Nhược Thị - Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị - Hello Bacsi

Nhược thị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả ra sao? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu căn bệnh này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Nhược thị là gì?

Nhược thị (hay mắt lười) là tình trạng suy giảm thị lực ở một mắt do sự phát triển thị giác bất thường trong giai đoạn đầu đời. Mắt yếu hơn có thể nhìn vào trong hoặc ra ngoài. Theo thời gian, não ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào bên mắt khỏe hơn, trong khi thị lực ở bên mắt yếu hơn sẽ trở nên kém hơn.

Chứng nhược thị thường phát triển từ độ tuổi sơ sinh cho đến năm trẻ 7 tuổi, là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em. Hiếm khi, mắt lười ảnh hưởng đến cả hai mắt. Nếu không được điều trị, nhược thị có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhược thị

Các triệu chứng và dấu hiệu của nhược thị bao gồm:

  • Mắt nhìn vào trong hoặc ra ngoài
  • Hai mắt không hoạt động đồng bộ với nhau
  • Nhận thức chiều sâu kém, gặp khó khăn khi nói vật đó ở gần hay xa
  • Nheo mắt
  • Nhắm một mắt
  • Nghiêng đầu
  • Nhức đầu
  • Va chạm, vấp ngã
  • Chớp mắt.

Mặc dù nhược thị thường chỉ ảnh hưởng tới một mắt nhưng bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt. Đôi khi, nếu không đi khám mắt, bạn sẽ không thể phát hiện được bệnh.

biểu hiện nhược thị

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến bác sĩ nhãn khoa thăm khám càng sớm càng tốt nếu gia đình bạn có bệnh sử về lé mắt, đục thuỷ tinh thể từ nhỏ hay các bệnh lý khác về mắt. Hoặc cha mẹ phát hiện thấy mắt của trẻ bị lé trong vòng vài tuần đầu sau sinh thì cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đối với tất cả trẻ em, nên khám mắt toàn diện từ 3 đến 5 tuổi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra nhược thị?

Nhược thị phát triển do vấn đề bất thường ở thị giác làm thay đổi đường thần kinh giữa một lớp mô mỏng (võng mạc) ở phía sau mắt và não. Mắt yếu hơn nhận được ít tín hiệu hình ảnh hơn. Cuối cùng, khả năng phối hợp hoạt động của hai mắt giảm đi và não sẽ ngăn chặn hoặc bỏ qua thông tin đầu vào từ mắt yếu hơn.

Bất cứ thứ gì làm mờ tầm nhìn của trẻ hoặc khiến mắt lác hoặc lộn ra ngoài đều có thể dẫn đến chứng nhược thị. Nguyên nhân phổ biến của tình trạng bao gồm:

  • Mất cân bằng cơ (nhược thị lác). Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng nhược thị là sự mất cân bằng trong các cơ định vị mắt. Sự mất cân bằng này có thể làm cho các mắt nhìn chéo vào trong hoặc quay ra ngoài và ngăn cản chúng hoạt động cùng nhau.
  • Sự khác biệt về độ sắc nét của thị lực giữa hai mắt (nhược thị khúc xạ). Một sự khác biệt đáng kể về độ sắc nét của thị lực giữa hai mắt, thường là do các vấn đề khúc xạ như: viễn thị, cận thị hoặc loạn thị cũng có thể dẫn đến nhược thị.
  • Các vấn đề khác với một bên mắt. Vấn đề với một mắt, chẳng hạn như có vùng mờ trong thủy tinh thể (đục thủy tinh thể bẩm sinh), sụp mí mắt, sẹo giác mạc có thể cản trở tầm nhìn rõ ràng ở mắt đó so với mắt còn lại. Chứng giảm thị lực ở trẻ sơ sinh cần được điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn. Đây thường là loại nhược thị nghiêm trọng nhất.

Những ai thường mắc phải bệnh nhược thị?

Nhược thị là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy giảm thị lực ở trẻ em, ảnh hưởng đến khoảng 3 trẻ trong tổng số 100 trẻ. Nếu trẻ không được điều trị lúc nhỏ, tình trạng nhược thị sẽ tồn tại đến tuổi trưởng thành. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng suy giảm thị lực một mắt ở những người trẻ tuổi và trung niên.

nhược thị ở trẻ em

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhược thị?

Nhược thị có liên quan đến yếu tố gia đình. Trẻ sinh non, có cân nặng ít lúc mới chào đời, trẻ chậm phát triển hoặc những bé sinh ra trong gia đình tiền sử gia đình bị đục thủy tinh thể lúc nhỏ hay các bệnh nghiêm trọng về mắt sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh nhược thị.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhược thị?

