Nơi Bắt đầu Con đường Tu Học Của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Tọa lạc trên ngọn đồi ở phường Thủy Xuân, TP Huế, chùa Từ Hiếu có địa thế đẹp với rừng thông bao phủ phía trước, một dòng suối nhỏ chảy qua và tiếng chim hót ríu rít trên những tán cây xanh. Ngôi chùa này còn được biết đến với hệ thống lăng tẩm rêu phong của các thái giám triều Nguyễn.

Khung cảnh chùa Từ Hiếu nhìn từ trên cao. Ảnh: Võ Thạnh

Khung cảnh chùa Từ Hiếu nhìn từ trên cao. Ảnh: Võ Thạnh

Theo các tài liệu, nguyên sơ của chùa Từ Hiếu là một thảo am làm bằng tre, lợp tranh do hòa thượng Nhất Định lập nên vào năm 1843.

Dưới thời vua Minh Mạng, hòa thượng Nhất Định được nhà vua thỉnh làm trụ trì chùa Linh Hựu, sau đó làm tăng cang (quản lý) chùa Giác Hoàng. Với tích cách thích vân du không muốn làm quản đốc các chùa quốc tự, sư Nhất Định xin từ chức tăng cang, rồi lên đồi Dương Xuân Thượng dựng thảo am bằng tranh để ở và nuôi mẹ già, gọi là An Dưỡng Am.

Năm 1848, một số thái giám trong Hoàng cung triều Nguyễn tâu xin triều đình hỗ trợ xây chùa Từ Hiếu để mong khi chết đi có nơi thờ tự, hương khói. Khi đó, từ một am bằng tre, lợp tranh chùa được xây cất ba gian hai chái, cột kèo chạm trổ, phía sau xây Thống Hội Đường, phía trước xây Lạc Thiện Đường, phía phải xây Ái Nhật Đường và lầu bia. Tên chùa là Từ Hiếu vì các đệ tử sư Nhất Định thấy rằng nhà sư rất có hiếu với cha mẹ, dù đã xuất gia.

Gần 80 năm trước, lúc 16 tuổi, thiền sư Thích Nhất Hạnh đến tu học ở chùa Từ Hiếu, xuất gia với người thầy là thiền sư Thanh Quý Chân Thật thuộc dòng thiền Lâm Tế chánh tông và phái Liễu Quán.

Lúc mới vào chùa, thiền sư được gọi là Điệu Sung. Ba năm sau, ông chính thức thọ giới sa di. Sau khi thọ năm giới, ông nhận pháp danh Trừng Quang, nghĩa là ánh sáng tịch tĩnh; pháp tự là Phùng Xuân, nghĩa là "đi gặp mùa xuân".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu đón Tết ở Tổ đình Từ Hiếu sau hơn 70 năm. Ảnh: Võ  Thạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu đón Tết ở Tổ đình Từ Hiếu sau hơn 70 năm. Ảnh: Võ Thạnh

Cuộc sống của nhà sư Phùng Xuân trong chùa rất đơn sơ, không có điện, không có nước máy. Hằng ngày, sư đốn củi, gánh nước giếng, quét sân chùa, làm vườn, chăn bò, đến mùa thì gặt, đập và xay lúa. Ông tiếp nhận sự dạy dỗ và rèn luyện theo cách thức của các chùa truyền thống, đó là phải hoàn toàn chú tâm vào công việc, dù là việc rửa bát, đóng cửa, thỉnh chuông đại hồng, hay thắp hương.

Đây là khoảng thời gian thiền sư sống trong bình an và ấm áp tình huynh đệ. Ngài được thầy Thanh Quý Chân Thật thương yêu và được làm thị giả. Mỗi sáng, sư chú Phùng Xuân dậy từ rất sớm, đốt lửa nấu nước pha trà dâng lên thầy.

Sống trong thời điểm Nhật chiếm đóng, bước chân ra khỏi cổng chùa, thiền sư Thích Nhất Hạnh có thể thấy xác người chết đói trên đường và cảnh những chiếc xe tải chở xác đem đi. Ông và các huynh đệ đồng tu rất nóng lòng muốn hành động để thay đổi tình trạng.

Năm 1947, không lâu sau khi được thọ mười giới sa di, thầy Thanh Quý Chân Thật gửi thiền sư Thích Nhất Hạnh đến Phật học đường Báo Quốc tại Huế để theo học chương trình Phật học truyền thống. Tại đây, ông và các huynh đệ học tăng đã thành lập tờ nội san có tên là Hoa Sen. Sau một vài số, nhận thấy nội dung của tờ báo mang tính lý thuyết, thiền sư đã lập một tờ báo khác lấy tên là Tiếng Sóng. Nhưng tờ báo này đã bị đình bản vì những tư tưởng quá cấp tiến mà nó truyền tải.

