Nồi Bánh Chưng Tết Tự Nấu - Nỗ Lực Gìn Giữ Ngày Càng Khó Khăn

Tại trung tâm Hà Nội, với những tòa nhà cao tầng, nhà phố san sát khó có điều kiện để đun nấu bánh chưng. Những ngày này, mặt tiền các con phố lớn hiếm thấy những nồi bánh chưng nổi lửa. Tuy nhiên, trong rất nhiều gia đình vẫn cố gắng duy trì.

Gia đình ông Tạ Quốc Thắng, trú tại khu tập thể Bách Khoa (phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một ví dụ. Từ nhiều năm nay, ông và con cháu trong gia đình vẫn giữ thói quen gói bánh chưng ngày Tết. Ông Thắng chia sẻ, trước khi gói bánh chưng, gạo nếp phải được ngâm từ hôm trước để khi luộc bánh được dẻo và rền. Lá dong cũng được ngâm và rửa sạch. Đỗ được đem đồ, sau đó nắm chặt thành từng viên bằng nắm tay. Thịt lợn được thái miếng, ướp với tiêu bắc cho thơm. “Nét đặc trưng của bánh chưng là vị thơm của gạo nếp, vị bùi của đỗ, vị béo của thịt lợn. Vì vậy khi gói cần cho lượng đủ với số lượng gạo và đồng đều với thịt lợn, đỗ xanh để bánh chưng được vừa miệng”- ông Thắng cho hay.

Nồi bánh chưng Tết tự nấu - nỗ lực gìn giữ ngày càng khó khăn ảnh 1 Ông Thắng với những chiếc bánh chưng vuông vắn sau khi gói. Ảnh: Kiến Nghĩa.
Nồi bánh chưng Tết tự nấu - nỗ lực gìn giữ ngày càng khó khăn ảnh 2

Chiếu gói bánh chưng Tết tại gia đình ông Thắng. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Cũng nằm trong nỗ lực giữ nét văn hóa cổ truyền này, ở một số khu vực tại Hà Nội, nhiều người dân cùng góp tiền và công sức hoặc đặt hàng xóm nấu thêm cho vài chiếc bánh.

Nồi bánh chưng Tết tự nấu - nỗ lực gìn giữ ngày càng khó khăn ảnh 3 Một số gia đình góp tiền, thổi bánh chung tại Gia Lâm - Hà Nội. Ảnh: Sỹ Lực.

Ở các đô thị nhỏ hơn như Thành phố Thanh Hoá, phong tục gói bánh chưng cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Theo khảo sát của phóng viên, các gia đình khu vực trung tâm thành phố ít có điều kiện gói bánh vì không có vườn rộng hay khoảng sân để đun nấu. Nhiều người dân hiện nay thường chọn mua đồ ở một số cơ sở quen, lâu năm. Các gia đình trẻ cũng chỉ mua dăm cái để thắp hương và ăn Tết; gia đình có từ ba thế hệ trở lên thì mua khoảng chục cái.

Nồi bánh chưng Tết tự nấu - nỗ lực gìn giữ ngày càng khó khăn ảnh 4 Một gia đình vẫn giữ được việc các thế hệ cùng nhau ngồi gói bánh chưng dịp cuối năm. Ảnh: Minh Hạnh.

Ở các khu vực cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 5km trở đi, các vùng giáp ranh thành phố như Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hoá..., gần như các gia đình vẫn giữ được phong tục này. Khi gói bánh chưng, từ ông bà, bố mẹ, con cái, người lau lá, người gói bánh, buộc lạt.... Trong khi làm hỏi han, kể cho nhau những câu chuyện vui sau một năm bận rộn. Thức trông nồi bánh chưng cũng thú vui và các bạn trẻ thường xung phong đảm nhiệm công việc này.

Nồi bánh chưng Tết tự nấu - nỗ lực gìn giữ ngày càng khó khăn ảnh 5 Một nồi bánh được đun trên hè phố tại TP Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hạnh.

