Niệm Phật Vãng Sanh Tây Phương - Điều Cốt Yếu Cho Người Tu Tập.

Niệm phật vãng sanh Tây phương, một phương pháp vô cùng đơn giản để rời xa tam giới. Chỉ tiếc rằng người niệm Phật thì nhiều, nhưng người được vãng sanh lại ít. Do là bởi người ta không nhớ lời Phật dạy: “Chỉ cần chuyên trì niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật là chắc chắn được vãng sanh”.

Chúng ta sinh vào thời mạt pháp, “phước mỏng, huệ cạn, nghiệp nặng, chướng sâu. Đối với điều được lợi ích thì khủng khỉnh nghe. Đối với điều khiến mình bị tổn hại thì toàn thân rạp lạy.” Lại thói ham cao chuộng xa, ưa những điều khác lạ. Tâm suốt ngày rong ruổi nơi trường danh sắc lợi. Nên chẳng hưởng được chút thanh lương nào nơi giáo pháp của Như Lai.

Mạt pháp tu hành, nhiều vị “lời cao chót vót mà hạnh thấp lè tè”. Nào những huyền lý cao siêu, văn phong bóng bẩy dài dòng. Rốt cuộc chỉ để phức tạp hóa những điều đơn giản, chẳng ích gì cho tha nhân. Lại mỗi người một vẻ, ngã mạn tự bày ra đủ thứ lý thuyết rối rắm, khiến người sơ cơ chẳng biết phải tin ai. Đến nỗi lui sụt mất tín tâm, thật xót xa quá đỗi! 

  • Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Từ Bi là gì.
  • Chánh kiến là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • Tự lực và Tha lực niệm Phật là gì
  • Niệm Phật như thế nào để chắc chắn được vãng sanh.
Niệm Phật vãng sanh Tây Phương Niệm Phật vãng sanh Tây Phương

Niệm Phật vãng sanh: Pháp tu của thời Mạt Pháp

Khắp mười phương thế giới, đại khái chỉ có hai phân vức: Tịnh Độ và Uế Độ. Tịnh Độ là các cõi trong sạch trang nghiêm của Phật, một khi sanh về tất dứt hẳn phân đoạn sanh tử, sẽ lần chứng lên quả thánh. Uế Độ, là các cõi từ cảnh giới đến thân tâm của chúng sanh đều ô trược, loài hữu tình ở đó còn phải lên xuống trong sáu nẻo, chịu nỗi khổ luân hồi.

Loài người ở cảnh Ta Bà Uế Độ này, nếu chỉ tu ngũ giới thập thiện và các điều lành khác mà không niệm Phật, thì cùng Phật vô duyên. Vì không duyên với Phật, chủng tử vô lậu trong thức thứ tám thiếu cơ năng dẫn phát, nên dù có tu các nghiệp lành, nhiều lắm cũng chỉ sanh lên cõi trời, không được về Tịnh Độ.

Thọ số ở các cõi trời tuy lâu, nhưng vẫn có hạn lượng, khi phước báo hết là dứt một đoạn sống chết, rồi tùy nghiệp thọ sanh nơi khác. Nếu như vẫn còn nghiệp lành thuộc thượng phẩm thập thiện, lại tùy sanh ở các cõi trời thấp hoặc cao. Nghiệp trung phẩm thập thiện, sanh về cõi người. Nghiệp hạ phẩm thập thiện, sanh ở cõi A Tu La. Nếu là nghiệp dữ thuộc hạ phẩm thập ác, thì sa xuống loài bàng sanh. Nghiệp trung phẩm thập ác, sanh ở loài ngạ quỷ. Nghiệp thượng phẩm thập ác, đọa vào địa ngục.

*

Chúng sanh do ngã chấp làm gốc, từ nơi đó khởi tạo các nghiệp lành dữ thuộc sáu đường, nên tùy theo sự thành thục của mỗi loại chủng tử, phải chịu lên xuống luân hồi. Trong kiếp luân hồi, nghiệp nhiễm dễ tạo, duyên lành khó tu, nên thời gian đọa xuống ác đạo rất lâu dài, sanh lên thiên đạo rất ngắn ít.

Đức Phật đã than: “Chúng sanh thường lấy ba ác đạo làm quê nhà!” Vì thế chúng ta có thể đoán định: “Tất cả loài hữu tình, nếu không về Tịnh Độ của chư Phật, tất phải ở Uế Độ. Đã ở Uế Độ, với hoàn cảnh xấu ác nhiều chướng duyên, với căn cơ người thời mạt tất sớm muộn cũng phải đọa ác đạo. Và, muốn sanh về Tịnh Độ của Phật, tất phải niệm Phật.”

