Nói Chuyện Phim "Noah: Đại Hồng Thủy" :: Suy Ngẫm & Tự Vấn

Noah (Đại Hồng Thuỷ – 2014). Đạo diễn: Darren Aronofsky. Diễn viên: Russell Crowe, Jennifer Connelly, Emma Watson, Logan Lerman. Khởi chiếu từ 28/3/2014 tại Việt Nam...

1. NOAH: Đại Hồng Thủy.

Không mảy may nghi ngờ về tài năng kể chuyện bằng hình ảnh của Darren Aronofsky, chỉ với vài hình ảnh đã có thể kể được câu chuyện Adam Eva và thượng đế đã tạo ra thế giới như thế nào. Và cả sự hoành tráng của con tàu của Noah. Darren Aronosky, nếu bạn chưa biết, là đạo diễn của những bộ phim đầy ám ảnh như Requiem for a Dream, Black Swan, The Wrestler. Thế mạnh trong kỹ thuật dựng của Darren là sử dụng những hình ảnh có vẻ không liên quan đến nhau đặt cạnh nhau, với hiệu ứng fast motion, cùng với âm thanh hiệu quả, để chuyển tải một “câu chuyện”, đồng thời tạo nên cảm giác về ảo giác như cảm giác phê thuốc. Có thể thấy kỹ thuật này mạnh mẽ nhất trong Requiem for a Dream.

Darren bắt đầu sự nghiệp với các phim độc lập kinh phí thấp. Pi, rồi Requiem for a Dream, sau đó thử sức với một phim thiệt là hoành tráng: The Fountain, mà theo tui đánh giá là một thất bại, nhưng vẫn được lòng nhiều người ưa chuộng điện ảnh nghệ thuật. Sau hai phim kinh phí thấp sau The Fountain đều được đánh giá cao tại các giải thương điện ảnh và cũng gom về một mớ Oscar, gồm The Wrestler và Black Swan, Darren cũng được mời làm vài phim thương mại bom tấn như The Wolverine, Batman Year One, nhưng cuối cùng thì Darren đều nhận lời đã đời xong từ chối. Có vẻ như cái bản tính gàn dở của một đạo diễn chuyên làm phim nghệ thuật người Anh đã thúc ép Darren phải làm một phim nào đó gần với cảm xúc của anh hơn.

Anh chọn Noah. Một phim hoành tráng. Một câu chuyện quen thuộc được kể lại với khung cảnh hùng vĩ bát ngát, lấy bối cảnh quay ở Iceland ngút ngàn.

2. Cảm giác chung là xem phim như xem một bài giảng về kinh thánh bằng hình ảnh, với đủ hỉ nộ ái ố, những bài học về đạo đức, về niềm tin. Có thể nói, Noah là một phim bom tấn về đức tin và tôn giáo. Noah là một nhân vật thiêng liêng trong kinh thánh, và chính vì thế, kể lại câu chuyện về Noah, với việc mô tả nhân vật này trên màn ảnh rộng sẽ đụng chạm đến nhiều người theo đạo. Ở các nước theo đạo Hồi, việc mô tả hình ảnh của đấng linh thiêng và tiên tri là một hành vi bị cấm đoán, mà vì thế không nghi ngờ gì mà các nước hồi giáo như Indo, Mã Lai, Qatar, Pakistan … hè nhau cấm tiệt phim này. Phim cũng kích động một số câu hỏi về đạo đức rất mãnh liệt, đồ rằng đi xa khỏi kinh thánh, nên cũng nhiều hội Thiên Chúa Giáo ở Mỹ cũng phẫn nộ phản đối bộ phim này vô cùng, dù nhiều trong số đó chưa xem phim nhưng cũng hùa nhau phản đối, chuyện này thì không có gì mới lạ, nhất là ở Việt Nam thì thường xuyên xảy ra nên chuyện ở Mỹ cũng vậy thôi không có gì đặc biệt quá, nhưng nói chung nó cũng khiến cho anh diễn viên già mập Russell Crowe nổi giận bảo “đúng là lũ ngu”.

