Nhược Thị Có Mổ được Không? Những Cách điều Trị ... - Hello Bacsi

Nhược thị là căn bệnh thường phát triển từ khi mới sinh cho đến năm trẻ được 7 – 8 tuổi và là nguyên nhân hàng đầu gây giảm/mất thị lực ở trẻ em. Nhược thị có mổ được không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ ảnh hưởng đến thị lực, cũng như sức khỏe và tuổi tác của người bệnh.  Việc điều trị càng sớm sẽ ngăn ngừa được các vấn đề thị lực về lâu dài.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhược thị có mổ được không và liệu còn có phương pháp điều trị nhược thị khác hiệu quả ngoài mổ hay không nhé!

Hiểu về nhược thị trước khi biết nhược thị có mổ được không

Khi sinh ra đến khoảng 8 tuổi, mắt và não của trẻ hình thành đường dẫn truyền thị giác, để não bộ học cách phân tích hình ảnh. Sau thời gian này, đường dẫn truyền thị giác cũng như vùng thị giác trong não đã hình thành cố định, không thể thay đổi được. Vì một lý do nào đó, sự kết nối giữa mắt và não bị thay đổi. Não nhận được ít tín hiệu hơn từ một bên mắt, sau đó sẽ bỏ qua hình ảnh truyền vào từ mắt này, dần dẫn tới nhược thị. Trong hầu hết trường hợp, trẻ bị nhược thị ở một bên mắt nhưng cũng có thể ở cả hai mắt.

Thông thường, nhược thị là hậu quả của lác mắt, tật khúc xạ (cận thị, loạn thị hoặc viễn thị), đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc ở trẻ nhỏ… và bất cứ điều gì khác làm mờ tầm nhìn của trẻ hoặc làm hai mắt nhìn lệch trục. Những nguyên nhân này cũng sẽ quyết định nhược thị có mổ được không.

Điều quan trọng là hãy bắt đầu điều trị nhược thị càng sớm càng tốt cho trẻ, nhất là thời điểm trước 6 tuổi. Kể từ 6 tuổi, cơ hội điều trị thành công sẽ giảm dần. Nếu để qua 9 – 10 tuổi thì tình trạng mất thị lực sẽ tồn tại vĩnh viễn, thậm chí gây mù.

Phương pháp được nhắc tên nhiều nhất khi chữa nhược thị là phẫu thuật. Nhưng liệu nhược thị có mổ được không và nếu có thì mổ thời điểm nào là phù hợp nhất?

Nhược thị có mổ được không? Khi nào cần tiến hành

nhược thị có mổ được không

Bạn cần phải hiểu rằng nhược thị không thể điều trị trực tiếp bằng cách phẫu thuật vì căn nguyên của nó thực chất là nằm trong não chứ không phải mắt. Mổ thực chất nhằm giải quyết nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Vì vậy, nhược thị có mổ được không, phương pháp phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào căn nguyên bệnh là gì. Nếu do lác mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh hay sụp mí mắt, bác sĩ sẽ xem xét phương án mổ phù hợp.

Bên cạnh đó, tuổi tác của bệnh nhân cũng là yếu tố mang tính chất quyết định cách điều trị nhược thị. Bệnh chỉ có thể can thiệp được thành công khi bệnh nhân còn nhỏ, không thể mổ cho người trưởng thành. Mặc dù vậy, người trưởng thành có tật mắt lác vẫn phẫu thuật cơ mắt để làm thẳng mắt được nhưng chỉ để cải thiện thẩm mỹ chứ không giúp cải thiện thị lực.

Các loại phẫu thuật cho mắt bị nhược thị

Những loại phẫu thuật giúp ích cho mắt nhược thị bao gồm:

Phẫu thuật đục thủy tinh thể

Bác sĩ nhãn khoa sẽ chỉ định mổ mắt nhược thị trong trường hợp trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, gây cản trở hoặc làm mờ tầm nhìn ở một hoặc cả hai bên mắt. Nhiều phụ huynh lo rằng trẻ sơ sinh bị nhược thị có mổ được không, vì sợ trẻ còn quá nhỏ. Tuy nhiên, ngay từ khi vừa sinh, bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp ngay để giải quyết thủy tinh thể bị đục và gìn giữ thị lực cho bé. Chi tiết như sau:

  • Trẻ sơ sinh cần được gây mê toàn thân khi làm phẫu thuật đục thủy tinh thể để tránh bất kỳ tổn thương thị lực vĩnh viễn nào. Sau đó, bác sĩ nhỏ thuốc để giãn đồng tử, rồi cắt một vết rất nhỏ trên giác mạc đẻ lấy đi thủy tinh thể đục, thay vào đó là thấu kính giúp mắt tập trung ánh sáng vào võng mạc. Can thiệp này được thực hiện càng sớm càng tốt, thường là cho trẻ 1 – 2 tháng tuổi cho tới 6 tháng tuổi. Khi trẻ lớn hơn, bác sĩ sẽ xem xét cấy ghép thủy tinh thể để thay thế kính mắt.
  • Đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi, bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép thủy tinh thể nhân tạo, được gọi là thủy tinh thể nội nhãn, để thay thế thủy tinh thể bị đục. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định phương án phù hợp nhất với con bạn.

