Nồi Bánh Chưng Ngày Tết - VietNamNet

Mỗi khi Tết đến xuân về lòng mỗi người xa quê không khỏi xao xuyến bồi hồi. Bao nhiêu kỷ niệm phút chốc ùa về. Mà kỷ niệm ấn tượng nhất lại chính là những kỷ niệm gắn với tuổi thơ.

Cũng phải thôi. Vì người lớn có bao nhiêu điều phải lo lắng cho cái Tết để con cái mình không phải tủi khi nhìn con cái nhà hàng xóm. Chỉ có lũ trẻ con là đếm từng ngày chờ Tết đến với bao niềm vui: Nào là được nghỉ học, nào là bạn bè túm tụm chơi đủ các trò chơi mà không sợ bố mẹ mắng, nào là được xúng xính quần áo mới, nào là được mừng tuổi với những đồng tiền mới tinh còn thơm mùi giấy. Đặc biệt được quây quần bên nồi bánh chưng chiều 30 tết . Thắc thỏm chờ đợi để được vớt những chiếc bánh chưng nhỏ xíu mà bố mẹ đã gói cho mình.

Nơi tôi ở những năm tháng thơ ấu là một xóm nhỏ gồm 5, 7 gia đình với một khoảng sân chung. Bên bờ tường bên kia của khoảng sân là cây bưởi nhà nữ thi sỹ họ Phan mà mỗi mùa ra hoa lại tỏa hương thơm ngát sang tận sân bên này.

Cây bưởi đó đã thành nổi tiếng nhờ bài thơ “Hương thầm“. Tiếc là sau đó nó bị chặt đi để xây nhà khiến lũ trẻ sau này không được trèo tường hái bưởi trộm như lũ trẻ thời chúng tôi. Và những người yêu thơ sau này cũng không có dịp được chiêm ngưỡng nguyên mẫu cây bưởi đã một thời làm xúc động biết bao con tim.

Ngày ấy đứng ở khoảng sân đó có thể nhìn thấy những cây xoan với những chùm quả vàng khô vẫn lúc lỉu bám đầy cành, những cây đu đủ chi chít những quả xanh quả chín. Qua những mái tranh, mái ngói của những căn nhà ngoài đê, có thể nhìn thấy rõ mồn một những vạt cỏ xanh cỏ vàng của bờ đê Yên Phụ. Bây giờ khoảng sân ấy dường như bé đi và lún xuống thấp tè bởi những bức tường bê tông cao ngất và xám xịt sừng sững xung quanh.Vào những ngày giáp Tết khoảng sân chung đó ồn ào và nhộn nhịp suốt từ sớm đến tận đêm khuya. Chỗ này vo gạo chỗ kia đãi đỗ. Góc này cọ lá, góc kia chẻ lạt. Rồi chuyện trò, rồi tranh cãi, rồi trêu chọc, rồi quát tháo... đúng là vui như Tết.

Tôi là người vốn sợ ma từ hồi bé tý tẹo. Ban đêm mỗi lần xuống sân, nơi có nhà vệ sinh, tôi luôn phải nhờ người hộ tống. Vậy mà thi thoảng bắt gặp một con đom đóm lạc đàn lập lòe bay từ hướng bờ đê vào là tôi lại hét thất thanh sợ dúm dó cả người.

Những ngày giáp Tết khoảng sân đó luôn rộn rã tiếng người và sáng ánh đèn nên tôi được thỏa sức đi lại nghênh ngang mà chẳng sợ ma quỷ nào làm hại đến mình. Nhà tôi có một cái nồi bằng tôn hoa. Có tự bao giờ tôi chẳng biết. Lớn lên đã thấy có rồi. Nồi to chừng cả trăm lít. Luộc được cả 4-5 chục chiếc bánh chưng to kèm theo lít nhít gần chục chiếc bánh chưng con.

Ngày thường nó chỉ dùng để đựng gạo và được đặt khiêm tốn ở góc nhà. Nhưng vào dịp Tết nó là niềm tự hào hãnh diện của cả nhà. Vì cả xóm phải nhờ vào cái nồi ấy mới luộc được bánh.

Vào dịp này chị gái tôi có đỏng đảnh chao chát một tý với bà này; em trai tôi có lỡ hư hỗn một chút với ông kia thì cũng chẳng ai nỡ to tiếng hay mách lại với bố mẹ tôi, vì chẳng ai muốn làm mất lòng người đang sở hữu một vật vô cùng quan trọng mà mình không thể không mượn - đấy là cái nồi luộc bánh chưng.

Cả 5-7 nhà mới có một cái nồi nên cả xóm đã phải bàn bạc xem nhà nào nấu trước nhà nào nấu sau. Để ưu tiên chủ phương tiện nên nhà tôi được nấu vào đêm 29 Tết. Tức là không quá sớm như những nhà khác. Nhưng cũng không quá muộn như nhà cuối cùng lại thêm việc phải đánh chùi nồi sạch sẽ trả lại gia chủ trước giờ giao thừa.Trên tôi có chị. Dưới tôi cũng còn ba cô em gái, vả lại tôi được bố mẹ chiều nhất nhà nên những việc chuẩn bị cho chuyện gói bánh, chuyện tết nhất hầu như tôi chẳng phải làm. Nhưng đến lúc mẹ gói bánh bao giờ tôi cũng xí phần ngồi bên cạnh chỉ để xem, rồi để thỉnh thoảng được mẹ bẻ cho vào miệng một miếng đậu xanh đã đồ chín.