Bác sĩ chẩn đoán bệnh bằng cách khám mắt toàn diện. Bác sĩ sẽ khám mắt bị lé cũng như sự khác biệt về thị lực giữa hai mắt hay kiểm tra thị lực kém ở cả hai mắt. Tuỳ thuộc vào độ tuổi của trẻ, bác sĩ có thể cho làm các xét nghiệm sau:

  • Trẻ sơ sinh. Phản xạ ánh sáng đỏ để tìm đục thuỷ tinh thể bằng cách sử dụng thiết bị phóng đại nguồn sáng (đèn soi mắt);
  • Trẻ nhũ nhi (giai đoạn từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi). Bác sĩ sẽ khám và tìm khả năng nhìn cố định vào một vật và di chuyển ánh nhìn theo vật, cũng như khám mắt lé;
  • Trẻ tập đi. Phản xạ ánh sáng đỏ, đo mắt bằng máy tự động;
  • Trẻ mẫu giáo và lớn hơn. Bác sĩ sẽ tiến hành thử nghiệm bằng hình ảnh hoặc chữ cái. Mỗi mắt lần lượt được dán lại để khám mắt bên kia.

điều trị nhược thị

Những phương pháp nào dùng để điều trị nhược thị?

Trong suốt 7-10 năm đầu sau sinh, hệ thống thị giác của bé sẽ phát triển rất nhanh. Các kết nối quan trọng giữa mắt và não bộ được tạo ra trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển này. Vì vậy, điều trị nhược thị cần được tiến hành càng sớm càng tốt.

Kết quả điều trị tốt nhất xảy ra khi bắt đầu điều trị trước 7 tuổi, mặc dù một nửa số trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 17 đáp ứng với điều trị.

Các lựa chọn điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhược thị và mức độ ảnh hưởng của tình trạng này đến thị lực. Các cách phổ biến để điều trị nhược thị bao gồm:

Kính hiệu chỉnh

Kính hoặc kính áp tròng có độ phù hợp có thể giúp điều chỉnh các vấn đề như cận thị, viễn thị hoặc loạn thị là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhược thị.

Miếng dán

Bạn sẽ đặt một miếng dán lên bên mắt khỏe mạnh hơn trong vòng vài tuần đến vài tháng. Liệu pháp này buộc trẻ phải sử dụng mắt bị nhược thị. Miếng dán sẽ kích thích thị lực ở mắt yếu hơn và giúp các bộ phận của não tham gia vào quá trình phát triển thị lực hoàn thiện hơn.

Phụ huynh nên sử dụng miếng dán cho trẻ bị nhược thị trong vòng sáu giờ mỗi ngày. Nếu bạn sử dụng miếng dán trong thời gian ngắn hơn, chỉ 2 giờ mỗi ngày có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái nhưng lại không cải thiện được triệu chứng nhược thị.

Thuốc nhỏ mắt

Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc atropine vào mắt khỏe của trẻ để tạm thời làm mờ nó nhằm kích thích trẻ sử dụng mắt bị nhược thị, đặc biệt là khi tập trung nhìn vật ở gần. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng sử dụng mỗi ngày một lần thuốc nhỏ mắt atropine có tác dụng tương tự như miếng dán mắt. Loại thuốc nhỏ mắt atropine này có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em. Tác dụng phụ bao gồm nhạy cảm với ánh sáng và kích ứng mắt.

Phẫu thuật

Trẻ có thể cần phẫu thuật nếu trẻ bị sụp mí mắt hoặc đục thủy tinh thể gây ra chứng nhược thị. Nếu mắt của trẻ tiếp tục bị lác hoặc nhìn lệch khi đeo kính thích hợp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật sửa chữa để làm thẳng mắt, bên cạnh các phương pháp điều trị khác.

Đối với hầu hết trẻ em bị nhược thị, điều trị thích hợp sẽ giúo cải thiện thị lực trong vòng vài tuần đến vài tháng. Điều trị có thể kéo dài từ sáu tháng đến hai năm.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được tỷ lệ thành công trong việc điều trị nhược thị ở người lớn. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu xem liệu điều trị nhược thị ở người lớn có thể cải thiện được thị lực hay không.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa nhược thị?

Bạn không thể ngăn ngừa chứng nhược thị hoặc các vấn đề về thị lực khác có thể gây ra nhược thị. Nhưng bạn có thể ngăn nó trở nên tồi tệ hơn hoặc gây ra các vấn đề vĩnh viễn. Cách tốt nhất để ngăn ngừa mất thị lực do nhược thị là đi khám mắt thường xuyên. Đảm bảo trẻ được khám mắt kỹ lưỡng khi được 6 tháng tuổi và sau đó khám lại khi được 3 tuổi.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin và đặt khám ngay tại: Bệnh viện Chuyên khoa Mắt Quốc tế DND – Đặt lịch hẹn khám trực tuyến với ThS.BS Nguyễn Minh Hải

[embed-health-tool-heart-rate]

Từ khóa » Nhược Thị Mắt Là Gì