Nợ Tình Chưa Trả Cho Ai!? - Công An Nhân Dân

  • Nợ tình, nợ nghĩa, nợ tang bồng
  • Nợ tình chưa trả cho ai

Yêu nhau muốn vượt qua mọi trở ngại để thành "nợ" của nhau: "Lên núi trồng tỏi/ Xuống đất sỏi trồng hành/ Vái trời cho tỏi tốt, hành xanh/ Chàng mua, thiếp bán kết thành nợ duyên". Là những loại cây khó tính, tỏi không bao giờ sống được trên núi, hành không thể mọc trên đất sỏi. Thế mà có tình yêu thì mọi cái nghịch lý thành hữu lý, "củ ấu cũng tròn" để "kết thành nợ duyên"...

Thế nào là "nợ", thế nào là "duyên"? Triết học chưa cắt nghĩa rõ điều này nhưng đại để "nợ" thì có nét nghĩa vay cái gì đó phải trả, chưa trả được thì khổ sở lắm, "nặng như đá đeo". Ở đời ai chả mang nợ, không ít thì nhiều, không lúc này thì lúc khác, có khi vô tình mà nợ. Nhưng nợ tiền thì dễ trả, khó hơn vạn lần là nợ tình, có khi mấy đời người chưa trả xong...

image001.jpg -0
Tranh minh họa “Duyên nợ tái sinh”!

Cổ tích Việt kể ngày xưa có chuyện ở huyện Thanh Trì có một anh học trò nghèo mồ côi cha. Người mẹ làm nghề chống đò ngang nuôi con ăn học. Người con có hiếu nên nhiều khi nghỉ học làm việc giúp mẹ. Hai mẹ con tá túc trong một túp lều sơ sài bên sông. Trời thương cho anh chàng đẹp trai ấy có giọng hát rất hay khiến bao cô nàng xao xuyến... Bên kia sông, nhà Phú ông họ Trần có một con gái chưa chồng đem lòng yêu mến chàng.

Những buổi chiều hè, nghe tiếng hát văng vẳng, dùng dằng thao thiết nàng không thể cầm lòng được. Đánh bạo nàng nhờ một đứa ở thân tín mang một cái trâm và một chiếc quạt đến tặng... Nàng còn dặn chàng cứ nhờ người đến dạm hỏi, con gái đã ưng, cha mẹ thương con nỡ nào không chấp thuận... Anh chàng thưa chuyện ấy với mẹ tìm cách lo liệu. Bà mẹ an ủi: "Con đừng có chơi trèo, mang lấy tiếng cười vô ích!".

Nhưng người con rất tin tưởng, người mẹ liều nhờ người mai mối. Phú ông nghe chuyện bật cười mà khéo léo từ chối. Nhưng người mối không chịu lùi, Phú ông tức giận đưa ra lời thách: "Muốn lấy con gái ta hãy mang ba trăm lạng vàng đến làm sính lễ!". Hiểu chuyện anh chàng rất buồn. Ngày sau, anh thưa với mẹ quyết lên đường lập nghiệp để kiếm tiền cưới vợ... Người mẹ chỉ còn biết khóc...!!!

Cả hai đều đau khổ. Nhưng chàng trai còn được đi đây đi đó còn cô chỉ biết ôm mối sầu trong nỗi cô đơn đắng cay. Nghe tin người yêu đi biệt tích, nàng như chết nửa con người. Nỗi nhớ, nỗi đau, nỗi thất vọng dồn tụ lại, tích thành bi kịch căn bệnh vô phương cứu chữa dù Phú ông cố tìm thầy chạy thuốc... "Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương".

Phú ông đau đớn thương tiếc sai người hỏa táng theo như lời trối của con. Khi gạt đống tro người bạc mệnh, người ta tìm thấy một khối bằng cái đấu, có chỗ đỏ như son, có chỗ trong suốt như thủy tinh. Phú ông đưa về thuê thợ tiện thành bộ chén trà dùng làm đồ thờ con gái. Thật kỳ lạ, mỗi lần pha nước vào chén người ta lại thấy bóng một người chống đò ngang. Biết con gái chết vì bệnh tương tư, người cha vô cùng hối hận...

