Những Vụ án Kinh Thiên, động địa Trong Lịch Sử Trung Quốc

Phần 1: Trang Đình Long và "Minh sử tập lược"

Nhà Thanh là vương triều do người Nữ Chân cổ vốn sống mãi nơi rừng thiêng nước độc đã trải qua nhiều thế hệ xây dựng nên. Sau khi vào làm chủ Trung Nguyên, để đề phòng sự chống đối của người Hán đã thực hiện chính sách trấn áp, hạn chế tự do ngôn luận, tạo dựng nên nhiều vụ án văn tự khiến cho mọi người phải khiếp sợ. Trong đó vụ án Minh sử Trang Đình Long có số người liên luỵ và bị giết quá nhiều thật chưa từng có.

Trang Đình Long (không rõ năm sinh năm mất) tự là Tư Tương là người Hồ Châu, tỉnh Triết Giang. Trang xuất thân trong một gia đình thương gia giàu có, từ nhỏ thông minh ham học, đặc biệt rất thích đọc sách về lịch sử, sớm chịu ảnh hưởng lốl sống cuối thời nhà Minh. lại xuất thân từ gia đình giàu có vạn bộ nên Trang không chịu đi con đường 10 năm đèn sách, khoa cử đề danh bảng vàng, cũng không chịu nhẫn nại khổ công học hành và bố của Trang Đình Long cũng không muốn thấy Trang phải chịu khổ. Từ đó Trang sống cuộc sống dựa dẫm, nhàn hạ của một cậu ấm con nhà phú hộ. Ngoài việc giúp bố mẹ trông hàng chốc lát, còn chỉ chú ý đến việc làm dáng trong thư phòng rộng rãi của mình, lật giở từng trang kinh sử.

Trung Quốc thời nhà Thanh.

Nhưng thật là: Trời mưa nắng bất thường, người ta cũng phúc hoạ khôn lường. Lúc mới 25, 26 tuổi thì tai hoạ đã đổ ập xuống đầu Trang, anh ta tự nhiên thấy toàn thân ngứa ngáy, khó chịu, mặt nổi đầy nốt mẩn lấm tấm, cũng không phải như vết loét sẹo của bệnh hủi. Tuy chữa trị hết nước mà vẫn không khỏi, trái lại nó lại lan đến tận 2 mắt và làm hỏng cả đôi mắt. Cuộc sống đang tươi đẹp bỗng trở thành mờ ảo tối tăm.

Nhưng Trang Đình Long cũng đã đọc thuộc chút ít sách kinh sử, anh ta nhớ đến một câu nói nổi tiếng của Thái sử công Tư Mã Thiên: "Tây Bá bị giữ ở Dũ Lý vẫn viết được "Chu Dịch". Khổng Tử gặp tai ương ở đất Thái mà sáng tác "Xuân Thu". Khuất Nguyên bị đày mà vẫn viết được "Ly Tao" nổi tiếng. Tả Khâu bị mù mà vẫn có "Quốc ngữ", Tôn Tử bị phạt khoét xương bánh chè mà vẫn còn luận bàn binh pháp, Bất Vi rời Thục để lưu truyền "họ Lã", Hàn Phi bị tù vẫn có "Thuyết nạn", "Cô phận" và cả 300 bài thơ. Các bậc thánh hiền khi gặp không may vẫn đều thành danh cả.

Thế là Trang cũng rập khuôn, quyết tâm học theo các vị thánh hiền, viết ra một quyển sách nổi tiếng để mong truyền cho hậu thế. Nhưng hai mắt bị mù loà anh ta biết làm sao đây?

