Những Vụ Thảm án Bí ẩn Sau Hàng Chục Năm Vẫn Không Tìm Ra Thủ ...

  • Nhà báo tìm ra thủ phạm sau hơn nửa thế kỷ

Cái chết thảm thương của 4 cháu nhỏ

Hai anh chị Tan Kuen Chai và Lee Mei Ying sinh được 4 đứa con gồm bé Tan Kok Peng 10 tuổi, bé Tan Kok Hin 8 tuổi, bé Tan Kok Soon 6 tuổi và bé gái duy nhất là Tan Chin Nin 5 tuổi.

Cả gia đình sống trong một căn hộ một phòng ngủ tại toà nhà 58, khu Geylang Baru, Singapore. Hai vợ chồng kinh doanh dịch vụ xe đưa đón học sinh đến trường và về nhà. Ba cậu con trai của hai anh chị theo học trường tiểu học Bendemeer, còn cô bé Tan Chin Nee mới học lớp mẫu giáo lớn.

Vào ngày 1-6-1979, như thường lệ anh chị Tan rời nhà đi làm vào lúc 6 giờ 30, còn 4 đứa con vẫn đang say giấc. Đến lúc 7 giờ 10 phút, chị Tan gọi điện về nhà để gọi các con dậy đi học nhưng cả 3 lần chị gọi không có ai thưa máy.

Cảm thấy có chút lo lắng, chị gọi điện nhờ hàng xóm sang gọi cửa nhà chị và kiểm tra xem 4 em bé đã ngủ dậy chưa. Người hàng xóm sang gọi cửa nhưng không thấy ai trả lời, vậy là họ gọi điện báo cho hai anh chị rằng không có ai ra mở cửa. Vào lúc 10 giờ sáng, hai vợ chồng trở về nhà.

Không tìm thấy con trong phòng ngủ, hai người vào phòng tắm và đập vào mắt họ là cảnh tượng kinh hoàng nhất trên đời: 4 đứa con của hai anh chị Tan, vẫn còn mặc nguyên áo phông và quần dài, bị đặt chồng lên nhau trên sàn nhà tắm và đều bị thương rất nặng.

Tại hiện trường vụ án, đội ngũ pháp y không tìm thấy nhiều bằng chứng ngoài dấu máu gần bồn rửa bát, chứng tỏ kẻ thủ ác đã rửa tay sạch sẽ trước khi rời đi, và vài sợi tóc lạ trong tay em Tan Kok Peng - có lẽ em đã vật lộn với hung thủ trước khi bị hắn hạ sát.

Các điều tra viên không tìm ra dấu vết nào cho thấy tên sát nhân đã đột nhập vào nhà, và hắn cũng không lấy đi bất cứ thứ đồ đạc nào hết. Hung khí không được tìm thấy, nhưng cảnh sát tin rằng thủ phạm đã sử dụng một con dao găm hoặc một con dao thái thịt.

Một vài báo cáo nhỏ lẻ có viết rằng nhà Tan bị mất vài con dao, nhưng báo cáo chính thức về vụ án không để cập đến chi tiết này. Cảnh sát tin rằng hung thủ đã lên kế hoạch rất kĩ và có lẽ là người quen của gia đình. Chỉ hai tuần sau vụ án mạng, giả thuyết rùng rợn này đã trở thành sự thật.

4 nạn nhân nhỏ tuổi của vụ thảm sát Geylang Bahru.

Cuộc truy lùng kẻ thủ ác được tiến hành ngay sau tang lễ của bốn em bé xấu số. Cảnh sát đã triệu tập hơn một trăm người hàng xóm và người thân của anh chị Tan, nhưng không khai thác được thông tin nào giá trị.

Một nhân chứng cho biết anh từng nhìn thấy mẹ của 4 nạn nhân cãi vã với một người đàn ông hàng xóm, nhưng cảnh sát không thể xác minh được danh tính người đàn ông này. Một nhân chứng khác còn khai anh ta thấy một đôi nam nữ gần hiện trường vào buổi sáng xảy ra án mạng và một trong hai người bị dính máu lên quần áo. Tuy nhiên lời khai hết sức "giật gân" này hoá ra chỉ là một trò lừa.

Hai tuần sau vụ án, hai vợ chồng Tan đã nhận được một lời chế nhạo hết sức máu lạnh và nhẫn tâm: trên tấm thiệp mừng năm mới gửi đến hai anh chị có hình trẻ em đang chơi đùa, và trong thiệp viết: "Từ giờ chúng mày sẽ không bao giờ có con được nữa".