Chàng trai chèo đò lưu lạc lên tận chốn Cao Bằng may mắn làm môn khách cho một ông quan trấn biên ải của triều đình. Là người thông minh có nhiều tài nên dần dần lấy được lòng tin cậy của chủ tướng. Ba năm tích góp đủ được 300 lạng vàng. Anh xin phép trở về...

Trời không thương chàng nữa. Sang nhà Phú ông, nước mắt đầm đìa cả tay áo gấm chàng xin được thắp nén hương... Phú ông hai tay nâng chén trà cho anh xem. Giọt nước mắt nỗi đau của người tình nơi dương thế rơi vào chén, tự nhiên cái chén tan ra thành huyết đầm đìa. Người đời ghi lại câu chuyện đau xót ấy bằng câu ca dao (cũng là tên câu chuyện): "Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan".

Giống với truyện "Trương Chi", rất có thể là "phái sinh" của truyện này nhưng vẫn có những chi tiết khác nhau. Mỵ Nương chỉ yêu tiếng hát Trương Chi chứ không yêu Trương Chi vì chàng quá xấu, còn cô gái này yêu chàng trai thật sự. Nàng chết vì tình yêu. Trương Chi trẫm mình xuống sông vì không được yêu Mỵ Nương, vì nếu sống chàng còn bất hạnh hơn... Như "đổi ngôi" nhân vật cho nhau, hai câu chuyện cùng vẽ nên một bi kịch tình yêu bằng nước mắt: "Nợ tình chưa trả cho ai...".

Trời ơi, có vay tình đâu mà nợ tình? Thì ra với tình yêu đâu cứ phải mua bán vay vỏ mới là mắc "nợ" nhau! "Duyên nợ" là vậy chăng?

image003.jpg -0
Anh còn nợ em/ công viên ghế đá...!!!

Hình như đây cũng là một "mẫu số chung" mà hầu như mọi dân tộc đều có những câu chuyện chung môtip ấy. Cổ tích "Anh chàng mê công chúa" của người Champa kể: Gia đình nọ ở gần cung vua. Anh con trai thường ngày trông thấy những nàng công chúa đi dạo trong vườn ngự rồi mê mệt yêu nàng công chúa ba trẻ đẹp nhất. Kiếm cớ gần gũi, chàng xin cha mẹ mua cho một con trâu trắng rồi cưỡi vào vườn. Thấy con trâu lạ công chúa rất thích, nàng làm quen rồi tặng chàng một cái nhẫn. Biết không thể lấy được công chúa, chàng trai ốm tương tư.

Biết không thể sống, chàng dặn mẹ cha: "Chỉ vì con mê công chúa nên mới thế này. Khi con chết cha mẹ móc buồng gan phơi khô rồi bỏ vào trong một cái hộp cất đi". Thời gian sau, nhà vua bỗng bị bệnh đau mắt rất nặng không thuốc gì chữa khỏi. Thầy bói xem quẻ phán rằng vua chỉ khỏi bệnh nếu có gan người phơi khô ngâm nước, lấy nước ấy rửa mắt. Bà mẹ chàng trai liền mang hộp đến dâng vua. Quả nhiên vua đỡ nhiều.

Nhưng mỗi lần rửa mắt vua đều trông thấy trong chậu có bóng dáng một chàng trai rất xinh ở ngón tay có đeo chiếc nhẫn. Thấy lạ, vua gọi các con gái đến xem. Nàng công chúa ba nhận ra ngay anh chàng cưỡi trâu trắng. Chàng giơ tay cho công chúa bắt, rồi kéo nàng vào chậu. Cả hai cùng biến mất. Cả triều đình kinh hoàng.

