Nỗ Lực Xây Dựng Và Phát Triển Trường Phổ Thông Dân Tộc Bán Trú Của ...

Năm học 2011-2012, toàn huyện chỉ có 01 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT Tiểu học Đăkrong) với 195 học sinh. Đến năm học 2016-2017 toàn huyện có 19 trường Tiểu học; 14 trường Trung học cở (THCS) và 18 trường Mầm non. Trong số đó có 06 trường PTDTBT (PTDTBT Tiểu học Đăkrong, PTDTBT TH&THCS Konpne,  PTDTBT Tiểu học Sơn Lang, PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám, PTDTBT Tiểu học&THCS Krong và PTDTBT Tiểu học Lơ Ku) với tổng số học sinh là 1877 em, trong đó số học sinh bán trú là 1124 em.

Bên cạnh sự đầu tư xây dựng ban đầu từ nguồn ngân sách Nhà nước, một số trường PTDTBT đã nỗ lực vận động cộng đồng đóng góp ủng hộ nguyên vật liệu, ngày công và kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà từ thiện để xây dựng thêm các các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục và tổ chức nội trú cho học sinh. Kinh nghiệm của một số trường PTDTBT ở Kbang thành công trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng đã cho thấy:

Để huy động được sự ủng hộ một cách hiệu quả nhất từ cha mẹ học sinh và cộng đồng, các trường đã khảo sát khả năng tiềm lực của từng làng, như làng nào làng có khả năng ủng hộ về gỗ xây dựng, làng có khả năng ủng hộ về công thợ mộc, làng có khả năng ủng hộ về trồng cỏ, có khả năng ủng hộ về cây cảnh,...để từ đó vận động theo điểm mạnh của mỗi làng. Sau đó, lựa chọn thời điểm mà dân làng rảnh rỗi để tiến hành họp, đặt vấn đề, phân công trách nhiệm cho mỗi làng, mỗi nhóm...

Sau khi có được niềm tin và sự ủng hộ về vất chất và tinh thần của cộng đồng, phụ huynh, các trường đã chứng minh cho cộng đồng thấy mọi sự đóng góp của họ đã biến thành những công trình, những sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi của chính con em mình...

Ngoài ra,các trường PTDTBT cũng cho toàn thể nhân dân thấy rõ sự cố gắng không ngừng của nhà trường trong việc xây dựng nhà trường nói chung và việc chăm lo tổ chức đời sống nội trú cho con em của họ. Cụ thể là đẩy mạnh tăng gia sản xuất như nuôi heo, nuôi dê, nuôi gà, nuôi chim, trồng rau,...để cải thiện bữa ăn cho học sinh và tiết kiệm một phần nguồn thu góp cùng với đóng góp của phụ huynh để xây dựng trường lớp ngày một khang trang hơn.

Bên cạnh sự chủ động,nỗ lực của các trường PTDTBT, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang đã tăng cường công tác chỉ đạo đối với các trường PTDTBT. Cụ thể:

- Chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cụ thể theo năm, tháng, tuần dựa trên cơ sở bám sát thực tiễn; chú trọng ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: công tác duy trì sĩ số; chăm sóc và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bán trú; tăng cường tiếng Việt cho học sinh trong các giờ lên lớp và các hoạt động ngoại khóa;công tác cải tạo không gian học tập, vui chơi của học sinh, công tác xã hội hóa giáo dục…

- Chỉ đạo cán bộ quản lý các trường phân công, sắp xếp bố trí đội ngũ giáo viên dựa vào năng lực, sở trường công tác, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Trong đó, chú trọng bố trí giáo viên đối với các lớp đầu cấp(lớp 1), cuối cấp (lớp 5) và lớp ghép. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Hiệu trưởng và các đoàn thể chặt chẽ; phân công trách nhiệm từng thành viên trong Ban giám hiệu một cách rõ ràng cụ thể; xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt chú trọng đến các nội dung giáo dục đặc thù trong trường PTDTBT.

- Phối hợp với Công đoàn giáo dục chỉ đạo các trường học, các công đoàn cơ sở thực hiện tốt việc kết nghĩa đỡ đầu giữa các trường học trong huyện với các trường PTDTBT để hỗ trợ học sinh bán trú, giúp cho các em có đủ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để an tâm học tập. Mặt khác, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các nhà trường PTDTBT phối hợp các ban ngành, đoàn thể nhận chăm sóc có hiệu quả và phát huy giá trị các di tích văn hoá lịch sử ở địa phương; Thực hiện kế hoạch trồng cây xanh vào mùa mưa, cải tạo khuôn viên trường học ngày càng xanh – sạch – đẹp với mong muốn phấn đấu xây dựng các trường theo các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia. Phối hợp với trung tâm y tế dự phòng kiểm tra vệ sinh trường học và chăm sóc sức khỏe cho giáo viên và học sinh tại các trường PTDTBT.

