Ninh Thuận Phát Triển Công Nghiệp Theo Hướng Hiện đại - Thân Thiện ...

Trong những năm qua, ngành Công nghiệp của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có bước phát triển tích cực. Hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp được đầu tư tạo điều kiện để thu hút các dự án phát triển công nghiệp, trong đó có một số dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp chế biến đã quan tâm đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được quan tâm hỗ trợ khôi phục và phát triển. Kinh tế có bước phát triển mới, chủ trương phát triển nhanh các nhóm ngành đột phá và các dự án động lực thay thế góp phần biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển; năng lượng tái tạo thu hút được nhiều sự quan tâm và bước đầu khai thác hiệu quả, tạo động lực mới, sức bật mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Công nghiệp tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 8,2%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 7.015 tỷ đồng.

Phát triển nhanh và mạnh các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh, đã cung cấp chủ trương đầu tư cho 13 dự án điện gió, với tổng công suất khoảng 630,63 MW tổng vốn đầu tư 25.856 tỷ đồng, 31 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.816,7 MW tổng vốn đầu tư 46.312 tỷ đồng và 6 dự án thủy điện, tổng công suất 149,8 MW tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.300 tỷ đồng. Đến nay đã có 18 dự án điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 1180 MW. Trong đó nguồn năng lượng tái tạo đã góp phần tăng sản lượng điện sản xuất đạt 2500 kWh tăng 2,1 lần so với năm 2016.

Tỉnh đã tăng cường chỉ đạo đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thực hiện chuyển đổi chủ đầu tư khu công nghiệp Du Long, hoàn thành đầu tư hạ tầng và mở rộng hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp, triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Quảng Sơn, tiếp tục xúc tiến triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Cà Ná. Một số khu, cụm công nghiệp hoạt động ổn định, riêng khu công nghiệp Thành Hải trong giai đoạn này đã thu hút phát triển 7 dự án đầu tư, nâng tỷ lệ lấp đầy đạt 71,2% tổng diện tích đất công nghiệp; cụm công nghiệp Tháp Chàm thu hút 03 dự án, tỷ lệ lấp đầy đạt 93,1% diện tích đất công nghiệp.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì ngành công nghiệp tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Quy mô sản xuất còn nhỏ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh sản phẩm của một số doanh nghiệp chưa cao và hiệu quả thu hút đầu tư của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó triển khai thực hiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong bối cảnh không thuận lợi, nguồn vốn đầu tư công khó khăn, chủ trương của Quốc hội tạm dừng thực hiện đầu tư dự án điện hạt nhân của tỉnh, hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển công nghiệp chưađáp ứng được yêu cầu, nhất là cảng biển và khu, cụm công nghiệp, tình hình lãi suất ngân hàng và giá cả vật tư hàng hóa tăng cao, thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, Ninh Thuận còn bị ảnh hưởng của hạn hán kéo dài và lũ lụt, tác động trực tiếp đến phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

Trong thời gian tới, để công nghiệp Ninh Thuậnphát triển nhanh, bền vững, trở thành nền kinh tế trọng điểm và tạo động lực phát triển của nền kinh tế, Tỉnh đã đưa ra mục tiêu phát triển công nghiệp tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; phát triển đột phá ngành công nghiệp năng lượng để hình thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp nặng, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp khác gắn với công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách.

Đến năm 2030, Ninh Thuậnphấn đấu hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số sản phẩm công nghiệp chế biến, nhất là sản phẩm chế biến xuất khẩu có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2045, Ninh Thuận cơ bảntrở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại, đạt loại khá trong khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Theo đó, đến năm 2030, tỉnh đã đề ra mục tiên phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến đạt 45%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân 18%/năm, trong đó công nghiệp năng lượng đạt bình quân 35%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 8%/năm; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%; tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời, điện khí, thủy điện; công nghiệp luyện, cán thép, cơ khí, điện điện tử; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tập trung phát triển khu công nghiệp phía Nam gắn với phát triển cảng tổng hợp Cà Ná. Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, xây dựng chính sách khuyến khích, phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh về nguyên liệu, lao động và thị trường, ưu tiên phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa./.

Nguồn: Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận

Nguyễn Kiều Ly

Phòng Thông tin Thư viện và Xúc tiến thương mại

Từ khóa » Các Khu Công Nghiệp Ninh Thuận