Nỗi đau Của Chàng Werther - Nào Có Phải Chỉ Là Nỗi đau Tình ái
Có thể bạn quan tâm
Nỗi đau của chàng Werther – tác phẩm được viết khi tuổi đời và tuổi nghề của đại văn hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe còn rất trẻ – là bản trần tình dưới dạng thư tín của chàng thanh niên bị những cuồng phong của thời cuộc và tình ái làm cho thương tổn đến tận cùng, và cái chết là lựa chọn khả dĩ duy nhất để chàng thoát ra khỏi tình trạng bế tắc đầy tuyệt vọng. Một số phận như thế không chỉ làm những tâm hồn độc giả trẻ trung khi ấy thổn thức vì thương cảm, mà còn nhận được sự đồng cảm trong từng chiều kích và khía cạnh của nỗi đau mà chàng trai ấy trải qua.
Một tâm hồn bị nỗi đau vây bủa
Werther, một chàng thanh niên trẻ thuộc tầng lớp thị dân, vừa xong sự nghiệp học hành thì cảm thấy chán cảnh thành thị nên tìm về một vùng nông thôn để lánh đời. Thiên nhiên yên bình tuyệt đẹp đã mang đến cho chàng những xúc cảm tươi mới, xoa dịu và khiến chàng tìm thấy niềm vui trong mỗi ngày trôi qua. Thế nhưng, cũng tại nơi này, chàng vô tình gặp gỡ với một tiểu thư xinh đẹp, dịu dàng, đằm thắm – nàng Lotte – và đem lòng yêu nàng say đắm. Tiếc rằng, nàng đã có hôn ước. Từ đây, mọi nỗi bất hạnh, mọi sự thương đau bắt đầu!
39e644499cfe79cf06d70daf416a7af9.js”>
Nỗi đau của chàng Werther, vì thế, thoạt nhìn là một câu chuyện tình bi đát. Nhân vật chính thoạt nhìn cũng là một kẻ tử vì tình. Đó là lí do vì sao trong lịch sử tiếp nhận tác phẩm, nó không ít lần phải nhận lấy sự chỉ trích của giới mộ đạo khi họ cho rằng tác phẩm ca ngợi việc những con người trẻ tuổi tìm đến cái chết khi tuyệt vọng trong tình ái. Nhưng nếu đấy là tất cả con người Werther, đấy là tất cả nỗi đau của chàng, thì tác phẩm đã không thể giúp Goethe tạo nên một kì tích văn học khi đây là lần đầu tiên một tác phẩm của thế kỉ 18 tạo nên danh tiếng ở khắp các nước Tây Âu, đặt nền móng vững chắc cho văn học lãng mạn ở các quốc gia trong khu vực phát triển rực rỡ.
Goethe, trong các sáng tác của mình, đã chứng tỏ sự điêu luyện trong việc thám hiểm, khám phá và trình hiện thế giới nội tâm đa chiều, phức tạp của con người trong quá trình hiện hữu. Không thể hiểu con người bằng những khuôn mẫu, bằng định kiến, bằng triết thuyết. Với Werther, người đọc phải lần theo mọi dòng thư chàng viết cho người bạn Winhelm, dấn mình vào mọi nỗi ưu tư mà chàng trải bày trên trang giấy, để hiểu được nỗi đau khôn cùng của một trái tim quá đỗi nhạy cảm, nồng nhiệt, say mê, kiêu hãnh, và cao quý!