Quả là sau khi sinh con út, chị Lee Mei Ching đã triệt sản, nhưng chỉ có những người thân thiết với gia đình mới biết chuyện này. Hơn nữa, phần người nhận trên tấm thiệp đề tên Ah Chai và Ah Eng - biệt danh của hai vợ chồng. Đến lúc này, cảnh sát đã gần như chắc chắc hung thủ giết hại 4 đứa trẻ là một người thân, người bạn hoặc người hàng xóm của gia đình. Tuy nhiên hai vợ chồng đều cam đoan cả hai chưa hề gây thù chuốc oán với bất kì ai.

Cuộc điều tra dường như đã đạt được bước tiến mới khi một tài xế taxi đến trình báo với cảnh sát rằng vào khoảng 8 giờ sáng ngày xảy ra vụ án, anh đã đón một vị khách trên đường Kallang Bahru - một địa điểm không quá xa hiện trường.

Đáng chú ý, người tài xế này còn cho biết trên tay trái anh thanh niên có vết máu và lúc lên xe, con dao cài trên thắt lưng của anh này va vào cửa xe, gây tiếng động khá lớn. Sau khi nghe nhân chứng mô tả lại ngoại hình anh thanh niên, anh Tan Kuei Chai ngỡ ngàng nhận ra đó chính là người hàng xóm hay gọi nhờ điện thoại nhà anh và cũng khá thân thiết với cả gia đình. Cảnh sát Singapore nhanh chóng triệu hồi nghi phạm nhưng chỉ hai tuần sau, người này được thả ra vì thiếu bằng chứng.

Cho đến tận ngày hôm nay, vụ án mạng thảm khốc Geylang Baru vẫn chưa có lời giải, và có lẽ sẽ không bao giờ có lời giải. Cho dù hai vợ chồng sẽ không bao giờ quên được thảm kịch này, ít nhất hiện tại họ đã tìm lại được niềm vui sống. Sau nhiều lần nhận nuôi không thành công, anh Tan Kuei Chai và chị Lee Mei Ying đã quyết tâm sinh con và vào ngày 30-12-1983, chị Lee đã hạ sinh một bé trai khoẻ mạnh.

Vụ án sau 75 năm vẫn chưa tìm ra hung thủ

Thương tâm và bí hiểm ngang với thảm án Geylang Baru là vụ mất tích của 5 đứa con nhà Sodders vào đêm Giáng sinh năm 1945 tại Mỹ. George Sodder là người gốc Italia, tên thật là Giorgio Soddu, sau khi di cư đến Mỹ và đổi tên thành George, bắt đầu kiếm sống bằng việc đưa nước cho các công nhân đường ray. Sau đó George Sodder chuyển đến Virginia để làm tài xế và khi trưởng thành, George tự thành lập công ty dịch vụ vận tải, với hoạt động chính của công ty là vận chuyển than từ mỏ than địa phương.

George gặp cô thiếu nữ Jennie Cipriani - cũng là một người Italia di cư sang Mỹ - tại một cửa hàng và hai người nhanh chóng yêu đương, rồi kết hôn. Họ chuyển đến sống ở làng người Italia Fayetteville tại Virginia.

Tuy hai vợ chồng sống khá chan hoà với bà con lối xóm, George lại là người rất thẳng thắn và thường xuyên bày tỏ sự ghét bỏ đối với thủ tướng Italia lúc đó là ông Benito Mussolini. Chính tính cách này của George đã khiến mối quan hệ giữa gia đình Sodders và những người hàng xóm có phần "cơm không lành canh không ngọt".

Ngoài mối quan hệ không được hoàn hảo lắm với xóm giềng thì cuộc sống của George và Jennie có thể được coi là hạnh phúc: hai vợ chồng có với nhau tận 10 người con, trong đó có 9 đứa đang ở với bố mẹ và một đứa đã đi lính.

5 anh chị em nhà Sodders.

Vào đêm Giáng sinh định mệnh năm 1945, bà Jennie đi ngủ khá muộn. Trước khi lên giường bà nhìn lên gác xép - nơi 5 đứa con của bà là Martha, Jennie, Bety, Maurice, Louis - và nhận ra lũ trẻ chưa tắt đèn cũng như kéo rèm. Vào 1 giờ đêm, bà Jennie đột nhiên tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng động lạ - như thể có vật gì đó vừa rơi lên mái nhà và lăn xuống.

