Nội Dung Chính Bài Vội Vàng - Nội Dung Bài Thơ Vội Vàng - Khoa Học

Giá trị nội dung bài Vội vàng

  • Nội dung chính bài Vội vàng
  • Phân tích nội dung bài thơ Vội vàng

KhoaHoc mời các bạn cùng theo dõi đáp án chi tiết cho câu hỏi Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài Vội vàng trong khuôn khổ Soạn bài Vội vàng Ngữ văn 11.

  • Các biện pháp tu từ trong bài Vội vàng
  • Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong Vội vàng

Bài làm 

Nội dung chính bài Vội vàng

- Bài thơ là lời giục giã thế hệ trẻ sống vội vàng, sống cuống quít để hưởng thụ hết những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Bởi tuổi trẻ của mỗi người chỉ đến một lần duy nhất và thời gian thì không đứng yên để đợi một ai cả. Nó sẽ trôi đi và người ta sẽ mất nó vĩnh viền.

- Đồng thời, bài thơ đã thế hiện lòng ham sống mãnh liệt của cái tôi Xuân Diệu rất hiện đại cùng với một quan niệm sống mới mẻ về thời gian, tuổi trẻ và hạnh phúc.

- Cái tôi trong thơ Xuân Diệu là cái tôi tiêu biểu của thời đại thơ Mới, cũng là dấu mốc cho sự thắng thế hoàn toàn của thơ Mới trên thi đàn lúc bấy giờ:

  • Đó là một quan niệm đầy táo bạo về vẻ đẹp của con người, vượt thoát và đảo lộn hoàn toàn những quan niệm nghệ thuật cũ kĩ đã tồn tại hàng nghìn năm của văn học trung đại. Đó là quan niệm lấy con người làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của thiên nhiên. Thiên nhiên sẽ chỉ đẹp khi nó gắn liền và mang vẻ đẹp của con người.
  • Đó là một ý thức ráo riết về ý thức cá nhân, về đời sống cá thể, những khao khát này là của một người, của một cái tôi, mạnh dạn bước ra để bày tỏ chứ không còn cần phải núp dưới bóng của cái ta nữa.
  • Đó là một quan niệm vô cùng mới mẻ về thời gian. Thời gian với những nhà thơ mới là thời gian tuyến tính, đã đi là không bao giờ trở lại chứ không còn là thời gian tuần hoàn, sẽ quay lại đúng thời điểm như người trung đại vẫn quan niệm nữa. Và cũng chính vì thế mà Xuân Diệu đã sống vội vàng để hưởng thụ hết những cảnh đẹp, những giá trị của cuộc sống này.
  • Đó là khao khát sống mãnh liệt và một tâm thế chủ động, sẵn sàng hưởng thụ, sẵn sàn đến với hạnh phúc của mình. Mùa xuân chính là tuổi trẻ, là hạnh phúc cá nhân của con người.

Phân tích nội dung bài thơ Vội vàng

1. Đoạn 1 (13 câu đầu): Tình yêu tha thiết đôi với cuộc sống.

Thi nhân là người nhạy cảm hơn ai hết về sự phai tàn của cái đẹp trước thời gian, họ muôn níu giữ cả những gì mong manh nhất của hương sắc cuộc đời (muôn “bắt nắng đi” cho “màu đừng nhạt”, muôn “buộc gió lại” cho “hương đừng bay”). Những ước muốn “không tưởng” ấy được bộc lộ một cách chân thành, mãnh liệt bởi nó bắt nguồn từ tình yêu tha thiết đối với cuộc sống. Khác với nhiều thi nhân lãng mạn thời ấy, Xuân Diệu không cần phải tìm cách thoát li hiện thực, nhà thơ tìm thấy cho mình cả một “thiên đường” ngay trên mặt đất này:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì,

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;...