Nếu một mình viết ra một bộ sử thi thì không thể được, nhưng họ Trang có nhiều tiền bạc của cải nên có thể mời một số nho sinh nghèo đến giúp sức, lại mời thêm ít vị có danh tiếng đến biên soạn một bộ sử thi. Trang Đình Long phải mất một ngày tính toán mới nghĩ ra cách làm như trên, anh ta nói với bố là Trang Doãn Thành. Để an ủi đứa con bệnh tật, Trang Doãn Thành đồng ý ngay và nhanh chóng xuất tiền cho con thực hiện kế hoạch đó Có một cơ hội ngẫu nhiên làm cho Trang Đình Long nhanh chóng thực hiện được cách làm của mình. Vốn là có một nho sinh họ Chu sống cạnh nhà họ Trang, anh ta vốn là cháu Nội các Thư phú Chu Quốc Trinh thời Thiền Khởi nhà Minh. Trước đây, Chu Quốc Trinh đã biên soạn bộ sách "Hoàng Minh sử khái" sau khi phát hành sách được khen ngợi rộng rãi, ông còn có một bộ sách nổi tiếng khác là "Hoàng Minh Liệt triều chư thần truyện", nhưng chỉ có bản thảo, chưa in ấn phát hành ra ngoài. Theo căn cứ để lại "Liệt triều chư thần truyện" có khoảng 10 quyển, sách ghi chép tỉ mỉ sự tích các quan văn võ nhà Minh từ thời khai quốc đến thời Vạn Lịch. Đây là một bộ sử thi, ghi chép truyền lại rất có giá trị. Sau khi nhà Minh bị diệt vong, gia đình họ Chu và các môn đồ ly tán, kinh tế nghèo khó, đã phải bán đi một số tài sản của cha ông. Nay lại nghĩ đến tập bản thảo này.

Lúc đó Trang Đình Long đang tìm người tài để biên soạn Minh sử, tin này đến tai nhà Chu, thế là con cháu họ Chu chủ động tìm đến và bán bộ bản thảo này cho Trang Đình Long để lấy một nghìn lạng bạc rồi vui vẻ, sung sướng ra về.

Sau khi Trang Đình Long mua được bản thảo bộ sách này, lại dùng nhiều tiền để mời hơn 10 vị nho sĩ là: Mao Nguyễn Minh, Ngô Chi Minh, Ngô Chi Dung.., đưa bản thảo ra chỉnh lý, gia công, bổ sung, sửa đổi đồng thời điền thêm tư liệu hai triều Thiên Khởi và Sùng Chinh tập hợp thành một bộ sử thi lấy tên là "Minh sử tập lược", hay còn gọi là "Minh thư tập lược" rồi ghi tên họ mình vào sách coi như là sách của Trang Đình Long.

Để nâng cao tiếng tăm của sách, Trang Đình Long còn mời Lễ bộ thị lang Lý Lệnh Tích viết cho lời tựa, đồng thời ngay những trang đầu tiên liệt kê một loạt các văn nhân nổi tiếng đứng tên "biên soạn". Thực ra ngoài số học giả, eó danh tiếng nhận lời đến biên soạn giúp, còn đa số họ đều chưa làm việc này bao giờ.

Sau khi hoàn thành bản thảo, còn chưa kịp ấn hành thì bệnh tình của Trang Đình Long đột biến hiểm ác rồi chết. Ông già Trang Doãn Thành thương con trong lòng vô cùng đau khổ. Để tỏ lòng nhớ thương và an ủi linh hồn đứa con trên thiên đường, ông cố sức cho in "Minh sử tập lược". Mùa Đông năm Thuận Trị thứ 17 (1660) in được 1000 quyển và đưa ra bán, ông già cảm thấy trong lòng thư thái hẳn lên vì đã thay con hoàn thành được ý nguyện của nó. Ông lại nghĩ cùng với việc lưu truyền rộng rãi "Minh sử tập lược" người đời sẽ nhớ mãi tên tuổi con ông, Nghĩ vậy, ông già cảm thấy mãn nguyện. Nhưng ông lại không thể ngờ tới tai hoạ, phiền toái cũng từ đó đang tới gần.

