Nơi Cây Thuốc Phiện được Trồng Làm... Rau Sống - Vietnamnet

HTML clipboard -Mảnh đất Quế Phong được mọi người ví von là “thủ phủ” thuốc phiện và các cơ quan chức năng đang nỗ lực chống lại cơn lốc ma tuý âm thầm len lỏi khắp các bản làng. Nhưng bên cạnh 'cuộc chiến' dai dẳng này, người dân vẫn âm thầm cất giữ hạt giống hoa anh túc với lý do như lãnh đạo huyện và xã nói: trồng để làm rau ăn sống!

Ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều hộ dân tại xã Tiền Phong, Tri Lễ và Đồng Văn (huyện Quế Phong, Nghệ An) vẫn công khai trồng cây thuốc phiện lấy lá làm rau và khi kết thúc mùa vụ thì dùng quả để lấy nhựa và nhiều mục đích khác...

Nhiều người dân tại bản Mường Him, Na Cày, Na Dến, Bản Phạp, Na Bón,…(xã Tiền Phong) cho chúng tôi biết, trên mỗi gian bếp của các gia đình người Thái, hầu hết có chứa rất nhiều hạt cây thuốc phiện.

Ban đầu bà con người Thái ở xã Tiền Phong chủ yếu là xin 1 đến 2 quả có hàng trăm hạt về trồng thử, lâu dần rồi lan truyền đi nhiều bản làng.

Có thông tin còn nói, nhiều nhà giữ những chùm quả cây thuốc phiện có thể gieo trồng được cả sào, thậm chí là cả héc ta.

Loài cây ‘chữa được bách bệnh’?

Bấy lâu, người dân ở vùng cao Nghệ An đã đồn thổi hoa anh túc là một “thần dược”. Và từ những tin đồn này, người dân càng tích cực trồng loại cây đã bị nhà nước cấm từ lâu...

Hoa quả anh túc nở ngay bên cạnh những ngôi nhà sàn của người Thái ở huyện Quế Phong

Nhiều phụ nữ Thái kể lại rằng, sau khi sinh con mất nhiều máu nên chỉ cần lấy một ít nhựa đen bằng hạt thóc bỏ vào nước rồi uống thì sẽ lấy lại được sức khoẻ ban đầu.

Rất nhiều người còn dùng thuốc phiện màu đen để chữa các bệnh khác như rắn, rết cắn, đau bụng hay chữa lành những vết đau lâu ngày.

Bà Lương Thị Hòa (70 tuổi) kể lại: “Cách đây không lâu tôi phải đi mổ dạ dày, nhưng vết mổ vẫn chưa lành hẳn, thi thoảng lại đau nhức. Quá lo sợ, tôi lấy thử một ít thuốc phiện hòa với nước rồi bôi lên vết mổ. Từ khi làm như vậy chứng bệnh của tôi hết đau”.

Không riêng gì bà Hoà, ông Quang Văn Tâm (trú tại xã Tiền Phong) bị chứng đau bụng, uống rất nhiều loại thuốc nhưng không khỏi mà bệnh ngày càng nặng hơn. Ông Tâm cũng tìm đến nhựa thuốc phiện để giảm đau. Cuối cùng, ông nghiện luôn món 'cơm đen' này lúc nào không hay.

Anh Lương Văn Đ. kể cho chúng tôi nghe: “Mỗi khi có người đau bụng là cứ lấy lá hái về ăn, không những thế mà lá cây thuốc phiện còn ăn sống rất ngon. Đôi khi đó là món ăn không thể thiếu tại một số gia đình người dân tộc trong mỗi bữa ăn khi đến mùa anh túc”.

Cũng theo anh Đ., thì rất nhiều gia đình người Thái hiện nay đang tích cực trồng cây thuốc phiện để ngâm rượu uống, bởi theo họ, sau khi uống có thể làm tiêu tan mệt mỏi, chữa bệnh đau khớp, mỏi chân,…

Những bó quả thuốc phiện được phơi khô, hàng triệu hạt giống được cất giữ trên bếp của nhiều hộ gia đình người Mông và Thái dùng để chữa bệnh.