Thầy bói bèn kể lại câu chuyện và phán rằng rồi đây chàng trai sẽ đầu thai làm con vua, còn công chúa sẽ đầu thai làm con mẹ chàng trai kia. Quả vậy, thời gian sau hoàng hậu đẻ ra một hoàng tử ở tay có đeo chiếc nhẫn. Người đàn bà kia thì đẻ ra một cô gái chẳng khác gì công chúa ba. Lớn lên họ lấy nhau rồi cùng trị vì đất nước...

Câu chuyện như một lời nhắn với những đôi lứa đã nên duyên và cả chưa hợp duyên: "duyên nợ" đời này chưa "trả" thì đời sau, kiếp sau sẽ "trả"! Thế nên cứ yên tâm. Cứ chân thành yêu, hết mình yêu. Tử tế và hết mình thì bao giờ cũng có "duyên phận". Nếu không hợp, hãy tôn trọng nhau, biết yêu thương mình, đừng bao giờ làm điều dại. Kiếp sau sẽ thành đôi!

Truyện cổ tích Việt có tên "Duyên nợ tái sinh" minh họa cho câu thơ cũng là lời nguyền, lời thề, lời hẹn của nhân vật chính - thầy đồ: "Kiếp này duyên đã lỡ duyên/ Quyết xin giữ trọn lời nguyền kiếp sau". Con gái ông phú hộ vì yêu mà không lấy được thầy đồ nọ nên quyên sinh. Thầy đồ nén nỗi đau quyết chí học hành đỗ Trạng nguyên rồi lấy vợ chính là người yêu cũ được đầu thai theo lời hẹn từ kiếp trước. Tương tự "Truyện tiền kiếp luân hồi" kể anh học trò và cô gái yêu nhau. Bị ép gả cô gái tự tử và đầu thai. Sau này anh học trò đỗ làm quan, hai người lấy nhau hạnh phúc.

Thế là môtip "đầu thai" trong cổ tích không chỉ một ý nghĩa nhân sinh biểu hiện lẽ khát khao vươn tới cái tốt đẹp vĩnh hằng của con người mà còn là lẽ công bằng trong tình yêu: nếu đã yêu thì sẽ được yêu, không kiếp này thì kiếp khác. Một phẩm chất của tình yêu là chờ đợi, kiên nhẫn và hy vọng. Được vậy tình yêu sẽ còn hoàn hảo hơn, hạnh phúc, viên mãn hơn! Đó còn là một triết lý về tình yêu: là thứ quý giá nhất nên tình yêu luôn bất tử. Tình yêu tái sinh, không chết!

Phải chăng vì thế mà rất nhiều chàng trai cô gái thời hiện đại yêu thích bài hát "Anh còn nợ em" (thơ Phạm Thành Tài, phổ nhạc Anh Bằng): "Anh còn nợ em/ Công viên ghế đá/ Công viên ghế đá/ Lá đổ chiều êm/ Anh còn nợ em/ Dòng xưa bến cũ/ Dòng xưa bến cũ/ Con sông êm đềm/ Anh còn nợ em/ Chim về núi nhạn/ Trời mờ mưa đêm/ Trời mờ mưa đêm/ Anh còn nợ em/ Nụ hôn vội vàng/ Nụ hôn vội vàng/ Nắng chói qua sông/ Anh còn nợ em...".

Lời hát giản dị, hình tượng gần gũi quen thuộc nhưng sao đi vào lòng người? Vì nó da diết, chân thành. Cơ bản hơn nó đi đúng vào cái mạch "duyên nợ" của văn hóa Việt. Bài thơ chỉ có cái tên ấy mới đích đáng. Chỉ có giai điệu "Anh còn nợ em" ấy lặp lại mới không mòn cũ. Bởi đó là linh hồn. Thơ cần có tứ. Nhạc cũng vậy. Không tựa vào cái tứ này bài hát sẽ chết bởi không có... linh hồn!

Từ khóa » Kể Chuyện Duyên Nợ