Nitrat - Hiểm Họa Từ Việc Lạm Dụng Phân Bón - VnExpress

Việt Nam có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp với nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng 10 triệu tấn, trong đó gần 20% phân đạm. Để nâng cao năng suất cây trồng, nông dân đã tăng lượng phân bón gấp 2-3 lần, thậm chí là 5-7 lần so với nhu cầu, dẫn đến dư thừa lượng nitrat trong rau củ quả.

Trong khi đó, kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho thấy, cây trồng chỉ sử dụng khoảng 40-50% số phân bón, còn lại bị rửa trôi hoặc tồn tại trên các bộ phận của cây.

Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Vân, Hội khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật, do tập quán lãng phí và bừa bãi trong việc sử dụng đạm hóa chất khiến dư thừa nitrat và khi vượt ngưỡng nó sẽ biến thành nitrit gây nguy hại cho con người.

nitrat-hiem-hoa-tu-viec-lam-dung-phan-bon

Trên mỗi sào rau người dân đang lạm dụng phân bón để tăng sản lượng mà không biết nó nguy hại như thế nào đến sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Huân.

Nitrat là một trong bốn yếu tố khiến rau không an toàn, cùng với kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh vật. Khi lượng chất này vượt quá ngưỡng an toàn thì chúng được xem như độc chất, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Nitrat lần đầu tiên được phát hiện như dạng độc chất tồn dư trong nông sản, gây hại sức khỏe con người vào năm 1945.

"Mặc dù nitrat không độc với thực vật nhưng nếu cây trồng được con người sử dụng, đặc biệt là bộ phận lá, nitrat khử thành nitrit trong quá trình tiêu hóa, trở thành chất độc. Nitrit dễ phản ứng với amin tạo thành nitrosamin, chất gây ung thư dạ dày", giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học Giáo dục Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cảnh báo.

Giáo sư cho rằng, trong cơ thể con người nitrat nhanh chóng bị tích tụ, làm mất khả năng vận chuyển oxy trong máu, hạ huyết áp, và ở nồng độ cao cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, tăng nguy cơ sảy thai.

Mức giới hạn tối đa cho phép của hàm lượng nitrat (NO3) trong một số sản phẩm rau tươi (mg/ kg) (Theo Quyết định số 867/ 1998/ QĐ-BYT của Bộ Y tế)

Mức giới hạn tối đa cho phép của hàm lượng nitrat (NO3) trong một số sản phẩm rau tươi (mg/kg) theo Quyết định số 867/1998 của Bộ Y tế. 

Để hạn chế nitrat trong sản phẩm cây trồng, theo các chuyên gia, người tiêu dùng không thể làm sạch nó bằng cách rửa, gọt vỏ hay sục rửa, vì nitrat đã ngấm vào các tế bào thực vật nên chỉ còn cách phát hiện dư lượng vượt quá ngưỡng cho phép để không sử dụng hoặc giảm bớt lượng tránh nguy hại cho cơ thể.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Vân cho rằng, biện pháp tối ưu là nông dân nên hạn chế bón phân hóa học mà nên dùng phân xanh, bón phân đúng nhu cầu cho cây trồng. Theo tài liệu quy trình trồng rau an toàn của Viện nghiên cứu rau quả, nhu cầu bón đạm của rau ngót là 0,5 kg/sào, rau cải 0,5-1kg/sào...

Theo một số chuyên gia khác, không nên chọn rau có màu xanh mướt, khi mua về rau quả cần rửa sạch sẽ, ngâm muối.

Liên quan đến việc cung cấp tới người dân chuỗi cửa hàng bán thực phẩm sạch theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, tại cuộc họp báo hồi đầu tháng1, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thừa nhận rau củ sạch đang khiến niềm tin của người dân bị khủng hoàng, nhưng đây là vấn đề khó, không thể làm ngay và nhanh được.

Ông Tiệp cho biết, sau chiến dịch về an toàn thực phẩm, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương công bố danh sách cửa hàng thực phẩm an toàn. Trong đó Hà Nội và TP HCM là hai địa phương đi đầu. Hiện Hà Nội đã lập được 27 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sẽ tổ chức lấy mẫu trước khi quảng bá.

"Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến nông nghiệp, làm demo địa chỉ bán thực phẩm sạch tại triển lãm Hoàng Quốc Việt để các địa phương học hỏi theo", ông Tiệp nói.

Phạm Hương

Từ khóa » đạm Nitrat