Nội Dung Chính Bài Nhưng Nó Phải Bằng Hai Mày | Soạn Văn 10 Tập 1

  • A. Ngắn gọn những nội dung chính
  • B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Thể loại: Truyện cười trào phúng

2. Phân tích văn bản 

a. Giới thiệu:

- Nhân vật lí trưởng: nổi tiếng xử kiện giỏi.

- Hành động: nhận tiền đút lót của Cải và Ngô

→ Tạo mâu thuẫn cho câu chuyện.

b. Khi xử kiện:

- Lí trưởng tuyên bố: Ngô thắng kiện, đánh Cải 10 roi → cách xử kiện: không cần điều tra, phân tích mà kết án ngay

- Cải phản ứng: “Cải vội xoè năm ngón tay … lẽ phải về con mà” → Lời nói đầy và động tác đầy ẩn ý, gây cười: 5 ngón tay = 5 đồng = lẽ phải

- Cử chỉ và hành động của lí trưởng: “Cũng xoè năm ngón tay … tay mặt”

→ Ý nghĩa: 10 ngón tay = 10 đồng đã nhận của ngô (gấp đôi của Cải) = gấp đôi lẽ phải. Lẽ phải đã bị che lấp

- Lời nói: “Tao biết mày phải, nhưng nó phải bằng hai mày!” → Lối chơi chữ: “phải” : chỉ cái đúng, người đúng và số tiền cần phải có → Tiếng cười bật ra: lẽ phải được đo bằng tiền.

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Tóm tắt nội dung văn bản 

Truyện kể về một viên lí trưởng nổi tiếng là xử kiện giỏi. Cải và Ngô là hai người đi kiện, ai cũng mong muốn mình thắng kiện nên đã lót tiền trước cho ông lí. Cải lót trước năm đồng và ung dung chắc rằng mình sẽ thắng kiện nhưng anh ta lại không biết rằng Ngô đã âm thầm lót mười đồng. Khi xử kiện, Cải thua, Ngô là người thắng kiện. Cải xòe 5 ngón tay lên trước mặt, thầy lí cũng xòe năm ngón tay úp lên 5 ngón tay của Cải và kèm theo đó là lời nói "nhưng nó lại phải bằng hai mày".

2. Phân tích chi tiết văn bản 

  • Đối tượng gây cười 

- Ngô và Cải 

+ Là những người nông dân bình thường, tội nghiệp, đáng thương.

+ Họ cũng là những người đáng trách, họ đã có những hành vi không tốt (đánh nhau), lại không chịu nhận khuyết điểm về mình mà đều muốn trút tội cho đối phương, thậm chí đều có hành động hối lộ nhà chức trách.

=> Nhìn chung, họ bị rơi vào tình cảnh bi hài: vừa khốn khổ (bi), lại vừa bị chê cười (hài). 

- Lý trưởng: xử kiện giỏi nhưng phán người nhiều tiền hơn thắng 

=> Thói tham nhũng, đổi trắng thay đen vì đồng tiền của người cầm quyền.

  • Tình huống gây cười:

- Mối quan hệ giữa Cải và thầy lí trước khi xử kiện là mối quan hệ đã được xếp đặt rồi (Cải đã lót tiền trước cho thầy lí năm đồng). Cải cứ nghĩ là quan sẽ cho mình được kiện nên rất ung dung. Tuy nhiên không ngờ khi xử kiện, Cải lại bị thầy lí tuyên bố đánh mười roi. Cải từ thế chủ động chuyển hoàn toàn sang bị động và không thể nói tiếp được lời nào.

- Sự độc đáo của câu chuyện chính là sự kết hợp giữa hai thứ “ngôn ngữ”:

+ Ngôn ngữ bằng lời nói là ngôn ngữ công khai, nói cho tất cả những người có mặt ở đó nghe.

+ Nhưng thứ “ngôn ngữ” bằng động tác thì chỉ có thầy lí và Cải mới hiểu được. Nếu Cải xòe ra năm ngón tay và “ngầm” ra hiệu với thầy lí đó là “lẽ phải” thì thầy lí đã đáp lời nhanh chóng bằng việc xòe năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt, ý nói “lẽ phải” kia đã được nhân đôi.

+ Sự thú vị được người đọc nhận ra khi tìm thấy sợi dây liên hệ thông suốt giữa: lẽ phải – những ngón tay và những đồng tiền.

- Lời nói của thầy lí ở cuối truyện: “Nhưng nó phải bằng hai mày” là một sự vận dụng độc đáo và sáng tạo nghệ thuật chơi ngữ gây cười. “Phải” là một từ chỉ tính chất, đem ghép nó với một từ chỉ số lượng (phải bằng hai) tưởng như vô lí. Thế nhưng khi ta liên tưởng đến năm đồng và mười đồng tiền đút lót của Ngô và Cải, ta lại thấy nó hoàn toàn hợp lí. Lời phán quyết của thầy lí “vô lí” trong xử kiện nhưng lại có lí trong mối quan hệ (tiền bạc) với các nhân vật => Chính việc “đánh lộn sòng” này đã tạo ra tiếng cười hài hước và sự thích thú trong quá trình “giải mã” tác phẩm của mỗi chúng ta.

- Nhân vật bị thất bại trong vụ kiện là nhân vật Cải. Cải bị bất ngờ nên không kịp trở tay vì thế mà bị rơi vào tình trạng thảm hại (vừa mất tiền lại vừa bị đánh). Thế nhưng câu chuyện chính là lời phê phán cả hai nhân vật. Sự tham lam của bọn quan lại sẽ càng ngày càng tráo trở hơn nếu còn có những người như Ngô và Cải. Hành vi tiêu cực của chính họ là nguyên nhân làm cho họ trở nên thảm hại. Trong sự việc này, họ là những kẻ đáng thương nhưng cũng là những người đáng giận.

3. Tổng kết 

  • Nội dung: Truyện vạch trần bản chất tham nhũng của hàng ngũ quan lại xưa.
  • Nghệ thuật: Tạo tình huống gây cười, kết cấu ngắn gọn giàu kịch tính, ngôn ngữ lời nói: lối chơi chữ, ngôn ngữ cử chỉ.
  • Ý nghĩa: Lên án thói tham nhũng của quan lại, lên án người nông dân tự đẩy mình vào tình huống bi hài.

Từ khóa » Cách Xử Kiện Của Thầy Lý Như Thế Nào