Niêm Yết Chứng Khoán Là Gì? Lợi ích Niêm Yết ... - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Niêm yết chứng khoán là gì?
  • Lợi ích niêm yết chứng khoán?
  • Tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán

Niêm yết chứng khoán là gì?

Niêm yết chứng khoán là hoạt động của sở giao dịch chứng khoán nhằm xác định, kiểm tra và chấp thuận chứng khoán của một tổ chức phát hành đủ điều kiện đưa vào giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán. 

>>>>> Xem thêm: Thị trường chứng khoán là gì?

Lợi ích niêm yết chứng khoán?

Việc chứng khoán được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán có ích lợi nhất định cho tất cả các chủ thể có liên quan: 

Về phía tổ chức phát hành:

Việc chứng khoán được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán mang lại những lợi ích sau: 

Thứ nhất, uy tín của tổ chức phát hành được nâng lên. Theo thông lệ và pháp luật các nước, điều kiện để chứng khoán của một tổ chức phát hành được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán rất chặt chẽ. Không phải tổ chức phát hành nào cũng có thể được chấp thuận cho niêm yết chứng khoán của mình tại sở giao dịch chứng khoán. Việc có chứng khoán được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán rõ ràng đã nâng cao uy tín của tổ chức trong giới kinh doanh và làm tăng độ tín nhiệm của các nhà đầu tư đối với tổ chức phát hành.

Thông qua việc có chứng khoán được niêm yết tại sở giao dịch, tổ chức phát hành sẽ gặp thuận lợi hơn nhiều trong công việc kinh doanh của mình cũng như khi muốn huy động vốn của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chi phí cho việc huy động vốn cũng thấp hơn so với các tổ chức phát hành không có chứng khoán niêm yết. 

Thứ hai, nâng cao tính thanh khoản cho chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán là nơi chứng khoán được giao dịch nhanh chóng, an toàn và thuận lợi nhất. Điều này tạo cho chứng khoán được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán có khả năng chuyển nhượng dễ dàng, thuận lợi hơn các chứng khoán không được niêm yết. 

Thứ ba, giúp cho tổ chức phát hành xác định được chính xác giá thị trường của chứng khoán: Chứng khoán niêm yết được mua bản thường xuyên trên thị trường. Dựa trên cơ sở quan hệ cung cầu về chứng khoán tại sở giao dịch, các bên có liên quan có thể xác định được giá thị trường của nó. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định giá trị thực của tổ chức phát hành và trong việc phát hành chứng khoán bổ sung. 

Thứ tư, tổ chức phát hành được hưởng ưu đãi về thuế. ở các nước có thị trường chứng khoán đang nổi nói chung và ở Việt Nam nói riêng, tổ chức có chứng khoán được niêm yết thường được hưởng ưu đãi về thuế trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là một trong những biện pháp mà các quốc gia sử dụng để khuyến khích các tổ chức phát hành và niêm yết chứng khoán, qua đó để phát triển thị trường chứng khoán.

Bên cạnh những lợi ích thì việc có chứng khoán niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán cũng gây những điểm bất lợi cho tổ chức phát hành. Tổ chức phát hành sẽ phải định kì công bố thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của mình và trong trường | hợp cần thiết, công bố thông tin bất thường theo yêu cầu của sở giao dịch chứng khoán. Những thông tin này có thể bị đối thủ cạnh tranh sử dụng với mục đích xấu và gây tổn hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức niêm yết. 

Về phía sở giao dịch chứng khoán:

Càng nhiều chứng khoán được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán thì càng làm tăng uy tín của Sở giao dịch. Bên cạnh đó, có nhiều chứng khoán niêm yết và giao dịch tại sở sẽ làm cho khối lượng giao dịch tăng lên và nguồn thu từ số phí mà sở giao dịch chứng khoán thu được cũng tăng lên. 

Về phía các công ti chứng khoán thành viên sở giao dịch chứng khoán:

Khi càng nhiều chứng khoán được niêm yết và giao dịch thì cơ hội môi giới mua bán cho các nhà đầu tư tăng lên và doanh thu của các công ti từ hoạt động này cũng sẽ tăng lên. 

Về phía Nhà nước:

Việc niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán mà bất kì quốc gia nào hướng tới. Việc niêm yết chứng khoán cũng giúp cho việc công khai, minh bạch hoá thị trường chứng khoán được thực hiện tốt hơn. Việt Nam không phải là ngoại lệ. 

Về phía các nhà đầu :

Việc niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành giúp nhà đầu tư có thêm một loại chứng khoán cửa triển vọng tốt để lựa chọn và quyết định đầu tư. Thực tế thời gian qua ở Việt Nam cho thấy, những cổ phiếu của các tổ chức phát hành chuẩn bị được niêm yết, vừa mới được phép niêm yết, thường được các nhà đầu tư chào đón và tìm mua với niềm tin vào sự tăng giá cũng như triển vọng của tổ chức phát hành. 

Tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán

Với những lợi ích của việc niêm yết chứng khoán như trên thì có rất nhiều tổ chức phát hành muốn chứng khoán của mình được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho các giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán và quyền lợi của các nhà đầu tư, thông qua đó bảo đảm khả năng hoạt động bình thường của sở giao dịch chứng khoán thì chứng khoán được giao dịch tại đó phải là loại chứng khoán có chất lượng cao. Muốn vậy thì phải đặt ra những tiêu chuẩn cho việc niêm yết.

Mỗi sở giao dịch chứng khoán quản lí việc niêm yết trên cơ sở đặt ra các tiêu chuẩn niêm yết cụ thể trong khuôn khổ pháp luật để thực hiện mục tiêu này. Chỉ có những tổ chức phát hành nào thoả mãn các tiêu chuẩn như vậy thì chứng khoán mới được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán. 

Tiêu chuẩn niêm yết ở các quốc gia được quy định khác nhau căn cứ vào điều kiện mỗi nước. Điều này thể hiện trên hai mặt sau đây: 

Thứ nhất về thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn

Ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển và có nhiều sở giao dịch chứng khoán tồn tại thì pháp luật quy định tiêu chuẩn niêm yết ”sàn”. Các sở giao dịch sở giao dịch chứng khoán được quyền ban hành tiêu chuẩn bằng hoặc cao hơn để được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán đó. Việc quy định ”tiêu chuẩn sàn” để nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Việc cho phép các sở giao dịch chứng khoán đặt ra các tiêu chuẩn niêm yết cao hơn mức ”sàn” để nhằm tạo quyền tự chủ cho sở giao dịch chứng khoán trong việc lựa chọn chứng khoán chất lượng cao để chấp thuận niêm yết và giao dịch tại đó. 

Thứ hai về mức độ đối với tiêu chuẩn

Tuỳ vào điều kiện kinh tế và mức độ phát triển ở mỗi quốc gia mà tiêu chuẩn để được niêm yết tại từng sở giao dịch chứng khoán có khác nhau. Đương nhiên, tiêu chuẩn niêm yết ở sở giao dịch chứng khoán của các nước phát triển cao hơn tiêu chuẩn ở các nước đang phát triển hoặc nền kinh tế chậm phát triển. Mức độ tiêu chuẩn niêm yết có thể ngày càng cao hơn theo đà phát triển kinh tế và mức độ phát triển thị trường chứng khoán.

 Ví dụ ở Việt Nam, trước khi Luật chứng khoán năm 2006 có hiệu lực, để có cổ phiếu niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh thì công ty cổ phần phải có số vốn điều lệ đã góp đủ tối thiểu là 10 tỉ VNĐ. Theo quy định mới thì con số này là 80 tỉ VNĐ. 

Điều 8 Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 quy định chi tiết thi hành Luật chứng khoán đã đưa ra những điều kiện  (tiêu chuẩn) niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán, theo đó các điều kiện này được áp dụng phân biệt cho ba nhóm đối tượng: (i) cổ phiếu (ii) trái phiếu và; (iii) chứng chỉ quỹ đại chúng và cổ phiếu của công ti đầu tư chứng khoán đại chúng. Như vậy, các loại chứng khoán khác như trái phiếu chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương sẽ không được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán. 

Tiêu chuẩn niêm yết có thể được phân thành hai loại: tiêu chuẩn định lượng định tính và tiêu chuẩn định tính. Tiêu chuẩn định lượng là những tiêu chuẩn có thể dùng các đơn vị đo lường xác định được. Tiêu chuẩn định tính là những tiêu chuẩn không phải là tiêu chuẩn định lượng. 

Xem xét các điều kiện niêm yết quy định trong Nghị định số 14/2007/NĐ-CP kể trên có thể thấy rõ các tiêu chuẩn định lượng, định tính được thể hiện rất rõ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, điều kiện niêm yết cổ phiếu quy định tại khoản 1 điều này gồm: 

a. Các điều kiện định lượng 

– Là công ti cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng kí niêm yết từ 80 tỉ VNĐ trở lên. 

– Hoạt động kinh doanh hai năm liền trước năm đăng kí niêm yết phải có lãi và không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng kí niêm yết. 

– Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ti do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ. 

– Cổ đông là thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong vòng 6 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc Sở hữu nhà nước do các cá nhân nắm giữ. 

b. Các điều kiện định tính 

– Không có các khoản nợ quá hạn chưa được dự phòng theo quy định của pháp luật; công khai mọi khoản nợ đối với công ti của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, cổ đông lớn và những người có liên quan. 

>>>>> Tham khảo: Chứng khoán là gì?

Từ khóa » Ví Dụ Về Niêm Yết Chứng Khoán