Nỗi đau của Werther là nỗi đau của một con người trẻ tuổi sinh bất phùng thời và yêu đúng người, nhưng sai thời điểm. Chàng là một con ngựa quý bị săn đuổi đến tận cùng. Chán ngấy xã hội đang sống, chàng tìm đến thiên nhiên và bị cuốn vào mối tình say đắm có sức mạnh hồi sinh một tâm hồn tưởng chừng như chỉ còn tìm vui nơi thôn dã với những con người thuộc tầng lớp dưới. Chuyện tình rơi vào cảnh trái ngang, chàng đành nhập cuộc lại với xã hội mong quên đi hình ảnh nàng Lotte. Chàng ra làm thư ký công sở, chàng bộc lộ năng lực nổi trội, chàng muốn thay đổi sự quan liêu của chốn nha môn để rồi cuối cùng chàng bị sự hợm hĩnh, kiêu căng, khinh khi của giới quý tộc hạ nhục không chút nể vì. Chàng theo một hầu tước yêu nghệ thuật đến trang viên sống tạm thì nhận ra hầu tước ấy chẳng am hiểu gì về nghệ thuật. Chàng dự đi tòng quân nhưng bị cản. Mọi lối thoát bị chặn lại, chàng đành quay về với Lotte và ném mình vào mối tình vô vọng trong đau khổ – cũng là một tuyệt lộ không hơn!
Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã cho thấy Werther mang trong mình một trái tim quá nhiều thương tổn. Nhất là khi không giống như bao người, chàng còn mang trong mình sự nhạy cảm, lòng tự tôn và niềm kiêu hãnh của một con người luôn ý thức về bản thân. Khi chàng bị “mời” về trong buổi tiệc của giới quý tộc một cách khiếm nhã, với chàng, đó là sự hạ nhục khiến cho chàng cảm thấy mình bị xúc phạm đến cực độ. Có lẽ vì thế, mà những nhát dao của số phận luôn khoét sâu và đẩy chàng đến ngưỡng chịu đựng của chính mình. Nỗi đau của Werther, vừa là kết quả của những dồn ép từ bên ngoài, nhưng đồng thời cũng là hệ quả của những phản ứng từ thế giới nội tâm của chàng. Hai yếu tố đó tạo nên một vết thương ngày càng ngoác miệng, hành hạ tâm trí của con người trẻ tuổi ấy, và cái chết như là một lối thoát là một kết cục không thể khác được.
Con đường đạt đến tự do
Werther không phải là mẫu người bi quan yếm thế, muốn thoát ly khỏi những tầm thường và chán ngán của cuộc đời. Chàng ghét đời nhưng không muốn từ giã nhân sinh. Đọc những tâm tư chàng trao gửi cho người bạn, người đọc cảm thấy một cách rõ ràng những nồng nhiệt của chàng trong mỗi bước dấn thân. Với thiên nhiên, chàng đắm say tận hưởng. Với người cần lao và trẻ nhỏ, chàng thành thật quý yêu. Với công việc, chàng nhiệt thành cống hiến. Với nghệ thuật, chàng khát khao tìm hiểu. Và với tình yêu, chàng nồng nàn tha thiết. Nhưng đáp lại chàng là sự giả nguỵ, sự khinh khi, sự phản đối, sự đè nén, sự phũ phàng của cả xã hội và cả người chàng say mê. Và chàng quyết định tự sát như là một lựa chọn khả dĩ nhất.
Quyết định ấy của Werther, nhìn từ những con người mực thước, điềm đạm, lý trí như vị hôn phu của Lotte, là một hành động có phần xốc nổi của một tâm hồn yếu đuối. Và có lẽ những người xung quanh chàng cũng sẽ chung một kiểu phán xét thiếu thấu cảm như vậy. Nỗi đau của Werther, vì vậy, còn là nỗi đau của một con người cô đơn, lạc lõng, cho đến tận lúc chĩa súng vào đầu mình!
Song cái chết với Werther, không làm cho chàng trở nên tầm thường vì đớn hèn. Trong tác phẩm lớn nhất của mình, Goethe cũng đã từng để cho Faust tìm đến cái chết khi cảm thấy sự vô nghĩa của đời mình – dù rằng đó là một đời lắm thành tựu, nhiều vinh quang trong con mắt của người đời. Để thoát ra cảnh vô nghĩa ấy, Faust cũng đã tìm đến ly rượu độc, nhưng không phải với mộng tưởng chấm dứt cuộc đời mà là trao cho cái chết – một hiện tượng bí ẩn của loài người – một niềm hi vọng: cái chết sẽ tạo ra một cuộc đời mới! Chết, với các nhân vật của Goethe, dường như không phải là một cuộc tháo chạy, dù rằng các nhân vật luôn quyết định tìm đến nó khi không còn lựa chọn nào khác. Có lẽ, Werther cũng không phải là trường hợp dị biệt trong thế giới nhân vật của Goethe.
