tù trưởng họ Trần tên là Lữ, vợ là Nguyễn Thị Hoàn, vốn tính hiền lành, lấy việc nông tang làm nghề sinh sống. Vào giờ Mão ngày mùng 4 tháng 6 năm Bính Thân bà sinh được một cô bé mặt mũi rạng rỡ, dáng mạo đẹp đẽ, trong lòng bàn tay trái có chữ “chủ” màu đỏ. Ông bà vô cùng mừng rỡ, cho là điềm lạ và đặt tên là Phương. Ngày tháng trôi qua nàng Phương đã 18 tuổi. Bấy giờ có một vị quan trong triều họ Lý tên là Công Trinh nghe thấy nàng Phương nết na xinh đẹp liền đến xin cưới nàng làm vợ. Hai năm sau, vào giờ Tý ngày mùng 8 tháng 12 năm Ất Mão, nàng sinh được một cậu con trai đặt tên là Thống mặt mày sáng sủa, tai to ngực lớn, tướng mạo đường hoàng không phải người thường. Năm cậu Thống 18 tuổi, giặc Ma Na kéo đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Vua liền cử quan Bộ chủ Lý Công Trinh thay mặt vua cầm quân đi dẹp giặc. Vừa tiến đến đồn sở của giặc, quan Bộ chủ đã bị tướng giặc bắn chết ngay tại trận (đó là ngày 17 tháng 5), xác bị bêu tại Bàng Châu. Mẹ con nàng Phương nghe tin dữ bèn cùng nhau đến nhận xác quan Bộ chủ về mai táng. Thấy nàng Phương xinh đẹp, tướng giặc rắp tâm muốn lấy làm vợ. Nàng Phương bèn giả vờ ưng thuận để thoát chết. Rồi một hôm mẹ con tìm cách chạy trốn đến ngôi quán ở trang Dịch Vọng Tiền thuộc huyện Từ Liêm, trời đã tối lại vừa đói vừa khát. May nhờ người trong trang là Lê Công Đoan chu cấp cho để sống qua lúc ngặt nghèo. Ba ngày sau, bỗng trời đất tối tăm, hai mẹ con tự nhiên hoá tại đền (đó là ngày 21 tháng 5). Dân làng kéo ra xem thấy mối đã đùn lên thành ngôi mộ. Từ đó nơi đây rất thiêng, ai có trắc trở khó khăn đến cầu khẩn đều được bình yên, nhân dân bèn lập miếu thờ phụng.
Nghe tin Bộ chủ thua trận, nhà vua thân chinh cầm quân đi đánh dẹp. Quân lính đi qua trang Dịch Vọng Tiền tự nhiên xa giá bị níu lại. Nửa đêm nhà vua mộng thấy hai người tự xưng là hai mẹ con tâu rằng: Nghe tin nhà vua đi dẹp giặc nên đến yết kiến xin đi theo lập công âm phù giúp nước, để lại tiếng thiêng sau này mong được hưởng lộc nước. Tỉnh dậy biết là thần báo mộng, lập tức vua truyền lệnh cho làm lễ tạ trước miếu. Lễ xong bỗng mưa gió nổi lên, xa giá đi như bay một khắc sau đã đến đồn giặc, đánh một trận giáp công quân tướng giặc đại bại chạy tan tác.
Sau khi thắng trận lập tức vua lệnh đem sắc chỉ đến miếu thiêng ở bản trang truyền cho dân sửa sang đền miếu để thờ phụng hai mẹ con. Vua lại ban thêm cho dân 100 quan tiền để chi dùng vào việc đèn hương và bao phong mĩ tự cho được thờ mãi mãi cùng hưởng lộc nước.
Bản thần tích còn ghi rõ mỹ tự và nghi thức tế lễ như:
- (Nàng Phương) được phong là Lý hoàng hậu, Trinh Khiết, Đoan Phương, tôn linh công chúa
- (Con) được phong là Dũng Vũ, Cương Nghị, Thống hoàng đế đại vương
- Cho phép dân trang Dịch Vọng Tiền làm hộ nhi (được miễn phu phen tạp dịch để trông nom việc đèn hương) đây là nơi chính sở, được thờ phụng mãi mãi.
