Nội Dung Cơ Bản Của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

VỤ PHÁP CHẾ VÀ QUẢN LÝ KHOA HỌC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2015

GIỚI THIỆU

MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 VÀ NGHỊ QUYẾT TRIỂN KHAI THI HÀNH

Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS) và Nghị quyết về việc thi hành BLTTHS. Trong phạm vi Hội nghị phổ biến, giới thiệu nhanh các đạo luật liên quan đến tư pháp mới được Quốc hội thông qua, VKSNDTC giới thiệu một số nội dung lớn trong BLTTHS và Nghị quyết triển khai thi hành.

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BLTTHS

1. Mục tiêu, yêu cầu

Xây dựng BLTTHS (sửa đổi) thực sự khoa học, tiến bộ, có tính khả thi cao; là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN”.

2. Quan điểm chỉ đạo

Việc xây dựng BLTTHS (sửa đổi) đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau đây:

Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định, hạn chế tối đa các quy định chung chung, phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ ba, việc xây dựng dự án BLTTHS phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành BLTTHS năm 2003, tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục căn bản những vướng mắc, bất cập đặt ra qua thực tiễn.

Thứ tư, khẳng định tiếp tục duy trì và phát huy những ưu điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn; đồng thời, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

Thứ năm, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các luật mới được Quốc hội ban hành; nắm bắt các định hướng lớn trong các dự án luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp đang được soạn thảo nhằm tạo sự đồng bộ trong quá trình sửa đổi, bổ sung; nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến tố tụng hình sự mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

II. NHỮNG NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LỚN TRONG BLTTHS

BLTTHS gồm 510 điều, được bố cục thành 9 phần, 36 chương. So với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 tăng thêm 154 điều. Trong đó, bổ sung 176 điều mới, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều. Về bố cục, tách chương quyết định việc truy tố khỏi phần khởi tố, điều tra vụ án hình sự để xây dựng thành một phần độc lập (Phần thứ ba: Truy tố); ghép phần xét xử sơ thẩm và phần xét xử phúc thẩm điều chỉnh trong một phần (Phần thứ tư: xét xử vụ án hình sự). Cụ thể như sau:

- Phần thứ nhất: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 142).

- Phần thứ hai: Khởi tố, điều tra vụ án hình sự (từ Điều 143 đến Điều 235).

- Phần thứ ba: Truy tố (từ Điều 236 đến Điều 249).

- Phần thứ tư: Xét xử vụ án hình sự (từ Điều 250 đến Điều 362).

- Phần thứ năm: Một số quy định về thi hành bản án, quyết định của Tòa án (từ Điều 363 đến Điều 369).

- Phần thứ sáu: Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật (từ Điều 370 đến Điều 412).

- Phần thứ bảy: Thủ tục đặc biệt (từ Điều 413 đến Điều 490).

- Phần thứ tám: Hợp tác quốc tế (từ Điều 491 đến Điều 508).

- Phần thứ chín: Điều khoản thi hành (Điều 509 và Điều 510).

So với quy định của BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:

PHẦN THỨ NHẤT: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về những nguyên tắc cơ bản (Chương II)

* BLTTHS năm 2003: quy định hệ thống các nguyên tắc cơ bản tại Chương 2 gồm 30 nguyên tắc (từ Điều 3 đến Điều 32). Tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS hiện hành cho thấy nhiều quy định không mang tính nguyên tắc mà chỉ là trình tự, thủ tục tố tụng; thiếu một số nguyên tắc, nhất là những nguyên tắc có ý nghĩa đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

* BLTTHS năm 2015: Nhằm bảo đảm các quy định về nguyên tắc cơ bản đúng nghĩa là những tư tưởng chỉ đạo đối với việc xây dựng và thực hiện BLTTHS, tạo cơ sở cho việc hình thành những chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, từ 30 nguyên tắc hiện hành, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một số nguyên tắc mới nhằm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng thời, loại bỏ những quy định không mang tính nguyên tắc, cụ thể như sau:

Thứ nhất, điều chỉnh nội dung của 25 nguyên tắc hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế thời gian qua, đồng thời bảo đảm phù hợp với yêu cầu mới của Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai,bổ sung 05 nguyên tắc mới nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, gồm: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Điều 11); suy đoán vô tội (Điều 13); không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm (Điều 14); tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26); bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 33).

