Nỏ Thần An Dương Vương, Truyền Thuyết Và Sự Thật Lịch Sử

Nỏ thần chứng minh dân tộc Việt cổ từ ngàn xưa đã có công nghệ chế tạo vũ khí vượt trội hơn nhiều nước. Nhờ trí tuệ đặc biệt và thành tựu nói trên mà một nước tuy nhỏ bé lại có thể tồn tại cả nghìn năm bên cạnh một nước lớn đầy tham vọng… 

XEM VIDEO BẮN NỎ:

Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thuỷ kể rằng, vua An Dương Vương có Nỏ thần, bắn một lúc nhiều mũi tên và chỉ vài lần bắn là quân giặc đông đến hàng vạn cũng phải tan tành rồi bỏ chạy. Chính sử sách Trung Quốc như quyển Thái Bình hoàn vũ ký còn ghi: “Nỏ thần bắn một phát giết hàng vạn người, bắn ra 3 phát giết đến 3 vạn”. 

Đi tìm sự thật

Sau này, khi chúng ta khai quật được cả vạn mũi tên đồng cùng khuôn đúc tại Thành Cổ Loa và sử sách mô tả lại thì đã có ít nhiều sự thật trong đó. 

Vậy thì sự thực ở đâu, chả nhẽ hàng nghìn năm trước thần thánh nào đã tặng cho người Việt cổ có được "siêu vũ khí" này ? 

Vào một ngày tháng 3/2021, tôi và nhà báo Vũ Lân, nguyên Tổng biên tập tạp chí Dân vận đã được Trung tâm Bảo tồn đi tích Cổ Loa mời sang xem buổi trình diễn bắn nỏ của kỹ sư (KS) vũ khí Vũ Đình Thanh.  

Ở khoảng cách 100m nhìn người còn chẳng rõ. Thế mà loạt bắn 8 mũi tên bay cùng lúc, còn xuyên qua bia rồi cắm phập vào cây lim già. Rồi anh Thanh đặt nỏ bắn tự do loạt 8 mũi tên ngay trên Thành Cổ Loa bắn xuống cũng bay được hơn trăm mét. 

{keywords}
Bắn nỏ tại Cổ Loa với sự chứng kiến của hai nhà báo Quốc Phong, Vũ Lân

Các mũi tên là mô phỏng mũi tên Cổ Loa niên đại cách nay 2.300 năm. Nỏ làm dựa theo hình ảnh ống tên trong các lễ hội rước Nỏ thần của người Cổ Loa xưa, trước Cách mạng Tháng 8 mà PGS.TS Lê Đình Sĩ đã ghi lại. 

Quả thực điều này là quá kì diệu! 

KS Vũ Đình Thanh, tác giả của “Nỏ thần” khẳng định, đây là nỏ bắn xa nhất hiện nay tại Việt Nam và cũng là nỏ to nhất đang tồn tại. Tôi có tranh luận: “Đấy là người ta không làm nỏ thường to chứ nếu làm nỏ thường to thì cũng bắn được xa như thế". 

Thanh trả lời bằng cách cùng tôi kiểm chứng qua “ông vua nỏ” có biệt danh Thuận nỏ Sơn La. Ông Thuận cho hay: Nỏ thường có dây tác động trực tiếp vào mũi tên. Lâu nay ông làm to nhất cũng chỉ đến sải cánh 1,5m, không thể hơn được nữa vì lúc đó mũi tên phải to dài theo và như vậy sẽ không bắn được. 

Trong khi đó, anh Thanh lại khẳng định vẫn có thể làm nỏ to hơn nữa, sải cánh hai bên 5m, bắn xa thậm chí 900m. Nếu làm được cái nỏ như thế thì truyền thuyết nỏ thần hoàn toàn sẽ là sự thật? 

Hoài nghi của chuyên gia tên lửa Nga 

KS Vũ Đình Thanh tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự của nước Cộng hòa Tiệp Khắc cũ, đã trực tiếp tham gia vào việc nghiên cứu chế tạo các vũ khí mới cho một số tập đoàn vũ khí nhà nước tại châu Âu. Hiện anh làm việc cho Cơ quan Nghiên cứu và sản xuất Almaz trong tập đoàn Almaz Antey Nga. 