Tại xã Tiền Phong, lúc đầu chỉ có mốt số hộ gia đình trồng cây lấy nhựa làm thuốc và lấy lá làm rau sống. Nhưng do lá của cây anh túc ngon và lạ so với nhiều loại rau khác nên nhiều hộ gia đình đã xin giống về trồng. Cứ như vậy, trong suốt mấy năm qua, tại nhiều bản ở xã Tiền Phong có phong trào cất giữ giống cây thuốc phiện.

Chính quyền nói gì?

Mang những thông tin và hình ảnh ghi lại được hỏi lãnh đạo các xã, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối: Địa phương không có hoa anh túc nhiều đến thế, có chăng, chỉ là một số hộ lén lút trồng cây thuốc phiện làm rau ăn sống!

Ông Ngân Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong: “Có một số hộ dân trồng cây thuốc phiện để làm rau sống”.

Ông Ngân Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong (huyện Quế Phong) chỉ thừa nhận: “Có một số hộ dân trồng cây để lấy ăn làm rau sống, khi chúng tôi phát hiện đã cho nhổ hết. Người dân đã lấy 1 hay 2 quả từ một số xã biên giới như Tri Lễ, Nậm Giải về để gieo trồng”.

Theo ông Xuân, xã vẫn biết người dân có trồng cây thuốc phiện xen lẫn với rau cải cúc để làm rau sống, nhưng họ ăn từ một đến vài hôm là… hết.

Còn ông Hà Sỹ Quế, Trưởng Công an xã Tiền Phong lại nói: "Tôi không ngờ là người dân còn cất giấu giống để trồng cây thuốc phiện nhiều đến thế. Có thể họ trồng lén lút trong trang trại nên không biết được. Sắp tới chúng tôi sẽ cho người đi kiểm tra”.

Ông Lương Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong: “Nó cũng giống như ma tuý cứ len lỏi khắp nơi và tồn tại như một... nét văn hoá”.

Thật ngạc nhiên khi lãnh đạo huyện Quế Phong nói rằng, người dân trồng cây anh túc như là 'một nét văn hoá' để giữ giống.

Ông Lương Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Tôi còn nhớ năm 2006, tại bản Pá Khốm, xã Tri Lễ giáp với huyện Tương Dương phát hiện một cách đồng thuốc phiện gần 2.000m2 được trồng xen kẽ với cây cải. Theo tôi thì dân trồng là chủ yếu để làm rau sống. Nó cũng giống như ma tuý, cứ len lỏi khắp nơi và tồn tại như một nét văn hoá”.

Ông Minh khẳng định, không có chuyện cạo quả để lấy nhựa.

Mảnh đất Quế Phong được mọi người ví von là “thủ phủ” thuốc phiện và các cơ quan chức năng đang nỗ lực chống lại cơn lốc ma tuý âm thầm len lỏi khắp các bản làng. Nhưng bên cạnh 'cuộc chiến' dai dẳng này, người dân vẫn âm thầm cất giữ hạt giống hoa anh túc với lý do như lãnh đạo huyện và xã nói: trồng để làm rau ăn sống!

Trong khi đó, ông Trưởng Công an xã Tiền Phong hé lộ: “Trên địa bàn xã hiện nay có 51 con nghiện, đã bắt đi cải tạo 13 đối tượng... "...

Quốc Huy - Hoàng Sang

Bài 1: Trở lại 'thung lũng' hoa anh túc Cây thuốc phiện có thực sự đã 'biến mất', hay chỉ giấu mình rồi chờ cơ hội bùng phát “rầm rộ” ở mảnh đất biên giới heo hút? Bài 2: Cảnh khó tin ở 'thung lũng nàng tiên nâu' Thật bất ngờ, loài hoa anh túc đang đua nhau khoe sắc ở một số xã dọc đường QL48, bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào người Thái, người Mông ở mảnh đất rẻo cao huyện Quế Phong.

Từ khóa » Cây Thuốc Phiện Trồng Vào Mùa Nào