3. Darren Aronofsky từng mê mẩn cái truyện Noah này từ thời bé, nghe đồn năm 13 tuổi còn làm thơ về cái câu chuyện này xong đoạt giải của Liên Hiệp Quốc luôn. Cái hay là câu chuyện Noah xây tàu cứu thế giới thì ai cũng biết rồi, nhưng cách mà Darren kể lại câu chuyện này trong Noah khiến người xem phải tự vấn lại câu chuyện này một lần nữa, cùng với sự hồi hộp căng thẳng về mối quan hệ giữa người với người, người với đấng kiến tạo, giữa cha và con, giữa vợ và chồng… Cũng như các phim khác của Darren, chủ đề của Noah cũng nhấn mạnh về sự tự huỷ diệt. Requiem for a Dream kể về những con người bị “nghiện” huỷ hoại bản thân họ, The Fountain kể về một người đàn ông suốt ba kiếp cuộc đời mình, để cứu một người mình yêu mà sẵn sàng “huỷ diệt bản thân”, The Wrestler xoay quanh một gã đô vật hết thời đang huỷ hoại cơ thể mình từng ngày với rượu chè và những trận đánh đẫm máu, và Black Swan kể về một vũ nữ ballet huỷ hoại chính bản thân mình để hoá thân vào vai diễn thiên nga đen. Noah cũng không nằm ngoài chủ đề xuyên suốt đó, nếu không nói rằng nó được nâng lên ở một tầm rộng lớn hơn: sự tự huỷ hoại cả thế giới, cả loài người, và Noah phải đối mặt với những quyết định khó khăn trong cuộc đời mình bởi đức tin với Đấng Kiến Tạo và lương tri của một con người.

Cái khó của phim Noah là các bạn theo đạo thì phẫn nộ vì phim hông có giống kinh thánh các bạn được dạy. Các bạn không theo đạo thì cảm giác mình đang bị giảng đạo suốt hai tiếng đồng hồ. Chỉ có những bạn mê Darren thì chắc sẽ thấy thoả mãn phần nào. Nhưng Darren có lẽ chỉ hợp với các phim indie. Cả hai phim blockbuster của anh, lần trước là The Fountain, đều là những phim khiến bản thân tui hơi thất vọng (dù nhiều bạn chắc vẫn mê mệt với The Fountain). Bạn nào yêu thích Emma Watson, cô bé Hermione trong Harry Potter, thì cũng nên ngó qua xem em ấy đã trưởng thành thế nào.

4. Trong phim, tui nghĩ nhân vật thú vị nhất ngoài Noah là cậu con trai Ham. Tiếc là có một cái gì đó thiếu thiếu, không giải thích được, không đủ mạnh để nhân vật này trở thành đối trọng lớn hơn. Có thể Logan Lerman chưa đủ sức để gánh một vai lớn như thế…

Xem trailer:

1. Truyền thuyết chiếc thuyền Noah

Khi thượng đế tạo ra Adam, thả ông ta vào vườn địa đàng, sau thấy Adam cô độc lủi thủi một mình, thượng đế bèn tạo ra Eva từ một mẩu của chiếc xương sườn thứ 36 của Adam.

Khi thượng đế sinh ra Eva thì Adam và Eva suốt ngày sống bên nhau, nhân một lần Adam trót dại bị Eva rủ rê ăn trái cấm trong vườn địa đàng, vi phạm vào luật trời nên đã bị thượng đế trục xuất, đuổi ra khỏi vườn địa đàng và đầy ải họ dưới trần gian. Adam và Eva đã sinh con đẻ cái rất đông đúc, nhưng hậu duệ của những bậc thuỷ tổ này vô cùng tham lam và gây ra tội ác đầy rẫy khắp nơi. Thượng đế hết sức thấy hối hận vì đã tạo ra con người. Người quyết định sẽ tiêu diệt hết tất cả các sinh linh trên mặt đất.

Lúc bấy giờ, trong tất cả mọi người trên mặt đất chỉ có một người tên là Noah lòng dạ ngay thẳng nên thượng đế không nỡ giết hại và đã báo cho ông ta biết ý định của mình, người khuyên Noah đóng một chiếc thuyền thật lớn để chứa được tất cả gia tộc của mình cùng với tất cả mọi loài động vật, mỗi loài 7 đôi đực cái mà đưa lên thuyền (phim tối qua thì mỗi loài chỉ có 1 cặp thui). Dặn dò kỹ lưỡng rồi, thượng đế bảo: “Sau khi ngươi chuẩn bị xong tất cả, ta sẽ trút mưa xuống liên tục 40 ngày đêm để giết hết tất cả các sinh linh độc ác trên mặt đất này…"

Theo lời thượng đế, Noah đã đóng một chiếc thuyền cực lớn, dài 360 mét, rộng 23 mét, cao 13,6 mét - chia làm 3 tầng rồi đưa tất cả các loại động vật mỗi loài 7 đôi lên thuyền. Khi thuyền được đóng xong và tất cả gia tộc nhà Noah đã lên thuyền thì cơn đại hồng thuỷ cũng bắt đầu. Quả nhiên, nguồn nước ở vực sâu nứt ra, cửa sổ nhà trời cũng mở toang, một cơn mưa lớn và dữ dội kéo dài suốt 40 ngày đêm. Thượng đế đã hoàn thành việc trừng phạt loài người, mọi tội ác cùng với sự sống bị tiêu diệt - trừ Noah và gia tộc của mình – dĩ nhiên.