Đấy là một cõi trần dạt dào nhựa sống giữa mùa xuân. Tâm hồn tươi trẻ của nhà thơ bắt nhịp ngay với những gì đang nảy lộc đâm chồi, đang đơm hoa kết trái. Sự ngất ngây, say đắm của hồn thơ biểu hiện trong nhịp thơ tuôn chảy ào ạt (này đây... này đây...), những hình ảnh mang sắc màu rực rỡ (ong bướm...tuần tháng mật; hoa... đồng nội xanh ri; cành tơ phơ phất), nhưng âm thanh réo rắt (yến anh... khúc tình si),... Cảm nhận được sự sống xuân thì đang ở dạng phồn thực khiến cho các giác quan bất chợt thăng hoa, thi nhân đã có một so sánh đặc biệt tình tứ: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Cái đẹp của con người đã trở thành chuẩn mực cho cái đẹp của tự nhiên đó là một phát hiện trong quan niệm mĩ học của Xuân Diệu. Nhưng ngay trong lúc ở đỉnh cao của sự đắm say giao hoà cùng vạn vật, cảm giác tiếc nuối thời gian vẫn song hành tồn tại (Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa -Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân).

2. Đoạn 2 (từ câu 14 đến câu 29): Nỗi băn khoăn, tiếc nuối về sự một đi không trở lại của tuổi xuân trước sự trôi chảy nhanh chóng của thời gian.

Cảm nhận về thời gian ở mỗi người, mỗi thời không giông nhau. Người xưa quan niệm thời gian là một vòng tuần hoàn, con người còn có kiếp luân hồi nên có thể tồn tại vĩnh hằng cùng trời đất. Thời hiện đại, ý thức về sự hiện hữu của “cái tôi, cá nhân kéo theo sự thay đổi quan niệm về thời gian”. Ở các nhà thơ mới, đặc biệt là Xuân Diệu, cảm thức về thời gian vô cùng nhạy bén. Đối với thi nhân, mỗi giây phút cuộc đời là vô cùng quý giá, một đi không trở lại, nên Xuân Diệu lúc nào cũng như chạy đua với thời gian, “giục giã” mình và mọi người “Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ!”. Nhà thơ cảm thấy thời gian đang chảy trôi vùn vụt trong mùa xuân của đất trời:

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.

Và nhận thấy con người hoàn toàn chịu sự chi phôi của dòng chảy đó:

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

Cái đẹp của thiên nhiên là mùa xuân, cái đẹp của con người là tuổi trẻ. Mùa xuân của đất trời còn có thể tuần hoàn nhưng tuổi xuân của đời người thì chẳng bao giờ “thắm lại”! Đó là một nghịch lý nhưng lại là quy luật tất yếu. Cảm nhận sâu sắc và có phần đau đớn về sự một đi không trở lại của tuổi xuân khiến thi nhân nhìn đâu cũng thây “mầm li biệt”:

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sống núi vẫn than thầm tiễn biệt...

Con gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim vội vàng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

3. Đoạn 3 (từ câu 30 đến hết): Lời giục giã cuồng nhiệt của nhà thơ.

Chính vì bất lực trước quy luật khắc nghiệt của thời gian nên nhà thơ mới vội vàng giục giã mọi người tận hưởng tất cả những gì đẹp đẽ nhất trên thế gian này (sự sống... mơn mởn; mây đưa... gió lượn\ cánh bướm... tình yêu; mùi thơm; ánh sáng,...). Tình cảm đắm say, tha thiết đến cuồng nhiệt đối với sự sống một lần nữa lại trào lên ở cuối bài thơ bằng những điệp từ (ta muốn... ta muốn) bằng những động, tính từ mạnh mẽ (riết, say, thâu, chếnh choáng, đã đầy, no nê,...) và lên đến cao trào: - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Đó là cách bộc lộ cảm xúc vô cùng mãnh liệt, độc đáo và mới mẻ chỉ có ở Xuân Diệu.

Chuyên mục Ngữ văn 11 tập 2 được KhoaHoc tổng hợp và sắp xếp theo từng bài học bám sát nội dung học SGK môn Văn lớp 11. Học sinh có thể tham khảo các bài soạn để trả lời cho các câu hỏi lẻ trong bài học, các bài văn mẫu 11 hay chọn lọc để hoàn thành yêu cầu đề bài cũng như luyện viết văn. Chúc các em học tập tốt môn Văn lớp 11 với những bài soạn văn sẵn của chúng tôi giới thiệu.

Từ khóa » Chính Của Bài Thơ Vội Vàng