Có kẻ gạn hỏi: “Đường lối giải thoát có nhiều môn, hà tất phải niệm Phật?” Điểm này nếu suy nghiệm sẽ tự hiểu, tuy nhiên cũng xin phúc đáp cho rõ hơn:

– Khi xưa đức Như Lai tuy diệt độ, nhưng chánh pháp còn thạnh; chúng sanh nghiệp nhẹ tâm thuần, nên dù tu pháp môn nào, cũng đều có thể thành tựu. Giảm xuống đến thời tượng pháp thì cách Phật đã xa; hoàn cảnh và nhơn tâm lần lần phức tạp, trăm ngàn người tu hành, hoặc may mới có một hai người đắc đạo. Huống nay lại đi sâu vào thời mạt pháp, đạo đức suy vi, bậc tu hành chân chánh còn có ít người, nói chi đến việc chứng quả?

*** Niệm Phật vãng sanh Tây Phương ***

Bởi thời nay chúng sanh chướng nặng tâm tạp, sự sống và lối tổ chức xã hội khó khăn phiền toái hơn xưa. Lại thêm chiến tranh, đói rách, thiên tai nhơn họa thường thường tiếp diễn, cảnh khiêu dâm bắn giết được cổ xúy, tôn giáo đạo đức bị xem là trò ma túy, chuyện lỗi thời. Với nhiều chướng duyên trong và ngoài ảnh hưởng nhau như thế, nếu tự lực tu hành theo các pháp môn khác, tất nhiên khó bề thành tựu.

Vả lại muốn thoát luân hồi, phải dứt trừ kiến hoặc và tư hoặc. Nhưng theo lời cổ đức: “ngăn được kiến hoặc khó như ngăn chận dòng nước mạnh từ bốn mươi dặm xa chảy lại,” huống chi là diệt trừ, và kế đến dứt cả tư hoặc ư? Cho nên trong thời mạt pháp, muốn được giải thoát, chỉ duy có Niệm Phật pháp môn. Bởi môn này đã dùng hết tự lực, còn nhờ thêm tha lực, dù nghiệp hoặc chưa dứt, cũng nhờ sức Phật tiếp dẫn mà được đới nghiệp vãng sanh. Khi đã về Cực Lạc, tất không còn thối chuyển vĩnh viễn thoát luân hồi.

*

Đức Thế Tôn là bậc bi trí sâu xa. Về căn cơ thời mạt pháp và hiệu lực của môn Tịnh Độ, Ngài có huyền ký trước nơi Kinh Đại Tập và Vô Lượng Thọ, như chương thứ nhứt đã nói. Thế thì biết, trong thời mạt pháp, khi hiệu lực hiện chứng của các tông đều yếu kém; để kéo dài pháp vận và cứu độ chúng sanh, chỉ duy có môn Niệm Phật.

Các tông khác như Thiền, Giáo, Luật, Mật tuy còn lưu truyền và có nhiều người tu; nhưng cũng chỉ ở trong khả năng giáng xuống làm trợ duyên, chớ không thể riêng rẽ sanh hiệu nghiệm trên đường giải thoát. Trong bức thơ gởi cho một vị tăng, Ấn Quang đại sư đã nói: “Sâu vào thời mạt pháp này, nếu tu theo các môn khác, nói đến sự gieo căn lành và làm nhân duyên đắc độ về sau thì có; nói đến sự chứng quả giải thoát trong đời hiện tại thì không.”

Do những điều đã dẫn giải trên đây, ta có thể kết luận: “Thời mạt pháp, duy Niệm Phật mới là môn thoát sanh tử trong một đời.”

Niệm Phật vãng sanh là phương pháp dễ tu

Môn Niệm Phật vãng sanh Tây Phương là đường lối dễ tu, điều này ai cũng có thể biết. Nhưng “dễ tu” lại có nhiều nghĩa, việc này vị tất mọi người đã am tường.

Bởi tu các pháp môn khác: Nếu từ Giáo mà đi vào, thì kinh điển mênh mang, nghĩa lý vô cùng sâu sắc. Trước tiên người học Phật phải lãnh hội nghĩa căn bản; rồi từ đó lần lượt ngộ giải những nghĩa sai biệt. Sau đó lại phải dung thông các đạo lý, rút lấy chỗ tinh hoa; và chọn lựa vạch mở đường lối tu tập để trọn đời noi theo. Sự kiện này nếu chẳng phí vài mươi năm công phu khổ nhọc, tất không thể hoàn thành.

Nếu từ Luật mà đi vào, thì phải xuất gia; mà giới tướng rộng nhiều, hành giả cần phải rành rẽ về danh, chủng, tánh, tướng của các loại giới pháp. Lại phải có trí huệ để thông hiểu thế nào là nghĩa cùng ngữ; để áp dụng các điểm khai giá, trì, phạm tùy theo xứ sở thời cơ. Cho nên học kinh chưa phải là khó, học luật mà biết quyền biến khéo léo để không rời luật cũng không bị luật buộc ràng mới là khó. Hiểu rành xong về luật, lại phải có tinh thần nhẫn nại; có nghị lực chịu kham khổ, mới đi đến chỗ thành công.

*

Nếu từ Thiền mà đi vào, như túc huệ chưa gieo, căn khí chẳng hợp; muốn đem cơ yếu kém để mong cầu pháp cao mầu, tất sự chia ánh sáng truyền đăng cũng tuyệt phần hy vọng. Cho nên ông Tạ Linh Vận, một danh sĩ học Phật khi xưa đã bảo: “Tu Thiền để thành Phật, phải là hàng huệ nghiệp văn nhơn.” Lời này vẫn không phải sai lầm hoặc quá đáng.