Thứ ba,đưa một số quy định không mang tính nguyên tắc mà chỉ có tính chất là thủ tục hoặc là trách nhiệm của các cơ quan để quy định trong các chương khác tương ứng của BLTTHS nhằm bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ của hệ thống các nguyên tắc cơ bản. Ví dụ: giám đốc việc xét xử; trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng…

Tóm lại, có nhiều điều chỉnh trong Chương những nguyên tắc cơ bản và đều hướng đến mục tiêu xây dựng nền tư pháp dân chủ, pháp quyền, tôn trọng con người và đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Về cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Chương III)

2.1. Về phạm vi điều chỉnh và tên chương

* BLTTHS năm 2003(chương III): chỉ quy định về cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án); người tiến hành tố tụng (Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án). Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định duy nhất tại Điều 111 nhưng thiếu các quy định về thẩm quyền của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan này nên rất khó khăn trong tổ chức thực hiện.

* BLTTHS năm 2015:để khắc phục những hạn chế của BLTTHS hiện hành, BLTTHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của chương này theo hướng không chỉ điều chỉnh đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, mà còn điều chỉnh cả cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trên cơ sở đó, điều chỉnh tên chương thành: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

2.2. Về phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán (các điều 36, 37, 41, 42, 44, 45)

* BLTTHS năm 2003: quy định khi được phân công giải quyết vụ án, cấp phó các cơ quan tố tụng chỉ có thẩm quyền tố tụng, không có thẩm quyền hành chính tư pháp. Thẩm quyền hành chính tư pháp chỉ thuộc cấp trưởng hoặc một cấp phó được ủy quyền khi cấp trưởng vắng mặt. Điều tra viên, Kiểm sát viên là những người trực tiếp giải quyết vụ án nhưng chỉ được giao rất ít các thẩm quyền tố tụng.

* BLTTHS năm 2015 quy định: (1) Trong lĩnh vực được phân công phụ trách, cấp phó không chỉ được giao thẩm quyền tiến hành tố tụng như hiện hành, mà còn được giao thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp; (2) Phân định thẩm quyền giữa Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng với người trực tiếp tiến hành tố tụng theo hướng những thẩm quyền có tính chất quyết định việc “đóng, mở” một giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân giao cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định; hầu hết những thẩm quyền có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp quyết định. Tăng cơ bản thẩm quyền cho Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa.

Trên cơ sở đó, việc tăng thẩm quyền cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được quy định cụ thể như sau:

- Tăng cho Điều tra viên các thẩm quyền: (1)Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; (2) Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; (3) Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ; quyết định dẫn giải người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; (4) Quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; (5) Quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; (6) Thi hành lệnh phong tỏa tài khoản.

- Tăng cho Kiểm sát viên các thẩm quyền:(1) Trực tiếp giải quyết và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; (2) Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; (3) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; (4) Bắt buộc có mặt khi Cơ quan điều tra tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét; (5) Yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã, đình nã bị can; (6) Quyết định áp giải người bị bắt, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, bị hại; (7) Quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội.

- Tăng cho Thẩm phán các thẩm quyền:(1) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện biện pháp cưỡng chế; (2) Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản; (3) Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; (4) Yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; (5) Quyết định việc thu thập, bổ sung chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

2.3. Mở rộng diện người tiến hành tố tụng (các điều 38, 43, 48)

Để phù hợp với Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật tổ chức TAND năm 2014 và thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua, BLTTHS năm 2015 bổ sung diện người tiến hành tố tụng gồm: Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên và quy định cụ thể nhiệm vụ của họ khi được phân công giúp việc cho Điều tra viên, kiểm sát viên, Chánh án Tòa án.

2.4. Bổ sung cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 35)

* BLTTHS năm 2003: quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển, các cơ quan khác thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.