Hoàng đế khai quốc nhà Thanh là Hoàng Thái Cực, cha Hoàng Thái Cực là Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã từng làm Tả vệ đô đốc Thiêm sự Kiến Châu của triều nhà Minh (vùng đất thuộc huyện Tân, Liêu Ninh ngày nay) lại được phong tước Tử chức Long hổ tướng quân. Về sau Nỗ Nhĩ Cáp Xích lấy cớ "Thất đại hận" (Bảy nỗi hận lớn) mà thề dấy binh chống lại nhà Minh lập nên nhà Hậu Kim. Đến đời Hoàng Thái Cực, thống nhất thiên hạ, dựng lên nhà Thanh. Sau khi nhà Thanh thành lập, để củng cố nền thống trị của dân tộc Mãn, họ cũng như các vương triều khác trong ra sức tuyên tuyền đạo đức phong kiến như trung, hiếu, tiết, nghĩa, tam cương ngũ thường, vì vậy đối với của tổ tiên họ rất chú ý đến huý kỵ, không muốn để người khác biết đến. Ngoài ra trước khi nhà Thanh vào làm chủ Trung Nguyên, ở phương Nam, trước sau đó có mấy lần chính quyền (thuộc hạ) nhà Minh chiến đấu chống lại nhà Thanh. Thế lực thống trị nhà Thanh rất không muốn nhắc lại. Thế mà Trang Đình Long đã nổi tiếng vì biên soạn cuốn Minh sử tập lược, lại căn cứ vào bản thảo của Chu Quốc Trinh sủa đổi mà thành. Do thời gian hạn hẹp không đầy đủ, công việc khó khăn phức tạp nên một số sự thực mà nhà Thanh muốn né tránh và huý kị bị nhắc trong sách:

Thứ nhất, "Minh sử tập lược" nói đến giữa nhà Minh và nhà Thanh. Trong sách nói đến tên tự hàm quan của Thái tổ nhà Thanh là Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Khi chép việc đại tướng nhà Minh là Lý Thành Lương giết chết người ông của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, rồi sự thực nuôi dưỡng Nỗ Nhĩ Cáp Xích thời còn nhỏ. Trách mắng sử quan nhà Minh là Thượng Khả Hỉ, Cảnh Thân Minh đã đầu hàng nhà Thanh.

Thứ hai là: dùng từ ngữ khiếm nhã, miệt thị với người Mãn Châu Thứ ba là: ghi chép lại sự thực quân phương Nam nhà Minh chống lại nhà Thanh và ghi rõ ngày tháng, thời gian lên ngôi của 3 vị vương nhà Minh.

Sự thực này vốn giai cấp thống trị nhà Thanh không muốn nhắc tới. Lúc đó nếu ai viết ra như thế đều gặp tai hoạ, tan cửa nát nhà, vì vậy sau khi sách được bán ra, thì gặp phiền phức ngay.

Một số văn nhân phóng đãng, quan lại xấu xa thấy trong sách có nhiều chỗ huý kị, như bắt được vàng nên đổ xô đến nhà Trang Doãn Thành. Bọn chúng giả bộ chuẩn bị tố giác hòng vơ vét tiền bạc. Trang Doãn Thành tuy nhà rất giàu, nhưng vừa đuổi được người này đi thì người khác lại đến, bọn ăn vạ này rất đông, Trang Doãn Thành không đủ tiền để thoả mãn nhu cầu của chúng được.

Cùng lúc đó, một số danh sĩ được thống kê tên họ "biên soạn" xem xong "Minh sử tập lược" đều cảm thấy bất an. Trong đó có 3 người là Cử nhân Tra Kế Tá, Cống sinh Phạm Tương, Lục Kỳ vốn không tham dự "biên soạn", thậm chí cũng không hề với Trang Đình Long lại có tên trong danh sách liệt kê biên soạn, nên tháng 12 năm Thuận Trị thứ 17 (1660) bèn viết tờ trình gửi Ty án sát nhờ minh xét. Lúc đầu, Ty án sát không để ý liền giao cho Học chính Hồ Thượng Hoàng. Hồ Thượng Hoàng lại nhường lại cho Phủ học Hồ Châu tra xét rồi báo cáo. Giáo thụ phủ học Hồ Châu Triệu Quân Tống mua một bộ "Minh sử tập lược" chọn ra nhừng câu chữ có huý kỵ đến nhà Thanh ra cáo thị trước cổng phủ học, đồng thời bẩm lên cấp trên. Lúc này, nhà họ Trang vội vàng tụ tập người giúp việc sửa đi toàn bộ số câu chữ huý kị trên, cho in gấp một số bộ mới rồi gửi đến ty Thông chính, Bộ Lễ, Viện Đô sát… mỗi nơi một bộ lấy mục đích bịt miệng mọi người.

Nhưng do sách "Minh sử tập lược" đã được lưu hành rộng rãi khắp nơi, những chỗ kị huý cũng truyền lan nhiều người biết. Một số tham quan lại thừa cơ lừa gạt doạ dẫm để ăn tiền. Mặc dù Trang Doãn Thành đã sửa đổi "Minh sử tập lược" song rắc rối vẫn không hề giảm đi.

Quan Lương đạo Triết Giang trước đây là Lý Đình Khu có mua được một bộ "Minh sử tập lược" chưa qua sửa đổi thấy có thể lừa gạt được tiền bèn bàn mưu cùng Tri phủ Hồ Châu Trần Vĩnh Minh đến tống tiền Trang Doãn Thành rồi chia đôi. Trần Vĩnh Minh liền đưa ra việc tra xét "sách nghịch".

Phú thương Trang Doãn Thành sợ Tri phủ bắt giết cả nhà nên vội vàng dâng nộp hàng nghìn lạng bạc để dẹp yên chuyện này. Nhưng Tri phủ Hồ Châu Trần Vĩnh Minh đã nuốt lời hứa một mình nuốt hết số bạc hối lộ đó không chia cho Lý Đình Khu rồi lệnh cho Trang Doãn Thành phá huỷ ấn bản, sách vở, chứng cứ. Lý Đình Khu không làm gì được phải lấy lại bộ "Minh sử tập lược" đưa cho người thân là Ngô Chi Vinh để cho Ngô Chi Vinh lừa gạt kiếm ít tiền.

Ngô Chi Vinh đã từng làm Tri huyện Quy An, Hồ Châu, nhưng do lộng quyền, tham nhũng coi rẻ mạng người nên bị tố cáo sau đó bị bãi chức quan tống giam vào ngục. Sau khi ra tù, không được về sống ở quê Giang Tây mà sống gửi ở Hồ Châu và chuyên dựa vào lừa đảo để kiếm tiền sinh sống.

Sau khi có được "Minh sử tập lược" hắn ta cho rằng đã có cơ hội phát tài. Hắn về nhà ghi chép lại tất cả những chỗ kị huý trong sách vào một quyển vở nhỏ. Ngô Chi Vinh nhét quyển vở đó vào trong bụng rồi đi đến nhà Trang Doãn Thành.

Trang Doãn Thành thấy tên quan chuyên lừa đảo kiếm tiền này tới biết là có chuyện chẳng lành, nhưng cũng không dám lãnh đạm mà cung kính nói: "Lão gia quá bộ đến tệ xá, không biết có việc gì chỉ bảo?" Ngô Chi Vinh thong thả rút quyển vở nhỏ và nói: "Lệnh lang Trang Đình Long thật là người có tài "Minh sử tập lược" của cậu ấy sáng tác có rất nhiều ý đẹp lời hay, ta đều đã ghi lại cả rồi", nói xong liền đưa quyển vở lại.

Trang Doãn Thành đỡ quyển vở và xem qua, bất giác mặt mày tối sầm đầu óc quay cuồng, người run bắn lên, ông cố gắng trấn tĩnh lại và đành nói:

"Ông muốn gì? Cứ nói thẳng ra đi". Thế là Ngô Chi Vinh cười hì hì và nhẹ nhàng giơ ngón tay trỏ và nói: Không giấu gì lão tiên sinh, gần đây hạ quan thời vận không được tốt bị mất chức mất của đến nỗi không về được quê hương, vì vậy hạ quan muốn lão tiên sinh cho mượn một số bạc để giải quyết trong lúc cấp bách. Đợi đến khi hạ quan được phục chức, nhất định sẽ hoàn trả đầy đủ".