Nỗi đau của chàng Werther đã khắc hoạ chân dung một chàng trai trẻ bị cuộc đời và số phận vùi dập. Nhưng chàng không phải là con người dễ thoái lui. Trước nỗi buồn nơi này, chàng tìm vui trong một chốn khác. Trước cảnh bế tắc này, chàng tìm mở một cánh cửa khác. Thêm nữa, chàng lại là một con người không bao giờ chịu thoả hiệp với những biểu hiện ngược với những xác tín và tâm hồn chàng. Chàng không thể giả tạo, lại càng không thể cúi đầu. Xung đột với hoàn cảnh luôn bị đẩy đến thang độ quyết liệt bởi sự không thoả hiệp ấy của Werther. Và đặc biệt, chàng lại quá cao quý! Chàng cao quý vì quyết giữ mình tránh xa những bụi bẩn của xã hội thành thị. Chàng lại càng cao quý khi không thể vì đam mê cá nhân mà làm tổn hại đến người chàng yêu.
Tự kết liễu đời mình, là hành động phản kháng lại xã hội mà chàng không thể dung hoà, là cách chàng bảo toàn sự cao quý trong tâm hồn, và cũng là cách chàng bảo vệ Lotte khỏi những muộn phiền rắc rối bởi những yêu đương quá đỗi nồng say từ trái tim chàng. Và hơn hết là để đạt được sự tự do cao nhất như chàng từng so sánh mình như một con ngựa quý, khi bị khi bị săn đuổi đến đường cùng thì “lồng lên giận dữ, và theo bản năng, nó tự cắn vào động mạch của mình để được dễ thở hơn. Tôi cũng thường thấy như vậy, tôi muốn cắt đứt động mạch của tôi để đạt tới tự do đời đời!”
Một nỗi đau riêng, một nỗi đau chung
Đọc Goethe, người ta có thể nhận ra nhân vật luôn phản chiếu bóng dáng chân dung tinh thần của người sáng tạo ra nó. Ngay cả với Faust, nhân vật chính vốn là một con người của sự thật lịch sử được huyền thoại hoá, nhưng hoàn cảnh, tư tưởng, tâm lí vẫn phảng phất con người Goethe. Với Werther, điều này lại càng rõ ràng hơn, khi tác phẩm vốn được lấy cảm hứng không chỉ từ câu chuyện tình ngang trái của bạn ông mà còn xuất phát từ chính mối tình bất thành của ông. Điều này có thể lí giải phần nào sự xuất sắc của Goethe trong việc miêu tả tâm trạng khi yêu của Werther bởi đó là một trải nghiệm có thật.
Thế nhưng, tác phẩm không hoàn toàn là một câu chuyện tình yêu. Trong những bức thư gửi Winhelm, sự giãi bày những chán ngán cảnh đời thành thị, sự ghê ghét với tầng lớp quý tộc, sự thất vọng với những con người giả hiệu cũng chiếm lấy bao nỗi bận lòng đau đớn của chàng. Cũng từ đó, bức tranh hiện thực xã hội và tinh thần của nước Đức thời Goethe sống được vẽ ra.