* BLTTHS năm 2015: nhằm phản ứng kịp thời với tình hình tội phạm xảy ra trên biển, đồng thời, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo từ phương diện hoạt động tư pháp, BLTTHS năm 2015bổ sung cơ quan Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đồng thời, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng, cấp phó, Cán bộ điều tra của lực lượng Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

2.5. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 39, 40)

* BLTTHS năm 2003: khôngquy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

* BLTTHS năm 2015: nhằm khắc phục những bất cập của Bộ luật hiện hành, phân định chính xác phạm vi điều chỉnh giữa BLTTHS với Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, BLTTHS năm 2015 bổ sung hai điều luật mới nhằm quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng, cấp phó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

3. Về người tham gia tố tụng (Chương IV)

3.1. Bổ sung diện người tham gia tố tụng

* BLTTHS năm 2003:quy định những người tham gia tố tụng gồm: người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng; người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; người giám định; người phiên dịch.

* BLTTHS năm 2015: nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án hình sự thời gian qua, BLTTHS năm 2015 bổ sung 09 diện người tham gia tố tụng, gồm: (1) Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; (2) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; (3) Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; (4) Người bị bắt; (5) Người chứng kiến; (6) Người định giá tài sản; (7) Người dịch thuật; (8) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; (9) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội. Đồng thời, Bộ luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của họ khi tham gia tố tụng.

3.2. Bổ sung một số quyền của người bị buộc tội (các điều 58, 59, 60, 61)

- Nhằm bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, BLTTHS năm 2015bổ sung cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo một số quyền sau đây: (1) Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; (2) Đưa ra chứng cứ; (3) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (4) Có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; (5) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; (6) Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của Bộ luật này khi có yêu cầu; (7) Bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người tham gia tố tụng nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý; (8) Một số quyền khác.

- Cùng với việc bổ sung quyền, BLTTHS năm 2015 quy định rõ hơn nghĩa vụ của người bị buộc tội phải chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền.

3.3. Xác định đầy đủ diện của bị hại và bổ sung một số quyền của họ (Điều 62)

* BLTTHS năm 2003: quy định người bị hại chỉ là cá nhân.

* BLTTHS năm 2015:

- Quy định diện người bị hại không chỉ gồm cá nhân bị thiệt hại như hiện hành mà còn bao gồm tổ chức bị thiệt hại.

- Để bị hại bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, BLTTHS năm 2015 bổ sung cho bị hại và người đại diện theo pháp luật của họ các quyền: (1) Được cơ quan tố tụng thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của họ; (2) Đưa ra chứng cứ; (3) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (4) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá, người dịch thuật; (5) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người tham gia phiên tòavà một số quyền khác.

- Quy định rõ hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của người bị hại nhằm tăng cường trách nhiệm của họ trong việc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tố tụng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm: (1) Nghĩa vụ chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền; (2) Trường hợp cố ý vắng mặt hoặc có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.

3.4. Bổ sung một số quyền của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (các điều 63, 64, 65)

- Để bảo đảm cho những chủ thể này bảo vệ tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng, phù hợp với Luật giám định tư pháp, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền của họ như: (1) Quyền đưa ra chứng cứ; (2) Quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyềntiến hànhtố tụng kiểm tra, đánh giá;(3) Yêu cầu giám định, định giá tài sản;đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; (4) Quyền được thông báo kết quả giải quyết vụ án; (5) Quyền đề nghị chủ tọa hỏi những người tham gia phiên tòa; (6) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Và một số quyền khác.

- BLTTHS năm 2015 quy định rõ hơn nghĩa vụ của những chủ thể này phải chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền nhằm tăng cường trách nhiệm của họ trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.

3.5. Sửa đổi các quy định liên quan đến người làm chứng (Điều 66)

* BLTTHS năm 2003: quy định trong giai đoạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm chưa phát sinh tư cách người làm chứng.

* BLTTHS năm 2015:quy định thời điểm người làm chứng tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi cơ quan có thẩm quyền xác minh các nguồn tin về tội phạm. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập phải tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.

4. Về bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Chương V)

BLTTHS năm 2015 xây dựng một chương mới để điều chỉnh vấn đề này với những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu sau đây:

4.1. Mở rộng diện người được bảm đảm quyền bào chữa (Điều 58)

* BLTTHS năm 2003:chỉ 03 diện người mới có quyền bào chữa gồm (người bị tạm giữ, bị can, bị cáo).

