Nobel y học "gọi tên" tác giả nghiên cứu điều trị ung thư
Ung thư giết chết hàng triệu người mỗi năm và đây là một trong những thách lớn nhất của nhân loại. Bằng cách thúc đẩy khả năng vốn có của hệ miễn dịch tấn công tế bào khối u, các chủ nhân của giải thưởng Nobel Y học năm nay đã thiết lập một cơ chế hoàn toàn mới trong liệu pháp điều trị ung thư.
James P. Allison và Tasuku Honjo tìm ra cách "khóa" CLTA-4 và PD-1, các protein ngăn cản hệ miễn dịch tiêu diệt khối u ung thư. Nhờ đó, kích hoạt tế bào T của hệ miễn dịch tiêu diệt khối u ung thư.
James P. Allison nghiên cứu một loại protein được biết tới có chức năng như một “chiếc phanh” kìm hãm hệ miễn dịch. Ông nhận ra tiềm năng để giải phóng chiếc phanh này giúp tế bào miễn dịch tấn công khối u. Sau đó ông đã phát triển khái niệm này thành một cách thức hoàn toàn mới để điều trị cho người bệnh.
Song song với đó, Tasuku Honjo phát hiện ra một loại protein ở trên các tế bào miễn dịch, sau khi cẩn thận khám phá tất cả các chức năng của loại protein này, cuối cùng ông đã phát hiện ra rằng nó cũng hoạt động như một cái phanh, nhưng với một cơ chế hoạt động khác. Các lý thuyết dựa trên phát hiện của ông đã cực kỳ hiệu quả trong cuộc chiến chống lại ung thư.
Tasuku Honjo và James P. Allison, những chủ nhân của giải Nobel Y học 2018
Allison và Honjo chỉ ra các chiến lược khác nhau để “khóa” những chiếc phanh này giúp cho hệ miễn dịch được giải phóng trong trị liệu ung thư. Những phát hiện “hạt giống” của hai chủ nhân giải Nobel đã tạo ra một bước tiến trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư.
Cơ chế phòng ngự của hệ miễn dịch hoạt động thế nào trong trị liệu ung thư?
Ung thư bao gồm nhiều thể loại khác nhau, tất cả đều có đặc điểm chung là do sự phát triển tràn lan không thể kiểm soát của các tế bào bất thường có khả năng di căn tới các cơ quan và các mô khỏe mạnh. Một số liệu pháp trị liệu hiện nay áp dụng cho điều trị ung thư gồm phẫu thuật, xạ trị và một số giải pháp khác đã từng giành được giải Nobel trước đó. Trong đó bao gồm các biện pháp điều trị hormone đối với ung thư tuyến tiền liệt (Huggins, 1966), hóa trị (Elion và Hitchins, 1988), và ghép tủy xương điều trị ung thư máu (Thomas 1990). Tuy nhiên, các loại ung thư cấp tính vẫn cực kỳ khó điều trị, và các giải pháp trị liệu mới mẻ vẫn rất cần thiết.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nổi lên khái niệm kích hoạt hệ miễn dịch có thể coi là chiến lược để tấn công tế bào khối u. Mọi nỗ lực nhằm để bệnh nhân nhiễm một loại vi khuẩn kích hoạt cơ chế phòng ngự của hệ miễn dịch. Những nỗ lực này mới chỉ có hiệu quả khiêm tốn, nhưng có một liệu pháp đã được ứng dụng trong điều trị ung thư bàng quang. Khi đó, người ta nhận ra rằng cần thêm nhiều kiến thức hơn nữa trong lĩnh vực này. Nhiều nhà khoa học đã tham gia vào nghiên cứu cơ bản một cách chuyên sâu và khám phá ra các cơ chế cơ bản điều phối hệ miễn dịch của cơ thể và cũng chỉ ra cách hệ miễn dịch nhận diện tế bào ung thư. Dù đã đạt được những tiến bộ khoa học đáng kể, mọi nỗ lực nhằm phổ quát hóa các liệu pháp điều trị ung thư tỏ ra rất khó khăn.