Phẫu thuật cơ mắt điều chỉnh lác

nhược thị có mổ được không? Phẫu thuật cơ mắt

Như đã nói ở trên, riêng người trưởng thành bị lác dẫn tới nhược thị có mổ được không thì câu trả lời là có, nhưng chỉ để cải thiện thẩm mỹ mà thôi. Còn với trẻ bị nhược thị do lác, đã sử dụng những phương pháp không phẫu thuật như kính đeo mắt hoặc miếng dán nhưng không hiệu quả thì cần phải phẫu thuật cơ mắt để điều chỉnh lại mắt.

Phẫu thuật cơ mắt cần gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ xác định cơ nào cần nới lỏng hoặc siết chặt và tiến hành điều chỉnh chúng. Phẫu thuật có thể kéo dài từ vài phút đến một giờ, tùy thuộc vào việc một hay cả hai mắt cần chỉnh sửa. 

Sau 2 giờ làm phẫu thuật, bệnh nhân có thể tỉnh táo và được nằm trong phòng hồi sức để theo dõi trước khi về nhà. Trẻ có thể tiếp tục đi học sau một vài ngày nghỉ ngơi, còn hầu hết người trưởng thành có thể trở lại làm việc trong vòng một tuần.

Phẫu thuật cơ mắt có tỷ lệ thành công cao và rất hiếm xảy ra biến chứng nghiêm trọng. Một số biến chứng thường gặp là đau nhức mắt, đỏ mắt, nhìn đôi và nhiễm trùng, kéo dài trong vài tuần. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh và thuốc nhỏ steroid để phòng ngừa nhiễm trùng sau mổ.

Sau quá trình này, có những bệnh nhân vẫn cần đeo kính suốt đời để hai mắt nhìn được bình thường. Cũng có người bị tái phát và phải phẫu thuật thêm nhiều lần nữa.

Bên cạnh đó, một số trẻ không cải thiện được thị lực sau mổ. Nguyên nhân là do phẫu thuật cơ mắt không giải quyết trực tiếp tình trạng teo dây thần kinh dẫn truyền thị giác. Tuy nhiên, nếu mổ điều chỉnh cơ thêm lần nữa có thể giúp thị lực của trẻ tốt hơn.

Ngoài ra, nếu trẻ bị nhược thị do sụp mí mắt gây cản trở tầm nhìn thì bác sĩ cũng sẽ can thiệp để kéo mí mắt lên.

Nhược thị không mổ được thì điều trị bằng cách nào?

nhược thị có mổ được không? Các phương pháp điều trị khác

Qua thông tin ở trên, hẳn bạn đã biết rằng “nhược thị có mổ được không” thì không phải ai cũng nên mổ. Nếu thấy không cần thiết phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp khác như:

  • Kính mắt hiệu chỉnh: Kính đeo ngoài hoặc kính áp tròng có thể điều chỉnh các vấn đề ở mắt như cận thị, viễn thị hoặc loạn thị dẫn đến nhược thị. Kính giúp gửi tín hiệu hình ảnh ở cả hai mắt đến não một cách rõ ràng, giúp não sử dụng đồng thời cả hai bên mắt.
  • Miếng dán mắt: Để kích thích mắt yếu hơn, trẻ em bị nhược thị có thể được bác sĩ chỉ định đeo một miếng che mắt có thị lực tốt hơn từ 2-6 giờ mỗi ngày, kéo dài trong vài tháng hoặc vài năm.
  • Thuốc nhỏ mắt: Thuốc nhỏ mắt có tên atropine (Isopto Atropine) có thể được sử dụng để tạm thời làm mờ thị lực ở mắt khỏe hơn, buộc não phải nhận hình ảnh từ bên mắt yếu. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc vào cuối tuần hoặc hàng ngày, nhằm thay thế cho miếng dán. Các tác dụng phụ bao gồm nhạy cảm với ánh sáng và kích ứng mắt.

Chữa nhược thị ở đâu tốt?

Sau khi đã hiểu rõ được “Nhược thị có mổ được không?” thì nhiều bệnh nhân sẽ thắc mắc thêm vấn đề: “Chữa nhược thị ở đâu tốt?”. Sau đây là một số gợi ý:

Tại Hà Nội

  • Bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội):- Địa chỉ: 85 Phố Bà Triệu – P.Nguyễn Du – Q.Hai Bà Trưng – TP.Hà Nội
  • Bệnh viện mắt Hà Nội 2: – Địa chỉ: 72 Nguyễn Chí Thanh, Phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
  • Chuyên khoa Mắt – Bệnh viện Bạch Mai: – Địa chỉ: 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội

Tại TP.HCM

  • Bệnh viện Mắt TP.HCM – Địa chỉ: 280 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TP HCM
  • Trung tâm Mắt Kỹ thuật cao 30-4 – Địa chỉ: Số 9 Sư Vạn Hạnh, Phường 9, Quận 5, TP.HCM

Tóm lại, nhược thị có mổ được không sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng dù điều trị bằng phương pháp nào cũng cần tiến hành càng sớm càng tốt. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp phù hợp nhé!

[embed-health-tool-heart-rate]

Từ khóa » Nhược Thị Có Chữa được Không