* BLTTHS năm 2015: để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, ngoài 03 đối tượng được bảo đảm quyền bào chữa như hiện hành, BLTTHS năm 2015 bổ sung “người bị bắt” được bảo đảm quyền bào chữa.

4.2. Mở rộng diện người bào chữa (Điều 72)

* BLTTHS năm 2003: quy định có 03 diện người bào chữa gồm: luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân.

* BLTTHS năm 2015:để bảo đảm tốt hơn quyền của người bị buộc tội, phù hợp với Luật trợ giúp pháp lý, BLTTHS năm 2015 bổ sung diện người bào chữa là Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa miễn phí cho các đối tượng thuộc diện chính sách.

4.3. Đổi mới quy định về cấp đăng ký bào chữa (Điều 78)

* BLTTHS năm 2003: quy định để được tham gia bào chữa trong vụ án, người bào chữa phải được cấp giấy đăng chứng nhận người bào chữa.

* BLTTHS năm 2015:nhằm bảo đảm người bào chữa nhanh chóng tham gia tố tụng, BLTTHS năm 2015 đã thay quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa. Theo đó, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo luật định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm: kiểm tra giấy tờ do người bào chữa cung cấp, nếu thấy đủ điều kiện luật định thì vào sổ đăng ký bào chữa và gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký và cơ sở giam giữ. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng.

4.4. Bổ sung một số quyền và cơ chế bảo đảm người bào chữa thực hiện tốt các quyền luật định (Điều 73, các điều 79-82)

- Để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền của người bào chữa, gồm: (1) Quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt; Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can thay vì chỉ được hỏi khi cơ quan tiến hành tố tụng đồng ý như hiện nay; (2) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; (3) Thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (4) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; (5) Đề nghị thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

- BLTTHS năm 2015 bổ sung các cơ chế để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa như: Quy định trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia; Quy định cụ thể thủ tục gặp người bị buộc tội đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam, thủ tục giao nộp chứng cứ, thủ tục đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.

- Đồng thời với việc bổ sung quyền của người bào chữa, nhằm tăng cường trách nhiệm của người bào chữa, BLTTHS năm 2015 bổ sung nghĩa vụ của người bào chữa phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; không được tiết lộ thông tin mà mình biết được khi tham gia các hoạt động tố tụng liên quan đến vụ án hoặc liên quan đến người mà mình bào chữa cho những người không có trách nhiệm giải quyết vụ án.

4.5. Quy định cụ thể thủ tục mời, cử người bào chữa (Điều 75)

* BLTTHS năm 2003: quy định rất sơ sài về thủ tục mời, cử người bào chữa; không cho phép người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa.

* BLTTHS năm 2015: để bảo đảm quyền của người bị buộc tội, nhất là người bị buộc tội đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam, BLTTHS năm 2015quy định: (1) Bổ sung người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa; (2) Quy định cụ thể thủ tục và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị tạm giữ, tạm giam khi tiếp nhận được yêu cầu nhờ người bào từ người buộc tội phải chuyển yêu cầu này hoặc thông báo cho người bào chữa được họ nhờ biết; có trách nhiệm tạo điều kiện cho người bào chữa liên hệ với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để thỏa thuận về việc nhờ bào chữa.

4.6. Mở rộng các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa (Điều 76)

* BLTTHS năm 2003:quy định bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình.

* BLTTHS năm 2015: để thể chế hóa chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước và phù hợp với điều kiện cụ thể nước ta, BLTTHS năm 2015mở rộng trường hợp bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân, tử hình.

Đồng thời, để khắc phục bất cập của BLTTHS hiện hành, BLTTHS năm 2015quy định chặt chẽ về người có nhược điểm về thể chất theo hướng nhược điểm về thể chất đó phải làm cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không thể tự mình thực hiện được quyền bào chữa.

4.7. Về những trường hợp không được làm người bào chữa (Điều 72)

* BLTTHS năm 2003:thiếu quy định về các trường hợp không cho phép cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

* BLTTHS năm 2015: để phù hợp với Luật Luật sư và thực tiễn giải quyết vụ án thời gian qua, BLTTHS năm 2015bổ sung những đối tượng không được làm người bào chữa, gồm: (1) Nếu đã tham gia vụ án đó với tư cách là người dịch thuật; (2) Là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

4.8. Về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng (Điều 74)

* BLTTHS năm 2003: quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tugnj kể từ khi có quyết định tạm giữ.