Khoảng 30 phút sau, bà lại bị đánh thức lần nữa, nhưng lần này là vì mùi khói. Trong cơn hoảng loạn, bà nhận ra phòng làm việc của chồng đang cháy và cả hai vợ chồng cùng 4 đứa con không ngủ trên gác mái là Sylvia, John, Marion, George còn may mắn chạy ra khỏi nhà kịp.

Khi đã thoát được ra khỏi căn nhà đang cháy, ông George vội vàng đi tìm chiếc thang ông luôn để cạnh nhà để có thể leo lên trên gác xép và giải cứu các con qua đường cửa sổ, nhưng ông không tìm thấy thang đâu. Cô bé Marion trước khi chạy thoát đã cố gắng dùng điện thoại nhà để gọi lính cứu hoả nhưng điện thoại hỏng và cô bé phải sang nhà hàng xóm gọi nhờ.

Điều kì lạ là sau khi ngọn lửa được dập tắt, hai vợ chồng không hề tìm thấy một dấu tích nào của 5 đứa con, kể cả một mảnh xương. Khi hai ông bà thắc mắc thì bộ phận cứu hoả địa phương cho biết lửa đã thiêu rụi xương của các con ông bà. Một thời gian ngắn sau đó, nguyên nhân vụ hoả hoạn được kết luận là do chập điện trên gác xép.

Những tưởng mọi chuyện đã sớm chìm vào quên lãng, nhưng ông bà Sodders kiên quyết tiếp tục điều tra và phát hiện ra một loạt điểm bất thường. Đầu tiên, khi ngọn lửa đang bùng lên thì ông George nhận thấy đèn trên gác xép vẫn sáng, có nghĩa điện trên gác xép không hề chập.

Sau đó, một thợ sửa điện thoại cho hay đường dây điện thoại nhà ông George không bị phá huỷ trong trận hoả hoạn, mà có bị ai đó trèo lên cắt đứt, còn chiếc thang của ông được tìm thấy dưới bờ kè cách nhà vài trăm mét. Bà Jennie còn thử đốt xương động vật nhưng dù lửa cháy to đến mấy, những chiếc xương cũng không hề biến mất như xương các con bà.

Đáng ngờ nhất là vài tháng trước vụ hoả hoạn, Thủ tướng Mussolini bị ám sát và ông George đã bày tỏ sự vui mừng với một người tiếp thị. Người nhân viên tiếp thị gốc Italia vô cùng tức giận, đã đe doạ ông rằng nhà ông sẽ sớm bị hoả hoạn và các con ông sẽ mất tích. Đáng ngờ hơn, ông ta chính là một trong những thành viên của bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết rằng vụ hoả hoạn chỉ là một tai nạn.

Ông George và bà Jennie bắt đầu nghi ngờ rằng 5 đứa con của mình thật ra không hề chết, mà vụ hoả hoạn chỉ là cái bẫy đánh lạc hướng mọi người để kẻ xấu có thể bắt cóc 5 đứa trẻ một cách dễ dàng. Hai ông bà đã cho dựng một biển quảng cáo trên đường cao tốc gần nhà có ảnh và thông tin các con, kèm theo lời hứa sẽ thưởng 5.000 đô la Mỹ cho bất kì ai giúp ông bà tìm được con.

Tấm biển đã gây được sự chú ý lớn và nhiều người đã cung cấp thông tin cho vợ chồng nhà Sodders. Hễ có ai bảo con ở đâu, ví dụ như cô con gái của ông đang học trường múa ở New York, hoặc các con ông từng trú ở một khách sạn tại Charleston, hoặc hai cậu con trai của ông đang sinh sống tại Texas… là ông sẽ lái xe đến đó, tìm con.

Tuy nhiên hai ông bà chưa bao giờ gặp lại được các con của mình. Hy vọng rằng 5 đứa con còn sống của ông George và bà Jennie lại một lần nữa được nhen nhóm khi 20 năm sau vụ cháy, ai đó đã gửi một tấm ảnh chân dung của một thanh niên nhìn giống hệt Louis nếu cậu bé còn sống đến tuổi trưởng thành.

George qua đời năm 1969, còn Jennie mất năm 1989 - cả hai không thể tìm thấy con mình tới tận lúc mất. Hiện tại, tuy tấm biển không còn được gắn trên đường cao tốc, các con cháu của George và Jennie vẫn đang cố gắng thực hiện tâm nguyện của ông bà, kiếm tìm 5 người anh chị em một cách rất tích cực.

Từ khóa » Những Vụ án Kỳ Lạ Nhất Thế Giới