Nồi Bánh Chưng Trong Hẻm Nhỏ - Báo Phụ Nữ

Vừa nấu bánh, bà Hai vừa làm những việc vặt trong nhà, có khi củi cháy lan cả ra rìa bếp, ai đi ngang thấy vậy cũng xuống xe soạn lại bếp củi giúp bà. Nồi bánh chưng bắt đầu đỏ lửa từ đầu giờ chiều, tới một giờ sáng mới vớt. Bếp củi của bà Hai rộn ràng nhất tầm bảy giờ tối, lúc mọi nhà đã xong cơm nước, người ta ghé chơi quanh nồi bánh chưng để hồi tưởng lại quá khứ quê nhà, thưởng thức “mùi” tết đang về, có khi lấy điện thoại chụp vội tấm hình bên bếp củi những ngày năm hết tết đến để... nuôi “Phây”.

Tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X về trước hẳn có những ký ức đẹp bên nồi bánh chưng, bánh tét. Những câu chuyện kể vội ngày cuối năm. Bao công việc nhất định phải làm nốt trong năm cũ. Nhớ những cái tết chưa có điện, cứ ngày 30, cả nhà tôi dồn quần áo lại ủi. Ủi như chưa từng được ủi. Là bởi thời đó dùng bàn ủi bằng than, mà than củi nấu bánh tét rất nhiều. Cái bàn ủi con gà đi cùng chúng tôi suốt những ngày gian khó, giúp những bộ quần áo cũ của thời tem phiếu trở nên mới mẻ hơn, thơm tho hơn. Ngày tết, dĩ nhiên quần áo phải tinh tươm. Chị Hai tôi ủi quần áo cho cả nhà luôn mất cả buổi.

Cũng giống bao gia đình ở quê tôi ngày trước, tầm Hai lăm, Hai sáu tết, bà Hai sửa soạn dây gói, lá chuối. Trước đó, bà mua nếp thơm. Cận ngày nấu, bà làm nhân đậu xanh, thịt heo. Chỉ khác là, nồi bánh chưng to đùng này bà mang chia cho những người nghèo trong hẻm.

Trước khi cho, bà ra chợ mua giấy trang trí dán lên bánh chưng “cho ra không khí tết”. Bà giải thích: “Biếu người ta thì phải trân trọng từng chi tiết. Của biếu càng phải ngon”. Bà có thói quen trưa 29 tết mới bắt đầu nhen lò nấu bánh, để ngày 30 góp lễ vật nóng dẻo đón ông bà.

Tôi về sống ở con hẻm này cùng thời bà Hai, cũng gần 20 năm nay, chưa thấy ai luộc bánh chưng, bánh tét, chỉ duy nhất bà Hai bền bỉ giữ phong tục này. Có tiền, người ta đi mua sẽ tiện hơn, hoặc không ai đủ kiên nhẫn nấu nồi bánh kéo dài nhiều giờ.

Bọn trẻ lớn lên trong con hẻm tự nhận bánh chưng bà Hai là một phần ký ức tết. Những đứa như Lĩnh, Quân, Mai, Thắm, Hồng... nay đã ngoài 20 tuổi, chưa từng được thấy ba mẹ gói bánh chưng, khi cần hồi tưởng, đã có bà Hai giúp “một vé đi tuổi thơ” ngon lành.

Sau lứa của Lĩnh, Quân, Mai, Thắm, Hồng... đám trẻ khác lại lớn lên cùng bao nồi bánh chưng của bà Hai. Những cái tết trẻ con với nồi bánh chưng, hẳn là ký ức tươi đẹp. Giờ, bà Hai đã già, không đủ sức gói bánh nữa. Thằng Lĩnh nói, năm nay sẽ nhờ mẹ mua một cái bánh thật ngon, rồi ra chợ chọn giấy trang trí dán lên bánh chưng, giống cách bà Hai từng biếu người khác để tặng bà, chắc bà vui lắm.

Đối với bọn trẻ xóm tôi, từ sau mùa xuân này, nồi bánh chưng bà Hai chỉ còn là ký ức quý báu và ngọt ngào. Bà Hai mà gói bánh là... bày binh bố trận rất hoành tráng. Cái phòng khách khá rộng, những giây gói, lá gói, nếp, nhân được sắp xếp hợp lý, tiện tay. Đám trẻ bu quanh. Đứa đưa dây cho bà gói, đứa thì đợi sản phẩm hoàn thành liền để sang một bên. Rồi tới khi bếp củi được nhóm lên, thì Lĩnh, Quân, Mai, Thắm, Hồng cũng chờ chực tự bao giờ, mặt đứa nào đứa nấy đỏ bừng hứng thú.

Song Nguyên

Từ khóa » Nồi Bánh Chưng Tết