Việc đã như vậy, Trang Doãn Thành biết là đã gặp phải kẻ tống tiền rồi, không biết phải làm gì tự thấy mình vận rủi, ông chỉ muốn tống khứ tên tham quan vô lại này đi nên tỏ ra lễ phép nói:

- Một nghìn lạng phải không? Lão phu xin đưa đủ.

Nhưng đâu có ngờ Ngô Chi Vinh như con sư tử há mồm, đắc ý nói: "Một nghìn lạng thì ít quá ta cần chí ít cũng phải 1 vạn lạng, chừng đó đối với ông cũng là ít đó!".

Con số này làm cho Trang Doãn Thành giật mình, tuy ông là một phú thương nhưng cũng không thể chịu nổi nhiều tên vô lại đến tống tiền, xách nhiễu như thế này. Nếu như thoả mãn được lòng tham của bọn chúng thì không đến vài tháng, họ Trang phải khuynh gia bại sản. Nghĩ vậy Trang Doãn Thành nghiêm mặt lại nói "Những chữ nghĩa trong sách này đều là cuồng vọng của nghịch tử khi còn sống sao chép lại của người khác, lão phu phải chịu liên luỵ, nhưng tôi đã mời người tới viết lại rồi, đồng thời đã trình cho Ty Thống chính, bộ Lễ, Viện Đô sát và đã được họ chấp thuận, những sách này trước đây đã được huỷ rồi, gần đây, tôi buôn bán không được, vốn liếng eo hẹp, dù có xoay xở ở đâu cũng không có 1 vạn lạng được".

Ngô Chi Vinh tống tiền không thành, trong lòng tức giận như bốc lửa, hắn đâu chịu bỏ qua? Ít lâu sau, hắn chạy đến thành Hàng Châu. Tháng 7 năm Thuận Trị thứ 18 (1661) hắn phát đơn tố cáo "sách nghịch" lên tướng quân trấn thủ Hàng Châu Kha Khuê. Kha Khuê lệnh cho tuần phủ Triết Giang Chu Xương Tô điều tra, nhưng Chu Xương Tô cũng không đê ý đến rồi nhường lại cho Đốc học Hồ Thượng Hoành xem xét xử lý. Sự việc thế là dang dở từ đó. Mặt khác, khi Ngô Chi Vinh đi Hàng Châu, Trang Doãn Thành cũng sai người dùng tiền vàng vào thành mua chuộc, lót tay, điều đình với quan lại các cấp, đồng thời qua Đề đốc Tùng Giang hối lộ Kha Khuê, Kha Khuê nhận bạc xong liền không chú ý gì đến "án sách nghịch" nữa.

Ngô Chi Vinh tống tiền không được, tố cáo cũng không xong, trong lòng càng bất bình. Hắn vốn đã làm gì là phải làm bằng được, bèn mang theo "Minh sử tập lược" vào kinh tố cáo tiếp.

Mùa đông năm Khang Hy thứ nhất (1662) Ngô Chi Vinh tới Bắc Kinh, hắn đến bộ Hình đệ đơn tố cáo Trang Doãn Thành in, viết sách phản nghịch. Kẻ tố cáo đã đến gần Thiên tử nên các quan bộ Hình không dám coi thường vội dâng biểu lên nhà Vua. Năm Khang Hy thứ hai(1663) vua Khang Hy lệnh cho 2 vị quan bộ Hình người Mãn đến Hồ Châu điều tra thu hồi sách và bắt giữ tội phạm. Sách đã sớm bị huỷ bỏ còn phạm nhân Trang Doãn Thành lập tức bị bắt giải về kinh. Ít lâu sau, Trang Doãn Thành dùng thuốc độc tự sát chết trong ngục. Tuy người và tài sản không còn gì, nhưng sách vở in ấn trước đây vẫn còn thu được mấy quyển, giấy trắng, mực đen thật tội chứng như núi. Vì vậy vụ án được xét xử rất nhanh những người liên quan đến đều bị mang ra nghiêm trị.

Trang Doãn Thành, Trang Đình Long, hai cha con đã chết từ trước nhưng vẫn phải đào lên chịu tội xé xác phanh thây rồi chôn chung. Em Trang Đình Long là Trang Đình Thành bị xét xử tội lăng trì.