Cuối mùa xuân năm 1949, sau hai năm tu học ở Phật học đường Báo Quốc, thiền sư cùng hai người bạn quyết định rời Huế vào Sài gòn tiếp tục con đường tu học. Trên đường đi, những người xuất gia trẻ này khẳng định hạnh nguyện trở thành vị bồ tát của hành động bằng cách chọn cho mình tên mới. Cả ba người đều đồng tình lấy tên có chữ "Hạnh", nghĩa là hành động. Thiền sư lấy tên là Nhất Hạnh (hành động duy nhất). Cũng từ ngày đó, ông được biết đến dưới pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong ngày mồng một Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Võ Thạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong ngày mồng một Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Võ Thạnh

Sau hơn 40 năm hoạt động, sinh sống ở nước ngoài, năm 2005, thiền sư Thích Thích Nhất Hạnh lần đầu quay trở về thăm chùa Từ Hiếu. Hai năm sau, với sự đồng ý của Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, thiền sư cùng phái đoàn Phật giáo quốc tế thuộc tăng thân Làng Mai đã tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Việt Nam, gọi là Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc.

Năm 2014, sau cơn tai biến nặng, thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Làng Mai ở Pháp chuyển đến sinh sống tại Làng Mai ở Thái Lan để gần quê hương. Ngày 28/10/2018, ông từ Thái Lan về chùa Từ Hiếu an dưỡng và viết tâm thư bày tỏ mong muốn được sống nơi đất Tổ cho đến ngày viên tịch.

Trong thư, thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ mặc dù sống nơi đất khách quê người, nhưng mỗi mùa thu về, ngài vẫn hướng về chư vị tổ sư và đem tâm thành đảnh lễ quý ngài. Thiền sư cho biết, trên 70 năm qua, kể từ rời khỏi Phật học đường Bảo Quốc, ngài đã chuyên tâm và một lòng thực hiện sứ mệnh mà chư tổ đã tin tưởng và phó thác. Ông vui mừng khi mình và chư huynh đệ cùng con cháu Tổ đình Từ Hiếu đã làm được một phần nào công việc chư tổ giao phó.

"Dòng pháp nhũ của Tổ đình Từ Hiếu, của Phật giáo Việt Nam đã được lan tỏa khắp nơi trên thế giới. Sứ mệnh hoằng pháp độ sinh cho cả Đông Tây đã phần nào được thành tựu", tâm thư viết.

Trở về chùa Từ Hiếu, thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn thất Lắng Nghe phía bên phải chánh điện chùa làm nơi an dưỡng. Hàng ngày, trong bộ áo nâu sòng, ngồi trên xe lăng, thiền sư được thị giả đẩy quanh khuôn viên vãng cảnh.

Trong bốn năm an dưỡng tại chùa Từ Hiếu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cùng với tăng ni đón ba cái Tết truyền thống. Đặc biệt, vào mồng một Tết Kỷ Hợi năm 2019, ngài đã gặp phật tử tại thiền đường Trăng Rằm. Thiền sư cũng thỏa ước nguyện khi chứng kiến ngôi chánh điện chùa Từ Hiếu được trùng tu và tham gia lễ giỗ hòa thượng Nhất Định, người khai sơn chùa Từ Hiếu.

Người dân đến chiêm bái thiền sư Thích Nhất Hạnh bên ngoài thất Lắng Nghe. Ảnh: Võ Thạnh

Người dân đến chiêm bái thiền sư Thích Nhất Hạnh bên ngoài thất Lắng Nghe. Ảnh: Võ Thạnh

Trước lúc viên tịch lúc 0h ngày 22/1 tại thất Lắng Nghe, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã căn dặn các đệ tử của mình: "Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".

Thiền sư cũng dặn các đệ tử rằng "thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền".

Thực hiện theo ý nguyện này, chùa Từ Hiếu thông báo, lễ nhập kim quan (khâm liệm) thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn ra vào 8h ngày 23/1; lễ trà tỳ (lễ thiêu) lúc 7h ngày 29/1. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong thời gian này, nhà chùa đề nghị khách đến thăm viếng cùng thực tập "tâm niệm cúng dường", miễn phúng điếu vòng hoa, trướng liễn để toàn bộ tang lễ diễn ra trong sự im lặng, thanh tịnh và trang nghiêm.

Sau lễ trà tỳ, xá lợi thiền sư sẽ được an vị tại Tổ Đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới (không xây bảo tháp đặt lọ tro) để thực hiện theo di nguyện của ngài.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh với mối lương duyên chùa Từ Hiếu Thiền sư Thích Nhất Hạnh với mối lương duyên chùa Từ Hiếu

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở thất Lắng Nghe ngày mồng một Tết Tân Sửu. Video: Võ Thạnh

Võ Thạnh

  • Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở lại chùa Từ Hiếu
  • Những ngày thiền sư Thích Nhất Hạnh ở chùa Từ Hiếu
  • Những năm tháng 'dấn thân' của thiền sư Thích Nhất Hạnh
  • Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

Từ khóa » Sư ông Làng Mai ở đâu