Nói Chuyện Một Mình Cũng Là Kỹ Năng Cần Học | Vietcetera

Vì sao ta nói chuyện một mình?

Hành vi tự nói chuyện với bản thân đã được nghiên cứu từ những năm 1880. Theo nhà tâm lý học Lev S. Vygotsky, nói chuyện một mình là cách để trẻ em tiếp nhận và tự lý giải những gì đang diễn ra xung quanh mình, nhờ đó giúp chúng rèn luyện tư duy độc lập. 

Do quá trình hoàn thiện khả năng ngôn ngữ diễn ra chủ yếu trong giai đoạn đầu đời, đối tượng tự nói chuyện với bản thân thường là trẻ em. Thói quen này vẫn có thể tiếp tục trong suốt giai đoạn trưởng thành.

Vậy nên, việc tự nói chuyện với bản thân là hành động hoàn toàn bình thường, thuận theo cơ chế tiến hóa của con người. Quan sát những cuộc đối thoại tự thân, chúng ta có thể hiểu về chính mình và cảm nhận về thế giới xung quanh tốt hơn.

Tự đối thoại là cách ta phản chiếu thế giới xung quanh mình | Nguồn: Pexel

Dựa vào thái độ và tông điệu, hành vi tự trò chuyện thường được chia làm 3 loại:

  • Tích cực: Bạn bật ra những lời nói tự động viên chính mình. “Phải cố lên”, “Mày làm được mà”.

  • Tiêu cực: Những lời nói mang tính chỉ trích, trách móc bản thân. “Mày làm việc gì cũng hỏng”, “Chẳng được tích sự gì”.

  • Trung tính: Không nghiêng hẳn về tích cực hay tiêu cực, giọng nói này hướng đến hành động hơn là cảm xúc, như “Mình đang định làm gì mà quên mất rồi”, “Nắng quá, chắc phải bôi kem chống nắng mới ra đường được”.

Từ khóa » Nói Chuyện Với Bản Thân