Nước Đức thế kỉ 18 là một quốc gia “cùng khổ”. Bầu không khí trì trệ, ngột ngạt, u ám có thể làm sinh ra lắm chứng bệnh cho những con người có đầu óc thông minh, có tâm hồn nhạy cảm, có khí chất cao quý. Chính vì sống trong không khí ấy mà những tâm hồn trẻ tuổi dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, đến mức chỉ cần thêm một nỗi đau riêng là đủ sức đẩy họ vào chỗ không lối thoát. Hơn nữa, đây cũng là thời kì mà tầng lớp thị dân, tầng lớp tư sản ở Đức vẫn còn yếu ớt, chưa đủ sức để có thể làm một cuộc cách mạng thay đổi xã hội, giải phóng tầng lớp mình và nước Đức ra khỏi tình trạng khốn cùng ấy. Có lẽ vì vậy mà trước những bế tắc trong cuộc sống, những thanh niên tư sản chỉ biết di trú vào thế giới nội tâm và bị khuất phục bởi những xúc cảm tuy cao đẹp nhưng có phần yếu đuối. Từ góc độ kịch sử, xã hội này, có thể lí giải vì sao Nỗi đau của chàng Werther lại nhận được sự yêu thích, đồng cảm của đông đảo giới trẻ ở Đức và Tây Âu lúc bấy giờ. Họ đọc thấy nỗi đau của riêng mình trong nỗi đau của chàng, tìm thấy trong đó sự sẻ chia sâu sắc. Hay nói khác đi, nỗi đau của chàng Werther, tuy là một nỗi đau riêng nhưng cũng là một nỗi đau chung vậy.
Viết Nỗi đau của chàng Werther khi chỉ 24 tuổi, Goethe đã thể hiện được sự xuất sắc trong việc nắm bắt và thể hiện thế giới nội tâm phức tạp của một chàng thanh niên trẻ trong sự tác động của bối cảnh xã hội và tình ái. Tác phẩm trở nên tiêu biểu cho phong trào lãng mạn những thập niên cuối thế kỉ 18, có ảnh hưởng sâu rộng đến văn học Đức và văn học khu vực. Đặc biệt, với việc đi sâu vào phân tích tâm lí, những tác phẩm của ông đã mang văn học Đức ra khỏi khuôn khổ của lối viết thuần về miêu tả thiên nhiên và rao giảng đạo đức đương thời.
Có thể nói, nếu Faust làm cho Goethe thực sự vĩ đại thì Nỗi đau của chàng Werther lại tạo nên danh tiếng ban đầu cho văn nghiệp của Goethe. Sự gần gũi của đề tài, nội dung đã khiến tác phẩm được yêu thích, nhất là với thanh niên – những con người sôi nổi, nồng nhiệt và dễ bị thương tổn – không chỉ thời Goethe sống và cả các thế hệ thanh niên khác ở các nơi trên thế giới. Tính chất phổ quát của đời sống tinh thần mà Goethe chuyển tải trong tác phẩm qua một nghệ thuật kể chuyện giản dị nhưng nhuần nhị sẽ tiếp tục nối dài sự đón nhận của bạn đọc trong hành trình khám phá chân trời văn học của quốc gia Tây Âu này.
/
- 4a5qp57f” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/4a5qp57f
- RZ42n2gE” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/RZ42n2gE
Từ khóa » đọc Truyện Nỗi đau Của Chàng Werther
-
Nỗi Đau Của Chàng Werther - Thư Viện PDF
-
Đọc Thử: Nỗi đau Của Chàng Werther - Sách Nhã Nam
-
Nỗi Đau Của Chàng Werther
-
Nỗi đau Của Chàng Werther – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nỗi Đau Của Chàng Werther - BBBooks
-
Nỗi đau Của Chàng Werther Ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB
-
Tải Về Nỗi Đau Của Chàng Werther Sách Miễn Phí Pdf • Thư Viện ...
-
Nỗi Đau Của Chàng Werther (Bìa Cứng) - Tiki
-
Nỗi đau Của Chàng Werther – J.W. Goethe - Ha Nguyet Linh
-
Truyện Nỗi Đau Của Chàng Werther - FAHASA.COM
-
Nỗi đau Của Chàng Werther Ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB
-
Truyện Nỗi Đau Của Chàng Werther (Bìa Cứng) - FAHASA.COM
-
'Nỗi đau Của Chàng Werther': Ngọn Lửa Vẫn Cháy Của Chủ Nghĩa Lãng ...
-
Nỗi đau Chàng Werther - Chẳng Phải Một Chuyện Tình. - Spiderum