Những ý Tưởng “xanh” - Báo Nhân Dân

Điều ít ai nghĩ tới

Là bạn trẻ yêu thích lối sống “xanh”, mỗi ngày, Nguyễn Thụy Ngọc Thanh (học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) dành khá nhiều thời gian để cập nhật tin tức, xu hướng bảo vệ môi trường của các quốc gia tiên tiến. Những con số liên quan rác thải nhựa luôn khiến nữ sinh này ám ảnh. Thanh tự hỏi, nếu mọi người không cẩn trọng từng điều nhỏ nhất thì mấy chục năm nữa Trái đất sẽ chống chọi như thế nào với lượng rác thải nhựa khổng lồ bị thải ra. “Nhiều người đã ý thức hơn trong việc sắm sửa, sử dụng nhiều vật dụng thân thiện với môi trường nhưng có một vật dụng thân quen nhưng ít ai chú ý, đó là bàn chải đánh răng, đặc biệt tại nhiều khách sạn, khu du lịch, vậy nên em cùng các bạn muốn làm một dự án để cải thiện chất lượng môi trường từ chiếc bàn chải”, Thanh cho biết.

Thanh cùng hai người bạn trong nhóm Eco Fighters là Nguyễn Thành Khang Bảo và Trần Huỳnh Thảo Vân nảy ra ý tưởng làm bàn chải theo mô hình 4R (refuse - từ chối; reduce - giảm thiểu; reuse - tái sử dụng và recycle - tái chế). Đại diện nhóm cho biết, điểm nổi bật của chiếc bàn chải thân thiện với môi trường này là lông chải hoàn toàn bằng xơ dừa. Phần đầu bàn chải có thể tháo rời theo cơ chế đóng-mở nắp bút giúp dễ dàng thay thế khi hư, tiết kiệm chi phí mua sắm phần thân. Và khi bàn chải đã quá cũ, không thể dùng được nữa nó có thể được “hồi sinh” thành phân bón hữu cơ, tiếp tục vòng đời hữu dụng. Hiện, nhóm đang hoàn thiện công đoạn thiết kế để sớm phát triển dự án thành mô hình khởi nghiệp trong tương lai gần.

Xuất phát từ ý tưởng của Lê Gia Phúc, học sinh lớp 10 Trường THPT Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, dự án Robot lọc rác trong cát của nhóm Sandcrab khiến nhiều người thích thú. Robot mà nhóm thiết kế chạy bằng năng lượng gió, tích hợp nhiều tính năng và cả trí tuệ nhân tạo để tối ưu mức độ phân loại rác, đặc biệt là các hạt vi nhựa trên bờ biển. Điểm nổi bật của robot này là dùng công nghệ nhận diện mẩu rác và tách sinh vật biển lẫn trong cát, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển. “Thường thì những người nhặt rác trên biển sẽ bỏ quên phần rác nhỏ bị trộn lẫn hoặc vùi trong cát. Con robot này sẽ đào sâu xuống, tìm và lấy mẫu rác nhỏ. Robot sử dụng năng lượng sạch để tạo ra hệ thống bảo vệ môi trường hai chiều với mức chi phí tiết kiệm”, Phúc phấn khởi cho hay.

Tìm cách cho những vấn đề lớn hơn

Trăn trở về câu chuyện xử lý thức ăn thừa, nhóm VBIN đến từ Trường Trung học thực hành Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đưa ra ý tưởng khá thú vị từ dòi ruồi lính đen. Liêu Gia Hưng, thành viên trong nhóm cho hay, chiếc máy tưởng chừng đơn giản mà nhóm tạo ra có thể duy trì được vòng đời khép kín của dòi ruồi lính đen, giúp xử lý thức ăn thừa tại nhiều hộ gia đình, nhà hàng, siêu thị... Từ vài vật dụng thô sơ ban đầu, hiện nhóm đang nghĩ đến giải pháp tự động hóa, ứng dụng công nghệ để nâng cao khả năng xử lý thức ăn thừa trong thời gian nhanh nhất, giảm thiểu tác động của mùi hôi, khí thải khó chịu.

Đây là 3 trong số 8 dự án góp mặt tại vòng chung kết Việt Nam cuộc thi “Thử thách nhà bảo vệ môi trường trẻ” năm 2021 do Trường đại học Quốc tế, ĐHQG TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Deakin (Australia) tổ chức. Sân chơi khoa học dành cho học sinh này đã tạo được ấn tượng đẹp khi lần lượt giới thiệu nhiều dự án “xanh” có tầm nhìn dài hạn từ người trẻ. Điều thuyết phục những người theo dõi, đồng hành cùng cuộc thi là tính thiết thực, khả thi và sáng tạo của từng dự án. Các thí sinh không mơ mộng, nói suông mà luôn nhìn vào những mặt còn hạn chế để nhận về những ý kiến đóng góp chuyên môn nhằm sớm nâng cấp hiệu quả dự án.

Theo GS, TS Nguyễn Phương Thảo, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại Trường đại học Quốc tế, đại diện Ban tổ chức, không chỉ tập trung số lượng ý tưởng dồi dào mà cuộc thi năm nay còn ghi nhận sự chuyên nghiệp trong cách thể hiện của từng nhóm: “Các bạn không chỉ mang đến những giải pháp “xanh” mà còn đưa ra những ý tưởng hay, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống”.

Từ khóa » Những ý Tưởng Xanh Bảo Vệ Môi Trường