Với các khu vực nông thôn, việc gói bánh chưng vẫn cơ bản vẫn được duy trì. Ghi nhận của phóng viên tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) những ngày qua cho thấy, từ 28, 29 Tết, nhà nhà trong làng lại nô nức chuẩn bị gói bánh chưng. Các gia đình trong làng vẫn tự tay gói bánh, nhiều nhà gói bằng gạo nếp tự trồng.

Nồi bánh chưng Tết tự nấu - nỗ lực gìn giữ ngày càng khó khăn ảnh 6 Nhiều bạn trẻ tại Hiệp Hòa - Bắc Giang vẫn có thể tự tay gói bánh. Ảnh: Nguyễn Thắng

Khi gói bánh, trẻ nhỏ thường được phân công rửa sạch lá. Công việc gói bánh thường do những người chủ trong gia đình đảm nhận. Những đứa trẻ ngồi xung quanh xem người lớn gói bánh. Người dân tại Hiệp Hòa – Bắc Giang có thói quen gói bánh chưng dài. Điểm đặc biệt tại đây là người dân thưởng sử dụng lá chít để gói bánh, thay cho lá dong.

Nồi bánh chưng Tết tự nấu - nỗ lực gìn giữ ngày càng khó khăn ảnh 7 Tại Hiệp Hòa - Bắc Giang, người dân dùng lá chít thay cho lá dong để gói bánh. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Tại huyện Thanh Chương, Nghệ An, theo ghi nhận của phóng viên, ngày 29 Tết, các gia đình bắt đầu gói bánh, nhưng “rộ” nhất là ngày 30 Tết. Gia đình ông Nguyễn Văn Đường, 83 tuổi, trú tại xóm Thạch Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương đã gói bánh trong ngày 29 Tết. Ông cho biết, để bánh chưng ngon, đẹp mắt trước hết phải biết cánh chọn lá dong. “Nên chọn lá dong không to quá cũng không nhỏ quá. Lá dong không non quá mà cũng đừng già quá. Nhìn lá bóng, xanh đậm, cuống nhỏ. Khi chọn được lá dong ưng ý, đem rửa sạch sẽ, phơi chỗ thoáng gió. Không phơi quá khô mà chỉ cần ráo nước” – ông Đường nói.

Nồi bánh chưng Tết tự nấu - nỗ lực gìn giữ ngày càng khó khăn ảnh 8 Ông Nguyễn Văn Đường là một trong những gia đình gói bánh sớm ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Ảnh: Võ Hóa

Gạo nếp để gói bánh chưng, bánh tét ngon phải là loại nếp bóng mẩy và đều nhau. Gạo nếp ngâm khoảng 10 - 12 giờ bằng nước lạnh sau đó vo qua, để ráo nước và xóc muối trắng lượng vừa phải cho thêm vị đậm đà. Nếu muốn gạo nếp được xanh, và thơm hơn, có thể dùng lá nếp xay nhỏ lấy nước cốt màu xanh để ngâm gạo nếp. Về nhân bánh, cũng như các vùng quê khác, tại đây vẫn sử dụng đậu xanh và thịt. Một số nơi lân cận, người dân còn cho hành củ vào nhân để bánh thơm, ngậy. Về cách gói, với bánh vuông, người có kinh nghiệm thì gói bằng tay, nay việc gói bằng khuôn đang trở nên phổ biến hơn. Tại khu vực như Nghệ An, người dân thường gói bánh vuông chủ yếu để thờ cúng, còn bánh dài (gọi là bánh Tét) thường được sử dụng trong các bữa ăn nhiều hơn.

Kiến Nghĩa - Sỹ Lực - Minh Hạnh - Nguyễn Thắng - Võ Hóa

Từ khóa » Hình ảnh Nồi Bánh Chưng Tết