Lễ bộ thị lang Lý Lệnh Tích do trước đây đã viết lời tựa cho sách nghịch, xử tội chết lăng trì, ba người con bất hạnh của ông cũng bị tội chém đầu, bị tịch thu hết gia sản, thân nhân bị lưu đày.

18 vị danh nho được kê tên tham gia biên dịch như Mao Nguyên Danh, Tưởng Lâm Chinh, Trương Văn Thông, Vi Nguyên Giới, Phan Thánh Chương, Ngô Đạm, Ngô Chi Dung, Ngô Chi Danh… đều bị xử lăng trì, người thân hoặc bị giết chết hoặc bị lưu đày, gia sản đều bị tịch thu.

Phú hộ Chu Hựu Minh giúp đỡ tiền bạc cho in sách cũng bị tội chết lăng trì, tịch thu gia sản, thân nhân cũng bị hoặc giết chết hoặc lưu đày.

Trên đây là kể lại việc con cháu các vị biên soạn sách và cả Chu Hựu Minh bị tội chém đầu.

Còn thợ khắc chữ Dương Đạt Phổ, Lý Tường Phổ, người bán sách Vương Vân Giao, Lục Đức Nho, những người mua và giấu sách nghịch như Tô Châu Thuỷ Giã quan chủ sự Lý Kế Bạch., tham gia và có thẩm án ở hai huyện Quy An và Điêu Trình là các giáo quan, đốc học phủ Hồ Châu như giáo thụ Triệu Quân Tống. cũng đều bị chém đầu Quan Tri phủ mới ở Hồ Châu Đàm Hy Mẫn, quan Viễn nhiệm Lý Hoan, quan mới nhậm chức Huấn đạo huyện Quy An Vương Triệu Trinh., bị quy tội "Biết việc mà che giấu", "xử lý công việc tuỳ tiện" và đều bị xử tội treo cổ chết, trong đó Đàm Hy Mẫn mới làm quan được 3 tháng, Vương Triệu Trinh chỉ mới được chưa đầy nửa tháng.

Ngoài ra, tướng quân Kha Khuê bị cách chức, khách trong trướng là Trình Duy Phiên cũng liên đới bị giết. Tuần phủ Trết Giang Chu Xương Tô, Học chính Hồ Thượng Hành, Đề đốc Tùng Giang, Lương Hoá Phong, Thủ đạo Trương Võ Liệt… do dùng nhiều vàng bạc hối lộ nên được tha miễn tội chết.

Vụ án kiện sách nghịch này đã giết chết tổng cộng 72 người, số phụ nữ bị phát vãng nơi biên cương đến hơn 100 người. Đây là một vụ án văn tự kinh thiên động địa, người bị giết nhiều, phạm vi liên luỵ quá rộng, thật chưa từng có.

Ngô Chi Vinh tố cáo giết được Trang Doãn Thành đã hả được mối căm giận. Hắn còn được hưởng một nửa gia tài lớn của nhà họ Trang và Chu, ngoài ra còn được phục hồi quan chức. Sau lại được thăng Hữu thiên Đô Ngự sử, thật là vừa được thăng quan lại còn phát tài. Nhưng vận may không được dài. Năm Khang Hy thứ 4 (1665) Ngô Chi Vinh đột nhiên mắc phải một loại bệnh quái dị, toàn thân loét rữa ra mà chết. Kết cục này mới được hơn một năm sau khi hắn tố cáo vụ án "sách nghịch". Những người từng bị liên luỵ đều thở phào và nói với nhau rằng: Ngô Chi Vinh đã bị quả báo, đúng như cổ nhân răn dạy: tính thiện phùng thiện, tính ác phùng ác.

Theo Nguyen Thuy Quynh/Khỏe & Đẹp Copy link Link bài gốc Lấy link http://www.khoevadep.com.vn/nhung-vu-an-kinh-thien-dong-dia-trong-lich-su-trung-quoc-p1-search/ Theo Nguyen Thuy Quynh/Khỏe & Đẹp

Từ khóa » Những Vụ án Ly Kỳ Trong Lịch Sử Trung Quốc