Riêng về pháp Trì Danh của môn Tịnh Độ, khi đã phát lòng tín nguyện, dù căn cơ nào cũng có thể niệm Phật tu hành. Lại các pháp môn khác duy cậy nhờ tự lực; môn Tịnh Độ đã dùng hết tự lực, còn được thêm phần tha lực. Sức tha lực tức nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà vô cùng lớn mạnh; dù người chưa sạch nghiệp hoặc, cho đến kẻ tạo nghiệp ác quá nặng biết hồi tâm niệm Phật, cũng được đón rước về Tây Phương.

*

Cổ nhơn đã từng so sánh: “Tu các môn khác khó khăn vất vả như con kiến bò lên non cao. Niệm Phật vãng sanh mau chóng dễ dàng như đi thuyền theo nước xuôi gió thuận.” Lời này thật rất xác đáng. Hơn nữa, khi sanh về Cực Lạc rồi, sống trong cảnh đẹp mầu an thuận; thường gần gũi với Phật Bồ Tát, dù tu pháp môn nào cũng đều mau thành tựu; như lăn khúc gỗ tròn từ trên non cao xuống, thế vẫn tiến mãi không tạm dừng.

Tóm lược qua các điều trên, sự dễ tu của môn Tịnh Độ gồm có ba điểm:

  1. Một là dễ thật hành
  2. Hai là dễ vãng sanh
  3. Ba là dễ thành Phật.

Do sự dễ dàng đó mà kết quả tu chứng xưa nay về môn Tịnh Độ như ngọc chạm vàng khua tiếng vang thảnh thót, sen cười cúc mỉm mấy phẩm tươi thơm. Trong ấy lịch trình từ phàm phu cho đến khi thành Phật cũng có giai cấp mà cũng không giai cấp. Vì khi được vãng sanh tức đã thoát khỏi sống chết luân hồi, và niệm Phật tức là thành Phật. Như con tằm, nhộng, và bướm vẫn không thể chia phân; nói bướm nguyên là tằm, hay tằm là bướm cũng chẳng xa chi mấy.

Chỉ cần niệm Phật là chắc chắn vãng sanh

Trong các Kinh Tịnh Độ, Như Lai đều dạy rất giản đơn: ”Muốn vãng sinh Tây Phương Tịnh Độ, chỉ cần niệm sáu chữ hồng danh là đủ”. Chư Tổ Sư sau khi Đại Triệt Đại Ngộ, quay trở lại hoằng dương Tịnh Độ, cũng chỉ khuyên người: “Nguyện thiết tin sâu mà niệm Phật là chắc chắn vãng sanh.”

Chúng ta chỉ cần tin sâu lời Phật, lời Tổ mà niệm sáu chữ hồng danh, vậy thôi. Các Ngài nào có bảo điều kiện để vãng sanh là gì khác đâu? Cũng nào có dạy phải niệm đến nhất tâm. Hoặc phải tụng thêm bao nhiêu bộ kinh A Di Đà mới được vãng sanh đâu?

Do vậy chỉ nên nhất tâm niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật. Chẳng kể đi đứng nằm ngồi, chẳng luận thời gian lâu mau. Niệm niệm miên mật không buông bỏ, không gián đoạn. Đó gọi là Chánh định nghiệp. Vì thuận với bản nguyện của Phật A Di Đà nên chắc chắn được vãng sanh.

*

Tổ Ấn Quang bảo: “Nếu niệm niệm liên tục, lấy chết làm kỳ hạn. Tất mười người tu mười người vãng sanh, trăm người tu trăm người vãng sanh. Vì sao? Vì không có tạp duyên nên được chánh niệm. Vì tương ứng với bản nguyện của Đức Phật, không trái giáo Tịnh độ, thuận theo lời Phật.

Nếu bỏ Chuyên tu mà theo Tạp tu: Trăm người không được một, ngàn người chẳng được năm, ba. Vì sao? Vì tạp duyên loạn động làm mất chánh niệm, không tương ứng với bản nguyện của Phật. Trái với giáo Tịnh độ, không thuận theo lời Phật. Lại do niệm không liên tục, tâm có gián đoạn, hồi hướng phát nguyện không khẩn thiết và chân thật. Các phiền não tham sân đến làm gián đoạn. Không có tâm hổ thẹn để sám hối, không luôn luôn nghĩ đến việc báo Đáp ân Phật.

Lại còn khởi tâm khinh mạn, tuy tu tập mà luôn chạy theo danh lợi. Tâm nhân ngã che mờ, khiến không thể gần gũi bạn lành đồng hạnh đồng tu. Thích gần gũi tạp duyên, làm chướng ngại chính mình và chướng ngại người khác.”

( Niệm Phật vãng sanh Tây Phương – Theo Niệm Phật Thập Yếu )

Tuệ Tâm 2019.

5/5 - (5 bình chọn)
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Từ khóa » Cách Niệm Phật Vãng Sanh