Nổi Hạch Cổ - Nguyên Nhân Do đâu? Nên Xử Lý Thế Nào?

1. Thế nào là nổi hạch cổ?

Ở cổ tồn tại số lượng lớn hạch bạch huyết (lympho) được chia làm nhiều nhóm: hạch dưới hàm, hạch mang tai, hạch dưới cằm, hạch má, hạch sau tai, hạch vùng chẩm,… Bình thường, hạch chìm và không thể sờ thấy, chỉ đến khi nó phải hoạt động mạnh để chống lại tác nhân gây hại nào đó thì mới sưng to.

hạch cổ

Hạch nổi lên ở cổ

Nổi hạch cổ là hiện tượng ở cổ bỗng nhiên xuất hiện các khối nhỏ bằng hạt đậu, hình bầu dục hoặc hình tròn, đa phần đều chứa dịch bên trong. Có hạch gây đau nhưng cũng có hạch không gây đau. Có khi chúng sưng lên không rõ nguyên nhân, không do bệnh gì rồi dần dần tự biến mất. Cũng có khi nó không có dấu hiệu biến mất khiến nhiều người lo lắng vì sự xuất hiện của “vị khách” lạ này.

Hiện tượng nổi hạch cổ thường xuất hiện ở trẻ em, người trong độ tuổi 20 - 50, tỷ lệ xảy ra ở phụ nữ cao gấp 3 lần so với nam giới. Thường thì trong các trường hợp nguyên nhân do viêm nhiễm hoặc các bệnh lý ác tính, hạch sẽ phát triển về kích thước.

2. Hạch cổ có vai trò gì, vì sao bị nổi hạch ở cổ?

2.1. Nhiệm vụ của hạch cổ

Có thể xem các hạch ở cổ như một nơi tập kết để loại bỏ chất độc hại lưu thông trong máu vùng đầu mặt. Nếu khu vực này có quá nhiều mầm bệnh thì nó sẽ là tác nhân khiến hạch nổi lên. Điều đáng nói là sẽ đến lúc các tế bào ung thư tràn ngập trong hạch nên việc nổi hạch ở cổ lúc này trở thành dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm cần được chú ý.

2.2. Nhận dạng mức độ nguy hiểm của hạch cổ

Bạn có thể chủ động nhận diện mức độ nguy hiểm của hạch cổ bằng cách quan sát các biểu hiện của chúng:

- Nếu sưng vì nhiễm khuẩn: hạch thường mềm, đau, có khả năng di động.

- Nếu hạch nổi do ung thư: thường cứng, ít hoặc không đau, cố định một chỗ.

2.3. Lý do bị nổi hạch cổ là gì?

- Viêm nhiễm ở vùng đầu cổ

Các bệnh lý viêm nhiễm vùng đầu cổ như: sâu răng, viêm họng, viêm xoang, viêm tuyến nước bọt, viêm amidan, viêm lợi, viêm da đầu, nhiệt miệng,... thường khiến hạch cổ nổi lên và sưng đau. Đây là loại hạch có kích thước nhỏ, khi viêm nhiễm chấm dứt thì hạch cũng sẽ biến mất. Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ nổi hạch cổ do các nguyên nhân này vì hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển, nếu không rõ nguyên nhân thì cha mẹ sẽ khó tránh khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng.

hạch cổ

Viêm họng ở trẻ nhỏ có thể là nguyên nhân nổi hạch cổ

- Bệnh lành tính vùng cổ

Một số bệnh lành tính như chồi xương, u mỡ, u bã, u nang giáp móng,... có thể khiến hạch nổi lên ở cổ. Chúng chính là u hoặc nang lành tính không gây ra nguy hại gì cho cơ thể. Tuy nhiên, việc nhận diện chúng có nguy hại hay không thì cần có sự thăm khám và chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa.

- Bệnh lao

Nhiều người khi nghe đến bệnh lao thường nghĩ ngay đến lao phổi mà không biết rằng lao hạch cũng tương đối phổ biến. Cổ là một trong những vị trí thường bị nổi hạch đối với bệnh lý này. Hạch lao thường dính với nhau thành chùm hoặc chuỗi, không gây đau, khi sờ vào dễ cảm giác được bề mặt hạch nhẵn.

Lao hạch thường khu trú bên trong hạch và ít lây nhiễm như lao phổi. Sở dĩ bệnh xuất hiện là do trực khuẩn lao.

- Một số bệnh lý ác tính

Một số bệnh ung thư cũng có khả năng khiến cho hạch cổ xuất hiện, điển hình như: Hodgkin, u lympho ác tính không Hodgkin,... Ngoài ra, hạch cũng có thể di căn từ các bệnh ung thư khác như: ung thư vòm, ung thư trong khoang miệng, ung thư thanh quản, ung thư họng, ung thư phổi,... Hạch cổ do ung thư có thể tồn tại đơn lẻ nhưng cũng có thể nổi nhiều hạch cùng lúc, có thể cứng chắc hoặc mềm, tùy giai đoạn và loại ung thư mà kích thước của hạch cũng có sự khác nhau.

- Một số nguyên nhân khác:

+ Tác dụng phụ của một số loại thuốc như phenytoin, carbamazepin,...

+ Tác dụng phụ sau tiêm vacxin quai bị, sởi, thương hàn,...

+ Bệnh hệ thống: HIV/AIDS, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp,...

3. Xử trí thế nào với hạch cổ?

Từ những thông tin trên đây có thể thấy sự xuất hiện của hạch cổ là do rất nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả lành tính và ung thư. Khi bỗng nhiên thấy hạch nổi lên ở cổ, ban đầu bạn có thể quan sát và tạm thời xử lý theo hướng:

hạch cổ

Nên đến gặp bác sĩ ngay khi thấy hạch ở cổ sưng, tấy đỏ, đau

- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: một số loại thuốc giảm đau không kê đơn được đề nghị để sử dụng trong trường hợp nổi hạch gồm ibuprofen và acetaminophen có tác dụng giảm đau và hạ sốt.

- Nghỉ ngơi tại nhà: hàng ngày hãy có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể nhanh chóng được hồi phục.

Nếu đã thực hiện các biện pháp này mà hạch không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc chúng sưng đau; kèm theo các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, giảm cân đột ngột, đổ mồ hôi vào ban đêm, họng khó nuốt hoặc đau,... thì tốt nhất nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, có phương pháp giúp tìm ra chính xác nguyên nhân hạch cổ nổi lên. Hoặc trong trường hợp quá hoang mang, không biết mình nên làm gì, bạn cũng có thể trực tiếp liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để trò chuyện cùng chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bằng kiến thức y khoa được trang bị kỹ càng, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe để tư vấn hiệu quả, giúp bạn tìm ra hướng giải quyết tốt nhất để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Từ khóa » Nổi Nhiều Hạch Cứng ở Cổ