Sau 150 ngày thì nước bắt đầu rút, con thuyền Noah trôi dạt trong làn nước mênh mông đã mắc vào đỉnh núi Ararad (được xác định là ở khu vực phía đông Thổ Nhĩ Kì ngày nay, nơi tiếp giáp với Armenia và Iran). Lại 40 ngày sau nữa, Noah thả chim bồ câu ra, chẳng bao lâu đã thấy chim tha về một chiếc lá ô liu (loại cây mọc trên cạn), chứng tỏ nước đã rút hẳn – Và cho đến tận ngày nay, hình tượng chim bồ câu ngậm lá ô liu vẫn được dùng làm biểu tượng cho hoà bình. Và thế là Noah đã đưa tất cả các sinh vật ra khỏi thuyền, trở lại mặt đất tiếp tục sinh sống. Thượng đế đã lập một giao ước với Noah và ra lệnh: "Các ngươi hãy sinh sôi nảy nở để trám đầy mặt đất, nhưng các ngươi không được tàn ác, hễ các ngươi làm chảy máu người thì máu của các ngươi cũng sẽ chảy."...

Truyền thuyết về trận đại hồng thuỷ và con thuyền Noah không những ghi chép trong Kinh thánh, mà ngay cả trong kho sách cổ nhất được khai quật tại thủ đô Nineveh của đế quốc Assyria cổ đại cũng có ghi chép chuyện tương tự trong bản đất sét đào được.

2. Những cuộc kiếm tìm dấu vết của con thuyền Noah

Câu chuyện thần kỳ đầy màu sắc hoang đường về con thuyền Noah quả là một câu chuyện đẹp, phải không các bạn? Đáng lẽ nó chỉ nên kết thúc như thế…, nhưng … cuộc đời trớ trêu thay luôn có những chữ nhưng… như thế, để làm cháy lên việc đi tìm dấu vết thực của một huyền thoại mang đầy màu sắc hoang đường. Để rồi cái nhưng đó làm tốn không biết biết bao nhiêu suy tư trăn trở của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, tốn bao nhiêu giấy mực của các học giả.

… Vào buổi sáng một ngày đẹp trời mùa hè năm 1916, một viên phi công người Nga tên là Rudnuk khi bay qua vùng núi Ararad đã bất chợt nhìn thấy một vật màu xanh trên đỉnh núi. Vốn tính tò mò nên viên phi công này đã bay vòng trở lại để xem cho rõ đó là vật gì. Và anh ta đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy một con thuyền to bằng cả một toà nhà 3 tầng đồ sộ với những cánh cửa đã mục nát. Tin tức này lập tức được báo cáo lên cho Sa hoàng lúc đó là vua Nicolai đệ nhị. Nhưng rồi cách mạng tháng 10 Nga bùng nổ nên cuộc thám hiểm không được tiến hành, câu chuyện ấy mau chóng chìm vào quên lãng nhường chỗ cho những tính toán khắc nghiệt và căng thẳng của thời chiến.

Lần ngược một chút về quá khứ mới thấy rằng, viên phi công Nga kia không phải là người duy nhất nhìn thấy “di vật” còn lại của con thuyền Noah mà từ thế kỷ 17, một người Hà lan (không nhớ tên) đã viết cuốn sách “Tôi tìm thấy con thuyền Noah” và còn minh hoạ cả bằng hình vẽ. Năm 1800 có hai nhà leo núi người Mỹ cũng đã công bố đã nhìn thấy con thuyền Noah. Năm 1892, người đại diện của giáo chủ Jerudalem cũng nói rằng họ đã nhìn thấy con thuyền thần thánh kia. Câu chuyện về con thuyền Noah lúc đó đã bùng lên. Sự thực là thế nào đây?

Cho đến tận bây giờ, việc đi tìm con thuyền Noah cho đến nay là một giấc mơ đối với rất nhiều nhà khoa học, bởi Ararad là một ngọn núi lửa đã tắt, cao hơn 5km so với mực nước biển, đỉnh núi quanh năm có tuyết phủ nên việc đi tìm con thuyền Noah huyền thoại là điều không dễ dàng.

Lật giở hồ sơ về việc chinh phục đỉnh Ararad mới thấy rằng. Năm 1792, một nhà leo núi người Extonia đã leo lên đỉnh Ararad thành công. Năm 1850, một đội leo núi của Thổ Nhĩ kỳ cũng đã leo đến đỉnh núi này. Kỳ lạ hơn nữa là năm 1876, một nhà quý tộc người Anh đã nhặt được một mẩu gỗ ở độ cao 4500m và ông ta tuyên bố rằng đã tìm thấy “phế tích” của con thuyền Noah.

Sau thế chiến II, một phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã chụp được bức ảnh thuyền Noah. Điều khiến người ta hết sức kinh ngạc là khi phóng to kích thước ảnhvà so sánh tỷ lệ thì thấy nó sai dịch không đáng kể so với kích thước con thuyền được mô tả trong Kinh Thánh.

Năm 1949, một đội thám hiểm người Mỹ đã tìm kiếm con thuyền Noah trên đỉnh Ararad, nhưng không có kết quả vì thời tiết quá khắc nghiệt.

Tháng 7/1955 một nhà thám hiểm người Pháp tên là Navara và con trai nhỏ của mình tên là Raphaen đã chinh phục đỉnh Ararad và tìm thấy những mảnh gỗ lẫn trong lớp băng mà ông cho rằng đó là mảnh vỡ của con tuyền Noah. Những mẩu gỗ ấy về sau được gửi tới các trường Đại học và viện nghiên cứu tại Tây Ban Nha, Pháp, Ai cập. Qua phân tích đồng vị cacbon đã xác định được niên đại mảnh gỗ có thời gian gần tương đương với giai đoạn được ghi lại trong truyền thuyết về trận đại hồng thuỷ và con thuyền Noah thần thánh (?!)

Câu chuyện về sự tồn tại của con thuyền Noah lại càng trở nên cực kỳ cuốn hút khi nhà nhiếp ảnh Ron Wyatt công bố bức ảnh một mỏm núi hoá thạch giống hình chiếc thuyền Noah vào ngày 5/9/1960 trên tạp chí LIFE. Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về con thuyền Noah. Năm 1977, chính Ron Wyatt cùng một đoàn thám hiểm lên đỉnh Ararad và khẳng định nơi chụp bức ảnh đó chính là con thuyền Noah. Cũng từ sự khẳng định đó cùng với tiềm năng thu hút du khách từ con thuyền Noah huyền thoại, cho nên năm 1987 chính quyền Thổ đã xây dựng một Trung tâm Du khách để trưng bày những hiện vật mà họ tin rằng đó là phần còn lại của chiến thuyền Noah huyền thoại và Ron Wyatt trở thành vị khách danh dự của Trung tâm này.

Sau Ron Wyatt, người có thêm những bằng chứng về sự tồn tại của con thuyền Noah là nhà khảo cổ Mike Bonilla. Tháng 8/2002, Mike đã phát hiện ra ở khu vực này có rất nhiều phiến đá mà trong thời kỳ cổ xưa được dùng làm mỏ neo thuyền và ông cho rằng đó chính là mỏ neo của con thuyền Noah.

Tin tức cuối cùng chấn động nhất thuộc về học giả Mỹ - Devit khi ông phát hiện thấy một chiếc thuyền lớn trên đỉnh Musai ở phía nam đỉnh Ararad, đúng với địa điểm làng Nisai trong truyền thuyết. Chiếc thuyền được mô tả là phần đầu giống củ hành tây, dài 164m, lớn hơn một chút so với chiếc thuyền Noah thần thánh kia, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì thêm về tin tức chấn động này.

Cho đến bây giờ thì giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết. Nhiều nhà khoa học vẫn nghi ngờ về sự tồn tại của con thuyền Noah vì những bằng chứng đưa ra cho đến nay vẫn còn nhiều lỗ hổng và thực tế là việc chứng minh về sự xác thực của một câu chuyện xảy ra từ hàng ngàn năm trước đây đâu có đơn giản chỉ bằng một vài giả thiuyết là ổn thoả được ?!

Từ khóa » Thuyền Noah Phim