Những Vườn Quốc Gia, Khu Bảo Tồn ở Miền Tây Bạn Nên Ghé Thăm

Những vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Miền Tây bạn nên ghé thăm

Bên cạnh chức năng bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng, phát triển rừng, thực hiện công tác nghiên cứu thực nghiệm khoa học với mục đích bảo tồn thiên nhiên… các vườn quốc gia, khu bảo tồn còn là địa điểm du lịch Miền Tây lý tưởng cho những ai mong muốn rời xa phố thị ồn ào để được hòa mình với thiên nhiên trong lành, khám phá hàng trăm nghìn loại động thực vật đa dạng, phong phú. Dưới đây là những vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Miền Tây vẫn còn hoang sơ bạn nên ghé thăm:

Vườn quốc gia Tràm Chim

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Đây là một khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam là khu dự trữ sinh quyển Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Nơi đây có hơn 200 loài chim quý hiếm như cò ốc, cò thìa, diệc xám, điêng điển… và đặc biệt là loài sếu đầu đỏ. Du lịch Đồng Tháp, đến Tràm Chim, bạn sẽ ngất ngây trước cảnh bao la của đất trời miền Tây Nam Bộ.

Vườn quốc gia Tràm Chim- Ảnh: Nguyễn Đắc Thảo

Vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 dương lịch, đây là nơi cư trú của khoảng 60% quần thể sếu đầu đỏ – loài chim cao nhất trong các loại chim bay trên thế giới và cũng là loài cực kỳ quý hiếm có tên trong sách đỏ. Tháng 8 đến tháng 11 âm lịch là mùa du lịch chính ở vườn quốc gia Tràm Chim. Không chỉ ngắm cảnh ngập nước xanh tốt điểm xuyết sắc hồng của sen và súng, bạn còn có dịp thưởng thức đặc sản hấp dẫn của miền sông nước như cá lóc đồng nướng trui cuốn với lá sen non hay cá kho bông súng, ốc hấp tiêu…

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Khi nhắc tới địa điểm du lịch Cà Mau, chắc hẳn không ít người nghĩ ngay đến hình ảnh vườn quốc gia Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), năm 2009, rừng vinh dự được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và vùng châu Á – Thái Bình Dương. Nơi đây có hệ sinh thái rất đa dạng, đặc trưng là hệ động thực vật rừng ngập mặn. Thực vật đặc trưng gồm: sú, vẹt, đước, mắm, tràm…. Động vật khu vực này đa dạng, gồm có: rùa, rắn, trăn, cua, các loại cá nước lợ, ba khía, sóc…Đến đây, du khách được đi vỏ lãi len lỏi trong rừng đước xanh mát, thanh bình; tự tay câu cá thòi lòi, bắt ốc len hay đi soi, bắt ba khía vào ban đêm rồi cùng tham gia chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã với người dân miền sông nước Cà Mau.

Vườn quốc gia U Minh Hạ

 Vườn quốc gia U Minh Hạ nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh) và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), tỉnh Cà Mau. Vườn Quốc gia U Minh Hạ được lập trên cơ sở chuyển từ Khu bảo tồn Vồ Dơi nhằm bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên lớp đất than bùn đặc biệt mà không nơi nào trên thế giới có được. Ai đã có dịp ngồi trên chiếc vỏ lãi xuôi dòng sông Trẹm, Cái Tàu, sông Đốc, len lỏi dưới tán tràm xanh, lau trắng bạt ngàn của rừng U Minh Hạ, hẳn khó quên vẻ đẹp nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Vườn quốc gia U Minh Hạ

Ngày thong thả dạo chơi, ngắm cảnh giữa những cánh rừng tràm hoang sơ, đêm xuống đi soi cá, đổ trúm, bắt chuột đồng… hứa hẹn là những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách đến với nơi đất rừng phương nam. Sau chuyến đi rừng, du khách có thể cùng ngồi chế biến và thưởng thức các món ăn dân dã thơm ngon lừng danh, như: cá lóc nướng trui, lươn um lá nhàu, chuột đồng chiên, rắn bông súng nướng mọi… chấm muối hạt dầm với ớt xanh. Sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến loại mật ong hoa tràm nức tiếng của rừng U Minh Hạ, thứ mật trong và vàng như nước cam, đặc sánh, thơm ngào ngạt hương vị của hoa tràm, mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho sức khỏe.

Vườn quốc gia U Minh Thượng

Vườn Quốc gia U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang và là một trong những khu rừng đầm lầy than bùn quan trọng còn sót lại của đồng bằng sông Cửu Long. Đây còn là vườn di sản Asean thứ 5 của Việt Nam và là một trong ba khu vực trọng yếu của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang. Với vẻ đẹp hoang sơ và bề dày lịch sử, vườn quốc gia U Minh Thượng luôn cuốn hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu. Những dòng kênh lớn nhỏ được phủ xanh bởi các loại bèo, rau muống, lục bình hai bên bờ lau sậy, cây cối um tùm, một màu xanh ngút ngàn bất tận của rừng mang đến cho du khách những giây phút nhẹ nhàng, sảng khoái.

Vườn quốc gia U Minh Thượng

Trong Vườn Quốc gia U Minh Thượng, ngoài Trảng chim – nơi sinh sống của nhiều loại chim cò – còn có một địa danh khác là Máng dơi – nơi sinh sống của hàng ngàn con dơi ngựa – loại dơi quý hiếm có tên trong sách đỏ. Về với U Minh Thượng bạn sẽ được trải nghiệm không khí trong lành, tĩnh lặng được thư giãn giữa thiên nhiên xanh ngút ngàn…

Vườn quốc Gia Phú Quốc

Nằm về phía Đông Bắc đảo Ngọc, vườn quốc gia Phú Quốc thuộc các xã Bãi Thơm, Cửa Dương và Hàm Ninh của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là một trong những vườn quốc gia còn giữ được nguyên vẹn khu rừng già nguyên sinh và hội tụ nhiều nét đẹp thiên nhiên với rừng, biển, suối, thác và đồi núi…

Vườn quốc Gia Phú Quốc

Đến với vườn quốc gia Phú Quốc, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ của rừng xanh cùng hệ sinh thái phong phú hay khung cảnh ấn tượng của dòng suối như Suối Tranh, Suối Đá Bàn, đẹp nhất là suối Đá Ngọn với thác cao 7 tầng. Ngoài ra, bạn có thể đắm mình dưới làn nước biển trong xanh tại các bờ biển đẹp và hoang sơ như bãi Dương, bãi Thơm… hay ngả lưng trên những tảng đá bằng phẳng để lắng nghe suối chảy, tiếng chim hót và tận hưởng hương thơm của hoa rừng. Bạn cũng có thể tham gia cắm trại, câu cá và thưởng thức các đặc sản như rượu sim rừng Phú Quốc, còi biên mai nướng, cá suối…

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên diện tích các xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại và Vĩnh Châu A thuộc huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Với địa hình đa dạng rất đặc trưng sinh thái kiểu vùng đầm lầy ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn, Láng Sen đã được Tổ chức Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Được mệnh danh là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, nơi đây ngày càng đông khách du lịch và các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đến thưởng ngoạn, tìm hiểu. Đến với khu bảo tồn đất ngập nước, mọi người còn có thể tận mắt ngắm nhìn các tiêu bản sinh vật đặc hữu của Mekong mà nay chỉ còn xuất hiện ở Láng Sen.

Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang từ lâu đã được biết tới là nơi có hệ sinh thái đa dạng, bảo tồn được nhiều loài động, thực vật phong phú. Đây cũng là khu bảo tồn duy nhất ở Tiền Giang, là mái nhà của những sinh vật đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười. Nơi đây hứa hẹn là một trong những địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng thu hút du khách.

Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười

Đến đây, du khách được đi xuồng len lỏi theo các con kênh rạch nội đồng dẫn vào khu trung tâm bảo vệ nghiêm ngặt mới thấy hết sự phong phú của quần thể động thực vật quý đang sinh sôi phát triển tại đây. Cò, diệc, dang sen làm tổ nhiều trên các cây tràm, cây gừa hoặc cà na, trâm, gáo cổ thụ. Dưới nước từng đàn cá lớn, nhỏ ăn mống, đớp mồi vang động trong các khóm bèo, sen súng đang nở đầy hoa tím. Trong bụi rậm là nơi cư trú của các loài bò sát, lưỡng thê, trong đó có rắn hổ mang quý hiếm. Xa xa, dưới các tán cây cổ thụ, sẽ bắt gặp các tổ ong vò vẽ rất lớn…

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang là “lá phổi xanh” rất quan trọng đối với môi trường sống của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía Tây sông Hậu và Bán đảo Cà Mau.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng – Ảnh: Lý Anh Lam

Với hệ thống lung trũng phong phú và hoang sơ kết hợp với rừng tràm được bảo vệ nghiêm ngặt, Lung Ngọc Hoàng là nơi thích hợp cho các loài lưỡng cư, cá tôm về sinh sống nhiều vô kể. Nơi đây từng được ví như cái rốn cá của khu vực phía Tây sông Hậu, quy tụ nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang…Bước vào Lung Ngọc Hoàng du khách có cảm giác như lạc vào một vùng trời cổ tích, thanh bình và đượm chất hoang vu như Lung Sen, Lung Trăn, Lung Chuối Nước. Du khách sẽ gặp những cánh đồng hoang vu xa tít tận phía chân trời với những bầy le le, cò trắng chập chờn tung cánh giữa mênh mông hoang dã.

Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, muốn trải nghiệm những điều bất ngờ mới lạ từ thiên nhiên, thì những vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Miền Tây trên là gợi ý thú vị dành cho bạn đấy. Hãy cùng bạn bè, người thân của mình lên kế hoạch du lịch Miền Tây để cùng nhau cảm nhận. Khi đến tham quan bạn nhớ đừng làm ồn và tuyệt đối đừng xả rác để góp phần giữ gìn vẻ nguyên sơ của những khu vực này nhé!

Từ khóa » Các Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên ở Việt Nam