Nợ Công Là Gì? Ai Là Người Trả Nợ Công?

Chúng ta vẫn thường nghe đến khái niệm “nợ công” trong các bản tin về kinh tế. Vậy nợ công thực chất là gì? Nợ công có phải là nợ quốc gia không? Ai sẽ phải trả “nợ công”?  Liệu rằng nợ “công” có ảnh hưởng đến túi tiền “tư” hay không? Trong bài viết dưới đây, VPLS Long Việt sẽ cung cấp tới độc giả một số thông tin về vấn đề này.

– Căn cứ pháp lý:  Luật quản lý nợ công 2017

1. Nợ công là gì? 

Theo định nghĩa của ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế thì nợ công là các khoản nợ của Chính phủ trung ương, các cấp chính quyền địa phương, ngân hàng trung ương và nợ của các tổ chức độc lập được Chính phủ bảo lãnh thanh toán.

Nguyên nhân của nợ công là do sự mất cân bằng thu chi dẫn đến thâm hụt ngân sách. Nhu cầu chi tiêu công của Chính phủ quá lớn, trong khi nguồn thu ( thuế, phí,…) không đủ đáp ứng nhu cầu buộc Chính phủ phải đi vay tiền thông qua nhiều hình thức ( phát hành trái phiếu, công trái,…)

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nợ công gồm 3 nhóm:

Nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, ngoài nước, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân dân Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, ủy quyền phát hành theo quy định của pháp luật. Nợ Chính phủ không bao gồm khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.

Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là UBND cấp tỉnh) ký kết, phát hành hoặc ủy quyền phát hành.

Điều 4 Luật Quản lý nợ công 2017 quy định:

“Điều 4. Phân loại nợ công

1. Nợ Chính phủ bao gồm:

a) Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ;

b) Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài;

c) Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

2. Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm:

a) Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh;

b) Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

3. Nợ chính quyền địa phương bao gồm:

a) Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;

b) Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

c) Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”

nợ công là gì

2. Ai là người phải trả nợ công? 

Luật Quản lý nợ công 2017 quy định:

“Điều 32. Trả nợ của Chính phủ

  1. Chính phủ có trách nhiệm bố trí ngân sách trung ương để trả nợ của Chính phủ. Mức vay mới để trả nợ gốc nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định.
  2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để trả nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đầy đủ, đúng hạn.
  3. Bộ Tài chính và cơ quan được Bộ Tài chính ủy quyền cho vay lại có trách nhiệm thu hồi toàn bộ nợ gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan của các chương trình, dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, nộp vào Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm nguồn trả nợ nước ngoài.”

Như vậy, Chính phủ có nghĩa vụ thanh toán nợ công. Tuy nhiên khi rủi ro xảy ra, chẳng hạn như các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh nợ, làm ăn thua lỗ, không có khả năng thanh toán nợ, dẫn đến việc nợ công ngày càng tăng, thì người phải gánh chịu hậu quả không ai khác chính là người dân. Khi Chính phủ không có khả năng thanh toán nợ, khủng hoảng nợ công sẽ xảy ra.

Khủng hoảng nợ công được xem là tình trạng nợ công tăng cao ( vỡ nợ), làm chao đảo nền kinh tế do mất cân bằng nghiêm trọng giữa thu và chi. Khi một đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công, Chính phủ sẽ phải thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng” ( tăng thuế, giảm lương, sa thải bớt số viên chức nhà nước,…) và như vậy thì người phải gánh chịu hậu quả cuối cùng của nợ công chính là người dân.

Như vậy, ta có thể hiểu,  “nợ công” nhưng ảnh hưởng đến “tiền tư” là điều hết sức bình thường.

Trên đây là một số thông tin mà VPLS Long Việt cung cấp đến quý độc giả. Hy vọng bài viết hữu ích với quý độc giả!

Từ khóa » Khái Niệm Vay Nợ Trong Nước