Những Vụ án Bán độ Gây Chấn động Bóng đá Việt - VnExpress

Quốc Vượng và đồng đội bán độ tại SEA Games 2005

Tiền vệ được mệnh danh là "lá phổi" của U23 Việt Nam đứng ra giao dịch với trùm cá độ và rủ rê 6 cầu thủ khác dàn xếp để chỉ thắng Myanmar với tỷ số 1-0. Kết quả trận đấu đúng như tính toán ban đầu của các đối tượng. Khi nhận được số tiền "lại quả" 490 triệu đồng cho hành vi bán độ, Quốc Vượng chia cho Văn Quyến, Quốc Anh, Bật Hiếu mỗi người 20 triệu. Quốc Anh cũng cầm 20 triệu dùm Châu Lê Phước Vĩnh. Văn Trương và Hải Lâm do hối hận về hành vi của mình nên không nhận tiền từ Vượng.

tpo-6344-1397196636.jpg

Nhóm cầu thủ bán độ tại SEA Games 2005 ra tòa. Ảnh: Tiền Phong

Vụ này được Tòa án Nhân dân TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25/1 và phúc thẩm ngày 20/4/2007. Kết thúc phiên tòa, Lê Quốc Vượng nhận án tù (4 năm), các cầu thủ khác chỉ bị án treo do có các tình tiết giảm nhẹ. Trong đó Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm và Châu Lê Phước Vĩnh bị phạt 2 năm tù về tội tổ chức đánh bạc; Lê Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh bị phạt 2 năm 6 tháng tù vì tội tổ chức đánh bạc.

Vụ bán độ tại SEA Games 23 đã khiến sự nghiệp của Văn Quyến rẽ sang một chương mới đầy đen tối. Cuối năm 2009, khi thời hạn 2 năm án treo kết thúc, "Cậu bé vàng" của bóng đá Việt Nam được VFF cho trở lại thi đấu. Tuy nhiên, những màn trình diễn ấn tượng của chân sút người xứ Nghệ đã hoàn toàn biến mất. 2 năm ngồi không đã giết chết tài năng của "Cậu bé vàng", để rồi khi trở lại anh chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Trọng tài nhận hối lộ làm lệch kết quả trận đấu

Cáo trạng của VKSND Tối cao cho thấy trọng tài Lương Trung Việt đã nhúng tay vào hầu hết các phi vụ dàn xếp trận đấu của CLB Ngân Hàng Đông Á - Thép Pomina (NHĐA-TP). Lãnh đạo một số đội bóng như Nguyễn Tiến Huy, Vũ Tiến Thành (NHĐA-TP), Lê Văn Cường (Tôn Hoa Sen - Cần Thơ) đã nhờ Việt quan hệ với các trọng tài và đề nghị họ điều khiển trận đấu theo hướng có lợi cho đội bóng của mình.

Cụ thể ở V-League 2004, Nguyễn Tiến Huy, nguyên giám đốc điều hành CLB NHĐA-TP, đã đề nghị lo giúp cho đội bóng này khoảng 5-6 trận có lợi và tiền thưởng mỗi trận từ 30-50 triệu đồng.

Các trọng tài đã tham gia phi vụ cùng Việt là Phạm Hữu Lộc (nhận 15 triệu đồng), Trương Thế Toàn (12 triệu đồng), Hoàng Thế Dũng (35 triệu đồng) và Lê Văn Tú (15 triệu đồng). Ngoài ra, đối với các trọng tài khác tham gia điều khiển trận đấu, Việt cũng “bồi dưỡng” cho họ một khoản nhỏ trong phần tiền nhận được từ Nguyễn Tiến Huy.

Với vai trò “đạo diễn”, Việt đã bị kết án 7 năm tù về tội môi giới hối lộ. Cùng chịu hình phạt tù giam với bị cáo này là các cựu trọng tài FIFA Phạm Hữu Lộc và Trương Thế Toàn (mỗi người 4 năm tù về tội nhận hối l)ộ. Bị cáo Hoàng Thế Dũng (trọng tài cấp quốc gia) bị phạt tù 4 năm 6 tháng.

viet-3562-1397196637.jpg

Trọng tài Trung Việt (ngồi) trong ngày xử án.

Án tù treo 36 tháng được áp dụng với 2 bị cáo bị kết tội có hành vi đưa hối lộ: Lê Văn Cường và Vũ Tiến Thành.

Vụ án Sơn cao - Trương Văn Dưỡng

Vụ án được cơ quan chức năng triệt phá bắt nguồn từ việc cầu thủ Trương Văn Dưỡng của đội Hải Quan bị "xã hội đen" đe dọa, đòi cắt gân chân vì "lật kèo".

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định tại Giải vô địch bóng đá các đội mạnh quốc gia năm 1997, Trần Phi Sơn (Sơn cao) cùng Trần Minh Trung đã móc nối với hai cầu thủ đội Hải Quan là Trương Văn Dưỡng và Nguyễn Phúc Nguyên Chương để dàn xếp trước tỷ số của một số trận đấu. Hầu hết các trụ cột của Hải Quan đều nhận tiền tham gia làm độ. Trương Văn Dưỡng bị kết tội và nhận án tù một năm. Tuyển thủ quốc gia Nguyên Chương bị phạt 10 tháng tù treo và 2 năm thử thách vì tội đánh bạc.

Lã Xuân Thắng đá phản lưới nhà năm 1997

Trong trận gặp An Giang năm 1997, trung vệ đội trưởng Lã Xuân Thắng của Công An Hà Nội sút thẳng về lưới nhà từ khoảng cách 20 m. Pha đốt đền đã gây phẫn nộ cho hàng vạn khán giả có mặt trên sân Hàng Đẫy.

Sau trận đấu, Lã Xuân Thắng tuyên bố: “Tôi làm tôi chịu, nhưng tôi làm đâu phải vì riêng tôi”. Cũng kể từ đó, trung vệ này giải nghệ còn nghi án mãi chỉ là nghi án.

Nghi án bán độ trước SEA Games 2003

Trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho SEA Games 22, đội trưởng U23 Việt Nam Vũ Như Thành bị chính HLV Riedl đưa vào “sổ đen” với nghi ngờ bán độ trong trận khai sân Mỹ Đình: thua Thân Hoa Thượng Hải 1-2. Cầu thủ này cũng dính vào nghi vấn bán độ tại Cup JVC mà anh mang băng đội trưởng. Dù chứng cớ không thực sự rõ rang, Liên đoàn bóng đá Việt Nam vẫn đưa ra án phạt nặng treo giò 5 năm để răn đe. Thụ án được một năm thì Như Thành được giảm án từ 5 năm xuống 2 năm rưỡi. Đến nay, bản án của Vũ Như Thành vẫn được coi là còn rất nhiều bí ẩn, được coi như một hành động "thí tốt" để ổn định đội tuyển trước thềm SEA Games 2003.

Thành Nam

  • Ninh Bình có dấu hiệu tiêu cực kéo dài
  • Bầu Trường: 'Số cầu thủ tiêu cực rất đông'

Từ khóa » Bán độ Bóng đá Việt Nam 2005