Nikon F | A Good Potato

Sau hơn 1 năm nghỉ chụp film vì… nghèo, khoảng tháng 10 năm ngoái mình có quay lại chụp với một chiếc Rollei 35S và khá hài lòng với chất lượng của máy này cho streetlife photo. Tuy nhiên với nhu cầu chất lượng ảnh cao hơn cho một vài vụ chụp nghiêm túc thì mình lại tiếp tục tìm kiếm thêm một máy SLR. So với hồi mới chơi thì giờ đã có tí máu máy ảnh gia hơn nên quyết định là sẽ kiếm một bộ vừa ngon lành trong trải nghiệm chụp và chất lượng ảnh; vừa có tính sưu tầm để khoe. Với những gì đã cầm và chụp qua thì mình quyết định quay lại với Nikon và chọn Nikon F, sau ấn tượng tốt về chiếc Nikon FE.

Thiết kếNikon F là hệ thống SLR chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới, thể hiện nỗ lực của Nippon Kogaku Tokyo và cả nỗ lực của người Nhật trong việc cải tổ nền công nghiệp và thúc đẩy sáng tạo trong nước hậu WWII, thay vì tiếp tục cải tiến và “vắt sữa” hệ thống rangefinder Nikon S vốn được ưa chuộng thời đó. Máy cực kì chắc chắn và nặng. Sau nửa năm cầm Rollei 35 quen thì thực sự mình thấy Nikon F… nặng 😀

Về mặt điều khiển thì không có gì đáng nói; nếu đã từng cầm máy ảnh thì chắc chắn sẽ dùng được máy này mà không gặp khó khăn gì. Hệ cơ của máy cũng rất chắc chắn, không có hiện tượng ọp ẹp hay có tiếng kêu lạ khi lên phim hay chỉnh tốc độ. Máy dùng màn trập vải cao su hoá nên tốc độ tối đa là 1/1000s, vừa đủ dùng với đa số filmer.

Một điểm hơi không ưng lắm ở thiết kế body của Nikon F đó là máy vẫn còn dùng thiết kế back máy khoá chốt — rút giống với các máy rangefinder đàn anh của nó chứ chưa sử dụng thiết kế back bản lề hiện đại hơn nên đôi khi hơi mất thời gian khi thay film.

View và lấy nét View của Nikon F khá to và rất sáng với độ bao phủ khung hình 100%, thể hiện rõ đây là một chiếc máy ảnh thuộc phân khúc high-end professional vào thời của nó. Trong số các máy ảnh film tầm trung-thấp mình đã từng dùng qua thì không có cái nào có view ngắm đủ khả năng so với chiếc máy này. Thường nếu chủ cũ không thay focus screen khác thì máy sẽ đi với screen nét cắt, “hợp gu” đa số người chụp.

Đo sáng Máy mình có ở đây đi cùng gù tháp DE-1, không có đo sáng. Mình mua nó vì 2 lý do: 1. Đẹp. 2. Giá gù này đang khá cao và có dấu hiệu lên cao nữa, nên mua nhanh còn kịp. Mình cũng có máy đo sáng rời cho những shoot project nghiêm túc và hoàn toàn tự tin vào khả năng tự đo sáng của bản thân khi chụp dạo cho nên bỏ qua đo sáng built-in cũng được. Nếu cần đo sáng trên máy thì Nikon F là một hệ thống hỗ trợ rất nhiều loại gù khác nhau nên có thể dễ dàng mua được máy đi kèm gù Photomic có đo sáng còn hoạt động chính xác đủ dùng.

Về Nikon F ‘Apollo’Chiếc Nikon F của mình thuộc vào đời cuối của F sản xuất từ 1972–1974 trước khi chuyển sang F2; hay còn được gọi bởi giới sưu tầm là ‘Apollo F’ vì cùng giai đoạn này Nikon đang hợp tác với NASA để tạo ra những chiếc F dành riêng cho các sứ mệnh hàng không vũ trụ trên tàu Apollo 15 & 17.Tất nhiên đây là một tên gọi có tính quảng bá là chính vì những chiếc late Nikon F đại trà này không liên quan gì tới Nikon F modified by NASA cả; tuy nhiên nó vẫn có một số cải tiến nhỏ nhưng đáng giá về mặt trải nghiệm sử dụng so với các máy ra mắt trước đó. Hay có thể nói đây là F với trải nghiệm của F2:

– Cần lên film và self-timer được thiết kế lại và bọc đầu nhựa. Việc này khiến thao tác lên film dễ chịu với ngón tay hơn rất nhiều thiết kế đầu tiên full kim loại và có răng cưa.

– Dùng ốc Phillips thay vì ốc đầu slot, việc này khiến thao tác tháo máy ra lau chùi sửa chữa hiện tại thuận tiện hơn.

– Một số người sở hữu cả 2 phiên bản của Nikon F nói rằng view của các máy late version này sáng hơn và ít gặp hiện tượng bị sọc ngang, đốm mốc trong view của bản early.

Về lens 50/1.4 Auto S.C

Lens mình mua cùng với body máy là Nikkor 50/1.4 Auto S.C. Lens này là thế hệ thứ 2 sau đời Auto-S với coating cải tiến, tuy vẫn là coating đơn.Lens thể hiện ở khẩu 1.4 chỉ ở mức trung bình, độ nét chấp nhận được, khi ngược sáng hoặc ánh sáng mạnh thì ảnh bị hazy khá rõ. Hiện tượng này sẽ giảm xuống rõ rệt ở f1.8 và hết hẳn ở f2. Lens này hiện có giá khoảng 1tr8–2tr tuỳ tình trạng và phụ kiện đi kèm, rẻ hơn tương đối so với các lens AI-AIs mà chất lượng không thua kém quá nhiều. Nếu so với chiếc 50/1.8 AIs pancake mà mình từng dùng trên Nikon FE thì không được nét tới độ ‘razor sharp’ như vậy ở cùng khẩu nhưng mình lại thích hơn vì sự mềm mại và màu sắc ấm áp có phần “phim” hơn của nó.

Kết Đối với ai thích một chiếc máy chắc chắn, full mechanical và đã dùng qua các máy tầm trung-thấp, muốn bắt đầu tìm tới một body chất lượng cao hơn thì Nikon F là sự lựa chọn tốt với hệ lens Nikkor xuất sắc. Tuy nhiên, độ nặng của máy và độ nặng về giá ở thời điểm này cũng nên là vấn đề cần cân nhắc.

15s dành cho quảng cáo: Body, lens, filter, dây đeo gốc theo máy… mình đều mua của anh Bắc aka người bán máy đẹp máy ngon nhất vịnh Bắc Bộ :v

Từ khóa » Các Loại Gù Nikon F2