- Ngày sinh của thần (mẹ) là mùng 4 tháng 6, lễ vật dùng cỗ chay, bánh chay.
- Ngày sinh của thần (con) là mùng 8 tháng 12, lễ vật dùng lợn, xôi, rượu.
- Ngày hoá của thần là 21 tháng 5, lễ vật trong cung dùng cỗ chay, bánh chay, ban ngoài là lợn, xôi, rượu. Tổ chức lễ tế.
- Phải kiêng không được đọc hai chữ tên huý Phương, Thống.
- Miếu dựng theo hướng Bắc Nam, đây là nơi đất “chính linh” (chính chỗ đất thiêng).
Ngày lành tháng 1 niên hiệu Hồng Phúc năm đầu (1572), Lễ Bộ, Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn.
Ngày lành tháng 8 niên hiệu Vĩnh Hữu 5 (1739) Quản giám bách thần, Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng mệnh sao theo chính bản.
Còn tấm bia dựng trong đền đã ghi lại ngày, tháng, năm, trải qua các triều đại Hoàng thái hậu (tức nàng Phương) được bao phong, cụ thể là:
- Ngày mùng 3 tháng 6 niên hiệu Tự Đức 10 (1857) được ban sắc cho thờ phụng như trước.
- Ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự Đức 33 (1880) được ban sắc cho thờ phụng như trước
- Ngày mùng 1 tháng 7 niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887) được ban sắc phong
- Ngày 11 tháng 8 niên hiệu Duy Tân (1909) được ban sắc cho thờ phụng như trước.
Đặc biệt bia có khắc nguyên văn đạo sắc phong ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định 9 (1924) như sau:
Sắc cho xã Dịch Vọng Tiền, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông vốn thờ Dực Bảo Trung Hưng, hậu Lý Nam Đế Hoàng Thái Hậu. Hoàng Thái Hậu bảo vệ nước, che chở cho dân có nhiều công đức, đã từng được ban cấp sắc chỉ cho phép dân thờ phụng. Đến nay đã ban cho chiếu quý, ơn lớn, về lễ đáng được xếp lên bậc.
Đặc biệt cho phép dân xã được thờ phụng như cũ, để ghi nhớ ngày vui của nước được thể hiện ở sự tôn trọng – Phải kính tuân theo.
Bia do xã Duệ Tú khắc ngày 17 tháng 8 giữa mùa thu niên hiệu Bảo Đại 16 (1941)
Hy vọng với sự phối hợp liên ngành, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu và lý giải những điều nêu trên một cách thuyết phục, góp phần đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương nói riêng và của những người quan tâm đến vấn đề này nói chung.
Chú thích:
(1) Đoạn đền Quán Đôi – trên khúc sông Tô Lịch, Hà Nội.
Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.172-177
Từ khóa » đi Lễ đền Quán đôi
-
Tối Mùng Một đi Lễ đền Quán Đôi - Đăng Thành
-
Bí ẩn Ngôi đền Quán Đôi Bên Bờ Sông Tô Lịch
-
Đền Quán Đôi Bên Bờ Sông Tô Lịch, Và Câu Chuyện Trấn Yểm Cao Biền
-
Bài 1: Đền Quán Đôi: “Thiêng” Nhờ… Dự án Cải Tạo Sông Tô Lịch
-
Top 15 đền Quán đôi Thờ Ai
-
Trở Lại đền Quán Đôi: Mọi Chuyện Dần Trở Về đúng Nghĩa
-
Hôm Nay Mình đi Lễ ở đền Quán đôi ở Sông Tô Lịch Hà Nội - YouTube
-
PHƯỜNG NGHĨA ĐÔ : LỄ HỘI ĐỀN QUÁN ĐÔI - Lễ Hội
-
Đi Lễ đền - Đánh Giá Về Đền Quán Thánh, Hà Nội, Việt Nam
-
Bài Văn Khấn Đền Quán Thánh đầy đủ Nhất - Thủ Thuật
-
đền Quán Đôi - Phụ Nữ Việt Nam
-
Chuyện ít Người Biết Về 4 Ngôi đền Thiêng được Xem Là “Tứ Trấn ...
-
Đền Quán Cháo Và Sự Tích Chiến Thắng Của Quân Tây Sơn