Một lần anh cùng chuyên gia tên lửa của Nga đi thăm Bảo tàng Quân sự Việt Nam. Khi thấy người thuyết minh giới thiệu mô hình Nỏ thần An Dương Vương và những truyền thuyết, họ không nói gì, chỉ gật gù khen ngợi. Thế nhưng, sau đó họ nói với anh rằng mô hình Nỏ Liên Châu trong Bảo tàng là không thuyết phục vì không thể bắn xa cùng lúc nhiều mũi tên như truyền thuyết - xét về kỹ thuật. 

{keywords}
Toạ đàm khoa học nghiên cứu phục dựng nỏ Liên Châu

Từ trăn trở của các bạn ngoại quốc chuyên về vũ khí, anh Thanh thấy họ có lý. Cả một năm trời sau đó, anh đã nghiên cứu và quyết định bắt tay thực nghiệm công trình không hề đơn giản này. Sau 1 năm 11 tháng, KS tên lửa Vũ Đình Thanh mới đi tới kết luận như trên. 

Cần nói thêm, anh Thanh còn có sự trợ giúp của những nhà khoa học giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực cơ học, đã chế tạo ra những hệ thống tên lửa phòng không như S300, S400, S500… mới giải mã được siêu bí mật kỹ thuật xứng danh Nỏ thần của dân tộc ta. 

Thông điệp kỹ thuật truyền lại từ ngàn xưa 

Mọi người đều nghĩ nếu muốn bắn xa, chỉ cần làm nỏ to lên, mũi tên to dài là được. Thế nhưng sự thật không như vậy. 

Anh Thanh giải thích rất dễ hiểu: Ví dụ ta làm một cái nỏ to, hai bên cánh độ 3,2m như Nỏ thần phục dựng của anh Thanh đang bắn thì thân nỏ với rãnh phải là hơn 3,2m và mũi tên cũng phải to dài gần 3,2m. Nhưng nếu mũi tên dài như thế thì không thể bắn nổi. Có nhiều người thử làm mũi tên ngắn đi nhưng cũng không được vì khi dây nỏ đẩy mũi tên thì với đoạn đường rãnh nỏ dài như vậy, mũi tên dễ dàng bị bật tung lên chứ không bay về phía trước.  

Trong khi ở Nỏ thần, các mũi tên Cổ Loa lại bé tí nằm trong ống, dây nỏ luồn qua ống nên không bao giờ mũi tên bị bay tung đi trong khi bắn. Nếu ta làm nỏ cực to với sải cánh cả hai bên 5m, thậm chí 3-5 tầng cánh, thân nỏ dài 6m thì có khi vẫn có thể dùng ống tên bé tí thế thôi. Lúc đó, các mũi tên sẽ có năng lượng vô cùng lớn và bay cực kỳ xa. Về lí thuyết, ta có thể làm nỏ to bao nhiêu cũng được, bắn xa bao nhiêu cũng được. Việc bắn bao nhiêu tên tất nhiên cũng ở mức dăm bảy chục mũi cùng lúc chứ không phải vô hạn. 

Triều đại An Dương Vương, xét về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể sở hữu một cái nỏ siêu to với nguyên lý bắn các mũi tên Cổ Loa qua ống tên, bắn loạt tên xa hơn 900m mà sử sách truyền “chỉ núi thì núi tan, chỉ ngàn thì ngàn cháy”. Đúng như sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.  

Thêm nữa, KS Thanh cũng mô phỏng được nguyên lý lẫy nỏ dùng vuốt rùa. Khi bắn nỏ thì tra vuốt rùa vào và bắn xong thì tháo ra đeo vào người (như một dạng chìa khóa mà chỉ có vua mới có quyền vận hành Nỏ thần). Nó hệt như trong truyền thuyết. 

Như vậy, với thông điệp kỹ thuật truyền lại từ ngàn xưa, chúng ta có bằng chứng rõ ràng là Nỏ thần An Dương Vương hoàn toàn có thật. Từ trước tới nay có nhiều ý kiến ở nước ngoài, ở trong nước phủ nhận thời An Dương Vương có Nỏ thần. Họ coi đó chỉ là một truyện thần thoại.  

* Kỳ tới: Nguyên lý nỏ Liên Châu của An Dương Vương

Quốc Phong 

Chiến thắng Bạch Đằng: Đóng cọc hay đặt cọc trên sông nhử địch

Chiến thắng Bạch Đằng: Đóng cọc hay đặt cọc trên sông nhử địch

Theo kỹ sư Vũ Đình Thanh, hiện chưa có tài liệu hoặc công trình khoa học quân sự nào của chúng ta mô tả cách quân lính nhà Trần đóng cọc trên sông ra sao.

Từ khóa » Sự Tích An Dương Vương