Sau 5 năm  xây dựng và phát triển các trường PTDTBT ở Kbang, một số chuyển biến tích cực đã được nhìn thấy rõ nét:

- Công tác duy trì sĩ số, chuyên cần của học sinh: so với năm học 2011-2012 đã có một sự cải thiện rõ nét (năm học 2011-2012 tỷ lệ duy trì sĩ số, chuyên cần chỉ đạt khoảng 60-70% thì đến năm học 2016-2017 đã tăng lên 90% - 99%).

- Năng lực Tiếng Việt của học sinh dân tộc đã có sự chuyển biến đáng kể: Năm học 2011-2012 tỷ lệ học sinh lớp 2 đến lớp 5, đọc trơn theo chuẩn kiến thức chỉ đạt 50%, đến năm học 2015-2016 tỷ lệ đọc trơn của học sinh từ lớp 2 đến lớn 5 đạt 80-95%. Học sinh đã có thể chào hỏi và giao tiếp tiếng Việt với thầy cô và mọi người xung quanh.

- Sức khỏe học sinh bán trú được cải thiện rõ rệt: các em được ăn uống đủ bữa, điều độ và được khám sức khỏe định kỳ, được tham gia các hoạt động thể dục thể thao tại trường nên thể chất phát triển tốt hơn nhiều so với khi các em còn ở nhà.

Thầy/cô giáo trường PTDTBT ở Kbang chăm sóc cho học sinh dân tộc bán trú

- Kĩ năng sống của học sinh bán trú được hình thành và phát triển: việc tổ chức tốt công tác nội trú cho học sinh (ở lứa tuổi tiểu học và THCS) đã hình thành kĩ năng tự lập cho học sinh; kĩ năng hòa nhập trong môi trường sống nội trú; kĩ năng lao động; các đặc biệt là kĩ năng giao tiếp của học sinh được cải thiện rõ rệt.

Thầy/cô giáo trường PTDTBT ở Kbang hướng dẫn học sinh dân tộc bán trú trồng rau

Tuy nhiên, các trường PTDTBT ở Kbang hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn như:

- Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí của học sinh ở một số trường còn thiếu thốn (thiếu phòng học, nhà ở bán trú, nhà ăn, nhà bếp, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, sân chơi, các phương tiện giải trí; có trường mới thành lập còn chưa có phòng ở, học sinh phải tự lo chỗ ở như PTDTBT TH&THCS Krong).

-Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học tuy đã được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học, ảnh hưởng lớn đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và chất lượng học tập của học sinh. 

-Tài liệu tham khảo, truyện tranh phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc để giúp học sinh tăng cường tiếng Việt còn thiếu ở hầu hết các trường PTDTBT.

- Quỹ đất dành cho việc tăng gia sản xuất, giáo dục lao độngcho học sinh còn thiếu ở hầu hết các trường PTDTBT.

Có thể nói, hệ thống trường PTDTBT ở Kbang được hình thành và phát triển trong 6 năm qua là sự quyết tâm, là nỗ lực rất lớn của những con người tận tâm, tận lực với sự nghiệp giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Sự nỗ, lực tận tâm của họ đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng và sự chung tay đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương, dẫu là ít ỏi nhưng vô cùng quý giá và đáng trân trọng.Trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và đang trình Chính phủ Đề án “Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016-2025” thì những cách làm, sự nỗ lực của Kbang trong việc xây dựng trường PTDTBT là rất đáng trân trọng.

Vẫn còn nhiều những khó khăn, bộn bề mà thầy, trò ở những trường PTDTBT vừa mới được thành lập của huyện Kbang đang phải cố gắng khắc phục từng ngày. Họ đang cần lắm những bàn tay chung sức, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các nhà từ thiện… để họ tiếp tục vững bước trên hành trình gieo chữ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

                                       Tôn Thị Tâm  Vụ Giáo dục dân tộc – Bộ Giáo dục và Đào tạo                                       (Phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Kbang)

Từ khóa » Diện Tích Huyện Kbang