Ninh Bình Xây Dựng Khu Kinh Tế Tổng Hợp Vùng Biển, đảo Kim Sơn

Ninh Bình xây dựng khu kinh tế tổng hợp vùng biển, đảo Kim Sơn

Cụ thể hóa chiến lược

Báo cáo quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến năm 2040 nêu bật: Kim Sơn là huyện ven biển nằm ở cực Nam của tỉnh, có vùng bãi bồi ven biển rộng lớn với lượng phù sa màu mỡ, nguồn phù du phong phú, đa dạng. Do đó, phát triển kinh tế biển được xác định là một trong các chương trình trọng tâm, trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện.

Vùng ven biển Kim Sơn có nhiều cơ hội để phát triển như quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh. Về Kim Sơn là về với miền đất mới của thiên nhiên ngọt ngào hương vị phù sa và gió biển. Kim Sơn ngày nay đang hứa hẹn là một địa phương giàu tiềm năng du lịch của vùng đất Ninh Bình. Trong hoạch định chính sách cũng như tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ KT- XH, Ninh Bình rất quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, trong đó có Cồn Nổi và được cụ thể hóa ở Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIX).

Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa các quy hoạch chiến lược của tỉnh Ninh Bình và huyện Kim Sơn đối với khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi; phát triển thành khu chức năng đặc thù ven biển huyện Kim Sơn; phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình; quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế ven biển Kim Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH của tỉnh Ninh Bình và các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt.

Khai thác các tiềm năng, lợi thế của khu vực để xây dựng khu vực động lực phát triển KT- XH của huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung. Tạo ra những sản phẩm đặc thù, chất lượng cao nhưng phải gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, các giá trị văn hóa lịch sử và BVMT; đảm bảo hài hòa và gắn chặt phát triển kinh tế với đảm bảo QP-AN.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi. Khu quy hoạch nằm ở điểm cực Nam của tỉnh Ninh Bình, nơi tiếp giáp với biển. Ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi có quy mô diện tích 9.000 ha, trong đó, khu từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi và vùng biển xung quanh Cồn Nổi hiện đang xây dựng quy hoạch mở rộng diện tích quy mô lên 12.000 ha.

Việc tổ chức thực hiện quy hoạch được phân kỳ các giai đoạn. Giai đoạn 2021-2030: Hình thành bộ máy quản lý khu kinh tế biển Kim Sơn; hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý gồm các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Giai đoạn 2031-2040: Xây dựng phát triển hoàn thiện các dự án động lực như khu công nghiệp cảng Kim Sơn; khu du lịch Cồn Nổi; khu nông nghiệp công nghệ cao; khu đô thị dịch vụ. Giai đoạn 2041-2050, phát triển hoàn thiện các khu vực, chuyển đổi các khu vực dự trữ cho các chức năng phát triển mới, mở rộng.

Xây dựng vùng kinh tế biển năng động

Mặc dù, thời gian qua, kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, kết cấu hạ tầng được đầu tư, sản xuất thủy sản phát triển tốt, nhưng bên cạnh đó, công tác quy hoạch, định hướng phát triển, quản lý đất đai vẫn còn nhiều bất cập,…

Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “phát triển vùng kinh tế ven biển Kim Sơn” là một trong những chương trình trọng tâm nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế của không gian biển, đưa vùng này trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động của tỉnh Ninh Bình. Do đó, việc lập, tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Phát triển vùng kinh tế ven biển huyện Kim Sơn” là cần thiết.

Với định hướng phát triển khu vực từ đê Bình Minh II đến đảo Cồn Nổi thành cửa ngõ kết nối kinh tế biển, quy hoạch chung xây dựng khu vực đê Bình Minh II đến Cồn Nổi (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) đã tập trung xây dựng Khu phức hợp kinh tế, dịch vụ sinh thái biển với đặc trưng vùng ngập nước.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế đã được phê duyệt năm 2015. Một số dự án đầu tư phát triển đô thị, dự án Du lịch, dự án cơ sở tôm giống, cây trồng, công nghiệp chế biến nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy năng lượng mặt trời bước đầu đã hình thành. Tuy nhiên, vẫn thiếu một số tổng thể chung, chưa đồng bộ, chưa tạo đà thúc đẩy phát triển. Một số hoạt động xây dựng sản xuất của các hộ dân còn tự phát, chưa được quản lý, do đó cần có quy hoạch tổng thể để định hướng cho công tác quản lý tại khu vực này.

Quy hoạch chung đã cụ thể hóa được các quy hoạch chiến lược của tỉnh Ninh Bình, của huyện Kim Sơn và các quy hoạch có liên quan. Đồng thời, khai thác được các tiềm năng, lợi thế, tạo ra các sản phẩm đặc thù, chất lượng cao gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa lịch sử và BVMT, đảm bảo hài hòa và gắn chặt phát triển kinh tế gắn với đảm bảo QP-AN.