* BLTTHS năm 2015:cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2015quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi có người bị bắt.

4.9. Về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự

* BLTTHS năm 2003: chưa quy định về người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

* BLTTHS năm 2015: nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể này, BLTTHS năm 2015 xây dựng hai điều luật (Điều 83 và Điều 84) quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này với những bổ sung quan trọng như: (1) Quy định ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố đã có quyền có người bảo vệ quyền lợi; (2) Quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;(3) Yêu cầu giám định, định giá tài sản; (4) Quyền tham gia các hoạt động tố tụng để bảo vệ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự và một số quyền khác.

5. Về chứng cứ và chứng minh (Chương VI)

5.1. Điều chỉnh khái niệm về chứng cứ (Điều 86)

* BLTTHS năm 2003: quy định chỉ cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền thu thập chứng cứ.

* BLTTHS năm 2015: để phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tranh tụng, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, BLTTHS năm 2015 điều chỉnh khái niệm về chứng cứ theo hướng không chỉ cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được quyền thu thập chứng cứ; người bị buộc tội, người bào chữa và một số người tham gia tố tụng khác cũng có quyền thu thập hoặc cung cấp chứng cứ.

5.3. Bổ sung một số nguồn chứng cứ và quy định về loại trừ chứng cứ (Điều 87)

* BLTTHS năm 2003: quy định nguồn chứng cứ gồm: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

* BLTTHS năm 2015:

- Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, tháo gỡ những vướng mắc đặt ra trong thực tiễn, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại và yêu cầu hội nhập quốc tế, BLTTHS năm 2015 bổ sung vào hệ thống nguồn chứng cứ gồm: (1) Dữ liệu điện tử; (2) Kết luận định giá tài sản; (3) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh chống tội phạm.

- Nhằm đáp ứng các yêu cầu của chứng cứ về tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về loại trừ chứng cứ, theo đó: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

5.4. Quy định cụ thể về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử và việc thu thập dữ liệu điện tử (các điều 99, 107)

Nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm sử dụng công nghệ cao, BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể về dữ liệu điện tử với tính cách là một loại nguồn chứng cứ như: khái niệm về dữ liệu điện tử; các nguồn chứa dữ liệu điện tử; yêu cầu về giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử; trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ này.

5.5. Về phương thức người bào chữa thu thập chứng cứ (Điều 88)

Để phù hợp với yêu cầu tăng cường tranh tụng, BLTTHS năm 2015 quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa và cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ, gồm: gặp thân chủ, bị hại, người làm chứng, những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và các tình tiết liên quan đến việc bào chữa.

5.6. Quy định chặt chẽ và chi tiết việc xử lý vật chứng (Điều 106)

Nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án hình sự, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung chi tiết việc xử lý vật chứng theo từng trường hợp: vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có; vật chứng là vật không có giá trị hoặc không sử dụng được; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; vật chứng là động vật hoang dã và thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quy hiếm, động vật, thực vật ngoại lai và một số trường hợp khác.

6. Về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế (Chương VII)

6.1. Về cách thức thiết kế và bố cục chương VII

* BLTTHS năm 2003:ngoài các biện pháp ngăn chặn được quy định trong cùng chương; các biện pháp cưỡng chế tố tụng khác được quy định rải rác trong nhiều chương của BLTTHS, không thống nhất và cách quy định và phải quy định lặp lại trong nhiều giai đoạn tố tụng.

* BLTTHS năm 2015: cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, BLTTHS năm 2015 sửa theo hướng thu hút toàn bộ các biện pháp có tính cưỡng chế quy định trong các chương, các phần của BLTTHS để điều chỉnh chung trong chương VII nhằm bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ khi quy định về các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân. Theo đó, bố cục thành hai mục (Mục I: Biện pháp ngăn chặn và Mục II: Biện pháp cưỡng chế). Từng biện pháp được điều chỉnh bởi năm yếu tố: căn cứ áp dụng, thẩm

Từ khóa » Giới Thiệu Về Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự