Niết Bàn Là Gì? Bản Chất Của Niết Bàn Là Gì? - Sống Đẹp

NỘI DUNG BÀI VIẾT
  • Niết bàn là gì?
  • Niết bàn theo quan niệm của nhà Phật
  • Bản chất của Niết Bàn là gì?
  • Làm sao để tiếp cận cảnh giới Niết bàn

Niết bàn là gì?

Niết bàn là một khái niệm xuất hiện trong Phật giáoẤn Độ giáo, được dịch âm từ gốc tiếng Phạn: nirvāṇa hoặc tiếng Pāli: nibbāna. Thuật ngữ nirvāṇa được dịch nghĩa là dập tắt (một ngọn lửa nào đó), cũng có nghĩa là Khổ diệt, Diệt tận, Tịch diệt, Viên tịch.

niet-ban-la-gi-ban-chat-cua-niet-ban-la-gi
Niết bàn là “cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch phiền não và tự biết rằng mình chẳng còn luyến ái”.

Theo học giả Đoàn Trung Còn, Niết bàn là "cảnh trí của nhà tu hành, dứt sạch mọi phiền não, biết rằng mình chẳng còn luyến ái". Căn cứ theo lối triết tự, Niết bàn còn có nghĩa là "bước ra khỏi cảnh rừng mê muội, phiền não".

Theo danh sư Huyền Trang, Niết bàn được triết tự thành nghĩa "ra khỏi, ly khai khỏi con đường quanh quẩn" hoặc "chuyển dịch (khỏi cõi sinh tử luân hồi). Nirvāṇa cũng được hiểu là không dơ bẩn, hôi tanh mà là thanh tịnh, trong sạch, tức đào thải những tạp nham đời sống,...

Theo Phật giáo nguyên thủy, Niết bàn được xem là đoạn triệt sinh tử luân hồi, tức là tận diệt gốc rễ của ba bất thiện nghiệp tham - sân -si, thanh tịnh tuyệt đối, do đó được xem là mục đích tu hành cứu cánh. Niết bàn trong Phật giáo không phải nói về một cõi cực lạc nào đó, mà là mô tả một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, tĩnh lặng, xóa bỏ vô minh, diệt tâm dục, chấm dứt mọi phiền não khổ đau.

Phần lớn tôn giáo đều cho rằng, con người có hai phần là thân thể và linh hồn, trong đó thân hể chỉ là cái tồn tại tạm thời, linh hồn là thứ vĩnh cửu. Bởi vậy nên sau khi chết đi, linh hồn phải tới một cõi nào đó để tái sinh vào thân xác mới, sống một cuộc sống mới. Trong Ấn độ giáo, Niết bàn là sự thật tuyệt đối, theo kinh Upanishad thì là hòa hợp giữa linh hồn cá nhân (Atman) và linh hồn vũ trụ (Brahman). Chứng đạt Niết bàn được coi là giải thoát (mokṣa), là ngọn đèn đứng trước gió mà không hề bị suy chuyển.

Còn theo Phật giáo, hoàn toàn không có một linh hồn bất tử nào cả, nên cũng không cần một cõi cực lạc nào. Thay vào đó, cứu cánh sau cùng của nhà Phật là tận diệt cá thể với những ham muốn, dục vọng, u mê của kiếp người, chứng quả Niết bàn.

niet-ban-la-gi-ban-chat-cua-niet-ban-la-gi
Khái niệm Niết bàn thuộc về tiềm thức, tâm linh, là trạng thái an lạc từ bên trong.

Không ít lần học trò của Phật đã hỏi Ngài về khái niệm Niết bàn, thế nhưng Ngài thường tránh không trả lời. Nếu có thì Ngài sẽ đáp rằng: "Cái gì ta chưa bộc lộ sẽ không bao giờ được bộc lộ". Dù vậy, có thể thấy nhiều đoạn trong kinh điển Phật giáo đã mô tả về Niết bàn, như là "Sự im bặt của mọi sự vật bị giới hạn, sự dứt bỏ mọi xấu xa, sự diệt dục vọng, sự giải thoát, chấm dứt, Niết bàn" hay "Diệt hẳn, mát mẻ, dứt bặt, gọi là đã lìa tất cả các thủ, ái tận, vô dục, tịch tĩnh, Niết bàn"...

Khái niệm Niết bàn thuộc về tiềm thức, tâm linh, là trạng thái an lạc từ bên trong. Bởi vậy mới phải có sự tu tập thiền định, như thế mới thấy được tiềm thức trong ta.

Niết bàn theo quan niệm của nhà Phật

Khi đề cập tới khái niệm Niết Bàn, kinh điển Phật giáo thường nhắc tới hai loại Niết bàn. Thực tế, đây là hai hình thức Đạo Quả Niết Bàn, bào gồm Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn.

niet-ban-la-gi-ban-chat-cua-niet-ban-la-gi
kinh điển Phật giáo thường nhắc tới hai loại Niết bàn là Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn.

Hữu dư Niết bàn (Sa upādisesanibbāna) là Niết bàn tương đối, Niết bàn đạt được khi thể xác còn tồn tại, tâm đã thoát khỏi vòng luân hồi. Hữu dư Niết bàn là Niết bàn với bậc thánh A la hán đã diệt mọi tham sân si, không còn phiền não, nhưng ngũ uẩn vẫn còn tồn tại cho tới khi hết tuổi thọ.

Vô dư Niết bàn (Anupādisesanibbāna) hay còn gọi là Niết bàn tuyệt đối, Đại Niết bàn, là trạng thái chỉ đạt được khi đã chấm dứt sự tồn tại của thể xác. Đây là Niết bàn với các vị thánh A la hán đã diệt tận mọi tham sân si, không còn phiền não, hết tuổi thọ là tịch diệt Niết bàn, không còn ngũ uẩn để tái sinh kiếp sau, tức là đã giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Về cơ bản, Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn đều chỉ trạng thái tâm linh thanh tĩnh tuyệt đối, tự do tự tại; điểm khác biệt ở chỗ là Niết bàn đó đạt được khi thân thể còn sống hay chết mà thôi.

Khi Đức Phật chứng Niết bàn dưới gốc bồ đề, Niết bàn của Ngài chính là sự vô ngã vị tha, hoàn toàn không còn chấp ngã, chấp pháp để phân biệt mình với người trên tinh thần trí tuệ. Bởi vậy nên sau khi chứng đắc Niết bàn, Ngài vẫn thuyết pháp độ sinh, hàng phục ngoại đạo.

Bản chất của Niết Bàn là gì?

Niết bàn không phải là một thực thể, không phải là một cõi an lạc nào đó, mà là một trạng thái thanh tịnh tuyệt đối, không còn khổ đau phiền não, không có tham vọng thỏa mãn nào.

Đức Phật từng đề cập tới Niết bàn là một cái không sinh, không trưởng thành, không giới hạn. Niết bàn còn được hiểu là một khái niệm phi thời gian - không gian, vô định về mọi mặt, không có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Ngôn từ không thể mô tả, diễn thuyết về Niết bàn được. Như vậy, có thể tìm thấy Niết bàn ở đâu?

Đức Phật dạy rằng, Niết bàn không phải ở nơi tận cùng thế giới, mà Niết bàn tồn tại ngay trong thân tâm của con người. Bởi tư duy sai lầm mà con người không thể thấy được Niết bàn trong thực tại, mà muốn đạt được Niết bàn phải thoát khỏi vô minh, giác ngộ được quy luật vô thường và vô ngã.

Niết bàn là "vô ngã", do đó con người phải thoát khỏi chấp ngã mới có thể đạt được Niết bàn. Con người còn chấp ngã, chấp pháp thì khó mà thoát khỏi phiền não, khổ đau trần tục. Theo Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Niết bàn là "cái gì tuyệt đối không dung ngã. Niết Bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết Bàn là vô tướng - vô tướng nên khó vào. Muốn vào Niết Bàn ta cũng phải vô tướng như Niết Bàn. Cửa Niết Bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc, nên ta không thể mang theo hành lý mà hy vọng vào được Niết Bàn. Cái thân đã không mang theo được, mà cả ý niệm về tôi, về ta cũng không thể mang theo được. Cái ta càng to thì càng xa Niết Bàn. Nên biết rằng: hễ hữu ngã là luân hồi mà vô ngã là Niết Bàn"...

Trong thiền môn, khi giảng dạy về Niết bàn thường xuất hiện hình ảnh con trâu đen chuyển thành con trâu trắng. Trâu đen là sinh tử, trâu trắng là Niết bàn, như vậy hiểu rằng bản chất chỉ có một con trâu duy nhất mà thôi. Tức là, khi ta giác ngộ tức là ta nhìn nhận thân tâm, con người và mọi sự vật, hiện tượng bằng một cái nhìn khác. Vọng tâm hay chân tâm là sự chuyển đổi, biến chuyển cho nhau.

Một khi đã hết vọng tâm thì tâm được thanh tịnh, thế nhưng tâm thanh tịnh chưa hẳn đã là chân tâm. Vô ngã thanh tịnh tâm mới là chân tâm. Cái thể vô tính, rỗng không của vọng tưởng, phiền não là chân tâm, chân tâm là thể của vọng tâm, là thể của sự tĩnh và động.

Trong Kinh Lăng già, Đức Phật có nói: "Vô hữu Niết Bàn Phật. Vô hữu Phật Niết Bàn". Câu này tức là, không có Đức Phật chứng Niết bàn, và cũng không có Niết bàn của Phật chứng. Hiểu sâu xa, Ngài đã khẳng định là "không có" người chứng Niết bàn, tức là phá tư tưởng chấp ngã (nhân vô ngã) và "không có" Niết bàn của Phật, tức là phá chấp pháp (pháp vô ngã) của người học về Niết bàn. Đây không phải là sự phủ nhận hiện hữu của người chứng và pháp chứng, mà để xóa bỏ quan niệm cho rằng Niết bàn là một cõi, một thực thể hữu hình nào đó.

Làm sao để tiếp cận cảnh giới Niết bàn

Niết bàn là cảnh giới tu hành cao nhất của kiếp người, là khi mà con người từ bỏ được mọi đau khổ phiền não, vô minh, là biết rằng tất cả pháp là vô ngã, vô thường và bất toại nguyện. Niết bàn là đích đến của người tu hành, dù là người tu xuất gia hay tại gia đều cần phải có chánh niệm về giáo lý Bất nhị về cả cuộc sống trần tục và tu học, khi mà vạn sự đều vô thường và vô ngã, như vậy mới đạt được Niết bàn.

niet-ban-la-gi-ban-chat-cua-niet-ban-la-gi
Chỉ khi nào con người tắt dòng năng lượng, không còn tham sân si, phiền não đau khổ, chấm dứt nghiệp báo luân hồi thì mới được giải thoát.

Đức Phật đã tóm lược con đường Trung Đạo của Ngài qua bài kệ này:

"Chớ làm những điều ác,

Nên làm việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Ấy, lời chư Phật dạy"

Tức là, để có thể đạt tới cảnh giới Niết bàn, cần thực hành Bát Chánh Đạo gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Đây còn gọi là con đường Tam vô lậu học (tức Giới Định Tuệ). Nói rộng ra là con đường 37 phẩm trợ đạo, người tu hành thực hành chánh niệm, thiền định trên cơ sở kinh Tứ Niệm Xứ.

Hòa thượng Walpola Rahula từng phân tích rằng: Người đã chứng ngộ Niết bàn là người hạnh phúc nhất thế gian, người đã thoát khỏi mặc cảm và ám ảnh, phiền não và lo âu. Họ không còn biết hối tiếc quá khứ, họ không còn mơ mộng tương lai, sống hoàn toàn trong hiện tại. Họ vui vẻ, hoan hỷ trước sự sống thuần khiết, không còn lo lắng, chỉ có bình thản, thanh thoát.

Đức Phật dạy rằng, bởi vô minh mà con người không thể tiếp cận Niết bàn, do đó con người phải tự khắc chế vô minh từ tâm, không còn đau khổ phiền não, đi đến giác ngộ thì mới tìm được Niết bàn. Vạn vật tuân theo quy luật vô thường và vô ngã, tức là luôn biến chuyển và không có bản chất mặc định của riêng nó.

Nếu còn chấp ngã, chấp pháp thì vẫn còn kẹt trong cõi sinh tử luân hồi. Con người phải tắt dòng năng lượng, không còn nghiệp báo luân hồi thì mới được giải thoát. Chỉ khi con người ý thức được vô thường, vô ngã thì mới có thể bước gần tới Niết bàn. Có thể hiểu rằng, tu tâm chính là cách để tiếp cận Niết bàn, duy trì thiện tâm, giữ tâm thanh tịnh, quên đi tham sân si, không còn phiền não, khổ đau.

Từ khóa » Thế Giới Niết Bàn