Với định hướng phát triển khu vực từ đê Bình Minh II đến đảo Cồn Nổi, thành cửa ngõ kết nối kinh tế biển, việc quy hoạch đã tập trung xây dựng Khu phức hợp kinh tế, dịch vụ sinh thái biển với đặc trưng vùng ngập nước, tạo nên cửa ngõ kết nối hỗ trợ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực KT-XH mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình.

Cùng với đó, quy hoạch phát triển phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, quỹ đất khai thác hạn chế. Đặc biệt, ưu tiên các lĩnh vực gắn với kinh tế biển để hỗ trợ các lĩnh vực, ngành nghề chủ đạo của tỉnh và của vùng phát triển, tạo nên cửa ngõ tiếp cận từ phía biển cho các lĩnh vực công nghiệp cảng, dịch vụ thương mại logistic, du lịch biển và đặc biệt là nông nghiệp sinh thái gắn với công nghệ cao.

Riêng Khu vực Cồn Nổi đóng vai trò kết nối không gian biển, kết nối kinh tế biển với vùng duyên hải Bắc Bộ, là điểm đến cho các lĩnh vực kinh tế mới của Ninh Bình chưa khai thác phát triển. Cồn Nổi cũng trở thành điểm đến, đón tiếp các luồng phát triển mới như vận tải biển, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch biển.

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi, huyện Kim Sơn là tiền đề để triển khai các chương trình phát triển và dự án đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cơ sở pháp lý để triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng và kiểm soát hoạt động xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn.

Phát triển phải tính đến tác động môi trường

Ông Phạm Quang Ngọc cho biết, Ninh Bình sẽ quy hoạch xây dựng thuận theo tự nhiên; trong đó ưu tiên phần lớn diện tích cho phát triển nông nghiệp nuôi trồng thủy sản, đề xuất một số dự án thành phần để hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, đồng thời xác định rõ lộ trình để đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Đơn vị tư vấn cần nghiên cứu đảm bảo cơ sở pháp lý, tính khả thi của quy hoạch, tác động của thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của khu vực này; đặc biệt là sự biến động về vị trí rừng ngập mặn, bãi bồi, động lực dòng chảy để xác định hướng đi trong quy hoạch đảm bảo phù hợp với tiềm lực kinh tế địa phương cũng như thu hút các nhà đầu tư.

Vậy, làm thế nào để Kim Sơn có tầm nhìn hướng biển và phát triển bền vững? Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Ninh Bình cần:

Thứ nhất, về quan điểm quy hoạch Kim Sơn là quy hoạch có tầm nhìn dài hạn và động lực phát triển Kim Sơn là tầm nhìn hướng biển chứ không phải là phát triển đô thị, phát triển công nghiệp. Như vậy, Ninh Bình ra Nghị quyết kinh tế biển để là động lực chung cho Ninh Bình phát triển chứ không riêng gì Kim Sơn.

Thứ hai, phải phát triển tổng hợp, kinh tế biển làm động lực, nhưng phát triển tổng hợp, trong đó có cả KT-XH. Trước mắt, tập trung phát triển thủy sản trước, xây dựng thương hiệu riêng cho vùng Kim Sơn. Cùng với phát triển kinh tế gắn với bảo tồn rừng, trồng rừng với phát triển du lịch từ rừng. Phải xây dựng khu công nghiệp và khu đô thị, khu dân cư theo hướng xây dựng các khu nghỉ dưỡng, du lịch.

Thứ ba, về không gian quy hoạch phải theo hướng mở. Vấn đề cửa Đáy và cửa Càn cần tiến hành chỉnh trị ngay, trước mắt tập trung chỉnh trị cho cửa Đáy. Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thủy lợi trong vùng đê biển Bình Minh I, II, III.

Thứ tư, cần nghiên cứu bên sông Càn, tính toán một cửa lấy nước sạch từ biển phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đối với nguồn lực và bước đi cụ thể, đề nghị tỉnh tính toán, nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, có một kế hoạch thực hiện quy hoạch, đồng thời tính toán nguồn lực thực hiện quy hoạch. Nên có chính sách mời gọi ngay từ đầu, sau khi có các nhà đầu tư vào lúc đó mới tiến hành quy hoạch chi tiết. Thứ trưởng cũng đề nghị Ninh Bình, nghiên cứu, xem xét nên thành lập một cảng biển, sau này sẽ là một âu thuyền vĩ đại.

NGUYỄN VIỆT DŨNG

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Bình

Từ khóa » Khu Công Nghiệp ở Kim Sơn Ninh Bình