Trước đây nhà tôi toàn phải thuê thợ về gói bánh. Đó là người đàn ông làm nghề giò chả ở cùng phố. Vài lần thuê rồi phụ việc gói bánh, dần dần mẹ tôi tự gói và ai cũng khen mẹ tôi gói đẹp. Bánh vuông vức, thành lại cao, luộc không bị phòi gạo.

{keywords}
 

Muốn gói được bánh việc đầu tiên là đặt lá. Những tấm lá to đặt ở ngoài cùng với mầu sẫm của lá được quay ra ngoài cho đẹp mắt. Những chiếc lá nhỏ được xếp ở trong cùng. Mặt sẫm của lá lại được quay vào trong để khi bánh chín bóc bánh ra sẽ thấy màu xanh của lá in trên mặt bánh.

Sau khi đặt lá, mẹ tôi đổ lên trên một bát gạo nếp thơm phức đã được ngâm mềm vo sạch và xóc một chút muối. Dàn cho gạo có một mặt phẳng mẹ tôi bẻ nửa nắm đỗ đã đồ chín trải lên trên rồi đặt lên đó 3-4 miếng thịt dọi thái to đã ướp trước đó bằng hạt tiêu và nước mắm ngon. Rồi lại tới một lần đỗ, một lần gạo nữa là gói bánh.

Quan trọng nhất khi gói bánh là phải gói cho chắc tay để lúc luộc bánh vẫn rền mà không bị nhão. Nhìn chiếc bánh vuông vức với màu lá xanh bóng được xiết bởi 4 chiếc lạt mềm trắng nuột ai cũng tấm tắc khen.

Gói xong mấy chục chiếc bánh lớn còn lại những chiếc lá nhỏ, những miếng thịt bé mẹ tôi mới gom góp lại để gói bánh cho mấy anh em tôi. Đứa nào cũng có phần. Đứa bé được gói trước, đứa lớn gói sau. Nhưng rồi thế nào cũng có sự chành chọe, tỵ nạnh. Bánh này to bánh kia nhỏ, bánh này đẹp bánh kia xấu. Cuối cùng bao giờ mẹ tôi cũng phải phân tích, dàn hòa rồi đâu mới vào đấy.

Sau khi gói bánh là đến phần luộc bánh. Phần này là công việc của bố tôi. Đầu tiên bố tôi cho xuống đáy nồi một lớp đầu thừa đuôi thẹo của lá dong cho khỏi cháy bánh. Sau đó sẽ xếp từng cặp bánh đã được bó chặt vào nhau vào nồi, rồi đổ nước và nổi lửa.

Lúc nước sôi bố tôi cho vào trong lòng nồi bánh một cái mâm nhỏ rồi đặt lên đó một nồi nước nhỏ. Nước trong nồi to sôi làm nước trong nồi con cũng sôi theo. Nước sôi trong nồi con dùng để chế vào nồi bánh khi nước cạn và đặc biệt đó là nguồn nước nóng cho cả nhà tắm tất niên.

Năm nào vào dịp này mẹ tôi cũng mua thêm mấy nắm lá hoa mùi cho vào thùng gánh nước, rồi đổ nước sôi vào ủ lấy nước thơm cho anh em tôi tắm.

Sau này đi nhiều, khắp đông tây nam bắc - cả trái đất rộng lớn- tôi mới nghiệm ra rằng, nước nóng thơm mùi hoa mùi là thứ nước tắm thơm nhất, tinh khiết nhất mà không một loại sữa tắm dù cao cấp nào có thể sánh nổi.

Thông thường nhà tôi luộc bánh bằng củi. Nhưng có năm củi đắt quá phải luộc bằng than. Tôi thích luộc bánh bằng củi vì tiếng củi cháy nghe vui hơn và ngọn lửa cháy bập bùng làm cho mấy anh em tôi ngồi xung quanh đứa cời than, đứa đùn củi mặt đứa nào cũng đỏ hồng như đánh phấn.

Ngày tôi đi bộ đội về, lần đầu tiên có người yêu. Tôi rủ người yêu giành phần luộc bánh. Đêm đó chỉ có hai đứa ngồi ở bếp. Trong tiếng củi cháy tí tách, tôi cũng nhìn thấy má em đỏ hồng và ánh mắt em nhìn tôi đêm đó lấp lánh những ngọn lửa nhỏ. Háo hức chầu chực là vậy nhưng chỉ vài ba giờ sau khi nồi bánh sôi reo và bắt đầu dậy lên mùi thơm của gạo chín thì mấy anh em tôi mắt đều sập xuống rồi ngủ lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy đã thấy treo ở đầu giường những chiếc bánh chưng bé xíu còn nóng ấm và thơm nồng mùi lá. Rồi mỗi đứa chẳng kịp đánh răng vội cầm chiếc bánh chưng của mình ùa theo lũ bạn bè trong tiếng pháo râm ran và trong bước chân dộn dịp của dòng người từ ngoại thành vác hoa vào thành phố.Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng những kỷ niệm về nồi bánh chưng ngày Tết với mùi thơm nồng nàn còn ấm mãi trong tôi nơi xứ người tuyết lạnh. Cả kỷ niệm về em nữa, vẫn đọng mãi trong tôi với ánh mắt em đêm nao lung linh ánh lửa.

Hùng Lý

Làng nhang trăm tuổi ở TP.HCM dè dặt vào vụ Tết

Làng nhang trăm tuổi ở TP.HCM dè dặt vào vụ Tết

Đang chính vụ nhưng dọc 2 bên đường vào làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân thưa vắng những dải màu đỏ, vàng của tăm nhang. 

Từ khóa » Nồi Về Bánh Tét